Suy niệm

Suy niệm TM CN Chúa Giêsu chịu phép rửa, A: ĐỨC GIÊSU – CON CHÍ ÁI CỦA CHÚA CHA

Đức Giêsu được tiếng từ trời xác nhận là Con chí ái và được Thánh Thần tấn phong làm Đấng quy tụ tất cả nhân loại về với Chúa Cha qua công cuộc cứu độ. Đất bỗng gặp Trời, Người Tôi Tớ đau khổ bỗng hóa nên Người Con chí ái, Đấng tự hạ xóa mình ra không trở nên Đấng vừa làm đẹp lòng Cha mọi đàng.

 

 

ĐỨC GIÊSU – CON CHÍ ÁI CỦA CHÚA CHA

(Mt 3,13-17) 

                           

Duy Khang

 

Bài Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi Gioan. Thật ngạc nhiên! Ngạc nhiên đến nỗi Gioan không dám thực hiện, bởi chính ông mới là người cần chịu phép rửa bởi Chúa Giêsu. Ngài chịu phép thanh tẩy không có nghĩa để thú nhận tội lỗi, nhưng Ngài đã chịu phép rửa để tham dự vào tất cả lễ nghi theo luật dạy.

 

Hôm nay xuất hiện bên bờ sông Gio-đan, Ngài xin ông Gioan làm phép rửa. Chóp đỉnh của sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa là lời chứng của Thiên Chúa Cha giới thiệu Ngài: “Đây là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng” (Mt 3,17). Thật khó hiểu khi Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi tay người phàm, nhưng việc đó phải diễn ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Ngài liệt mình vào hàng tội nhân”. Chúa Cha tấn phong Chúa Giêsu là Mêsia, nhưng theo kiểu một người Tôi Tớ đau khổ, đến gánh tội trần gian. Sự khiêm tốn đến lạ lùng, khiến cho nhân loại không nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế, nên họ nghĩ Gioan là người sẽ giải thoát họ. Thật vậy, đêm Giáng Sinh, Chúa Giêsu được sinh ra làm Người bởi một trinh nữ, thì hôm nay, Người được sinh ra trong bí tích của mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa” (St. Gm. Maximo).

 

Chúa Giêsu xuống dưới nước như xác Ngài bị chôn trong mồ. Trời mở ra như bức màn trong đền thờ bị xé ra làm đôi. Thánh Thần đáp xuống với tiếng từ trời phán ra gợi lại việc Chúa phục sinh, ngự bên hữu Đức Chúa Cha và sai Chúa Thánh Thần xuống: “Hôm nay, Thánh Thần lấy hình chim bồ câu bay lượn trên nước, cũng để như bồ câu thời Nô-ê báo tin trận hồng thủy tràn ngập thế gian đã lui đi, thì nhờ dấu hiệu này mà biết được thế gian không còn phải chìm ngập trong cảnh trầm luân muôn đời nữa. Nhưng bồ câu hôm nay không mang ngành ô-liu như bồ câu xưa, mà đổ trên đầu vị thủ lãnh một lớp dầu mới để ứng nghiệm lời ngôn sứ tiên báo: “Chính vì vậy, Thiên Chúa là Thiên Chúa của Ngài đã tôn phong Ngài vượt trổi các đồng liêu cho dầu thơm hoan lạc” (Thánh Phêrô Kim Ngôn, Các bài đọc giờ Kinh sách, tr. 181-182). "Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống và ngự trên Người". Chúa Giêsu đã được thụ thai nhờ Thánh Thần, nay Ngài lại nhận được Thánh Thần để bắt đầu sứ vụ. Thần Khí là bạn đường, hướng dẫn Ngài vào hoang địa, đưa Ngài đi giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật. 

 

Chúa Giêsu bước xuống dòng sông Gio-đan chịu phép Rửa, Đức Giêsu tỏ mình ra không chỉ là Đấng đã đến sống giữa con người, mà còn là Đấng sống cho con người bằng cách đón nhận vào mình đời sống thực thụ của họ, để trọn vẹn liên đới với họ mọi mặt, kể cả mặt yếu đuối tăm tối đớn hèn nhất là thân phận tội nhân (x. ĐGM. Vũ Duy Thống, Điểm hẹn bất ngờ). Trước hành động liên đới của Thiên Chúa dành cho con người trong tình yêu mà Monier giải thích: “Thiên Chúa yêu thương con người, không phải vì con người xứng đáng với tình yêu. Nhưng con người xứng đáng với tình yêu Thiên Chúa bởi vì Thiên Chúa yêu thương con người”.

 

Chúa Giêsu chịu phép rửa, lại một lần nữa làm thành đỉnh cao của toàn thể mầu nhiệm Hiển Linh: Người được tiếng từ trời xác nhận là Con chí ái và được Thánh Thần tấn phong làm Đấng quy tụ tất cả nhân loại về với Chúa Cha qua công cuộc cứu độ. Đất bỗng gặp Trời, Người Tôi Tớ đau khổ bỗng hóa nên Người Con chí ái, Đấng tự hạ xóa mình ra không trở nên Đấng vừa làm đẹp lòng Cha mọi đàng (x. ĐGM Vũ Duy Thống, Điểm hẹn bất ngờ). Nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm đồng hành, Chúa đã đồng hành với chúng ta bằng cách làm người để hiểu được con người. Không chỉ thế, Ngài muốn gặp gỡ con người qua phép rửa của Ngài, để nâng con người lên hàng con Thiên Chúa.

 

Mầu Nhiệm Thiên Chúa được vén mở, Thiên Chúa bây giờ hiện diện, hành động và sống ở giữa con người như một người tôi tớ, như bạn đồng hành và là Đấng cứu thế của con người. Từ đó cũng vén mở mầu nhiệm, về khuôn mặt của Thiên Chúa Cha: “Đấng giàu tình thương”. Cửa Trời mở ra là dấu hiệu Thiên Chúa Cha muốn ngỏ lời với Chúa Giêsu, con yêu dấu của Ngài và qua Con chí ái, cũng là nói với chúng ta. Trời đã mở ra và không bao giờ khép lại. Chính vì thế, Chúa chịu phép Rửa để nối kết những người con cái Chúa, sẽ là hạnh phúc khi cuộc sống của người Kitô hữu sống liên đới, sống yêu thương bác ái sống tinh thần của con Chúa trong phận kiếp của con người. Như vậy, khi nhận bí tích rửa tội, những người Kitô hữu, trở thành con của Thiên Chúa, con của Giáo Hội. Được sinh ra trong thế giới và được trở thành con cái Chúa.

 

Hôm nay Phụng Vụ khép lại Mùa Giáng Sinh, đồng thời mở ra Mùa Thường Niên. Không còn nữa những tưng bừng bên ngoài, nhưng vẫn có đó một sâu lắng niềm vui. Hơn thế nữa, phụng vụ hôm nay cũng gợi cho ta nhớ lại ngày ta nhận lãnh ơn gọi cao quý qua bí tích rửa tội. Nơi Chúa Giêsu, một Con Chiên vô tội đã tự hạ, xếp mình ngang hàng với những tội nhân hèn mọn. Nơi Chúa Giêsu là điểm hẹn giữa thiên tính và nhân tính để mở ra mùa cứu độ, cũng thế đời Kitô hữu là sống ơn thánh Chúa trong kiếp người mỏng giòn để vươn tới hạnh phúc. Qua bí tích thanh tẩy, người Kitô hữu được dìm vào sự chết và sống lại của Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Phép thanh tẩy này không chỉ là một nghi lễ tẩy sạch tội tổ tông, mà còn là một biến cố mở đầu cho một kỷ nguyên mới, một cuộc đấu tranh để chiến thắng tội lỗi. Bởi vậy, chúng ta được mời gọi hãy tỏa sáng cùng với Chúa Kitô qua bí tích Rửa tội. Chúa Kitô được dìm xuống nước, chúng ta hãy cùng xuống để cùng lên với Người. Như lời Thánh Tông Đồ nói: “Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, điều mặc lấy Đức Ki tô” (Gl 3,27).

 

Hôm nay, Đức Kitô, Đấng sẽ tẩy rửa thế gian, đã xuống song Gio-đan: chính ông Gioan làm chứng rằng Người đã đến để làm công việc đó: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa tội trần gian”. Hôm nay tôi tớ đóng vai chủ, con người đóng vai Thiên Chúa, ông Gioan đóng vai Đức Kitô (x. Thánh Phêrô Kim Ngôn, Các bài đọc giờ Kinh sách, tr. 181). Hôm nay như ngôn sứ nói: “Tiếng Chúa vang trên nước. Tiếng nào? Đây là con yêu dấu của ta; Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17).

 

Lạy Chúa, qua Bí Tích Rửa Tội, chúng con đã được làm con Thiên Chúa, nhưng đôi lúc chúng con sống chưa xứng với những ơn huệ Chúa đã ban cho chúng con. Xin Chúa thức tỉnh, uốn nắn chúng con sống theo đường lối của Chúa, để chúng con trổ sinh hoa trái nơi mảnh vườn Giáo hội để Chúa được tôn vinh. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á