Suy niệm

Vấn đề truyền thụ ngày nay

“Truyền thụ (tradere, tiếng La tinh) nghĩa là gì? Phải truyền thụ từ ai, cho ai thì mới chính đáng?

 

 

 

VẤN ĐỀ TRUYỀN THỤ NGÀY NAY

 

Tác giả: Jacques Arènes,

Giáo sư Khoa học Xã hội và Kinh tế,

Học viện Công giáo Paris

Người dịch: Lm. Phêrô Trần Ngọc Anh

 

1. Tiếp cận về mặt lịch sử

Ngày nay, vấn đề truyền thụ (transmission)[1] được đặt ra. Vấn đề được đặt ra vì sự truyền thụ không còn là chuyện hiển nhiên nữa… Trước đây, các thế hệ tái hiện y như nhau, và đã không có gì làm dấy lên loại vấn đề này. Chính khó khăn hiện thời về một đề tài như thế khiến vấn đề truyền thụ được quan tâm trở lại. Dĩ nhiên, chúng ta đừng để mình bị nhầm lẫn với cái được giả định là thời gian thiên đường, nơi mà sự truyền thụ được thực hiện “cách tự nhiên”… Nếu Socrate bị kết án vì ông đã có tư tưởng vô thần và đã làm hư hoại tuổi trẻ, thì chính là vì, ở Hy lạp thời cổ đại, sự lo sợ về việc truyền thụ, sự e ngại là tuổi trẻ không sẵn sàng đón nhận cách thích đáng những truyền thống đã có từ trước. Như thế, sự truyền thụ trở nên khó khăn vào những thời kỳ rối ren, lúc mà một số sức mạnh –không phải là các bậc cha mẹ– dùng đòn bẩy truyền thụ để tạo ảnh hưởng trên “những người mới đến trong thế giới”, theo lối nói của triết gia Hannah Arendt.[2] Chẳng hạn trường hợp của sức mạnh truyền thông đại chúng (médias).

 

a. Sự truyền thụ ở các cấp độ: chính trị và riêng tư

 

Nữ triết gia này đã cho thấy, giáo dục và sự truyền thụ đã, từ nhiều thế kỷ, làm cho thế giới phương Tây ngày càng bận tâm hơn. Nhưng nét đặc trưng của thế kỷ XX, đó là sự kiện giáo dục đã trở thành một đề tài chính trị tại nơi này. Các chế độ nhà nước cực quyền đã không lầm khi toan tính sử dụng đòn bẩy giáo dục để xây dựng quyền lực của họ. Như thế, sự truyền thụ lôi kéo sự quan tâm của tất cả chúng ta ở nhiều cấp độ, trước tiên ở cấp độ mà cuộc sống và tổ chức Đô thị (organisation de la Cité) đều có liên quan (tức cấp độ chính trị), nhưng cũng ở cấp độ riêng tư nhất của những gì xảy đến ngay giữa các gia đình; cả hai cấp độ này -chính trị và riêng tư- lại gắn bó với nhau cách nghịch lý. Điều xảy ra ở cấp độ của tính riêng tư (sự truyền thụ tình cảm, sự truyền thụ tình yêu cách nào đó, -bởi vì tình yêu vốn “luân chuyển”, và nếu nó được trao tặng, thì sau đó nó có thể được truyền thụ- sự truyền thụ các thần thoại và các giá trị gia đình, sự truyền thụ các luật lệ, các tập quán, kể cả của cải) về mặt nào đó gặp lại tính tập thể, nơi mà trường học không còn là đòn bẩy quan trọng duy nhất trong việc truyền thụ.

 

Hai mặt riêng tư và tập thể của sự truyền thụ gặp nhau và đôi khi cạnh tranh với nhau, và liên kết với nhau cách kín đáo, khi chúng phát triển trong lịch sử. Vì thế, sử gia Philippe Ariès -người đã nghiên cứu rất nhiều về gia đình- nêu rõ sự biểu hiện tình cảm đối với con trẻ, và sự âu yếm trong các gia đình thời hiện đại đã hình thành như thế nào, đồng thời sự phát triển của những môi trường đặc biệt dành cho con trẻ (nhằm giáo dục và truyền thụ kiến thức) như trường học.[3] Bắt đầu từ thế kỷ XIV (thời điểm mà người ta thấy xuất hiện trong các nghĩa trang những ngôi mộ trẻ em được chôn cất một mình, và tập tục này hoàn toàn được phổ biến vào cuối thế kỷ XVII), có hai sự chuyển hướng, ở quy mô lớn, đã xuất hiện trong các phong tục. Một đàng, trường học đã thế chỗ cho việc học nghề, được quan niệm như phương tiện giáo dục, và trẻ em không còn sống trà trộn với người lớn trong họ hàng để học biết đời sống xã hội nhờ tiếp xúc với họ.[4] Đàng khác, tình cảm giữa vợ chồng với nhau, và giữa vợ chồng với con cái đã phát triển đến mức việc mất đi một đứa con trở thành một biến cố đau buồn đặc biệt như chúng ta biết ngày nay. Cho dẫu giả thuyết về sự xuất hiện của tình cảm dành cho con cái về sau đã được sửa đổi một phần (chẳng hạn thời cổ đại La mã cũng cho thấy có một sự biểu lộ nào đó về tình yêu dành cho con cái) thì sự quan tâm liên tục đối với việc giáo dục còn kéo thêm một ước muốn (ngày nay có thể là một ám ảnh) là truyền thụ, và nhất là truyền thụ những gì “tốt”.[5] Gia đình với tư cách là môi trường nguyên thủy của việc truyền thụ riêng tư, trong một bầu khí ngày càng cởi mở qua nhiều thế kỷ cho việc tiếp nhận tính độc đáo và sự tự do của đứa trẻ, đã trở thành môi giới chấp nhận những phương thế giáo dục mang tính cơ chế. Lãnh vực truyền thụ trong bầu khí thân tình chỉ có thể mở rộng, nếu người ta giữ một mối liên hệ chặt chẽ với những phương thế đã được xã hội hạn định. Sự truyền thụ nằm nơi giao thoa giữa xã hội và sự riêng tư không phải là một dữ kiện mới đối với ngành phân tâm học. Freud vì thế đã nhắm tới hình ảnh người cha như động cơ thúc đẩy sự truyền thụ văn hóa tập thể.

 

b. Một sự truyền thụ hỗn loạn hơn và đa dạng

 

Nhưng các môi trường xã hội của việc truyền thụ ngày nay trở nên đa dạng và phức tạp hơn, sức mạnh của truyền thông đại chúng và của kinh tế là một thí dụ, điều này chắc chắn kéo theo cảm giác hỗn loạn nơi nhiều bậc phụ huynh vì không nắm được mọi cơ may trong tay khi đứng trước những vùng ảnh hưởng đa dạng mà con cái họ phải hứng lấy. Như thế, sự truyền thụ trở nên khó khăn, bởi vì nó tan biến giữa nhiều yếu tố phức tạp, và bởi vì chính các bậc phụ huynh cũng như nhiều nhà giáo dục, ở mức độ họ đang đứng, thường nghĩ rằng mình không còn thích hợp để làm công tác truyền thụ.

 

Quả là hữu ích khi nhắc lại nghĩa từ nguyên (sens étymologique), trong tiếng Pháp, của khái niệm truyền thụ. “Truyền thụ (tradere, tiếng La tinh) nghĩa là gì? Phải truyền thụ từ ai, cho ai thì mới chính đáng? Những mối liên hệ giữa traditio “điều đã được truyền thụ”, với cái mà người Hy lạp gọi là paradedomena, “điều đang được truyền thụ”, không bao giờ rõ ràng cả. Nếu như ngữ nghĩa của từ “trahison” (phản bội) và của từ “traduction” (dịch) không hoàn toàn xa với từ “tradition (truyền thống) thì chắc hẳn đó không phải hoàn toàn là chuyện tình cờ”,[6] George Steiner xác nhận. Sự truyền thụ chứa đựng một phần không chắc chắn, nên kết quả truyền thụ không bao giờ là điều ta hoàn toàn mong muốn. Phần bất định này là rất lớn, trong bối cảnh hiện nay. Những lo ngại và những vấn đề đều xuất hiện ở cấp độ cá nhân cũng như cấp độ tập thể. Phải truyền thụ với giá nào? Việc truyền thụ phải chăng, cách nào đó, là bạo lực đối với con trẻ? Có nguy cơ truyền thụ điều “xấu” không, mặc dầu lòng ta vẫn ước muốn chuyển đạt những điều “tốt”?

 

2. Lo sợ truyền thụ cái “xấu”

 

Sự truyền thụ giả thiết phải có một ý muốn chuyển đạt, (và) một hành vi tự nguyện tiếp thu di sản. Nó đề cao một nhãn quan hướng về tương lai, nơi mà người ước muốn truyền thụ nhận ra mình. Truyền thụ là một sự sản xuất (production) chứ không phải là một sự tái sản xuất (re-production). Như thế, việc truyền thụ giả thiết phải tạo ra cái mới từ cái đang hiện hữu, phải ấn định thời gian để làm điều đó, nhưng cũng đồng thời chú ý đến quá khứ.[7] Kể từ Jean-Jacques Rousseau, văn hóa phương Tây nhắm tới (trong giáo dục) sự tuyệt đối mới mẻ mà con trẻ mang đến. Định nghĩa về nhân tính chủ yếu là những từ ngữ nói về sự hoàn hảo và sự tự do. Chính nơi tình trạng trẻ thơ, nơi việc giáo dục, thậm chí nơi việc truyền thụ mà khả năng hoàn thiện trở nên dễ dàng hơn, trong một năng động, nơi mà người lớn tìm cách cho trẻ em đạt được chân tính của nó.

 

Trong thực tế, ngày nay có sự va chạm giữa hai giả thuyết liên quan đến con trẻ, cả hai đều đã từng thịnh hành ở thế kỷ XVIII. Lý thuyết thứ nhất ưu tiên coi con trẻ như tabula rasa,[8] khối sáp tinh khiết mà giáo dục sẽ ghi khắc trên đó. Quan niệm này có thể đem đến cảm giác về trách nhiệm vô hạn của các bậc phụ huynh, và khiến họ lo sợ phải đảm nhận việc truyền thụ. Quan niệm thứ hai hình dung tính riêng biệt của cá thể, một bản tính tự do và hạnh phúc cần phải được bảo vệ để giúp người trẻ trở thành chính họ.[9] Giả thuyết thứ hai này -“chịu ảnh hưởng của Rousseau” nhiều hơn- cũng có thể thúc đẩy các bậc phụ huynh đừng can thiệp, để tránh làm ô nhiễm bản tính tự do của con trẻ. “Chính con cái sẽ tự chọn lựa”, người ta thường nghe nói như thế ở phương Tây, ngay cả trong lãnh vực tôn giáo. Chúng ta đừng quên rằng Rousseau đã cho phép Emile[10] chọn một tôn giáo chẳng hạn.

 

Chân lý nằm ở chỗ dung hòa hai quan niệm, nhưng thật thú vị khi nhận ra rằng cả hai quan niệm về tuổi thơ đó ngày nay lại yểm trợ mạnh mẽ tới mức nào cho cùng một quan niệm bi quan về sự can thiệp của các bậc phụ huynh. Thời đại chúng ta không còn quan tâm đến di sản của cái tích cực: chính nỗi lo sợ tiêu cực đó đang lan tỏa rộng rãi. Ước nguyện truyền thụ điều được cho là “tốt” trong di sản của cha ông bị thay thế bằng sự lo lắng là mình đã truyền thụ cái “xấu”, dù đã không muốn điều đó. Chúng ta đặt ra bao câu hỏi về cái gì là “tốt” cần được truyền thụ, và chúng ta cũng không luôn luôn tin vào chính sự cần thiết phải truyền thụ. “Niềm tin” mình truyền thụ cái “xấu” được đặt nền tảng trên ý tưởng: những gì đã không được giải quyết sẽ quay về lại cách vô thức. Trong thực tế, quá khứ làm ta sợ hãi, và cái nhìn -“chỉ chú tâm vào hiện tại” của cuộc sống- khiến chúng ta quan niệm quá khứ dưới những điềm báo nguy hiểm.

 

3. Lý thuyết của Freud về sự truyền thụ

 

Lý thuyết của Freud về sự truyền thụ xoay quanh cái thiếu. “Sự truyền thụ được thực hiện không chỉ từ cái yếu và cái thiếu, mà còn từ cái đã không xảy ra, không được viết ra và không được hình dung”.[11] Nói tóm lại, điều mà các bậc cha mẹ đã không thể hiểu được, điều mà họ không thể “giải quyết” về phương diện tâm lý, điều mà họ thấy thiếu hoặc điều đã gây chấn thương cho họ sẽ xuất hiện lại trong đời sống của con cái họ. Công tác của tư tưởng và của ý thức, đó là phương thế ngăn chặn sự truyền thụ cái tiêu cực. Điều đó đúng trong lịch sử của các dân tộc và trong đời sống của từng con người.

 

Như thế, phần vô thức của việc truyền thụ có thể là đau đớn. Nhưng nó cũng có một chiều kích hoàn toàn tích cực. Mọi người đều bị kềm chế trong mạng lưới ý tưởng dày đặc của “chúng ta”, chứ không chỉ của các bậc cha mẹ. Vì thế, nhà xã hội học Anne Muxel nói đến những vòng tròn đồng tâm của ký ức gia đình trên đó sự truyền thụ được xây dựng: được chôn vùi ở mức sâu nhất là ký ức liên hệ đến các giác quan, ký ức về những cảm xúc và những ấn tượng đầu tiên, về những màu sắc và những mùi vị bao bọc tuổi ấu thơ non nớt nhất. Ký ức này chi phối cảm năng và tính sáng tạo nơi những con người.[12] Vòng tròn thứ hai là ký ức liên hệ đến thân xác, tức những hồi niệm về thân xác của mình và thân xác của những người khác. Vòng tròn thứ ba, theo Anne Muxel, là ký ức cụ thể về những nơi chốn, những sự vật, những tấm ảnh. Vòng tròn thứ tư, vòng tròn cuối cùng, là vòng tròn của những diễn từ và những giá trị, với một sự nội tâm hóa nào đó từ khối “chúng ta” mang tính gia đình, từ một lịch sử được chia sẻ về những lý tưởng chung. Vấn đề truyền thụ “cao cả nhất” (việc truyền thụ các giá trị và các lý tưởng) được ghép vào kết cấu này và vào cuộc sống đậm đặc của những vòng tròn nội tâm, những vòng tròn xưa cũ nhất, và nó được cấu tạo do sự yêu thích chính cuộc sống. Người ta không thể chọn lựa một sắc thái nào đó của sự truyền thụ, do tính phức tạp của nó và do phương cách theo đó các “giai tầng” khác nhau dựa lên bề dày của chính cuộc sống. Đối với đứa trẻ còn non nớt thì sự truyền thụ nằm nơi mùi thân thể của người mẹ hoặc của người cha cũng như nơi những giờ phút qua đi trong niềm vui được lần giở những tập ảnh chụp. Nó cũng diễn ra ở cấp độ phong phú nhất, cấp độ lời nói và diễn từ, nhưng chính sức sống đậm đặc của những yếu tố phía dưới chống đỡ cho phần tinh anh và cao thượng của sự truyền thụ. Phần tiềm thức của cá nhân được hình thành từ đoàn thể.

 

4. Sự truyền thụ không thụ động

 

Sự truyền thụ không bao giờ thụ động. Chính từ động lực của sự tự do của chủ thể, của đứa trẻ đang tiến triển, của thiếu niên, của thanh niên mà những gì được truyền thụ (cho kẻ được gửi gắm) được tiếp thu thành của riêng mình. Điều phân biệt con người với con vật là khả năng thay đổi (các động vật, trái lại, tái hiện lại giống hệt nhau), là động năng cải thiện từ thế hệ này sang thế hệ kia. Con người là sinh vật có thể -trong dòng các thế hệ- làm xuất hiện cái mới. Và, đối với “tất cả những người mới đến” trong thế giới, vấn đề là tìm được sự cân bằng giữa những gì họ tiếp nhận như một món nợ về mặt hữu thể với những gì họ chiếm hữu làm của riêng mình. Hai lần, Freud sử dụng châm ngôn mà Goethe đặt trên miệng của Faust: “Những gì bạn thừa hưởng từ cha ông mình, hãy chinh phục chúng, để sở hữu được chúng. Mỗi người trẻ hay người mới trưởng thành cần phải tìm lấy sự cần bằng giữa “mình là cùng đích cho bản thân mình” với “mình là một mắt xích của một dây chuyền mà mình lệ thuộc ngoài ý muốn của mình”.[13] Trong nền văn hóa của chúng ta và vào thời đại của chúng ta, ít ra ở thế giới phương Tây, ý thức về cái mới gia tăng và các thế hệ trẻ càng ngày càng ít lệ thuộc vào quá khứ. Người tiếp nhận sự truyền thụ luôn luôn -phần nào đó- trong tình trạng xung đột với người truyền thụ. Sự xung đột cần thiết trong việc truyền thụ này không thể tồn tại nếu như không có “sự vững vàng” của các bậc cha mẹ, nhất là của người cha. Cho dẫu người trẻ chống lại cha mẹ mình, thì những phụ huynh này cũng không được trốn tránh; họ phải có khả năng kềm giữ đương sự, hướng dẫn và chỉ cho đương sự một hướng đi.

 

Tính xung đột của việc truyền thụ luôn có hiệu năng. Người trẻ sẽ va chạm với những giới hạn do cha mẹ đặt ra, và đương sự sẽ tìm kiếm những giới hạn mới. Do vậy mà Freud nói tới “cái nhu cầu” quyền bính nơi người trẻ.[14] Quyền bính đó tỏ lộ trong sự gặp gỡ giữa cha mẹ và người trẻ, như cuộc đối chất giữa hai tâm lý. Nó bao gồm một thực tại có thể thương lượng, mang tính xung đột, lưỡng diện.[15] Dĩ nhiên, một phụ huynh có thể và phải đặt ra cho chính mình những vấn đề đạo đức về điều mà mình phải truyền thụ, và về cách thế truyền thụ điều đó, nhưng không một phụ huynh nào là người nắm giữ ý nghĩa tối hậu của điều mình truyền thụ.

 

5. Tư thế truyền thụ

 

Chúng ta đang nỗ lực -ít ra một cách ý thức- truyền thụ di sản nào? Các “giá trị” dĩ nhiên, theo nghĩa chúng là những giá trị của một “cuộc sống tốt” (như suy nghĩ của nền văn hóa Hy lạp cổ), một cuộc sống mà chủ thể có thể thể hiện không chút xấu hổ trong sự tôn trọng nhân tính nơi mình và nơi người khác: chú ý đến người khác và chính bản thân, ước muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, quan tâm đến tập thể, nhưng cùng với một hy vọng nào đó, một “sở thích” về tương lai. Với các Kitô hữu, đó cũng là truyền thụ đức tin. Mọi thứ đều có thể truyền thụ chăng? Chắc chắn là với tính cách nội dung khách quan rồi, nhưng kết quả thì không chắc chắn. Những lời lẽ nói về các giá trị không bao giờ có thể tự thân sinh ra các giá trị. Các giá trị, ý nghĩa, đức tin không được truyền thụ chỉ bằng ngôn từ, mà còn bằng thực tiễn nữa.

 

Trong tác phẩm “Các bậc thầy và các môn đồ”, Steiner nhấn mạnh là cuộc sống cụ thể của vị thầy, tự nó thôi đã có giá trị minh họa lớn biết mấy. Tác giả nói: “Socrate và các thánh giảng dạy bằng cuộc sống của các ngài”.[16] Theo Kierkegaard, Socrate không truyền thụ một kiến thức và cũng đã chẳng để lại một ý tưởng độc đáo nào. Ông chỉ để lại một thái độ sống, một cách thức tra vấn thế giới, như một ký ức về công trình suy tư của mình. Thực ra Kierkegaard cũng đã nêu lên ba dung mạo thầy: Đức Kitô, Socrate, và “chim trời”. Đức Kitô cũng truyền thụ, cùng cách thế với Socrate, qua sự dấn thân hiện sinh của Người. Nhưng kỳ lạ hơn cả là dung mạo chim trời. Theo triết gia người Đan mạch này thì chính bản thân hoa huệ ngoài đồng và chim trời là chất liệu cho giáo huấn của chúng, qua một cuộc sống đơn giản nêu ra cho hiện tại. Có một cái gì đó của hữu thể chúng ta diễn ra trong cái hôm nay của sự truyền thụ, và sự dấn thân hết mình của chúng ta là điều quan trọng nhất trong lãnh vực này.

 

Như thế, sự truyền thụ trước tiên là một tư thế, một cách thế hiện hữu tạo hương vị cho tương lai. Thực ra, chúng ta truyền thụ cách thế hiện hữu của chúng ta cũng như truyền thụ các nội dung. Ai đã tiếp nhận để rồi lưu giữ một cái nhìn nào đó, một thái độ nào đó, một hành vi quả cảm hay dịu dàng nào đó của cha mẹ hoặc của một nhà giáo dục, lại thấy mình cũng ước muốn truyền thụ như vậy. Như thế, chúng ta sáp nhập những người đi trước chúng ta vào trong tiến trình truyền thụ. Tự đồng nhất hóa, chính là trở nên, phần nào đó, giống với một đối tượng, một con người. Đó cũng là tiếp nhận người khác vào nơi bản thân, là tiến trình diễn ra trong trường hợp tang chế, nhưng cũng là hoàn toàn tất yếu đối với các bậc cha mẹ, khi các ngài sẽ dần qua đi. Trong chuyển động sáp nhập này, tự do của mỗi người đều có liên lụy. Tuy nhiên, điều được truyền thụ, chính là mong muốn truyền thụ (tức ước nguyện được đặt mình, với tính cách một chủ thể tự do trong dây chuyền truyền thụ) hơn là trong những nội dung minh bạch của sự truyền thụ.

 

Đối với điều này thì ẩn dụ vật chứng (témoin)[17] rất có ý nghĩa. Trong các cuộc thi chạy tiếp sức, người tranh tài chuyển một vật chứng, và nó phải được một người khác mang đi. Ở đây, việc chuyền (transmission) tự thân là cốt yếu. Nhà phân tâm học đồng thời là nhà luật học người Pháp Pierre Legendre khẳng định: “Nền tảng của sự truyền thụ trong nhân loại (mang dấu ấn tùy theo những nền văn hóa được kiểu thức hóa cách khác biệt nhất) chính là hành vi truyền thụ […], một sự truyền thụ không đặt nền tảng trên một nội dung, nhưng trên hành vi truyền thụ”.[18] Vật chứng mà người ta chuyền cho nhau chỉ là một sự vật vô nghĩa (vide), điều cốt yếu là làm sao mang vật chứng về đến đích. Người chuyền vật chứng phải tiếp tục đường chạy của mình đồng thời để mắt xem người nhận vật chứng, không quay người lại, đã đưa tay ra đúng ngay chỗ người chuyển sẽ đưa vật chứng cho anh ta. Người nhận phải tiếp tục đường chạy của mình trước cả khi người chạy trước đến, để không phá vỡ tốc độ đã đạt được, và nối thêm -qua thân xác của mình- hành vi chuyển vật chứng. Hình ảnh thể thao này giúp chúng ta thấy được cái cốt yếu của việc truyền thụ. Đó tiên vàn là ưa thích truyền thụ và tự đặt mình trong một quan niệm sáng tạo nào đó về thời gian, mở ra với tương lai. Lúc đó, cái ước muốn truyền thụ cũng chủ yếu như chính sự truyền thụ. Như thế, sự truyền thụ sẽ tự thân là tốt đẹp, nằm bên ngoài mọi nội dung, như một cách thế mà người trẻ liên kết với những người đã có đó, với nền văn hóa, nguồn nuôi dưỡng ý nghĩa. Qua tư thế truyền thụ này, người trẻ tiếp nhận và hiểu ngay sự quan tâm mà những người đã đến trước trong thế giới dành cho mình. Như thế, sự truyền thụ được hình thành từ một diễn từ mặc nhiên, muốn cho người trẻ hiểu rằng thế giới có một ý nghĩa, và những người cao tuổi nhất đang tìm cách đưa vào trong thế giới này ý nghĩa đó.

 

6. Sự truyền thụ cách gián tiếp

 

Để bước chuyển tiếp được suôn sẻ, thì người chuyển đạt phải chấp nhận buông ra, và không truyền lệnh như thể mình là người thiết lập ý nghĩa, trong khi mình chỉ là một mắt xích. Có rất nhiều cách làm sai lệch sự truyền thụ. Thực vậy, có thể là người truyền thụ tập trung quá mức vào sự truyền thụ, không để cho người tiếp nhận khả năng nói không, hoặc đón nhận đối tượng truyền thụ theo nhịp độ của họ. Cái “quá mức” trong sự truyền thụ đã từng tồn tại như vậy trong quá khứ, trong một xã hội rất có giai cấp, nơi đó những người trẻ tuổi nhất không có quyền lên tiếng. Điều đó vẫn còn tồn tại ngày hôm nay, nhưng một cách tinh vi hơn nhiều. Một xã hội có giai cấp rõ ràng không còn là điểm nhắm của các giới cầm quyền. Trong gia đình, khi các thứ quyền hành không còn vận hành theo hình thức cơ chế của bậc gia trưởng, thì chúng lại bùng phát trong các tương quan hỗn hợp –thậm chí thống trị- giữa người lớn và trẻ nhỏ.

 

Một cách thế khác làm sai lệch sự truyền thụ (luôn về phía người truyền thụ) là không chấp nhận nó, do e ngại cái xấu có thể phát sinh từ đó. Ngày nay chúng ta gặp khá thường xuyên loại khó khăn này, với luận cứ là muốn để cho người trẻ, đôi khi cho các em rất trẻ, khả năng chọn lựa. Tư thế này, bị Hanna Arendt tố cáo vào thời bà, dựa trên quan điểm là người trẻ sẽ tự mình biết “cách tự nhiên” cái gì là tốt cho nó. Theo nhãn quan đó, chúng ta đã phần nào, ít ra là ở phương Tây, thoái thác trách nhiệm “người lái đò ngang” đưa những người mới đến đi vào thế giới chung. “Dường như, mỗi ngày, các bậc phụ huynh nói: ‘Trong thế giới này, ba má không được an toàn khi ở nhà mình; phải di chuyển làm sao trong đó, phải biết điều gì, phải có những hành trang nào, biết bao điều bí mật đối với ba má. Tụi con phải nỗ lực hết sức để thoát ra khỏi đó; dù có thế nào thì ba má cũng không nợ nần gì với tụi con. Ba má vô tội mà. Ba má đâu có trách nhiệm!’”[19]

 

Tuy nhiên, sự truyền thụ giữa loài người xảy ra vào thời non nớt (néotonie) của đứa bé, ý niệm theo đó con người là sinh vật duy nhất biểu hiện -ngay từ lúc sinh ra- một sự bất lực rất lớn. Như thế, trẻ sơ sinh có “nhu cầu” cần đến một thời gian bảo vệ, nhờ vậy mà trong bóng tối êm dịu của “tổ ấm gia đình”, nó lớn lên cách biệt với xã hội chút ít. Bậc cha mẹ có trách nhiệm về sự phát triển của con trẻ cũng có trách nhiệm về tính liên tục của thế giới. Họ phải đảm trách cả hai. Bởi vì lợi ích của con trẻ đôi khi, phần nào đó, đi ngược lại với lợi ích của thế giới. “Con trẻ cần được bảo vệ và chăm sóc cách thật đặc biệt để tránh nguy cơ bị thế giới hủy hoại. Tuy nhiên, thế giới này cũng cần được bảo vệ, một sự bảo vệ ngăn nó không bị tàn phá và hủy hoại bởi cơn sóng những người mới đến, cơn sóng dồn dập trút vào nó, mỗi khi một thế hệ mới xuất hiện.[20]

 

Định kiến hiện nay, trong một mức độ nào đó, là người trẻ bị đưa vào xã hội quá mức, tạo cho chúng quá sớm những khả năng lựa chọn và sự vững vàng tâm lý mà không phải lúc nào chúng cũng có. Sự phơi bày quá mức này là điều nghịch lý, bởi vì người trẻ phải phụ thuộc lâu hơn so với trước kia, về mặt tài chính chẳng hạn, vào các bậc cha mẹ, vì thời gian học tập của chúng kéo dài. Lòng ước ao cho người trẻ tự xây dựng mình một “cách tự nhiên”, trong sự giao thoa với những bạn đồng trang lứa xem ra đáng khen ngợi, nhưng thực ra đó là một hình thức bỏ rơi. Như thế, một số người trẻ có kinh nghiệm về một cuộc sống hoàn toàn song song với cuộc sống của những người sinh thành ra mình, trong một sự cô độc rất lớn. Như vậy, truyền thụ là muốn truyền thụ trong sự chấp nhận sự xung đột của việc truyền thụ. Một số cha mẹ tìm cách tránh cuộc xung đột đó. Lúc đó, cha mẹ trốn chạy khỏi cái thử thách phải đối diện với tiếng “không”, chỉ vì sợ mang tội là đã giữ vững một lập trường. Nhiều bậc huynh trưởng còn quan niệm cái quyền bính cần thiết như một thứ bạo lực bất công đối với đứa trẻ.

 

7. Một quan niệm về văn hóa

 

Vấn đề truyền thụ, ở cấp độ tập thể, không thể tách rời khỏi một lý thuyết về văn hóa và về cách thức mà một nền văn hóa mong muốn được tái hiện. Có những định nghĩa khá bi quan và mang tính phòng thủ về văn hóa. Trong nhãn quan của Freud, văn hóa là “toàn bộ những thành tựu và những phương tiện, nhờ đó mà cuộc sống của chúng ta vượt xa cuộc sống của những tổ tiên động vật của chúng ta và phục vụ cho hai mục đích: bảo vệ con người chống lại tự nhiên và điều chỉnh các tương quan giữa những con người với nhau”.[21] Văn hóa được vận hành, trong trường hợp đó, trong khung cảnh gò bó, cách riêng khung cảnh “điều chỉnh các tương quan giữa những con người”. Cá nhân, theo Freud, là một kẻ thù tiềm ẩn của văn hóa, nhất là do những khuynh hướng chống lại xã hội của nó.

 

Ngày nay, chúng ta có hình ảnh nào về văn hóa? Chắc chắn không phải là hình ảnh về một thực thể cần phải sáp nhập chủ thể -bằng sức mạnh nếu cần- vào trong một tiến trình xã hội. Hình ảnh này của thời hiện đại mờ nhạt hơn: tuy nhiên nó vẫn muốn mình là kẻ sáp nhập (một cách hài hòa nếu có thể) và liên kết những lợi ích và những ước muốn cá nhân. Quan niệm này (nếu nó dành chỗ cho tự do của mỗi người) tỏ ra khá ngây ngô về sự xung đột tất yếu của công trình văn hóa, bởi vì những lợi ích cá nhân đôi khi tương phản với lợi ích tập thể. Xét cách sâu xa hơn, chúng ta ngày càng nghi ngờ sự cần thiết phải “tái diễn” nền văn hóa, động cơ của việc truyền thụ, khi cứ nhấn mạnh tới việc phải tiếp thu cái mới. Nhấn mạnh đến sự tự do, tính cá biệt là làm tổn hại đến việc kế thừa. Một số người trẻ và cả những người không còn trẻ sử dụng ngôn ngữ của những nạn nhân, qua đó họ buộc tội cha mẹ họ, các cơ chế và các thế hệ đi trước.[22] Cái mới được đề cao như cái tất yếu đầy hứa hẹn, và quá khứ bị xem là nguy hiểm. Các bậc cha mẹ không phải là dễ mắc sai lầm hơn trước. Chắc chắn là họ ít được văn hóa nâng đỡ hơn nhiều. Đó là một nền văn hóa không thuần nhất, một nền văn hóa nghi ngờ: một nền văn hóa không quan tâm đến tương lai và tự giới hạn vào việc tổ chức truyền thụ những kỹ năng (savoir-faire) hơn là những tư cách hiện hữu (savoir-être).

 

Nền văn hóa của chúng ta nghi ngờ tính hợp pháp của các thế hệ đi trước. Sự truyền thụ trở nên khó khăn, bởi vì nó vận dụng lãnh vực ký ức, không phải trên sự biến động của sự ngờ vực nhưng trên bậc thang của một sự sáng tạo sẽ phải đến. Truyền thụ, là cố gắng đặt những dấu nhấn cũ trên một bè nhạc mới; lúc đó, không phải là “lặp lại” hoặc “đồng nhất với” theo kiểu “nhại lại”. Điều đó giả thiết chúng ta, mỗi người trong chúng ta, phải tìm ra một định nghĩa tích cực về văn hóa: nó giống như một tấm màn bao phủ sản sinh ý nghĩa, một ý nghĩa đã có trước, dưới dáng vẻ tốt lành, và đưa người trẻ đi vào thế giới. Các bậc cha mẹ, những nhà giáo dục không phải là những người bảo đảm duy nhất về những gì xảy đến cho những người trẻ trung nhất. Những người trẻ này lại thấy trước mình đã có những điều xuất phát từ những nơi xa hơn họ nhiều, và họ góp phần vào việc đan dệt tấm màn sinh sản ý nghĩa đó. Họ phải tin như vậy.

 

 

Trích tài liệu Khóa bồi dưỡng các nhà đào tạo ứng sinh linh mục tại Việt Nam, từ ngày 01-14 tháng 7 năm 2018 tại Xuân Lộc.

Nguồn: hdgmvietnam.com, 13.01.2023

 

______________________________

 

 

[1] Transmission: truyền thụ (thụ: trao cho, dạy cho), tức truyền lại, trao lại cho ai tri thức, nghề nghiệp, kinh nghiệm, v.v. Chú thích của ND.

[2] “La crise de l’éducation”, in La crise de la culture (1968), Paris, Folio/ Gallimard, 1972.

[3] L’enfant et la vie familiale sous l’Ancien Régime, Paris, Seuil, 1960.

[4] Kể từ cuộc cách mạng Pháp 1789, việc đưa con trẻ đến trường học là điều bắt buộc. Chú thích của ND.

[5] Cf. La réflexion d’Alain Renaut, in La libération des enfants. Contribution philosophique à une histoire de l’enfance, Paris, Bayard, 2002.

[6] George Steiner, Maîtres et disciples, Paris, Gallimard, 2003, p. 13.

[7] Régis Debré, Les enjeux et les moyens de la transmission, Paris, Pleinx Feux, 1998.

[8] Tabula rasa (tiếng Latinh, có nghĩa là một tấm thẻ gỗ nhẵn bóng hay tấm bảng trắng) là thuật ngữ dùng trong lý thuyết về nhận thức luận để chỉ việc con người sinh ra chưa hề biết gì về thế giới, còn "trắng" và toàn bộ nguồn tri thức được xây dựng dần dần từ trải nghiệm và tri giác về thế giới bên ngoài. Chú thích của ND.

[9] Alain Renaut, op. cit., p. 237.

[10] Trong tác phẩm Émile ou De l'éducation (Émile hay là Về giáo dục), xuất bản năm 1762, Rousseau đã vẽ lên một chân dung lý tưởng về người học sinh được đào tạo sau tuổi 15, thông qua nhân vật Émile. Chú thích của ND.

[11] René Kaës, “Le sujet de l’héritage”, in Transmission de la vie psychique entre générations, Paris, Dunod, 1993, p. 12.

[12] Anne Muxel, Individu et mémoire familiale, Paris, Nathan, 1996.

[13] “Psychologie collective et analyse du moi”, in Essais de Psychanalyse, Paris, Payot.

[14] Sigmund Freud, Un souvenir d’enfance de Léonard de Vinci, Paris, Gallimard, 1977.

[15] André Carel, “Le processus d’autorité”, In Familles aujourd’hui, Revue Française de Psychanalyse, Paris, Puf, Tom LXVI, 2002, p. 21-40.

[16] Op. cit., p. 14.

[17] Thường là một tấm thẻ hoặc một cây gậy nhỏ. Chú thích của ND.

[18] Pierre Legendre, L’inestimable objet de la transmission, Paris, Fayard, 1985, p. 50.

[19] Hannah Arendt, “La crise de l’éducation ”, in La crise de la culture (1968), Paris, Folio/Gallimard, 1972, p. 245.

[20] Hannah Arendt, op. cit., p. 239.

[21] Le Malaise dans la culture, (1930), in Œuvres complètes, XVIII, Paris, PUF, 1994, p. 276.

[22] Jacques Arènes, “Tous victimes”, Etudes, Juillet-Août 2005, n°403/1-2, p. 43-52.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á