Suy niệm

Suy niệm TM Chúa Nhật Lễ Lá, Năm C (Minh An)

Đức Giêsu, hiện thân của lòng thương xót Chúa, Người luôn thể hiện lòng bao dung tột đỉnh, sẵn sàng tha thứ cho những người hãm hại Người, tố giác và cuối cùng là giết chết Người...

 

ĐỨC GIÊSU KITÔ - VUA CỦA LÒNG XÓT THƯƠNG

(Lc 23,1-49)

 

Minh An

Chúa Nhật Lễ Lá, Giáo hội cho chúng ta đọc bài Thương Khó của Đức Giêsu. Trong bài đọc thương khó này, tác giả Luca đã diễn tả cho chúng ta biết có rất nhiều vấn đề xảy ra để đưa đến cái chết của Đức Giêsu. Nhưng, cho dù thế nào đi nữa, Đức Giêsu vẫn giữ mãi tấm lòng sắt son với Chúa Cha và diễn tả cách cụ thể lòng thương xót của Thiên Chúa.

Đứng trước tòa án Philatô, Đức Giêsu vẫn bình thản như là chuyện đương nhiên Người phải đối diện. Người đã trả lời Philatô một cách rất bình thản, không sợ sệt, nao núng: “Ông Philatô hỏi Người: Ngài là vua dân Do thái sao? Người trả lời: chính ngài nói đó” (Lc 23,3).

Câu trả lời của Chúa Giêsu như khẳng định cách rõ ràng và minh nhiên rằng, chính Người là “Vua”.  Người là Vua muôn vua. Chúng ta chỉ dừng lại để suy niệm về tước hiệu Vua của lòng xót thương, hay vị Vua diễn tả lòng xót thương của Thiên Chúa.

* Đức Giêsu thể hiện lòng xót thương khi yên ủi dân thành Giêrusalem

Đức Giêsu là vua của lòng xót thương. Vì thế, khi nhìn thấy được những nỗi thống khổ của dân thành Giêrusalem phải chịu, nhất là những người phụ nữ đang theo mình, Người an ủi họ: “Hỡi chị em thành Giêsrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây, sẽ tới những ngày người ta phải nói; phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm! Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống chúng tôi đi, vì cây xanh tươi mà người ta con đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?” (Lc 23,28-31).

Đức Giêsu là Thiên Chúa, nên Người biết hết mọi sự và thấu hiểu mọi điều trong tâm khảm của con người, đúng như lời vịnh gia: Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv 39,1-3). Người đã an ủi con người ta theo cách Ngài muốn, để yêu thương và nâng đỡ họ.

Trong đời sống đức tin, chúng ta cũng không tránh được những khó khăn thử thách, nhưng hãy đến với Đức Giêsu, Người là hiện thân của lòng thương xót Chúa, chính Người sẽ nâng đỡ ủi an chúng ta, như an ủi các chị em phụ nữ thành Giêrusalem. Người cũng sẽ chỉ cho chúng ta con đường vượt qua những thử thách chông gai trong đời sống Kitô hữu của mình. Chính Người đã kêu mời chúng ta rằng: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi, bồi dưỡng” (Mt 11, 28).

* Đức Giêsu thể hiện lòng xót thương khi tha thứ cho những người hãm hại mình

Khi giảng dạy cho dân chúng và các môn đệ, Đức Giêsu luôn kêu mời họ: “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người hãm hại anh em” (Mt 5,44), hay “anh em hay tha thứ để được Thiên Chúa thứ tha” (x. Mt 18,34). Lời giảng dạy của Chúa Giêsu luôn đi đôi với điều Ngài thi hành. Đó là dấu chứng cho thấy lòng Ngài bao dung.

Quả thế, trên thập giá, Chúa Giêsu đã phải chịu đau đớn thân xác, vì những trận đòn, những đinh nhọn đóng vào tay chân, gươm đâm vào cạnh sườn… nhưng Ngài vẫn nhất mực kêu cầu Chúa Cha tha thứ cho những người đã hãm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Lời cầu xin tha thiết của Chúa Giêsu đó đã lột tả hết lòng xót thương của Thiên Chúa. Và ở nơi Người chỉ có sự tha thứ và thứ tha mà thôi.

Đức Giêsu, hiện thân của lòng thương xót Chúa, Người luôn thể hiện lòng bao dung tột đỉnh, sẵn sàng tha thứ cho những người hãm hại Người, tố giác gian manh về Người và cuối cùng là giết chết Người: “Khi ấy, đoàn kỳ mục trong dân, các thượng tế và kinh sư đứng lên, điệu Đức Giêsu đến ông Philatô. Họ bắt đầu tố cáo Người rằng: chúng tôi đã phát ra tên này xách động dân tộc chúng tôi và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xêda... hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giuđê... đóng đinh nó vào thập giá...”. Những lời tố giác phi lý, những yêu cầu ác ôn của con người cũng chỉ vì mục đích giết cho bằng được Người vô tội. Lòng dạ con người là thế sao? Nhưng, Đức Giêsu đã tẩy xóa mọi lỗi lầm của con người bằng lòng xót thương.

Không những thế, Người còn thêm lời cầu xin Chúa Cha tha cho những người hãm hại mình nữa:“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì học không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Đó là mẫu gương sáng ngời để ta học hỏi bắt chước. Chúng ta hãy học nơi Đức Giêsu lòng bao dung để biết tha thứ cho anh chị em của mình khi họ đã lỡ xúc phạm đến ta. Chúng ta cũng xin Chúa tha thứ cho mình những lỗi lầm chúng ta đã xúc phạm đến Ngài và đến anh chị em của mình, như Người đã dạy: “Xin Cha tha lỗi cho chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có lỗi với chúng con” (Lc 11,4).

* Đức Giêsu thể hiện lòng xót thương khi ban ơn cứu độ cho người gian phi

Trên thập giá, Vua Giêsu có lẽ như đang đau đớn vì những trận đòn trước đó, và nhất là phải chịu những lời nhục mạ của nhiều người, kể cả lính tráng: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn… Nếu ông là Vua dân Do thái thì cứu lấy mình đi…”. Thậm chí, một tên gian phi đang chịu cảnh ngộ với Đức Giêsu cũng buông lời nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi và cứu cả chúng tôi với”.

Vua Giêsu đau đớn thật! Dường như mọi người ngoảnh mặt làm ngơ, thờ ơ với những cực hình đau đớn mà Người đã chịu! Giữa đám mây mù u ám của đau đớn thể xác, Đức Giêsu như được tưới gội “một giọt nước mát trong” từ lời an ủi và cũng là một lời van xin của kẻ khốn cùng, tức là tên gian phi thứ hai: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái. Rồi anh thưa với Đức Giêsu: Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”.

Tác giả Luca không nói rõ đến cách gian phi của anh này như thế nào (anh gian phi thứ 2), nhưng chỉ đề cập đến sự bênh vực của anh dành cho Đức Giêsu, đồng thời cầu xin Người thương đến mình. Như thế, sự bênh vực của anh chính là lời anh tuyên xưng vào Người là Thiên Chúa, và lời cầu xin chính là anh đã thành tâm sám hối vì những sự lỗi lầm anh đã phạm. Do vậy, Vua của lòng thương xót đã ban ơn cứu độ cho anh ngay lập tức: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”.

Đức Giêsu, Vua của lòng thương xót đã ban ơn cứu độ cho người gian phi, vì anh đã tuyên xưng Người là Thiên Chúa và đã cậy dựa vào lòng thương xót của Người, khi anh sám hối ăn năn. Lời tuyên xưng và cầu xin của người gian phi phần nào an ủi chúng ta rất nhiều trong đời sống đức tin. Có nhiều khi chúng ta gian phi, hay gian manh đủ mọi thứ gây cho Chúa và tha nhân biết bao nhiêu đau khổ. Nhưng chúng ta hãy học nơi anh gian phi là biết sám hối ăn năn, để đón nhận lòng thương xót của Vua Giêsu và xứng đáng đón nhận ơn cứu độ Người ban. Amen.

 

Thiết kế Web : Châu Á