Suy niệm

Suy niệm TM Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm C (Phaolô Thông)

Trước khi kết án hoặc xét đoán ai, chúng ta nên bình tĩnh kiên nhẫn để cúi xuống nhìn lại bản thân mình, nhìn lại những gì Chúa viết trong lương tâm chúng ta, nhờ đó ta không phải hối hận về những lời nói và hành động của mình.

 

Suy niệm TM Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm C

Ga 8,1-11

 

Phaolô Thông

 

Trình thuật Tin mừng Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm C có thể được chia ra những phần như sau:

1. Mở đầu bài Tin mừng, tác giả đề cập đến thói quen của Chúa Giêsu khi lên núi Ô-liu cầu nguyện. Khi vừa tảng sáng, ta thấy quang cảnh thật đẹp khi Ngài trở lại đền thờ và toàn dân tụ tập đến nghe giảng dạy. Tác giả dùng từ “toàn dân” ở đây, ta có thể hiểu là hầu như mọi người có mặt ở đó đều đến với Chúa, sức hút của Chúa rất lớn khi gần kề cuộc khổ nạn của Ngài.

2. Tác giả nói về sự quỷ quyệt của những người kinh sư và Pharisêu, khi họ bắt quả tang một người phụ nữ đang ngoại tình, đem đến cho Chúa Giêsu để thử thách Ngài, họ hỏi: “Trong sách luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (c.5).

3. Gioan diễn tả cách ứng xử đầy khôn ngoan của Chúa, khi Chúa Giêsu dùng cả lời nói cũng như hành động. Chúa cúi xuống dùng ngón tay viết lên đất, không nói gì, cho đến khi thấy họ đã hỏi nhiều, Ngài mới dùng lời nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (c.7). Thật bất ngờ, cuối cùng tất cả đều bỏ về từ người lớn nhất cho đến người trẻ.

4. Khi họ đã về hết chỉ còn Chúa Giêsu và người phụ nữ, Ngài nói: “Tôi cũng không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (c.11). Vì lòng thương xót, Chúa Giêsu đã thể hiện với người tội lỗi một cách rất nhân hậu và tinh tế.

* Trình thuật này có rất nhiều điểm ta có thể suy gẫm để rút ra bài học cho bản thân. Ở đây người viết xin phân tích 3 điểm chính:

Điểm thứ 1: Về sự mưu mô thâm hiểm của những người kinh sư và Pharisêu khi họ bắt quả tang một người phụ nữ đang ngoại tình, họ có thể xử theo luật Môsê ngay, nhưng họ không xử mà lại nắm bắt cơ hội đó một cách đắc thắng để đưa Chúa vào một cái bẫy. Cái bẫy mà họ dùng thật thâm độc và hầu như không có lối thoát. Với cái bẫy này, nếu Chúa đồng ý, thì không khác gì Ngài tự phản bác lại giáo lý đầy yêu thương và tha thứ của mình, những lời dạy mà bấy lâu nay những người tội lỗi mong chờ Ngài bênh đỡ, cứu giúp mà bây giờ Ngài có thể bán đứng họ sao? Còn nếu không đồng ý, họ có bằng chứng rõ ràng đủ sức thuyết phục để kết án Chúa về tội công khai chống lại Lề Luật, chống lại ông Môsê.

Điểm thứ 2: Về sự khôn ngoan trong cách ứng xử của Chúa. Sự khôn ngoan đáng chú ý ở đây là khi Chúa không nói gì, cứ mặc họ hỏi, còn Ngài cúi xuống lấy ngón tay viết lên đất. Có thể hành động này có mục đích là làm giảm đi sự kiêu căng đầy háo thắng và gây chú ý của họ lên những gì Ngài viết. Vậy Chúa viết gì trên đất? Hành động này có lẽ ít người để ý đến nhưng đây có thể là điểm mấu chốt và bài học chính của bài Tin mừng này. Bây giờ ta hãy phân tích và nhìn lại bối cảnh, lúc đó rất đông người đến chứng kiến, còn những người kinh sư và Pharisêu kiêu căng, có lẽ ai cũng biết, họ thuộc thành phần đầy sĩ diện trong dân thời điểm đó. Kinh sư là những người giải thích Lề luật, còn Pharisêu là những người bảo vệ và thi hành Lề luật. Từ những phân tích này, ta có thể đoán được họ không dễ dàng chấp nhận thất bại và bỏ về một cách công khai, để người khác coi mình là người tội lỗi như vậy được. Chính vì thế, ta có thể suy luận về hành động viết trên đất của Chúa. Thiết nghĩ, có thể Chúa viết trên đất những tội lỗi thầm kín khó chối cãi và đầy xấu hổ của họ. Đây có thể là nguyên nhân chính Chúa cố ý làm cho họ phải cúi xuống nhìn trên đất để thấy những gì Ngài viết. Ở điểm thứ hai này, ta có thể rút ta bài học quá giá, đó là trước khi chúng ta kết án hoặc xét đoán ai, thì nên bình tĩnh kiên nhẫn để cúi xuống nhìn lại bản thân mình, nhìn lại những gì Chúa viết trong lương tâm mỗi người chúng ta, nhờ đó ta không sợ phải hối hận về những lời nói và hành động của mình. Một mẫu gương chúng ta nên học hỏi và bắt chước đó là thánh Têrêsa Avila, một vị thánh luôn coi bản thân mình là người tội lỗi hơn người khác, và lúc nào cũng đặt tội lỗi của mình trước mắt để khỏi có cơ hội xét đoán ai.

Điểm cuối cùng: Về sự bao dung đầy tinh tế của Chúa. Sau khi họ đã bỏ về hết và chỉ còn Chúa Giêsu và người phụ nữ. Chúa ngẫng đầu lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” (c.10). Từ những câu hỏi này, ta thấy Chúa vừa thể hiện sự quan tâm cũng như khéo léo cho người phụ nữ đó biết tội của chị không phải nhẹ và đáng bị lên án. Sự quan tâm chúng ta cần học hỏi ở đây là nếu muốn tha thứ cho ai đó mà muốn họ nhận lỗi để không vấp phạm nữa thì không phải nói tha thứ thôi là đủ, nhưng trước đó, ta nên thể hiện sự quan tâm bằng lời nói hoặc hành động, cho dù ta thấy không cần thiết đối với ta, nhưng cần thiết đối với người khác, để sự tha thứ của ta thấm sâu trong tâm hồn họ, thúc đẩy họ phải suy nghĩ về lỗi lầm của mình. Ta có thể lấy ví dụ so sánh này để dễ hiểu, đó là khi ta cho người khác ăn một ổ bánh mỳ cứng, để nuốt vào, họ sẽ rất vất vả và dễ bỏ cuộc; nhưng khi ta thêm cho người đó một chén súp hoặc một ly nước, thì chắc chắn sẽ dễ ăn và cảm thấy ngon hơn, thích thú hơn đối với một ổ bánh mỳ cứng không có gì. Sau cùng, để tha thứ và muốn chị hối cải, Chúa nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị về đi và đùng phạm tội nữa” (c.11).

Để kết thúc bài chia sẻ, chúng ta hãy tưởng tượng ra đoạn kết có hậu của  bài Tin mừng này. Một bên là những người tính kế thâm đôc phải nhận lấy hậu quả là ra về trong tình trạng tâm hồn xấu hổ nặng trĩu khi nhận ra những tội lỗi của mình mà không tìm được ơn tha thứ. Còn bên còn lại là người phụ nữ tội lỗi kia cũng ra về nhưng trong lòng tràn ngập niềm vui và hy vọng, bởi chị đã gặp được một Đấng đầy nhân từ, không nhìn đến tội lỗi của chị. Đấng cứu chị và cho chị một tương lai khác để đi, đó là: “Từ nay đừng phạm tội nữa”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết nhìn nhận bản thân mình là người tội lỗi, cần được tha thứ để khi nhìn tha nhân, chúng con không còn dám xét đoán hay lên án ai nữa, mà tỏ lòng bao dung tha thứ, để chúng con cũng được Chúa thứ tha. Amen.

Thiết kế Web : Châu Á