Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng Thứ 5, Tuần XXIX TN, B: CÓ SỰ ĐỐI KHÁNG VÌ TIN VÀO ĐỨC KITÔ

Một khi gia nhập hàng ngũ Đức Kitô, thì người Kitô hữu ở trong tình trạng đối kháng với những ai đối nghịch với Thiên Chúa, và khi thưa “xin vâng” với Thiên Chúa cũng có nghĩa là nói không với thế lực đến từ thế gian.

 

 

 

CÓ SỰ ĐỐI KHÁNG VÌ TIN VÀO ĐỨC KITÔ

(Lc 12,49-53)

 

 

Viết Huy

 

Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban bình an cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (c.51). Lời tiên báo của Đức Giêsu trong Tin mừng hôm nay trông như có sự nghịch lý với lời loan báo Tin mừng của sứ thần trong ngày Ngôi Hai giáng trần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Một sự nghịch lý, xem ra ai cũng bỡ ngỡ, khó hiểu và không dễ mở lòng đón nhận. Theo lẽ thường, con người chỉ thích đón nhận một Thiên Chúa nhân hậu, giàu lòng xót thương, hằng ban phát điều tốt, điều lành. Vậy đâu là chủ đích của lời tiên báo mà Đức Giêsu đưa ra hôm nay? Và cần nhìn lời tiên báo đó dưới khía cạnh nào? Để hiểu được ý nghĩa lời tiên báo của Đức Giêsu, chúng ta cần trở lại với câu: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (c.49). Hạn từ “lửa” ở trong câu này mang nghĩa tượng trưng. “Lửa” Đức Giêsu muốn nói tới là: Thánh Thần Chân Lý, Thánh Thần Tình Yêu và Thánh Thần đem lại bình an.

 

Để làm cho “Lửa” bùng lên khắp mặt đất, Đức Giêsu phải hoàn tất phép rửa mà Chúa Cha đã trao phó: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (c.50). Phép rửa Đức Giêsu phải hoàn thành ở đây là cuộc tử nạn và phục sinh của Người. Chính khi Đức Giêsu hoàn tất con đường tử nạn và phục sinh, là lúc lửa tình yêu, lửa chân lý của Thiên Chúa bùng lên trên mặt đất: “Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33c).

 

Phép rửa năm xưa Đức Giêsu phải chịu, cũng là phép rửa của mỗi người Kitô hữu hôm nay phải ngang qua: “Chén Thầy uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy chịu, anh em cũng sẽ chịu” (Mt 10,39). Tình yêu và bình an của Thiên Chúa đã được ban cho nhân loại trong đêm Chúa Giáng Sinh, vẫn luôn ở với con người cho đến tận thế. Nhưng để đứng vững và làm bùng lên “ngọn lửa” đó nơi trần gian, người Kitô hữu phải xác tín: Một khi gia nhập hàng ngũ Đức Kitô, thì người Kitô hữu ở trong tình trạng đối kháng với những ai đối nghịch với Thiên Chúa, và khi thưa “xin vâng” với Thiên Chúa cũng có nghĩa là nói không với thế lực đến từ thế gian.

 

Chân lý và gian tà, ánh sáng và bóng tối, Thiên Chúa và thế gian mãi mãi sẽ không có điểm chung, cũng như không có sự đồng lõa hay thỏa hiệp…Chọn Thiên Chúa thì phải chống lại ma quỷ, chọn chân lý thì phải loại bỏ gian tà, chọn bình an vĩnh cửu nơi Thiên Chúa thì phải khước từ sự bám víu bình an giả tạo nơi tiền của, lạc thú. Chính Đức Giêsu quả quyết: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13). Chính vì vậy, ngay trong sự chọn lựa thì đã có sự phân ly, chia rẽ. Sự phân ly, chia rẽ này có thể xảy ra ngay trong gia đình, người thân: “Cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng” (c.53).

 

Sự chia rẽ Đức Giêsu tiên báo hôm nay là sự chia rẽ giữa thiện và ác, giữa yêu thương và hận thù, giữa chân lý và gian tà, giữa bình an vĩnh cửu và bình an giả dối. Hay có thể nói những người thuộc về Đức Kitô và những kẻ thuộc về “thế gian” luôn có một sự ngăn cách (x. Lc 16,19-21), đối nghịch (x. Mt 6,24), thế nên phát sinh ra sự chia rẽ.

 

Sống trong một thế giới bình an theo kiểu thế gian đang len lỏi vào mọi khía cạnh tâm hồn con người, chân lý đang bị giả dối che khuất, tình yêu đang bị hận thù bao phủ. Vì vậy, hơn bao giờ hết, ngay lúc này mỗi người Kitô hữu cần phải đối diện, phản kháng lại những gì đối nghịch với Thiên Chúa.

 

Trước thế lực đầy mưu mô, gian hiểm của thế gian, người Kitô hữu xác tín rằng: Phải qua đau khổ rồi mới có hạnh phúc, qua cuộc chiến đấu cam go mới bảo vệ được chân lý và bình an đích thực; phải hy sinh, chết đi mới làm cho ngọn lửa chân lý, ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa bùng lên trên khắp mặt đất.

 

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á