Suy niệm

THÁNG MƯỜI MỘT: VIẾNG NGHĨA TRANG, NGHĨ SUY VỀ SỰ CHẾT

Dừng chân bên các nấm mồ của các bậc tiền bối, của các cha anh là dịp để mỗi người suy tư về kiếp nhân sinh, cũng là dịp nhắc nhở mỗi người tẩy rửa, thanh lọc tâm hồn mình, để luôn chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc ra đi của mình.

 

 

 

THÂN PHẬN CON NGƯỜI VÀ Ý NGHĨA CUỘC DỜI

 

 

M. Berchmans Mỹ

 

Khi viết về cái chết, sách Giảng viên cho hay: «Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời, một thời để chào đời, một thời để lìa thế...» (Gv 3,1-2). Theo sách Giảng viên thì tất cả mọi sự đều chỉ có một thời, chẳng có cái gì nơi trần gian này là bền vững cả, điều mà sách này luôn nhấn mạnh cách chắc chắn là cái chết. Tuy nhiên, với quan niệm của các nhà duy vật về vũ trụ thì họ không chấp nhận việc mọi sự một ngày kia sẽ ngưng lại, rồi tiêu vong vĩnh viễn, bởi đối với họ, vật chất luôn bền vững và trường tồn, đồng thời, họ rất sợ khi nghĩ đến viễn cảnh là sẽ chẳng còn ai nữa để nhắc lại những chuyện thời xưa, những gì mà con người đã sống, đã yêu, đã khổ,…hầu như không một người nào có thể nhìn thẳng vào cái kết cục đó. Ngay cả với người Kitô hữu ngày nay, tuy có lòng tin vào sự sống đời đời, nhưng cũng chẳng dẹp bỏ được sự sợ hãi tự nhiên trước cái chết. Ít là có những lúc, cái chết của những người thân đôi lúc làm chúng ta mất hướng, vì nó cho biết rằng chắc chắn chính chúng ta cũng sẽ chết.

 

Khi Giáo hội nhắc nhở mỗi Kitô hữu tưởng niệm và cầu nguyện cho những người đã khuất, thì Giáo hội cũng mời gọi mỗi người chiêm niệm về thân phận và ý nghĩa của cuộc đời mình. Trong bài giảng tĩnh tâm năm, Viện phụ Hiền cũng từng chia sẻ : «Chết là một điểm hẹn, một cuộc hẹn gặp gỡ giữa những người bạn, chính Chúa Giêsu là một người bạn của tôi, cho nên tôi phải vui, bởi đã có được một cuộc gặp gỡ đã được chờ đợi từ lâu». Là người Kitô hữu, chúng ta xác tín rằng Đức Kitô đã chịu chết và phục sinh, mỗi chúng ta cũng sẽ đi về phía bên kia sau cái chết, nơi mà chúng ta đã có một cuộc hẹn với Đức Kitô từ trước, chính nơi Ngài, chúng ta đạt được sự sống bất diệt và một hạnh phúc viên mãn.

 

Cuộc đời con người luôn đầy dẫy những nghịch lý, những mẫu thuẫn, và một trong những điều nghịch lý mà người ta khó chấp nhận nơi cuộc sống này chính là cái chết. Nếu tất cả vạn vật chỉ dừng lại ở cái chết, thì cuộc đời này thực sự ngắn ngủi và chẳng có ý nghĩa gì cả. Còn với chúng ta - những người có niềm tin, cái chết như khởi điểm của một hướng mở, một hướng đi về với chân trời của sự sống viên mãn, chứ không phải là kết thúc của một hành trình bị đóng lại.

 

Khi suy nghĩ về cái chết, những người theo chủ nghĩa Khắc Kỷ đã khuyên rằng : «Hãy sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của cuộc đời mình». Theo họ, nếu có những suy nghĩ như thế, thì mỗi người sẽ sống đúng với giá trị của ngày đó, và trong niềm hy vọng với ngày kế tiếp cũng thế, nhờ vậy, mỗi người sẽ tránh được những cảm xúc tiêu cực, những sợ hãi, để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn, đó là một cách mà những nhà Khắc Kỷ đã chuẩn bị khi họ đối diện với cái chết. Với người Kitô hữu, khi đối diện với cái chết, sự chuẩn bị của chúng ta là gì? Nếu như sách Giảng viên cho rằng tất cả mọi sự đều có thời, thì những thứ của cải, vật chất nơi trần gian này liệu có đủ để làm hành trang cho chúng ta khi đối diện với cái chết hay không? Một tác giả đã từng nhận định : «Một đàng người ta viết rất nhiều về cái chết, nhưng lại sợ không nhắc đến nó trong cuộc sống hằng ngày. Và một đàng, người ta biết mình sẽ chết nhưng lại sống như thể mình không bao giờ chết». Khi đứng trước viễn cảnh cái chết đang gần kề, bất kể cụ già hay người trẻ đều có cảm giác phiền não, một số người cảm thấy sợ hãi, nhiều người khác lại lo sợ vì họ đã sống một cuộc đời sai lầm, rằng họ đã sống mà không đạt được những thứ thực sự có giá trị trong cuộc sống, và dĩ nhiên, cái chết sẽ chấm dứt khả năng đạt được những điều mà con người đang dự định. Như vậy, điều mà con người luôn muốn mình làm được trước khi đối diện với cái chết chính là để lại cho đời những gì có giá trị, ý nghĩa nhất, và không chi khác ngoài một lối sống đẹp, một đời sống tốt lành, thánh thiện.

 

Dừng chân bên các nấm mồ của các bậc tiền bối, của các cha anh là dịp để mỗi người suy tư về kiếp nhân sinh, cũng là dịp nhắc nhở mỗi người tẩy rửa, thanh lọc tâm hồn mình, để luôn chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc ra đi của mình. Nếu những thứ như tiền tài, danh vọng,…và tất cả những gì mà mỗi người có được nơi cuộc sống trần thế này đều sẽ trở nên vô nghĩa khi cái chết đến, thì chỉ những gì của tình yêu thương, của lòng bao dung, tha thứ mới là những gì ý nghĩa nhất mà mỗi người để lại cho đời, và cũng là những hành trang quan trọng mà mỗi người có được để trình diện Chúa.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chịu tử nạn và phục sinh, chính niềm tin vào Chúa sẽ giúp chúng con không còn bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối, nhưng giúp mỗi người chúng con dám sống tận tình hơn với Chúa và với mọi người. Nguyện xin Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương, Ngài đã tạo dựng nên mỗi chúng con và Ngài luôn yêu mến các linh hồn, xin Chúa thương cho các linh hồn các cha anh, ông bà, cha mẹ, anh chị em đã ly trần được chung hưởng vinh quang thiên quốc với Ngài. Amen.

 

 

 

CHẾT LÀ BƯỚC VÀO MỘT CUỘC SỐNG MỚI VĨNH CỬU

 

 

M. Clemens Ngư

 

Theo lẽ thường, ai cũng sợ chết. Do đó, người ta tìm cách tránh né những hình ảnh gợi nhớ về sự chết như quan tài, ngôi mộ hay nghĩa trang… Khác với anh chị em lương dân hay anh em khác đạo, Giáo hội Công giáo dành riêng tháng 11 để hướng lòng về những người đã khuất. Các Kitô hữu viếng mộ để cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ, thân nhân, ân nhân đã qua đời. Cách riêng, cộng đoàn chúng ta cũng đang hiện diện nơi đất thánh này để cầu nguyện cho quý cha, quý thầy đã đi trước chúng ta được về hưởng tôn nhan Chúa.

 

Khi nói đến cái chết, thường có nhiều quan niệm khác nhau. Những người vô thần quan niệm chết là hết. Đối với Phật giáo, chết là bước vào vòng luân hồi để đầu thai sang kiếp khác. Với Kitô hữu - những người có niềm tin, chết không phải là hết, cũng không phải đầu thai sang kiếp khác, mà chết là bước vào một cuộc sống mới vĩnh cửu. Cuộc sống vĩnh cửu này sướng hay khổ là do cuộc sống hiện tại này ta có tin vào Thiên Chúa, vào Ðức Kitô và có sống phù hợp với niềm tin ấy hay không. Người Kitô hữu còn tin rằng ngay cả thân xác này cũng sẽ sống lại vào ngày tận thế để trở thành thân xác bất khả hư hoại hầu sống đời sống vĩnh cửu, để được thưởng hoặc chịu phạt muôn đời. Niềm tin này căn cứ vào sự phục sinh của Đức Kitô. Chính Đức Giêsu Kitô - Ngôi Hai Thiên Chúa đã chết để gánh tội nhân loại: “Cũng vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người bị liệt vào hàng tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ được kể là công chính” (Rm 5,19). Nhờ vâng phục cho đến chết, Đức Giêsu đã đảm nhận hoàn toàn vai trò Người Tôi Tớ đau khổ “hiến mạng sống mình làm của lễ đền tội muôn dân và làm cho họ nên công chính bằng cách chính Người gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53,10-12). Ngài đã hoàn toàn chiến thắng sự chết, đem lại sự sống muôn đời cho những ai tin vào Ngài.

 

Là con người, được sinh ra và lớn lên, ai trong chúng ta cũng đã từng chứng kiến hay nghe biết về cái chết, nên ai cũng có thể nói về nó, nhưng chưa một ai có kinh nghiệm về cái chết, vì không ai chết hơn một lần cả. Không ai trong thụ tạo trần gian này có thể tránh khỏi được cái chết, chỉ có là người trước người sau mà thôi. Thánh Augustino nói: “Khi sự chết đến, chẳng có mãnh lực nào có thể cưỡng lại được. Cái chết đến một cách bất ngờ cái ngày không ngờ cái giờ không biết. Khi chúng ta sinh ra cũng chính là lúc chúng ta bước dần vào cái chết. Còn thánh Benado khuyên chúng ta: “Sự chết đợi con mi nơi, thì con cũng hãy đợi nó mọi chốn. Vậy phải chăng suốt ngày sống chỉ lo lắng vì cái chết thôi sao? Thưa không hẳn thế, vì Chúa muốn ta cần có một tâm hồn bình an, có niềm tin vào Ngài, tin vào Đức Kitô. Vậy tin như thế nào? Phải tin Ngài là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ trần gian và thực thi những giáo huấn của Ngài. Ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban xuống không ngoại trừ ai. Tuy nhiên, một khi đã lãnh nhận đức tin nơi Ngài, người tín hữu hãy sống mẫu mực để biến mình thành chứng nhân cho niềm tin đó. Nghĩa là luôn sẵn sàng chờ đợi như “năm cô khôn ngoan đã sẵn sàng đèn dầu để đón chàng rể vào phòng tiệc”.

 

 

Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã mang thân phận yếu hèn của chúng con, và vì yêu thương mà Ngài chịu chết và đã phục sinh. Với lòng tin tưởng vào lượng hải hà của Chúa, xin Ngài ban thưởng Nước Trời cho quý cha, quý thầy, ông bà, cha mẹ, thân nhân, ân nhân của chúng con và các tín hữu đã ra đi trước chúng con. Amen.

 

 

 

“SỰ SỐNG NÀY CHỈ THAY ĐỔI MÀ KHÔNG MẤT ĐI”

 

 

M. Gioan Kety Vương

 

“Sinh, lão, bệnh, tử” luôn là quy luật tất yếu cho một kiếp người. Đã là người thì ai cũng phải một lần trải qua quy luật tất yếu đó. Có sinh có tử, có sống ắt sẽ có chết. Tuy nhiên, trong chúng ta, chưa ai một lần trải qua cái chết để rồi rút ra cho mình một kinh nghiệm hay một bài học. Đối diện với cái cái chết, dường như ai cũng mang trong mình tâm trạng lo âu, sợ hãi. Lo vì không biết mình sẽ đi về đâu, sợ vì đằng sau cái chết vẫn luôn là một mầu nhiệm! Ngưỡng cửa giữa thiên đàng và hỏa ngục, giữa hạnh phúc hay bất hạnh, giữa sự chết đời đời và sự sống vĩnh cửu đều bước qua một ranh giới là cái chết. Cái chết đến thật đáng sợ! Nhưng điều đáng sợ hơn không phải ở cái chết thể lý mà là sự chết đời đời. Bởi lẽ, cái chết đó làm cho chúng ta mãi mãi xa cách Thiên Chúa.

 

Vâng, mỗi người trong chúng ta, ai cũng được sinh ra và lớn lên rồi đi về cái chết, đó là luật tự nhiên, không ai có thể sống mãi mà không chết, dù có tìm mọi phương thế để kéo dài sự sống. Vì thế, chúng ta sống làm sao để không phải hối tiếc khi phải xa lìa sự sống này.

 

Vậy sự sống của con người là gì? Thưa sự sống là một thực tại đang hiện hữu trên thế gian này, và sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa. Ngài đã tạo dựng con người và ban Thần Khí cho con người, để con người được sống. Và cuộc sống như hành trình dẫn chúng ta về Nước Trời (GLHTCG). Vì cuộc sống này chỉ là tạm bợ, Nước Trời mới vĩnh cửu. Vì thế, mỗi người chúng ta khi còn sống ở đời này làm sao cho ý nghĩa, để khi chết không phải hối tiếc.

Vậy chết là gì? Có phải chết là hết? Chết rồi sẽ đi về đâu? Đây là những câu hỏi đặt ra cho bất cứ ai khi chứng kiến cái chết. Tuy nhiên, đối với niềm tin Kitô giáo, chúng ta tin rằng chết là về Nhà Cha, về với Chúa, vì Thiên Chúa luôn mong mỏi chờ đợi chúng ta. Còn Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em”.

 

Như vậy, đối với người Kitô hữu, chết không phải là hết mà là bước vào một đời sống mới, đời sống vĩnh cửu trong Đức Kitô Phục sinh - Đấng đã chết và sống lại và ban cho nhân loại sự sống vĩnh hằng, và nơi Người, chúng ta sẽ không bao giờ phải chết nữa. Khi cầu nguyện cho người quá cố, chúng ta tin rằng : “Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi”. Trong Kinh Tiền Tụng cầu cho người tín hữu đã qua đời, Giáo hội tin tưởng: “Lạy Chúa, đối với những người tin kính Chúa, sự sống không bị hủy diệt, nhưng được biến đổi, và khi thời gian sống của họ trên trái đất này chấm dứt, họ có được một nơi cư ngụ vĩnh viễn trên quê trời”. “chết là kết thúc cuộc lữ hành trần thế, kết thúc thời gian Thiên Chúa gia ân và xót thương để mỗi người thực hiện cuộc sống theo ý định của Ngài” (GLHTCG).

 

Lạy Chúa, xin Chúa thương xót và tha thứ lỗi lầm cho các cha anh của chúng con, cùng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của chúng con đã lìa cõi thế, xin cho các ngài sớm được hưởng tôn nhan Chúa. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á