Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng Thứ 7, Tuần XXIX TN, A: MỜI GỌI SÁM HỐI

Đức Giêsu muốn những người đang hiện diện quanh Ngài thực hiện một cuộc hoán cải thực sự, sám hối tận căn và quyết liệt. Thái độ hoán cải và canh tân chính là lấy đức tin chấp nhận lời cứu độ của Thiên Chúa được Đức Giêsu loan báo. Vì nếu không thực hiện việc sám hối và hoán cải kịp thời, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào và với bất cứ người ai.

 

 

MỜI GỌI SÁM HỐI

(Lc 13,1-9)

 

Lam Châu

 

Nhiều người Do Thái quan niệm rằng những người gặp may, hạnh phúc là vì họ sống công chính và được Thiên Chúa chúc phúc (x. Tv 37,3-4.28); còn những người gặp tai họa là do họ sống bất chính, tội lỗi nên bị Thiên Chúa giáng phạt (x. Tv 37,9; Ga 9,1). Bài Tin Mừng hôm nay phần nào nói lên quan niệm đó của người Do Thái.

 

Trình thuật Tin Mừng hôm nay của thánh Luca đề cập đến hai sự kiện. Trước tiên, có mấy người kể cho Đức Giêsu những người Galilê bị Philatô giết chết. Họ bị giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng.

 

Tiếp theo, Đức Giêsu đề cập đến sự kiện mười tám người bị tháp Siloac đổ xuống đè chết. Đây là một tai nạn xảy đến bất ngờ và những người bị chết đã xuất hiện đúng vào lúc tháp Siloac đổ xuống.

 

Liên kết hai sự kiện vừa nêu, những người Do Thái tin rằng, những người xấu số ấy bị phạt do lỗi lầm của họ. Hơn nữa, những người kể cho Đức Giêsu nghe tội ác của Philatô nhằm thăm dò thái độ của Ngài. Họ đang chờ đợi sự cảm thương của Ngài dành cho những đồng bào đã chết, đồng thời họ cũng mong Đức Giêsu lên án mạnh mẽ sự tàn bạo của chế độ ngoại bang Roma đang cai trị hà khắc đối với Israel, người đại diện cho chế độ ngoại bang đó chính là Philatô.

 

Tuy nhiên, Đức Giêsu không bênh những đồng bào bị hại, cũng chẳng lên án Philatô. Thái độ này của Đức Giêsu không đáp ứng sự mong chờ của những người Do Thái hiện diện lúc đó. Trái lại, Ngài nói cho họ biết, thực ra những người đã chết không phải vì họ tội lỗi hơn những người Do Thái khác, cũng chẳng phải họ công chính hơn những người ngoại bang. Nhưng Ngài lưu ý họ: „Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy“ (c. 3). Nếu họ không thực sự ăn năn sám hối về những lỗi lầm của mình cũng có thể chết như những người đã kể trên. Ngài còn lấy hình ảnh cây vả không sinh trái để ám chỉ họ, còn thời gian gia hạn nói lên sự kiên nhẫn và từ bi của Thiên Chúa đối với họ.

 

Sự kiện những người Galilê bị Philatô giết chết cũng như những người bị tháp Siloác sụp đổ đè chết là dịp để Đức Giêsu kêu gọi mọi người hoán cải và canh tân đời sống: „Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy“. Đây là một lời mời gọi, hay đúng hơn là một lời cảnh báo kèm theo sự đe dọa, khiến người nghe không thể không chú ý. Đức Giêsu muốn những người đang hiện diện quanh Ngài thực hiện một cuộc hoán cải thực sự, sám hối tận căn và quyết liệt. Thái độ hoán cải và canh tân chính là lấy đức tin chấp nhận lời cứu độ của Thiên Chúa được Đức Giêsu loan báo. Vì nếu không thực hiện việc sám hối và hoán cải kịp thời, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào và với bất cứ người nào giống như những người xấu số kể trên, thậm chí ngay đêm nay, họ cũng có thể bị „đòi mạng“ để chịu xét xử (x. Lc 12,20).

 

Cũng như những người Do Thái, chúng ta thường lầm tưởng, những người gặp tai ương, bất hạnh, bệnh tật...là do họ sống bất chính, nên bị Thiên Chúa giáng phạt. Còn chúng ta, những người luôn gặp may mắn, sống hạnh phúc, giàu sang...là do chúng ta ăn ở đạo đức, thánh thiện. Đây là một quan niệm sai lầm. Vì trước nhan Thiên Chúa, không một người nào có thể tự hào cho mình là vô tội hoặc đáng được Thiên Chúa chúc phúc. Chúng ta nhận được ân huệ của Thiên Chúa là do tình thương và lòng ái tuất của Ngài. Thiên Chúa luôn tràn đổ ân phúc của Ngài trên chúng ta giống như Ngài cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương (x. Mt 5,45). Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy sinh hoa trái thánh thiện như một sự đáp trả đối với tình yêu và lòng nhân ái của Ngài. Chúng ta nhận được hết ơn này đến ơn khác từ trời cao (Ga 1,16), nhưng giống như cây vả, chúng ta lại không sản sinh được hoa trái nào tốt.

 

Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Ba năm, khoảng thời gian chờ đợi, nói lên sự kiên nhẫn hết sức có thể của Thiên Chúa. Thời gian được gia hạn thêm một năm như thời gian ân phúc để chúng ta hối cải mà trở về với Ngài. Cây vả không trái trở thành biểu tượng của một cuộc sống con người không sản sinh hoa trái thiêng liêng. Giống như cây vả không sinh trái, nếu chúng ta không sám hối, trở về với Thiên Chúa và sản sinh những hoa trái thánh thiện, lời cảnh báo của Gioan Tiền hô một lần nữa lại vang lên: „Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh hoa quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa“ (Mt 3,10).

 

Xin Chúa cho chúng con luôn biết sám hối và hoán cải về những lỗi lầm chúng con đã xúc phạm, để mỗi ngày sống, chúng con được Chúa chúc phúc và bước đi dưới sự che chở đầy yêu thương của Ngài. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á