Suy niệm theo chủ đề

THỂ HIỆN ĐẠO LÀM CON

Để sống có hiếu với cha mẹ, ngoài việc ta phải biết yêu thương bản thân, yêu thương mọi người, còn phải yêu mến Thiên Chúa.

 

THỂ HIỆN ĐẠO LÀM CON

 

 

Minh Triệu

 

“Thể hiện đạo làm con” có hai khía cạnh tiêu cực và tích cực:

 

1. Khía cạnh tiêu cực

1.1. Đừng chờ khi lớn

 

“ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm” (1Tx 5,2; 2Pr 3,10). Tính bất ngờ này đã được Chúa Giêsu báo trước trong Tin Mừng Mt 24,44 và trong Lc 12,40: “Chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến”. Bởi vậy nếu không sống tốt với cha mẹ hôm nay mà chờ đến ngày mai thì chắc gì ngày mai mình còn sống để báo hiếu cha mẹ. Mặt khác, cha mẹ chắc gì còn sống để cho ta cơ hội sửa sai. Lúc bấy giờ có ân hận mà làm ma chay rình rang để tỏ ra có hiếu với cha mẹ thì cũng không ý nghĩa gì, trở thành trò cười cho thiên hạ như lời trong Tục ngữ Ca dao Việt Nam: “Sống thì con chẳng cho ăn, chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi”[1].

 

Một lý do nữa là vì Chúa Giêsu không cho phép ta hời hợt trong việc bổn phận làm con. Quả vậy, trong cõi trăm năm có người có ta mà thi hào Nguyễn Du nói tới, khi mở đầu Truyện Kiều, thì với Chúa Giêsu rất là khiêm tốn, chỉ ba mươi ba năm. Trong suốt thời gian ẩn dật, Kinh Thánh cho ta biết Người hằng vâng phục hai ông bà (x. Lc 2,51). Đức Giêsu đã không chờ đến khi trưởng thành mới ý thức bổn phận làm con nhưng Người đã bày tỏ thái độ tôn kính, sự tùng phục và tình thương yêu cha mẹ ngay từ khi có trí hiểu.

 

1.2. Đừng lệ thuộc vào tiền

 

Tiền bạc tuy rất cần, nhưng tiền không phải là tất cả. Rút và mẹ chồng sống trong cảnh túng thiếu; Gia đình Tô-bi-a cũng thế: cha bị mù, mẹ đi làm thuê, hoàn cảnh túng thiếu khiến Tô-bi-a phải vượt đường xa để đòi nợ cho cha của chàng. Chúa Giêsu cũng vậy, sinh ra trong hang bò lừa, sống cuộc đời khó nghèo:“Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Gia đình của Chúa là một gia đình nghèo; xóm làng của Chúa cũng rất nghèo, không được coi trọng lắm. Ông Na-tha-na-en đã bày tỏ thái độ đó khi trả lời ông Phi-líp-phê: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1,46). Thế mà tất cả các Ngài đều là những tấm gương tiêu biểu về sự thảo kính.

 

2. Khía cạnh tích cực

 

Để sống có hiếu với cha mẹ, ngoài việc ta phải biết yêu thương bản thân, yêu thương mọi người, còn phải yêu mến Thiên Chúa. Đối với người Kitô hữu, Thiên Chúa còn hơn cha mẹ ông bà mình nữa. Cha mẹ là người cho ta tấm thân, ân tình của các ngài cao như núi, rộng như biển, không thể lấy gì đền đáp, nhưng cha mẹ ta do đâu mà có? Tình thương yêu như trời bể của các ngài từ đâu mà ra? Ai sẽ cứu cha mẹ mình khỏi nô lệ tội lỗi? Khỏi cái chết đời đời? Đó là Chúa.

 

Trong lời tuyên xưng đức tin của thánh Phêrô:“Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68) cho chúng ta thấy Thiên Chúa là cùng đích của con người. Ngoài Người ra, không một ai là cùng đích, là hạnh phúc của con người.

 

Bởi vậy, nếu ta yêu mến Thiên Chúa chắc chắn cha mẹ sẽ được bình an. Còn ngược lại sẽ làm cho các ngài bất an. Ông Gióp đã phải dậy thật sớm để dâng lễ toàn thiêu cho con cái của ông vì sợ rằng biết đâu chúng nó đã phạm tội và nguyền rủa Thiên Chúa trong lòng (x. G 1,5). Ông đã phải thường xuyên làm điều đó bởi các con cái ông cứ luân phiên tổ chức tiệc tùng (x. G 1,4-5).

 

____________________________________________________________

[1] Vũ Ngọc Phan, Tục Ngữ Ca dao, Dân ca Việt Nam, Nxb Văn Học, tr. 323.

 

Thiết kế Web : Châu Á