Suy niệm theo chủ đề

NHỮNG LỢI ÍCH CỦA HIẾU KÍNH (Minh Triệu)

Người có lòng thảo hiếu rất được cha mẹ, người thân trong gia đình và những người xung quanh đặc biệt yêu mến.

 

Minh Triệu

 

Thảo hiếu là tình cảm thiêng liêng cao đẹp. Tình cảm ấy đem lại nhiều lợi ích thể chất cũng như tinh thần cả trên bình diện cá nhân cũng như tập thể.

 

1. Về phương diện cá nhân

 

1.1 Được yêu mến

 

Người có lòng thảo hiếu rất được cha mẹ, người thân trong gia đình và những người xung quanh đặc biệt yêu mến. Mẹ của Tô-bi-a đã phải khóc nhiều lần trong suốt thời gian xa cách nhau. Rút tỏ ra ngạc nhiên về tình cảm mà ông Bô-át dành cho cô (x. R 2, 8-16), khiến cô phải thốt lên: “Sao con lại được ông lấy lòng nhân từ đoái nhìn và quan tâm đến, dù con là một người ngoại quốc?” (R 2,10). Ông Bô-át đã không nói vì cô xinh đẹp, nhưng là vì tình cảm mà cô dành cho mẹ chồng (x. R 2,11). Ông còn xin Đức Chúa thương thưởng công cho cô: “Xin Đức Chúa trả công cho con vì những gì con đã làm! Chớ gì Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel, thưởng công bội hậu cho con, Người là Đấng cho con ẩn náu dưới cánh Người !” (R 2,12).

 

1.2 Được gia tăng nghị lực

 

Một khi tâm hồn cảm được niềm vui và sự tôn trọng của người khác dành cho mình, chúng ta được tiếp thêm nghị lực để sống có hiếu hơn. Tô-bi-a vượt đường dài lấy tiền về giúp gia đình, tìm thuốc chữa lành mắt cho cha; Xa-ra từ chối cái chết để tránh làm tủi nhục cho cha già; Rút cũng vậy, chỉ có cái chết mới có thể chia cắt được hai mẹ con. Còn Chúa Giêsu, Đấng mà Thánh Phaolô trong thư Philípphê đã hết lời ca ngợi sự khiêm hạ và vâng phục của Người: Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự(Pl 2,6-8).

 

2. Về phương diện tập thể

 

2.1. Gia đình được an vui hạnh phúc

 

Không chỉ đem lại nhiều ích lợi thể chất và tinh thần cho chính bản thân, lòng thảo hiếu còn đem lại niềm vui sướng và bình an trong gia đình. Thật vậy, như người làm vườn được mùa, như thương gia gặp được vận may, hay như người họa sĩ, văn sĩ, thi sĩ để lại cho đời một vài tuyệt tác bất hủ, đã không thể dấu nổi niềm vui sướng của mình. Người làm cha làm mẹ trong gia đình cũng vậy, sẽ rất vui mừng và hạnh phúc khi con cái mình sinh ra ngoan hiền.

 

Cho dù cuộc sống có những ưu tư lo lắng và không ít lần phải rơi lệ đi chăng nữa, cũng không lấy mất đi niềm vui bởi vì có những nỗi lo biểu lộ sự quan tâm; có những giọt lệ làm toát lên tình thương yêu cao cả. Giọt lệ của chị em Rút, giọt lệ và sự ưu tư lo lắng của ông bà Tô-bít khi Tô-bi-a xa nhà mà chưa thấy trở về. Giọt lệ của con gái ông Gíp-tác. Đó còn là giọt lệ và sự lo lắng của Đức Maria và thánh Giuse khi để thất lạc thiếu niên Giêsu trong đền thờ. Tất cả đều nói lên sự quan tâm yêu mến, và đem lại niềm vui sướng cho gia đình.

 

2.2. Xã hội đoàn kết

 

Trong gia đình là thế, còn ngoài xã hội thì lòng thảo hiếu đem lại sự đoàn kết. Thật vậy, nhờ biết trên kính dưới nhường mà tình cảm giữa con người với nhau được bền chặt. Những thái độ và tình cảm chân thành đem lại thiện cảm và niềm tin. Nhờ vậy, người ta không còn phải lo sợ những nguy hiểm cho mình hay để lại những ưu phiền cho người khác, nhưng luôn ở trong tình đoàn kết, tương thân tương ái.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á