Suy niệm theo chủ đề

Ngày 08/09, sinh nhật Đức Mẹ: BÀI SUY TƯ VỀ E-VA MỚI.

Hiền Lâm.

 

 Bài suy niệm Tin Mừng lễ SINH NHẬT ĐỨC MẸ xin click vào đây

 

ĐẶC TRƯNG CỘNG TÁC SÁNG TẠO

 

(x. St 3,15// 2Cr 5, 17).

Những tìm hiểu ở đây chỉ tập chú đến chức năng làm mẹ nhân loại của Đức Maria. Bà Eva là mẹ của chúng sinh, là tổ tiên của nhân loại, tiên trưng cho một Đức Maria sinh ra một nhân loại mới dưới chân thập giá Chúa Kitô. Khi viết: dòng giống Eva sẽ đánh vào đầu con rắn (x. St 3, 15) cho thấy tác giả Thánh Kinh nghĩ tới cần nhiều thời gian của Dân Thiên Chúa chiến thắng trên sự ác: miêu duệ của người nữ luôn bị tổn thương, nhưng vẫn được Thiên Chúa dẫn dắt đến những hoài bão mới mẻ. Niềm hy vọng sẽ chiến thắng sự ác một lần dứt khoát là nguồn cảm hứng xuyên suốt Kinh Thánh. Bà Eva là người đầu tiên đón nhận lời hứa cứu độ, thì sau này, Đức Maria là người đón nhận và làm viên mãn lời hứa đó khi làm Mẹ Đấng Cứu Độ.

Người đàn bà (x. St 3, 15) trước hết là nhân loại, được Thiên Chúa cho sinh hạ Đấng Cứu Thế, vị cứu tinh của chính nhân loại (x. Is 45, 8). Hình ảnh này được gặp thấy nơi sách Khải Huyền chương 12, cũng được áp dụng cho Đức Maria cũng như cho Hội Thánh, bởi lẽ cả hai đều đã bước vào một hôn ước thần nhiệm. Chúa Giêsu sinh làm con Đức Maria; và Hội Thánh là mẹ tất cả những người đã được tái sinh nhờ nước và Thánh Thần; do đó họ trở thành chi thể của Thân Thể Chúa Kitô, nhiệm thể này dần dần lớn lên và vươn tới tất cả mọi người[1].

Đức Maria là sự sáng tạo mới của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không tách rời Mẹ khỏi thế giới cũ kỹ như một báu vật có một không hai. Nói cách khác, cuộc tân sáng tạo không chỉ là một cá thể mang danh Maria, nhưng qua trung gian của một ngôi vị được tuyển chọn đặc biệt để tác động trên toàn thể. Thiên Chúa không cứu độ cách đơn lẻ, mà là cứu chuộc số đông bằng cách thiết lập một dòng dõi, một dân riêng, một cộng đồng…

Vì Đức Maria được đẹp lòng Thiên Chúa, nên từ Người, Thiên Chúa tác thành một nhân loại mới sống trong sự vâng phục Thiên Chúa. Thật vậy, Thiên Chúa muốn Đức Maria là “Eva mới” của “nhân loại” mới, nhân loại mới này là những người “không do máu huyết hoặc ý muốn của nam nhân, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra” (x. Ga 1, 13).

Trong ý định của Thiên Chúa, sự đổi mới nhân loại bắt đầu bằng việc tuyển chọn Eva mới, để nhờ Eva mới này mà Con Thiên Chúa mang lấy xác thịt để trở nên Adam mới. Đây là một sự đổi mới kỳ diệu và thật phi thường vượt quá sự suy tưởng của con người[2]. Toàn thể nhân loại được đổi mới do sự tiếp nhận bản tính thần linh trong thể xác của mình. Điều này trước hết được thể hiện nơi Đức Maria, vì người đã tiếp nhận Lời Thiên Chúa trong lòng mình và “xin vâng” để cho Lời Thiên Chúa được hoá thành nhục thể trong dạ mình.

Sự đổi mới nhân loại không thể chỉ là thay đổi cái vỏ bề ngoài, điều này con người có thể làm được và đang tiếp tục làm, nhưng những thay đổi bề ngoài không làm nên một nhân loại mới đúng nghĩa. Thật vậy, nhân loại mới phải được đổi mới từ bên trong, từ cội nguồn của nó, tức là phải đổi mới từ bản tính. Nhưng để có được sự đổi mới tận căn này, thì cần phải tiếp nhận Thiên Chúa vào trong chính hiện hữu, trong chính bản tính của con người và yếu tố thần linh sẽ dần dần giúp con người biến đổi nhân tính nên mới giống hình ảnh Thiên Chúa.

 Nơi Đức Maria, sự sống và ân sủng của Thiên Chúa được triển nở cách trọn vẹn và phát huy ở mức độ tối đa đối với khả năng tiếp nhận của loài thụ tạo, đụng chạm với Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là đỉnh cao của nhân loại mới. Đó là địa vị cao sang mà không ai trong loài người có thể mơ ước. Vì lẽ đó, Đức Maria đáng được gọi là Eva mới, mẹ của nhân loại mới (Saint Bernadus, De Maria Nunquam…, p. 57).

Việc so sánh Eva – Maria luôn xuất hiện trong các suy tư về gia sản đức tin được lãnh nhận từ mặc khải của Thiên Chúa. Bà Eva là “mẹ chúng sinh” (St 3, 20), nhân chứng của “khởi nguyên” theo Thánh Kinh, trong đó chứa chất chân lý về việc tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Đức Maria là chứng nhân của “khởi nguyên mới” và “sáng tạo mới” (x. 2Cr 5, 17)… sự so sánh giữa Eva và Đức Maria có thể hiểu theo nghĩa, Đức Maria là mầu nhiệm của “người phụ nữ” mà khởi điểm của mầu nhiệm này là bà Eva, “mẹ chúng sinh”; Đức Maria đón nhận mầu nhiệm này vào chính bản thân mình và đưa mầu nhiệm này vào trong mầu nhiệm của Đức Kitô là“Adam mới và cuối cùng”.

Trong truyền thống đức tin và suy tư Kitô Giáo qua mọi thời đại, việc so sánh Adam – Đức Kitô thường đi sóng đôi với việc so sánh Eva – Maria. Điều này chắc chắn có nhiều ý nghĩa, nhưng phải dừng lại ở ý nghĩa mặc khải gán cho Đức Maria những gì chứa đựng trong thuật ngữ “phụ nữ’ theo Thánh Kinh, một mặc khải sâu xa theo chiều kích mầu nhiệm cứu độ. Theo nghĩa này, Đức Maria vượt qua những ranh giới mà sách Sáng Thế nói đến (x. St 3, 16) và trở về “khởi điểm”, nơi chúng ta gặp được người phụ nữ trong công trình sáng tạo, có nghĩa là trong kế hoạch muôn đời của Thiên Chúa, trong lòng Ba Ngôi Cực Thánh[3].

Như thế, hình ảnh mang tính truyền giáo của Đức Maria nơi bà Eva ở đây chính là chức năng làm mẹ và việc đón nhận lời hứa cứu độ, vì truyền giáo đồng nghĩa với việc sinh ra cho Thiên Chúa những người con mới trong Đức Kitô và cho họ được thông phần lời hứa cứu độ. Bà Eva là nguyên tố của nhân loại nói chung, còn Đức Maria sinh ra nhân loại mới trong Đức Kitô nói riêng. Bà Eva thuộc con người đầu tiên cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo loài người từ nguyên thuỷ, còn Đức Maria là người mẹ cộng tác với Thiên Chúa trong công trình “tân sáng tạo”, hay nói đúng hơn là trong công trình cứu độ. Sáng tạo và cứu độ không thể tách rời nhau, từ khởi đầu đến viên mãn. Bà Eva tuy là người đã bất tuân phục, nhưng cũng là người đầu tiên nhận lãnh lời hứa cứu độ cho loài người (x. St 3, 15), còn Đức Maria nhận lãnh sự viên mãn của lời hứa khi sinh ra Đấng là Lời Hứa. Đức Maria là thụ tạo hoàn hảo không thể tách rời khỏi Chúa Giêsu Kitô, Đấng “sinh làm Con một người phụ nữ”. Thiên Chúa đã đặt Mẹ giữa đám tội nhân, để Mẹ phù trì nâng đỡ họ.

Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ cách tiệm tiến, kéo dài trong lịch sử Israel, trong đó có bà Sara tiếp tục nhận lời hứa qua việc sinh hạ Isaac trong lúc cao niên:

 

Vấn đề cần thận trọng khi so sánh Đức Maria với bà Eva

Điều cần mở ngoặc ở đây khi đem so sánh Đức Maria với bà Eva, đặc biệt trong cái nhìn ngày hôm nay, việc đặt đức Maria trong sự tương phản với bà Eva có thể đem lại một sự nguy hiểm đụng chạm đến nhân phẩm của người phụ nữ, vì thế, khi so sánh nên chỉ dừng lại ở việc bà Eva là hình bóng của đặc trưng làm mẹ (Mẹ chúng sinh – mẹ nhân loại) mà thôi).

Thật vậy, Khi đối chiếu Đức Maria>< Evà trong sự tương phản giữa tội lỗi và thánh thiện, cùng với những lối giải thích tiêu cực trong quá khứ của một số các Giáo Phụ và thậm chí cho đến ngày hôm nay cho thấy một sự nguy hiểm và dẫn tới sự hạ thấp người phụ nữ. Trong một vài chú giải của Đức Piô IX trong hiến chế Indffabilis Deus nhân dịp công bố tín điều vô nhiễm (8/12/1854) cũng phản ảnh điều này: Đức Piô IX đã so sánh Đức Maria với Evà trước khi Evà “sa ngã.” Tiếp đến ngài mô tả Mẹ như là một “hoa huệ giữa những bụi gai” và “gỗ không mục nát.” Mô tả Đức Maria như một “hoa huệ giữa những bụi gai” như Đức Giáo Hoàng thực hiện, không phải là để khẳng định gai góc, bởi vì gai góc bởi bản chất của chúng không bao giờ có thể trở thành bông huệ trắng. Và trong việc mô tả Mẹ như “gỗ không mục nát” ngài muốn ám chỉ rằng tất cả các loại gỗ khác phải mục nát.

Donal Flanagan cho thấy những hậu quả của việc đặt Đức Maria như là một Evà mới hoặc một người phụ nữ mới như sau:

Một cái giá phải trả cho việc so sánh này và cái giá là việc đồng hoá tất cả mọi phụ nữ khác với người đàn bà đầu tiên Evà: không kiên định, không đáng tin cậy, những hữu thể thấp kém về phương diện luân lý trong điều kiện tự nhiên của họ. Sự khác biệt rõ rệt này… tiến trình qua đó người đàn ông phân chia người phụ nữ bằng việc phóng chiếu hai biểu tượng tách biệt và mâu thuẫn về người phụ nữ, đã không bắt đầu với Kitô giáo. Đúng hơn truyền thống Kitô giáo về Đức Maria trong thời gian thích hợp đã phát sinh ra sự nhị nguyên của nó trong thuật ngữ Evà/Đức Maria. Điều này cho phép người đàn ông Kitô giáo phóng chiếu tất cả sự kính trọng, danh dự và tình yêu của anh ta về một người phụ nữ lý tưởng ở một thế giới khác, Đức Maria và vì đó xoa dịu lương tâm của anh ta đối với sự lệ thuộc thực tế và một đẳng cấp thấp anh ta cho phép với những người phụ nữ thật sự trong thế giới được thống trị bởi quyền nam giới của anh ta.

Chỉ một mình Đức Maria trong giới phụ nữ là độc nhất thánh thiện và trinh khiết và trở nên một ngoại lệ. Chính trong bối cảnh này mà sự trinh khiết được giải thích như là cuộc sống phục sinh của Tin Mừng nơi đó phụ nữ được giải phóng khỏi sự nguyền rủa hai mặt thuộc về Evà (x. St 3,16), những đau đớn của việc mang nặng đẻ đau, và sự thống trị của nam giới trên họ. Thậm chí có những quan niệm rằng trong việc chọn sống trinh khiết, phụ nữ trở thành những người đàn ông thiêng liêng và vượt trên tính phụ nữ của họ, thường là một biểu tượng của yếu điểm và nguy hiểm luân lý. Như thế, một cách nào đó coi thân xác phụ nữ là biểu tượng của tội lỗi và chỉ có sống trinh khiết mới là “đàn ông” và mới được giải thoát và đặc biệt vượt trên nữ tính. Đó là những lập luận rất nguy hiểm.

          Phóng chiếu những chi tiết “quyến rũ” tiêu cực của Evà cho những phụ nữ khác, rõ ràng không giúp chúng ta nhấn mạnh về sự liên đới của toàn thể nhân loại, đàn ông cũng như đàn bà, trong tội lỗi và trong ân sủng. Elizabeth Johnson chú ý rằng “sự bôi nhọ về các phụ nữ đã trở thành một cái hình bóng che khuất vinh quang của Đức Maria trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội.”  Một ví dụ điển hình của vấn đề này là “Madonna – hội chứng những người phụ nữ trụy lạc,” cho phép đàn ông “yêu và kính trọng người phụ nữ lý tưởng của họ trong Đức Maria, nhưng lại bỏ quên hoặc thống trị phụ nữ không bị trừng phạt và được miễn trừ, thậm chí từ những tìm kiếm về chính lương tâm của họ.” 

          Bởi vì một hệ thống cai trị đã định kiến toàn bộ phạm vi của những biểu tượng thần học, những biểu tượng truyền thống về Đức Maria như Đức Maria, một Evà Mới và khuôn mẫu Ađam Mới-Evà Mới đã hoạt động, một cách vô ý thức, trong việc kiềm chế phụ nữ trong sự đàn áp. Phụ nữ quan tâm về căn tính giới tính, sự tăng trưởng cá nhân, sự thành đạt xã hội và trí tuệ cần thiết phải khước từ những hình ảnh sai lầm như thế.

Nói cách tóm tắt, khi đặt Đức Maria trên bục và tương phản Mẹ với một Evà tội lỗi thì củng cố cho “Madonna-whore syndrome,” thuật ngữ mang tính huỷ diệt đối với phụ nữ, vì khi đó, đặc cách đặt Đức Maria ra ngoài như một ngoại lệ của người phụ nữ tốt lành và có quyền lợi, còn lại những người phụ nữ khác chỉ là những Evà, tôi lỗi và lệ thuộc.

Khuôn mẫu Evà-Đức Maria vẫn còn thấy đang hoạt động trong nền văn hoá của chúng ta, bóp méo hình ảnh của chúng ta có về phụ nữ nghiêng về một thái cực này hoặc một thái cực khác – người lừa dối quyến rũ hay hình ảnh kiêu căng về sự trinh khiết – và để lại cho chúng ta một ấn tượng, nói ra hay không nói ra, rằng phụ nữ không thể được tin tưởng làm những công việc như đàn ông có thể làm.

Thiết nghĩ, đây cũng là một sự cẩn trọng mà các thừa sai cần tìm hiểu để tránh được những sự hiểu lầm về giáo thuyết và tôn trọng bình đẳng trong mọi giới mà họ đem Tin Mừng đến.

 

Hiền Lâm

 

[1] x. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, LỜI CHÚA CHO MỌI NGƯỜI, phần chú thích, tr. 39

[2] x. Saint Bernadus, DE MARIA NUNQUAM SATIS…, p. 56.

[3] x. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, TÔNG THƯ MULIERIS DIGNITATEM, số 11.

Thiết kế Web : Châu Á