Suy niệm theo chủ đề

ĐIỀU KIỆN ĐỂ THEO ĐỨC GIÊSU

Con đường thập giá là con đường hẹp, con đường chẳng mấy ai đi nhưng là đường dẫn tới sự sống đích thực. Trên con đường ấy, người lữ hành phải đối diện với gian nan, thử thách, thậm chí nguy hiểm đến mạng sống.

 

ĐIỀU KIỆN ĐỂ THEO ĐỨC GIÊSU

(Lc 9,23-29)

                                                                                                          

Đức Dũng

 

Thánh Irênê nói: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống”. Con người, ai cũng khao khát sống và sống lâu, sống thọ. Do đó, ai cũng ao ước chiếm hữu và hưởng thụ những thực tại trần gian như tiền tài, danh vọng… Thế nhưng, sứ điệp về sự sống mà Thiên Chúa hứa ban thì hoàn toàn đảo ngược các nấc thang giá trị. Cái ta yêu thích, quý chuộng thì Ngài bảo phải ghét. Điều ta ghét, ta sợ, Ngài lại dạy phải yêu, phải chuộng. Thông điệp ấy được Chúa nói đến trong Lc 9,23-26. Vậy, người Kitô hữu, người môn đệ của Chúa Kitô phải hiểu thế nào về sự sống mà Thiên Chúa hứa ban?

 

Thế giới với những thực tại tuyệt mỹ là những kỳ công vĩ đại được Thiên Chúa làm ra cho con người và vì con người. Đồng thời, có một sự thật không ai có thể chối cãi được là con người và thế giới là thực tại chóng qua, vô thường. Đấng Cứu Thế đến trần gian để dẫn đưa con người đi về thế giới mới, một thế giới vĩnh hằng và bất biến. Đức Maria đã từng nói về sự mau qua, mau tàn của trần gian: “Các con yêu dấu! Đời sống của các con ở trần gian đẹp đẽ như bông hoa nhưng mau tàn. So với đời sống vĩnh cữu nó quá vắn vỏi. Vì thế, đời sống trần gian này chỉ để chuẩn bị cho đời sống vĩnh cửu trên thiên đàng” [1].

 

Không phải khi Đấng Mêsia giáng trần để cứu nhân độ thế thì con người mới bắt đầu suy tư về thân phận mỏng giòn của mình. Bởi vì, con người là hữu thể có lý trí và có đặc tính “nhân linh ư vạn vật”. Do đó, con người từ bao thuở trước đã ưu tư khắc khoải về thân phận của mình với những vấn đề được đặt ra như: Tôi từ đâu đến? Tôi phải sống như thế nào? Sau khi chết tôi đi về đâu?

 

 Những vấn nạn liên quan đến phận người đã được Đức Giêsu Kitô long trọng tuyên bố: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Con đường dẫn đưa nhân loại đến với Ngài là sự thật và là sự sống là con đường thập giá: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23b). Quả thật là nghịch lý, ngược đời, vì: “Thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta…thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa” (1Cr 1,18). Đối với các Kitô hữu đích thực, các môn đệ chân chính của Đức Kitô thì thập giá là đỉnh cao của tình yêu tự hiến của Đức Kitô vì Ngài đã “vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8), để tôn vinh Cha và cứu độ nhân loại. Hiểu được thập giá Đức Kitô, người tín hữu, người môn đệ của Ngài phải được thanh tẩy và hòa nhập với thập giá Đức Kitô. Đồng thời, họ cũng phải mặc lấy tâm tình và ý hướng của Thầy mình.

 

Con đường thập giá là con đường hẹp, con đường chẳng mấy ai đi nhưng là đường dẫn tới sự sống đích thực. Trên con đường ấy, người lữ hành phải đối diện với gian nan, thử thách, thậm chí nguy hiểm đến mạng sống. Đó cũng là điều kiện mà Chúa đặt ra cho những ai muốn đi theo Ngài: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,24). Liều mất mạng sống trước hết là một hình thức tu thân, đó là sửa đổi bản thân qua việc thực hành khổ chế. Qua thực hành khổ chế, người môn đệ Chúa Kitô cùng chết với Ngài, thông hiệp với Ngài trong các khổ nạn. Thông hiệp là yêu thương, vì yêu thương là tìm thông hiệp trong các đau khổ, vui buồn của người mình yêu.

 

Chính “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Liều mất mạng sống mình là từ bỏ con người cũ với những hành vi xấu xa, những đam mê trần tục, mặc lấy con người mới dưới sự hướng dẫn của Thần Khí. Những ai can đảm vác thập giá đời mình và tháp nhập vào thập giá của Đức Kitô, qua Đức Kitô, nhờ Thần khí, Chúa Cha sẽ biến những kẻ đã chết vì tội lỗi thành người sống: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11).

 

Hệ quả của mầu nhiệm tình yêu thập giá là tôn vinh Thiên Chúa và cứu độ nhân loại. Muốn cho nhân loại được cứu độ thì phải đi rao giảng Tin Mừng của Chúa.  Cuộc đời người môn đệ chân chính của Chúa Kitô rập khuôn theo cuộc đời của Thầy mình qua việc vác thập giá, liều mạng vì Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài. Người môn đệ Chúa Kitô phải tích cực chia sẻ sứ mạng của Thầy, phải ý thức được vai trò của mình như thánh Phaolô: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Công cuộc loan báo Tin Mừng thường hay bị các thế lực đối lập chống đối và bách hại. Do đó, Đức Giêsu Kitô cũng muốn môn đệ của Ngài cũng phải thí mạng vì truyền giáo.

 

Tóm lại, theo Đức Kitô là từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày, liều mất mạng sống mình… là lời mời gọi dứt khoát và khẩn thiết làm nên giá trị đích thực của người môn đệ chân chính. Đây chính là mầu nhiệm sống đức tin mà những ai yêu mến Đức Kitô mới cảm nghiệm được trên lộ trình dấn bước theo Ngài.

 

________________________

 

[1] Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn, Cssr, Đọc Tin Mừng Theo Gioan, Tập IV, Phục Sinh Chính Là Ta, Nxb Tôn giáo 2003, tr. 504.

 

Thiết kế Web : Châu Á