Suy niệm theo chủ đề

GƯƠNG HIẾU HẠNH TRONG KINH THÁNH

Không có con trai để tiếp tục nối dõi tông đường là bất hiếu với tổ tiên, chết về không dám nhìn mặt các người. Đó là quan niệm của một số đông người Việt Nam chúng ta. Ai rơi vào trường hợp đó, thì cảm thấy tủi nhục bất hạnh lắm. Người Do Thái cũng có quan niệm riêng của họ. Lấy chồng mà không có con là nỗi tủi nhục rất lớn (x. Lc 1,25).

 

 

GƯƠNG HIẾU HẠNH TRONG KINH THÁNH

 

 

Minh Triệu

 

Để minh chứng Đạo Chúa rất coi trọng chữ hiếu, người viết xin nêu lên hai tấm gương.

 

1. Con gái ông Gíp-tác

 

Vào thời các Thủ Lãnh, khi con cái Ít-ra-en bị người Am-mon đàn áp, ông Gíp-tác được các kỳ mục Ga-la-át tìm kiếm và tôn lên làm người lãnh đạo toàn dân Ga-la-át. Ông chỉ có duy nhất một người con gái. Cô đã can đảm hi sinh để cứu cha khỏi sự thất hứa với Chúa.

 

Số là trước khi đi giao chiến với quân Am-mon, ông đã khấn hứa với ĐỨC CHÚA rằng: “Nếu Ngài trao con cái Am-mon vào tay con, thì - khi con đã thắng con cái Am-mon mà trở về bình an - hễ người nào ra khỏi cửa nhà con để đón con, người đó sẽ thuộc về ĐỨC CHÚA, và con sẽ dâng nó làm lễ toàn thiêu” (Tl 11,30-31). Oái ăm thay, khi ông toàn thắng trở về, chính con gái ông ra đón ông, mở đầu tấn bi kịch.

 

Ông Gíp-tác vô cùng đau đớn. Thoạt nhìn thấy cô, ông liền xé áo và nói: “Ôi, con gái của cha, thật con làm khổ cha rồi! Chính con lại ở trong số những kẻ gây bất hạnh cho cha! Cha đã trót mở miệng khấn hứa cùng ĐỨC CHÚA và không thể rút lại được” (Tl 11,35).

 

Nhưng con gái của ông đã không để ông phải khó xử. Cô thưa với cha: “Thưa cha, cha đã trót mở miệng khấn hứa cùng ĐỨC CHÚA, thì cha cứ thi hành cho con như lời cha đã khấn hứa, vì ĐỨC CHÚA đã cho cha trả thù được con cái Am-mon, kẻ thù của cha” (Tl 11,36).

 

Với sự tự nguyện, cô đã hiến mình để cứu cha khỏi sự thất hứa với Chúa. Thương yêu cha đến vậy, thực thế gian bao nhiêu người mới có được một? Nếu nàng Kiều nổi tiếng về lòng hiếu thảo bởi đã tự nguyện bán mình chuộc cha, thì đây còn hơn thế nữa.

 

2. Gương nàng dâu Rút

 

Vào thời các Thủ Lãnh cai trị, ở Mô-áp có gia đình bà Na-o-mi đến từ Bê-lem miền Giu-đa để tránh nạn đói. Nhưng chồng mất, hai con trai cũng sớm rời xa mẹ mà đi theo cha. Điều duy nhất còn lại là hai người con dâu, nhưng chỉ làm bà thêm đau lòng. Bà thương các con, không muốn chúng cùng chung số phận, nên đã ép chia tay. Song, chỉ có Oóc-pa trở về nhà tái giá, còn Rút thì một mực không chịu rời xa mẹ:

 

„Bà Na-o-mi khuyên hai con: “Thôi, mỗi người chúng con hãy trở về nhà mẹ mình. Xin ĐỨC CHÚA tỏ lòng thương chúng con, như chúng con đã tỏ lòng thương những người quá cố và mẹ! Xin ĐỨC CHÚA cho mỗi người chúng con tìm được cuộc sống an nhàn dưới mái nhà một người chồng !” Rồi bà ôm hôn hai con dâu. Cả hai òa lên khóc và thưa : “Chúng con muốn cùng mẹ trở về với dân của mẹ”. Bà Na-o-mi lại khuyên: “Các con ơi, về đi, theo mẹ làm gì? Trong lòng mẹ còn con trai nào nữa đâu mà gả chồng cho các con. Về đi, các con ơi! Đi đi! Mẹ quá già rồi, không còn tái giá được nữa. Cho dù mẹ có nói được : mẹ còn hy vọng, ngay đêm nay sẽ lấy chồng và sinh được con trai, thì chẳng lẽ chúng con cứ đợi mãi cho đến khi chúng lớn lên? Chẳng lẽ chúng con cứ ở vậy, không chịu lấy chồng ? Không, các con ơi ! Tình cảnh chúng con làm mẹ cay đắng lắm, vì tay ĐỨC CHÚA giáng phạt mẹ”. Hai chị em lại oà lên khóc. Oóc-pa ôm hôn từ giã mẹ chồng, còn Rút thì cứ khắng khít theo bà. Bà Na-o-mi lại khuyên: “Kìa chị dâu con trở về với dân tộc của nó và các thần của nó. Con cũng vậy, hãy theo chị dâu con mà về đi!” Rút đáp lời mẹ: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa, vì mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con. Mẹ chết ở đâu, con chết ở đó, và nơi đó con sẽ được chôn cất. Xin ĐỨC CHÚA phạt con thế này và thêm thế kia nữa, nếu con lìa xa mẹ mà không phải vì cái chết!” Thấy Rút cứ một mực đi theo mình, bà Na-o-mi không còn nói gì về chuyện đó nữa. Hai mẹ con cùng đi cho đến khi tới Bê-lem“ (R 1,8-17).

 

Không có con trai để tiếp tục nối dõi tông đường là bất hiếu với tổ tiên, chết về không dám nhìn mặt các người. Đó là quan niệm của một số đông người Việt Nam chúng ta. Ai rơi vào trường hợp đó, thì cảm thấy tủi nhục bất hạnh lắm. Người Do Thái cũng có quan niệm riêng của họ. Lấy chồng mà không có con là nỗi tủi nhục rất lớn (x. Lc 1,25). Hiểu nổi đau khổ đó, Bà Na-o-mi không muốn hai con dâu đi theo mình, nhưng khuyên trở về nhà tái giá. Rút chắc chắn hiểu được điều này, nhưng cô chấp nhận nó, vượt lên quan niệm đương thời, chỉ để được ở bên mẹ và phụng dưỡng mẹ.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á