Suy niệm

Thứ Năm, Tuần VII PS, Ga 17,20-26: Hiệp nhất

Chúa Giêsu cầu nguyện cho Giáo hội Người thiết lập, cũng như cho mọi tín hữu trong tương lai, nghĩa là có tất cả chúng ta nữa. Ngài cầu xin cho chúng ta được hiệp nhất với nhau trong Giáo hội, để cùng nhau hiệp nhất với Ngài.

 

 

 

HIỆP NHẤT

(Ga 17,20-26)

 

Tùng Linh

 

Một người kia có ba người con trai, trước khi qua đời, ông muốn dạy các con bài học hiệp nhất: ông lấy ra ba chiếc đũa tre trao cho ba người con mỗi người một chiếc và bảo: “Các con hãy bẻ gãy chiếc đũa cho cha coi”. Ba người con vâng lời cha bẻ gãy chiếc đũa dễ dàng. Sau đó người cha trao cho ba người con mỗi người một bó đũa và nói: “Các con hãy bẻ gãy bó đũa này cho cha xem”. Lúc này ba người con dùng hết sức vẫn không sao bẻ gãy được. Bấy giờ người cha mới nói: “Nếu các con biết đoàn kết thương yêu nhau, thì các con giống như bó đũa kia sẽ không có sức mạnh nào làm gãy được các con”. Bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu cũng cầu nguyện với Chúa Cha cho các môn đệ và cho mỗi người chúng ta được liên kiết trong tình yêu thương và hiệp nhất.

 

Hiệp nhất là được kết hiệp, được sống nhờ Chúa, như lá nhờ cành, như cành nhờ thân, như thân nhờ rễ, như rễ nhờ đất, như đất nhờ Chúa vậy. Nghĩa là muốn hiệp nhất, chúng ta phải kết hiệp với Thiên Chúa, giống như câu hát[1]: Nếu Chúa là mặt trời, con mong làm trái đất, nếu Chúa là trái đất con muốn làm vầng trăng. Làm vầng trăng quay quanh trái đất, làm trái đất xoay quanh mặt trời.

 

Sự hiệp nhất trước hết là quà tặng, là ân sủng từ Thiên Chúa, ân sủng này được tìm thấy gốc rễ nơi tình yêu của Ba Ngôi. Với ân sủng này, chúng ta cùng Chúa Giêsu đi vào sự hiệp nhất với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha: “Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một” (Ga 17,22). Chúa Giêsu tiếp tục cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,20-21). Qua đó, chúng ta thấy, Chúa Giêsu đã cầu nguyện tha thiết với Chúa Cha cho các tông đồ đã theo Ngài lâu nay cách riêng và cho các Kitô hữu trong mọi thời đại nói chung được ơn hiệp nhất trong cùng một đức tin và tình yêu[2].

 

Chúa Giêsu cầu nguyện cho Giáo hội Người thiết lập, cũng như cho mọi tín hữu trong tương lai, nghĩa là có tất cả chúng ta nữa. Ngài cầu xin cho chúng ta được hiệp nhất với nhau trong Giáo hội, để cùng nhau hiệp nhất với Ngài.

 

Khi nói về giá trị của hiệp nhất trong việc loan báo Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh: “Trong mọi việc loan báo Tin Mừng và trong mọi hình thức của sứ vụ Kitô giáo, chúng ta không thể bỏ qua sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta. Dựa trên nền tảng sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể bỏ qua sự hiệp nhất này”. Như thế, sự hiệp nhất chứng tỏ chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu, chứng tỏ chúng ta là những người trưởng thành trong đức tin cậy mến, và đó là lý do thu hút người ngoài, để họ dễ tin vào lời chứng của chúng ta[3].

 

Đức Giáo hoàng Phaolô VI cũng diễn tả rất sâu sắc về giá trị tông đồ của sự hiệp nhất, ngài đã nói như sau: “Lời di chúc thiêng liêng của Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu rằng: sự hiệp nhất giữa các môn đệ không những là bằng chứng chúng ta là môn đệ của Ngài, nhưng còn là bằng chứng Ngài được Chúa Cha sai đến và đó cũng là trắc nghiệm về sự đáng tin của các Kitô hữu và của chính Đức Kitô”.

 

Chúng ta phải sống sự hiệp nhất thế nào? Đó là có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau (Pl 2,2). Đó là, mỗi người chúng ta phải biết thông cảm nhau, tha thứ cho nhau, biết gạt bỏ ra bên ngoài những ý riêng để đi đến hiệp nhất. Đó là, chúng ta phải biết quên mình, biết hãm dẹp tự ái và kiêu ngạo, để cùng nhau sống hiệp nhất trong tình yêu Thiên Chúa. Và qua dấu chỉ đó, chúng ta làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa.

 

Trong cuộc sống, thường chúng ta cố nhịn nói, cố tránh va chạm để người ta nhìn vào tưởng chúng ta hiệp nhất. Nhưng hiệp nhất thật sự là dám chấp nhận những dị biệt và những lời góp ý thẳng thắn của mọi người. Không gieo rắc bất hòa và chỉ trích người khác, không cạnh tranh, đố kỵ, không ngồi lê đôi mách, không bêu xấu nhau. Một sự hiệp nhất được thúc đẩy bởi một ước muốn duy nhất trong lòng mọi người là sống theo chân lý của Thiên Chúa.

 

Có hiệp nhất với nhau, chúng ta mới tỏ ra mình không phải là những con người bị chia rẽ bởi những tranh chấp, nhưng là những con người trưởng thành trong đức tin, trưởng thành trong lòng mến và có khả năng gặp gỡ nhau nhờ việc cùng tìm kiếm chân lý cách chân thành và vô vị lợi[4].

 

Hiệp nhất còn mang một ý nghĩa khác đó là hướng về nhau, nghĩ về nhau và trao ban cho nhau những gì tốt đẹp nhất. Câu chuyện quà tặng cuộc sống cho chúng ta thấy điều đó. Người mẹ nghèo thấy ai đánh rơi quả cam, định bụng nghĩ rằng mình được quả cam để giải khát rồi vì bà đang khát. Nhưng lại nghĩ đến đứa con nhỏ lâu nay không có hoa quả để ăn, bà liền để dành cho con. Đứa con thấy mẹ cho cam thì rất thích nhưng lại nghĩ đến bố, để dành cho bố vì bố đã vất vả lo cho gia đình. Người chồng lại nghĩ đến người vợ chịu cực nhọc chăm sóc cho hai bố con nên để dành cho vợ. Cuối cùng người vợ nói đây là quả cam ngọt ngào nhất, cả gia đình mình cùng thưởng thức.

 

Hiệp nhất là ở trong nhau thông qua việc sống cùng một đức tin, trong cùng một phép rửa, trong một Thánh Thần vì Thánh Thần ban cho mỗi người một ơn huệ, và liên kết tất cả trong tình hợp nhất. Nói cách khác, cùng một thần khí tạo nên sự đa dạng và sự hợp nhất[5]. Thánh Thần qui tụ nhân loại vào một mối, không phân biệt phong tục, tiếng nói, mầu da và văn hóa. Thánh Thần kết thân mọi dân nước, xoá bỏ hiềm thù và tạo cảm thông. Thánh Thần thôi thúc mọi lứa tuổi sống đức tin và hoạt động trong những phạm vi đặc thù[6]. Giống như khi cử hành Bí tích Thánh thể, chúng ta cùng chia sẻ một tấm bánh, vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể (x. 1Cr 10,17). Và nhất là trong cùng một chi thể của Nhiệm thể Chúa Kitô.

 

Thiên Chúa là tình yêu. Chúa Cha là tình yêu, Chúa Con là tình yêu, Chúa Thánh Thần là tình yêu. Ba ngôi là nền tảng của sự hiệp nhất. Chúng ta sống hiệp nhất là phải sống bằng tình yêu. Tình yêu nơi gia đình, nơi cộng đoàn, nơi những người chúng ta gặp gỡ. Muốn sống được như thế cần phải có Chúa Thánh Thần hướng dẫn, vì theo thánh Cyrillo Alexandria khẳng định, qua sự hiện diện, và tác động của mình, Chúa Thánh Thần liên kết để hiệp nhất những tâm trí khác biệt và tách biệt nhau.

 

 

______________________  

 

[1] Hướng Về Chúa, Kim Long - Kim Ngôn

[2] mtghunghoa.org, Lời Cầu Nguyện Cho Sự Hiệp Nhất Của Chúa Giêsu

[3] tgpsaigon.net, Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

[4] tgpsaigon.net, Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

[5] Đức Thánh Cha Phanxico, Tin Mừng Chúa Nhật Năm A, tr. 189.

[6] gpcantho.com, Lm Nguyễn Bình An

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á