Suy niệm

Suy niệm TM Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm C (M. Damasceno Hùng)

Đức Giêsu không phủ nhận tội của người đàn bà kia, cũng không phủ nhận luật Môsê, nhưng Ngài đưa ra một quan điểm mới: Hãy tự xét xử mình trước khi xét xử người khác. Họ đang dựa vào luật Môsê để xét xử người khác, thì Ngài cũng bảo họ hãy dựa vào đó mà xét xử chính mình trước đã.

 

TÌNH YÊU VÀ THÂN PHẬN

(Ga 8,1-11)

 

M. Damasceno Hùng

Đại thi hào Lamartine từng nói: “Con người là một thiên thần sa đọa hằng hướng vọng về trời cao”. Câu nói ấy không những cho thấy ước vọng sâu thẳm của con người là hướng về Đấng Siêu Việt mà còn cho thấy thân phận mềm yếu của họ trước các thế lực sự dữ. Người ta thường gọi đó là tình yêu và thân phận. Tình yêu thì “hướng vọng về trời cao”, nhưng thân phận lại làm cho con người “sa đọa”. Vì thế, sự sa ngã là một thực tại của loài người, cho nên ai cũng phải sám hối và cần được Thiên Chúa thứ tha. Qua câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan không chỉ nói đến bài học về sự khoan dung của Thiên Chúa đối với những yếu đuối mang tính chất nhân loại,  mà còn là một mạc khải sâu xa về bản chất của tội lỗi, và bản chất của sự tha thứ... theo cái nhìn của Thiên Chúa.

Thánh sử Gioan mở đầu câu chuyện bằng việc trình bày một phiên tòa xét xử người đàn bà phạm tội ngoại tình của Đức Giêsu. Câu chuyện diễn ra khi Đức Giêsu vừa bắt đầu bài giảng của Ngài. Người ta đưa đến cho Đức Giêsu một thiếu phụ “bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình”. Các kinh sư và những người Pharisêu dẫn chị vào "giữa" đám đông đang tụ họp, đến trước Đức Giêsu và nói với Ngài: “Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”. Câu chuyện tưởng chừng như đơn giản và không có vấn đề gì nghiêm trọng, như một thắc mắc trong lớp học trên giảng đường. Luật mà những người tố cáo trưng dẫn ở đây có thể là Lv 20,10 và Đnl 22,22: “Phụ nữ có chồng bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình phải bị ném đá cho chết cùng với người đàn ông đang phạm tội ngoại tình với bà”. Đây là cách thức người xưa khử trừ cuộc sống hoang dâm khỏi cộng đoàn. Tuy nhiên, mọi người đều biết rằng, trong khi giảng dạy, Đức Giêsu đã từng tuyên bố tính bất khả phân ly của hôn phối để cứu tình yêu khỏi những tình trạng bất trung (x. Mt 5,31-32). Ngài cũng đã dứt khoát và mạnh mẽ lên án việc ngoại tình, dù chỉ ưng thuận trong lòng (x. Mt 5,28). Mặt khác, những người Pharisêu và kinh sư biết rằng, Đức Giêsu thương yêu các tội nhân và họ cũng yêu thương Ngài: “Ông ấy ăn uống với người tội lỗi”. Quả vậy, vụ xét xử người đàn bà ngoại tình chỉ là cớ để họ gài bẫy Đức Giêsu. Bởi nếu Ngài lên án tử hình người đàn bà này, Ngài sẽ xoá bỏ hình ảnh xót thương mà Ngài đã để lại trong tâm trí kẻ tội lỗi. Nhờ đó, Ngài được quần chúng mến phục, vì tình yêu, vì sự tốt lành của Ngài. Nếu Đức Giêsu tha bổng người đàn bà tội lỗi này, Ngài sẽ vi phạm luật Chúa, và có thể bị tử hình vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng đã cấm phạm tội này. Như vậy, đây là sẽ “vụ xử án của Đức Giêsu” diễn ra sau vụ xử án người đàn bà này (Xem chú giải của Noel Question).

Chúng ta hãy chú ý tới thái độ của những người cáo trạng, họ phơi bày người phụ nữ ra với nỗi ô nhục trước công chúng. Họ không hề nhìn đến những cảm xúc của chị, cũng không hề có một chút quan tâm đến chị, với tư cách là một con người. Chị chỉ được coi như một con người nào đó, mà họ có thể sử dụng để gài bẫy Đức Giêsu. Họ xem chị như là phương tiện chứ không phải một nhân vị. Việc sử dụng người khác theo cách này đúng là một thủ đoạn hèn hạ. Lại nữa, thái độ của họ đối với Đức Giêsu cũng là một sự lố lăng. Ở đây, họ là những con người đang theo đuổi một ý đồ đen tối. Họ chỉ có duy nhất một mục đích: Loại trừ Đức Giêsu. Nói cách khác, họ đã giết người trong tư tưởng. Giờ đây, dây thòng lọng đang xiết dần cả người thiếu phụ, lẫn Đức Giêsu. Đây không còn là một câu hỏi nơi lớp học, nhưng là một vấn nạn sinh tử đối với người thiếu phụ cũng như đối với chính Đức Giêsu.

Vẫn ngồi trong dáng điệu của một ông thầy đang giảng dạy, Đức Giêsu “cúi xuống” và thay vì trả lời, Ngài dùng ngón tay vẽ vẽ trên đất. Câu trả lời của Ngài là thinh lặng.

Các nhà chú giải rất quan tâm tìm hiểu xem Đức Giêsu viết gì trên đất? Thánh Hiêrônimô nghĩ: Ngài vạch tội những kẻ tố cáo. Nhiều tác giả khác thì cho rằng: Ngài trích lại ý tưởng trong Giêrêmia (Gr 17,l3). X. Léon-Dufour lại liên tưởng đến việc người ta cũng sẽ xét xử Đức Giêsu như thế. Tuy nhiên, A. Marchadour cho rằng: "Tốt nhất nên trung thành với sự mơ hồ của bản văn. Đức Giêsu vạch trên đất để kéo dài thời gian thinh lặng, làm cho lời phân xử sắp thốt ra thêm trọng lượng" (Xem chú giải của Fiches Dominicales). Đối với thánh Gioan, điều quan trọng không phải là nội dung của những lời Đức Giêsu đã viết ra mà chính là sự thinh lặng của Ngài. Vì chỉ trong thinh lặng, con người mới có thể trở về với cõi lòng để nghe thấy tiếng nói của lương tâm. Chỉ có trong thinh lặng, người ta mới thấy được tình yêu bao la của Thiên Chúa. Có thinh lặng, con người mới đi sâu vào cõi lòng mình. Có thinh lặng, con người mới nhận ra thân phận tội lỗi bất toàn của mình. Có thinh lặng, con người mới có thể tha thứ cho người khác.  Đây là sứ điệp mà Đức Giêsu muốn nói với các Biệt phái và đám đông đến nghe Ngài giảng dạy. Người ta ồn ào và hung hãn bao nhiêu khi lôi người đàn bà ngoại tình tới trước mặt Chúa, thì giờ đây trong thinh lặng do Ngài gợi lên, người ta lại càng nhận ra chính bản thân tội lỗi của mình hơn. Trong lúc im lặng, người đàn bà cũng có thời giờ suy nghĩ vì tội lỗi của mình. Nhiều điều đang diễn ra trong đầu óc của chị. Có thể chị đã không bao giờ thực sự nhận ra tính nặng nề của tội chị phạm? Nhưng tình yêu xót thương của Thiên Chúa “không lên án” chị, sẽ phút chốc mạc khải cho chị biết thế nào là tình yêu thực sự.

Đám đông đã từ từ kéo nhau về sau khi đã nhìn sâu vào trong tâm hồn tội lỗi yếu hèn của mình. Quả thật, không một ai dám can đảm ném hòn đá đầu tiên, và cũng chẳng có hòn đá cuối cùng. Chỉ vài lời thôi, Đức Giêsu đã hoán đổi vị trí, nguyên cáo biến thành bị cáo. Chị ta đã phạm tội. Đúng vậy. Còn các ông? Chị không đến nỗi hư hỏng và tội lỗi như các ông nghĩ, và các ông cũng không công chính và trung tín như các ông tự phụ. Có chăng chỉ là những bàn tay cách đây ít phút nắm chặt những viên đá đầy sát khí chuẩn bị tấn công, giờ đây đang nới lỏng các cơ bắp để các viên đá kia lặng lẽ kín đáo rơi nhẹ nhàng trên đất. Họ ra về chắc chắn với một ý thức mới, không phải ý thức về sức mạnh của luật pháp do con người làm ra, mà về chính thân phận tội lỗi của mình. Ít nhất đó cũng là bước đầu của sự sám hối. Riêng người phụ nữ cũng ra về, nhưng ra về với lời vỗ về yêu thương, tha thứ và cổ vũ của Chúa Giêsu: “Con hãy về và đừng phạm tội nữa”. Chúa không phủ nhận tội của người đàn bà kia, cũng không phủ nhận luật Môsê, nhưng Chúa đưa ra một quan điểm mới: Hãy tự xét xử mình trước khi xét xử người khác. Họ đang dựa vào luật Môsê để xét xử người khác, thì Chúa cũng bảo họ hãy dựa vào đó mà xét xử chính mình trước đã.

Chúng ta đang sống trong một thế giới của những kẻ ném đá. Người ta chỉ thích phê bình, chỉ trích, lên án, hạ nhục hoặc chống đối người khác. Câu chuyện trên đây không chỉ đề cập đến những kẻ ném đá, những kẻ tự cho mình là người công chính, những kẻ tự đặt mình vào chức vụ bảo vệ nền luân lý; những kẻ vẫn tự hào rằng mình tốt lành và nhân đức hơn những người khác... Câu chuyện còn đề cập đến chính người thiếu phụ bất hạnh ấy nữa. Đức Giêsu đã không nhắm mắt làm ngơ trước tội ngoại tình. Ngài đã không xem những việc làm của phụ nữ là một chuyện vặt, một chuyện nhỏ mọn, hoặc là một chuyện có tính cách riêng tư không dính líu gì tới ai. Nhưng con người có liên đới với nhau ngay cả trong vấn đề về sự dữ. Cả hai hạng người này đều phải sám hối. Đây là thời khắc mà chúng ta phải để cho Lời Chúa chạm vào con tim. Đức Giêsu đã sẵn lòng chấp nhận người phụ nữ bất hạnh trong chính tình trạng hiện nay của chị: Chị là người có tội đấy, chị hãy chừa cải, sửa đổi nên người mới. Muốn làm được như thế, mỗi người cần nhận ra giới hạn của bản thân để sửa đổi chính mình. Mỗi người phải tự thay đổi chính mình chứ không phải thay đổi người khác. Phải chọn tình yêu để vượt qua thân phận mỏng dòn, làm cho tình yêu lớn lên để dẹp yên những yếu hèn sa đọa.

Trong cõi nhân gian, con người chỉ có tình yêu và thân phận. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở ta phải sống làm sao để tình yêu có thể cứu chuộc được thân phận trên cây thập giá đời. Muốn vậy, mỗi người phải trở về với lương tâm mình, chân nhận thân phận hữu hạn bản thân và tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Nhờ đó, ta sẽ được Thiên Chúa ban ơn tha thứ, Ngài sẽ trìu mến nói với ta như với người phụ nữ: “Ta không lên án chị đâu, chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa”. Amen.

 

Thiết kế Web : Châu Á