Suy niệm

Thứ Sáu, Tuần Bát Nhật PS, Ga 21,1-14: Tình yêu giúp chúng ta nhận ra Đức Kitô phục sinh

Trong khi mọi người đều không nhận ra Chúa Giêsu thì chỉ mình Gioan đã nhận ra, vì “người môn đệ Chúa yêu” đã có sẵn một lòng yêu mến Chúa, một đức tin từ kinh nghiệm sống với Chúa, nên đã nhận ra Chúa một cách hết sức dễ dàng.

 

 

 

TÌNH YÊU GIÚP CHÚNG TA NHẬN RA ĐỨC KITÔ PHỤC SINH

(Ga 21,1-14)

 

Tùng Linh

 

Biến cố Chúa Giêsu phục sinh là trung tâm điểm và là nền tảng của niềm tin Kitô giáo. Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe phác họa lại cảnh Đức Giêsu phục sinh hiện ra với các Tông đồ trên bờ biển Hồ Tibêria. Sau khi các môn đệ bắt được mẻ cá lạ lùng, Gioan đã nhận ra người đã nói với các ông “cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá” chính là Chúa Giêsu. Chúng ta tự hỏi vì sao Gioan lại nhận ra người lạ mặt kia là Chúa Giêsu phục sinh?

 

Bài Tin Mừng trước thuật lại cách mà Tôma đã nhận ra Chúa Giêsu phục sinh: Tôma đã tuyên bố: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở bàn tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin” (Ga 20,25). Đây là kiểu tin bằng lý luận, nghĩa là chỉ tin khi nào đã có đủ bằng chứng rõ ràng hiển nhiên. Tin mừng Lc 24,13-35 thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus. Sau khi Chúa hỏi các ông đang bàn tán với nhau chuyện gì, Ngài đã nói với các ông: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24,25-27). Sự giải thích của Chúa không mang lại kết quả gì, chỉ làm cho lòng các ông bừng cháy lên thôi. Qua đó chúng ta thấy, khi chúng ta sử dụng kiến thức, lý luận, chứng cứ thực nghiệm… cũng chưa chắc đã dẫn chúng ta đến với niềm tin vào Đức Kitô phục sinh. Bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gioan thuật lại cách mà người môn đệ Chúa yêu đã nhận ra Chúa phục sinh: một bóng người mờ mờ đi trên mặt biển, trong khi mọi người khác đều tưởng là ma, thì chỉ có Gioan là tức khắc nhận ra đó là Thầy mình. Gioan là người môn đệ Chúa yêu, chính tình yêu đã mở mắt cho Gioan nhận ra điều mà mọi người khác không nhận ra. Như thế có hai con đường dẫn tới đức tin: Con đường thứ nhất là bằng lý luận để chỉ tin sau khi có đủ bằng chứng rõ ràng hiển nhiên; và con đường thứ hai là bằng tình yêu, nghĩa là vì yêu thương nên tin ngay không cần thắc mắc lý luận[1].

 

Vì sao chúng ta lại khẳng định chính tình yêu đã mở mắt cho Gioan nhận ra điều mà mọi người khác không nhận ra. Câu chuyện trong vở tuồng “Tiếng Hò Sông Hậu”[2] phần nào diễn tả cho chúng ta thấy điều đó. Có hai anh em sinh đôi tên Chơn và Chất, giống hệt nhau từ nét mặt, tướng đi đến giọng nói. Trong một cuộc tranh đấu với địa chủ, Chơn bị bắt đày đi Côn Đảo. Nhưng một thời gian sau anh vượt ngục trở về thăm mẹ già khi ấy đã mù lòa cả hai mắt. Trong lúc Chơn đang ở nhà thì tên Hương Quản đến, Chơn nhanh trí giả làm Chất nên không bị lộ, nhưng ngay sau khi tên Hương Quản đi thì bà mẹ mù lòa ấy nói ngay: “Phải mày là thằng Chơn đó không?” Chơn bàng hoàng, nhưng ngay lúc ấy anh lấy lại bình tĩnh vì chưa muốn cho mẹ biết nên trả lời: “Không, con là thằng Chất đây mà, anh Chơn con còn đang ngồi tù mà”. Nhưng bà mẹ nói: “thôi mà, con gạt ai được chứ gạt mẹ làm sao được, con chính là thằng Chơn của mẹ mà”. Chính tình yêu đã giúp cho người mẹ mù lòa ấy nhận ra con mình trong khi mọi người đều không nhận ra. Trường hợp của thánh Gioan cũng vậy, trong khi mọi người đều không nhận ra Chúa Giêsu thì chỉ mình Gioan đã nhận ra, vì “người môn đệ Chúa yêu” đã có sẵn một lòng yêu mến Chúa, một đức tin từ kinh nghiệm sống với Chúa, nên đã nhận ra Chúa một cách hết sức dễ dàng.

 

Cũng như vào sáng ngày thứ nhất trong tuần, tại ngôi mộ trống, Gioan đã nhận ra sự phục sinh của Chúa: “Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). Hôm nay, cũng với tình yêu và niềm tin tròn đầy, người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến cũng nhận ra Chúa Giêsu khi nói: “Chúa đó”. 

 

Chúa Giêsu đã phục sinh, chúng ta phải xác tín điều đó, nếu không, cũng như thánh Phaolo đã viết: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14). Vậy một khi đã xác tín Chúa Giêsu đã phục sinh, chúng ta cũng phải luôn sống mầu nhiệm phục sinh với Người, cụ thể nhất đó là phục sinh đức tin[3] của chúng ta. Vậy phục sinh đức tin là gì?

 

Phục sinh đức tin là làm cho ơn phục sinh của Chúa Kitô trở nên sống động trong các sinh hoạt đạo đức. Ví dụ, chúng ta sống nguội lạnh, bỏ cầu nguyện, bỏ các giờ kinh sớm chiều, bỏ luôn cả việc tham dự thánh lễ và lãnh nhận bí tích, thì giờ đây chúng ta hãy làm cho nó trở nên sống động hơn, sống nhiệt thành và sốt sắng hơn.

 

Phục sinh đức tin là làm cho ơn phục sinh của Chúa Kitô trở nên sống động trong đời thường. Từ trước tới nay, ta chưa bao giờ, hoặc có nhưng rất ít, rất thiếu sót sự gắn bó với Thiên Chúa trong từng công việc, trong các bổn phận, và mọi lao nhọc…Giờ đây, khi đã phục sinh đức tin, chúng ta sống gắn bó với Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

 

Chúa Giêsu đã phục sinh, và bằng tình yêu, Gioan đã nhận ra và tin vào Ngài. Chúng ta hãy noi gương Gioan, nhận ra Chúa trong mọi biến cố cuộc sống, nhất là tin rằng Chúa đã phục sinh. Chúng ta cũng phải xác tín rằng Chúa Giêsu đã phục sinh và sống mầu nhiệm phục sinh trong cuộc đời của chúng ta. Phục sinh đức tin trong tương quan cá vị với Chúa Kitô. Sống mầu nhiệm phục sinh đó như thánh Phaolô dạy: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2).

 

 

____________________________

 

[1] gpcantho.com, Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

[2] gpcantho.com, Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

[3] gpcantho.com, Lm. Vũ Xuân Hạnh

 

 

Thiết kế Web : Châu Á