Suy niệm

Tùy bút BÀ GÓA PHỤ VÀ ĐỨA CON TRAI ĐAN SĨ… - Martin OCist

Cuộc đời bà và cả đứa con trai đan sĩ đó đã trải qua biết bao giằng co đau khổ, nhưng cái cuối cùng mà họ giữ lại là chữ: “Chúa, Chúa ơi…!”

Tùy bút
BÀ GÓA PHỤ VÀ ĐỨA CON TRAI ĐAN SĨ… - Martin OCist
07/07/2016
.
Hôm nay giỗ 7 năm của thầy Kepha – một thành viên của cộng đoàn Phước Lý, người đồng hương của tôi. Chiều qua tôi ra thăm mẹ thầy, tôi đã muốn như thế khi biết sắp đến giỗ của thầy, vì anh em gọi tôi là “Kepha con”, cái chắc là tôi giống thầy nhiều điểm! Và bây giờ, mỗi khi nhắc đến tên Kêpha là tôi đăm chiêu suy nghĩ, những ký ức và những cảm tình xa xôi trở về như cầm nắm được.
Năm 2005, lần đầu gặp thầy, ấy thế mà đó cũng là lần cuối. Dãy hiên kiệu như lưu giữ bước chân hai thầy trò bách bộ, những nhắn nhủ đơn sơ nhưng lại chở đầy ý nghĩa. Trong tâm tưởng hình ảnh đầu tiên của thầy được phát họa qua những lời kể của chị tôi. Làm việc cho nhà thầy, cái quán phở bà Tư là nơi mấy bà tán gẫu về một anh thầy trẻ tuổi. Những lá thư tình sót lại ở Mỹ Tho lại là chủ đề cho các bà sụt sùi thút thít khóc mỗi khi đọc. Thầy đi tu, bỏ lại cô bạn gái cùng bao tình cảm nồng nàn, sao mà không buồn, sao mà nhịn khóc được cơ chứ! Thế đó, tình yêu sâu đậm trong bức thư cũ kỹ đã cho nhiều người khác biết thế nào là chọn lựa giữa ảo mộng nhân tình và lý tưởng thánh hiến. Công danh đang phất cao, lương tháng của một thanh niên tri thức nghề kế toán thời đó cũng không níu được thầy. Cô bạn gái nài nỉ cũng có giữ được trái tim thầy đâu. Và đến cùng, người mẹ neo đơn cũng nức nở nhìn đứa con trai duy nhất bước vào đan viện.
Thầy bắt đầu đời tu trước sự luyến tiếc của bao bạn hữu đồng nghiệp, người tình và thân mẫu. Thầy bước vào đời tu trong kiên định vững chắc. Thầy theo đuổi đời tu bằng cương trực đôi khi bị xem là cứng cỏi. Và đến khi thầy qua đời trong sự bàng hoàng của mọi người thân... Cộng đoàn tiễn biệt một thành viên mà họ mộ mến rất nhiều.
Nhớ lại lời thầy nói, thầy muốn nhắn nhủ gì mà sao lời thầy đầy khắc khoải lắng lo. Thầy gởi gắm cho chú dự tu 14 tuổi ngày đó tới giờ nó mới hiểu! “Con có biết đây là dòng gì không? Dòng khổ tu chiêm niệm. Con biết ở đây cực lắm chứ không phải dưới mình. Con chịu được bao lâu khi người con mảnh khảnh, công tử thế này chắc một tuần là ra!”. Tôi chỉ cười chứ đâu có biết rỏ cho tới khi thực sự bước chân vào. Tôi đang ở chỗ thầy từng sống nhưng chỉ tiếc là không còn được gặp thầy mà nói: “Con tu được hơn 240 tuần rồi chứ không phải 1 tuần như thầy tiên đoán đâu!”. Giỗ 7 năm của thầy chất đầy những luyến tiếc…và sự luyến tiếc này lại thêm phần thương cảm khi nhìn mẹ thầy – người còn ở lại.
Sự chọn lựa của thầy Kepha bị không ít người cho là bất hiếu, đứa con trai duy nhất lại “bỏ” mẹ vào một dòng tu chiêm niệm, biệt tăm. Tôi không biết dụng từ thế nào để diễn tả, tôi như bất lực trước hoàn cảnh của thầy và thân mẫu. Thầy đi tu, bà mẹ cũng bán đất đi theo, một mong ước là gần con trai bao nhiêu có thể. Bà mua một miếng đất gần nhà dòng để tiện gần con dù mấy khi mới được gặp. Tôi ngậm ngùi tưởng tượng cảnh bà đứng dưới nhà nguyện nhìn đứa con trai yêu quý, tôi sót xa khi nghe kể bà gởi nải chuối, trái xoài cho đứa con một,…rồi nghe nó nói là: “Má về đi, con đi tu mà!”. Tôi hỏi mình, nếu tôi là thầy liệu tôi có đi tu? Tôi không biết, nhưng chỉ thấy tê tái trong lòng. Ờ thì tu là thế đó, là từ bỏ, là quyết chí, là hướng thiên,…chắc còn lâu tôi mới hiểu hết. Có câu thơ người ta vẫn hay đọc “Lá vàng còn ở trên cây. Lá xanh rụng xuống, trời hay chăng trời”, chúng ta cũng sẽ chưa thể hiểu nếu chưa từng kinh nghiệm, vậy bà đã kinh nghiệm thế nào khi đứa con yêu quý kia ra đi trước bà? Bà đã bỏ lại cơ ngơi dưới Mỹ Tho, đánh đổi tất cả chỉ để được gần con…ấy thế mà khi tuổi già xế bóng bà lại tiếp tục cô đơn khi đứa con đan sĩ qua đời. 81 tuổi, bây giờ bà vẫn ở một mình, chỉ làm bạn với con chó nhỏ nhỏ óm nhom, còn thêm cái bệnh lú lẫn nặng: chòm xóm bị bà coi là ăn trộm, ai tới thăm bà đuổi cổ vì nghi kẻ gian lừa đảo, chỉ có các thầy mà bà luôn miệng gọi “Anh Hai ơi”. Miếng đất bà mua với cái nhà tàm tạm, thầy dọn chưa xong mà bà đã bày thành chiến trường. Nồi cơm điện đem xuống bếp củi nấu, cái áo dài cắt làm áo bà ba,… Ôi cái tuổi già còn bao nhiêu cực khổ ấy thế mà bà thích múa hát bài Salve Regina… Cái gì trong nhà cũng có thể làm trò tiêu khiển của bà, chỉ có cái bàn thờ là 4 bức ảnh khác nhau… Đói bụng thì xin Đức Mẹ đồ ăn, nằm mơ thì gặp Chúa Chiên Lành, sợ hãi thì gọi thánh Giuse,…bà vẫn gọi Chúa dù đầu óc cứ loạn xạ ký ức. Nghe bà nói chuyện mà tôi chẳng biết nghe thế nào, lúc tiếng Pháp lúc lại Latinh, khi Tiếng Việt òm òm từ cái miệng móm chẳng còn răng, khi kể Chợ Lớn rồi về lục tỉnh…và cho tới khi, giữa câu chuyện đầu đuôi lẫn lộn đó tôi bất thần nghe một câu: Xin cho con chết nếu con sống mà không làm sáng danh Chúa. Biết là bà nói như đúng kiểu thần kinh nhưng tôi tin cảm thức đức tin của bà còn mãi. Cuộc đời bà và cả đứa con trai đan sĩ đó đã trải qua biết bao giằng co đau khổ, nhưng cái cuối cùng mà họ giữ lại là chữ: “Chúa, Chúa ơi…!”
Thắp nén nhang trước phần mộ của thầy, bưng cho bà ly nước cái bánh ngọt, tôi thầm thĩ nói với Chúa rằng: Chúa đâu có bỏ tạo vật của Chúa bao giờ!
Xin cho linh hồn Kepha được hưởng nhan Chúa và xin cho mẹ của thầy tìm được an ủi trong Chúa mà thôi và “Cúi lạy Ngài cho chân con vững chải. Để tiến lên dẫu đường sá hiểm nguy. Nguyện theo Ngài thập giá đâu quản ngại. Chúa cầm tay và dẫn bước con đi”…
Fr. M. Martin Nguyễn Thanh Nghị OCist

Thiết kế Web : Châu Á