Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng Thứ 5, Tuần XXIV TN, C: “SỐNG KẾT HỢP HAI CHIỀU KÍCH TÌNH YÊU VÀ LỀ LUẬT”

Có thể nói, tình yêu và lề luật giúp con người nên hoàn hảo. Vì vậy, không thể hủy bỏ một trong hai. Nếu không có lề luật, con người sẽ đánh mất phương hướng, dễ sống theo cảm tính và đam mê xấu của mình; nhưng nếu, chỉ câu nệ vào lề luật mà đánh mất tình yêu, thì trái tim của con người trở nên chai cứng, băng giá và tình thương giữa người với người không còn.

 

“SỐNG KẾT HỢP HAI CHIỀU KÍCH TÌNH YÊU VÀ LỀ LUẬT”

(Lc 7,36-50)

 

Viết Huy

 

Con người không có quyền chọn cho mình đấng bậc sinh thành, nơi chốn hay thời gian để được sinh ra, nhưng có quyền chọn cho mình quan niệm và cách sống. Vì Thiên Chúa đã ban cho họ quyền tự do để sống có trách nhiệm với vận mệnh của mình. Chính quan niệm và cách sống của từng người cũng sẽ mang đến cho họ những hệ quả khác nhau. Chính vì vậy, nhà Phật mới nói: “Gieo nhân nào thì gặt quả đó”, hay tục ngữ Việt Nam có câu: “Ở hiền thì gặp lành, ở ác thì gặp dữ”.

 

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cũng trường thuật lại ba quan niệm sống khác nhau qua ba nhân vật trong câu chuyện: “Người phụ nữ tội lỗi đã được tha thứ và đã yêu mến Chúa nhiều”. Ba nhân vật đó là: người phụ nữ tội lỗi, ông Simon thuộc nhóm Pharisêu và Đức Giêsu.

 

Quan niệm sống của người phụ nữ tội lỗi

 

Có thể nói, trước lúc gặp Đức Giêsu, người phụ nữ đã có một cuộc sống phóng khoáng, buông theo dòng đời bất chính, mặc dầu chị biết rõ những điều ấy luật Môsê cấm, nhưng chị vẫn làm. Một cuộc sống xem ra trái với nhân phẩm của người phụ nữ. Chị là một người tội lỗi không thể tha thứ theo quan niệm Do thái giáo lúc bấy giờ. Chính cách sống của chị đã loại chị ra mối tương quan giao tế trong xã hội và trong tôn giáo Do thái. Chị bị kết cho tội danh là “người tội lỗi”, nên chị bị mọi người xa lánh, ruồng bỏ. Chính cách sống này cũng đã làm cho tâm hồn chị không có bình an, phải sống trong đau khổ và nước mắt. Điều này được chứng thực qua những giọt lệ ăn năn thống hối của chị, mà thánh Luca nói tới trong câu chuyện (x. c.38a).

 

Quan niệm sống của ông Simon thuộc nhóm Pharisêu 

 

Trái ngược với người phụ nữ trên, ông Simon là một người giữ lề luật một cách khắt khe. Người ta có thể xếp ông vào trường phái khắc kỷ. Một cuộc sống lấy luật làm lẽ sống, cậy dựa vào việc tuân giữ lề luật để được Thiên Chúa chúc phúc và tìm sự công chính cho mình. Một cuộc sống xem ra rất tốt và đáng mọi người thán phục! Thế nhưng, vì nhiệt thành tuân giữ lề luật một cách máy móc, rập khuôn, giáo điều khô cứng, mà ông đánh mất đi tình thương và lòng nhân từ trong ông. Giờ đây, con tim ông trở nên chai đá, khô cằn, lạnh băng, nó bị giam hãm bởi những điều luật xơ cứng. Ông không còn khả năng mở lòng ra để thông cảm và đón nhận những người tội lỗi. Nhất là ông tự trao cho mình cái quyền được lên án, xét xử và khinh bỉ người khác. Xem ra cuộc sống bên ngoài của ông thật hoàn hảo, nhưng trong sâu thẳm thì đây là một cách sống vô cảm, dửng dưng vì thiếu con tim bao dung. Ông cân đo, đong đếm tất cả mọi chiều kích của phẩm giá con người bằng lề luật. Một cách sống xem ra thất bại trong cô độc, vì thiếu tình thương và lòng nhân từ.

 

Đến đây ta có thể nói, quan niệm sống của người phụ nữ và ông Simon là lối sống sai lầm và còn nhiều điều bất cập, cách sống đó không đem lại cho họ hạnh phúc, mà cũng chẳng giúp họ hoàn thiện bản thân. Vậy đâu là quan niệm sống chuẩn mực để giúp con người đạt tới tròn đầy trong nhân cách và hoàn thiện trong đời sống tâm linh? Để trả lời cho câu hỏi, ta hãy tìm hiểu quan niệm sống của Đức Giêsu.

 

Quan niệm sống của Đức Giêsu 

 

Đức Giêsu sống trung dung giữa tuân giữ luật và trao ban tình yêu, lòng nhân ái. Người đã đặt lề luật và tình yêu về đúng với bản chất của nó. Ý định ban đầu của Thiên Chúa là: luật pháp không ngoài tình người. Chính Đức Giêsu khẳng định lại điều này: “Ngày sa-bát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sa-bát” (Mc 2,27).

 

Đối với Đức Giêsu, lề luật không thể bỏ, nhưng lòng nhân ái cũng không thể không trao ban. Trong việc tuân giữ lề luật, Đức Giêsu đã quả quyết: “Thầy đến không phải để bãi bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Trong hành động tha tội cho người phụ nữ ngoại tình, Người cũng không quên đòi hỏi người phụ nữ phải tuân giữ lề luật: “Chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Bên cạnh tuân giữ lề luật, Đức Giêsu cũng không quên tỏ lòng nhân từ và trao ban tình yêu đến với mọi người, nhất là những người tội lỗi. Người ghét tội, vì chính tội làm cho con người không thể trở nên thánh thiện, làm méo mó hình ảnh của Thiên Chúa nơi loài người, nhưng tội nhân thì cần được xót thương và cứu thoát. Chính Người nói: “Con Người đến để cứu cái gì đã hư mất” (Mt 18,11).

 

Chính nhờ tình yêu và qua tình yêu của Đức Giêsu mà người phụ nữ được biến đổi từ con người tội lỗi thành một con người biết yêu Chúa nhiều (x. c. 47), và tìm lại được bình an trong Chúa (x. c.50); cũng chính qua cung cách tuân giữ lề luật với lòng nhân từ của Đức Giêsu mà ông Simon học được bài học thế nào là tuân giữ lề luật theo như ý Thiên Chúa muốn.

 

Có thể nói, tình yêu và lề luật giúp con người nên hoàn hảo. Vì vậy, không thể hủy bỏ một trong hai. Nếu không có lề luật, con người sẽ đánh mất phương hướng, dễ sống theo cảm tính và đam mê xấu của mình; nhưng nếu, chỉ câu nệ vào lề luật mà đánh mất tình yêu, thì trái tim của con người trở nên chai cứng, băng giá và tình thương giữa người với người không còn.

 

Tóm lại, chính tình yêu mang lại cho lề luật ý nghĩa và chính lề luật giúp tình yêu thăng tiến trong Chân, Thiện, Mỹ. Chính vì điều này mà Đức Giêsu đã đến thế gian và làm cho nhân loại được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).

 

Tin Mừng hôm nay cũng thức tỉnh và đem lại cho chúng ta những bài học trong việc tuân giữ luật Chúa và cách sống yêu thương. Vì khi soi mình vào cách sống của ba nhân vật trong câu chuyện mà thánh Luca trường thật lại trong bài Tin Mừng, chúng ta nhận ra đâu đó hình ảnh của mình trong ba nhân vật. Trong cuộc đời, không ít lần chúng ta đã sống buông thả, gieo mình vào những đam mê khoái lạc, hưởng thụ những thú vui vô bổ, chiều theo đòi hỏi của tính xác thịt, đi ngược với đường lối của Thiên Chúa như người phụ nữ; nhưng cũng không ít lần chúng ta đã câu nệ vào lề luật để loại trừ, lên án hay ít ra đã khinh miệt người anh em như người Pharisêu. Nhưng chúng ta cũng cần tạ ơn Chúa, vì trong sự quan phòng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng đã tuân giữ lề luật trong yêu thương và bác ái.

 

Lạy Chúa Giêsu, chúng con còn những bất toàn, xin ban Thánh Thần để Người thánh hóa, ban sự khôn ngoan, lòng can đảm, hầu giúp chúng con biết tuân giữ lề luật trong tình mến Chúa và yêu người. Amen.

 

Thiết kế Web : Châu Á