Suy niệm

Suy niệm Tin mừng Thứ 5, Tuần VII PS: Hiệp nhất - Sức mạnh của thành công

Giao hội giữ vững đức tin và phát triển không ngừng qua các thế kỷ, là nhờ vào tinh thần hiếp nhất, đoàn kết. Giáo Hội thời sơ khai chứng minh cho chúng ta điều này: đứng trước những hiềm khích, đố kỵ của người Do Thái và sự bắt bớ của chính quyền La-mã, nhưng các tín hữu thời bấy giờ vẫn đứng vững trong niềm tin của mình, là nhờ tinh thần hiệp nhất.

 

 

Hiệp nhất - Sức mạnh của thành công

(Ga 17, 20-26)

 

 Viết Huy

 

Từ xưa tới nay, người Việt Nam luôn đề cao và coi trọng tinh thần đoàn kết trong mọi công việc. Đây là một phẩm chất cao đẹp, và cần thiết cho cuộc sống. Vì vậy, trong các nhà trường, ngành giáo dục thường cho đeo tấm bảng viết dòng chữ: “Đoàn kết đại đoàn kết, thành công đại thành thông” để dạy con em mình cần có một lòng, một ý; cùng giúp nhau vươn lên trong học tập về tri thức cũng như đạo đức và lễ nghĩa. Tinh thần đoàn kế cũng đã được ông cha ta đúc kết thành câu Ca dao: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, để dạy bảo con cháu về phẩm chất cao quý này. Thật vậy, một cây thì không thể làm nên một ngọn núi, nhưng ba cây - tượng trưng cho số nhiều, vì vậy có thể hình thành nên không chỉ là ngọn núi thấp, mà còn là núi cao. Từ “một cây” đến “ba cây” số lượng đã thay đổi nên chất lượng cũng thay đổi. Cụm từ “ba cây chụm lại” nói lên một tinh thần hiệp nhất, cùng chung sức, chung lòng; cùng vượt khó, cùng làm việc và cùng thành công. 

 

Hình ảnh các cầu thủ đứng thành vòng tròn, đặt bàn tay lên nhau và hô vang “quyết thắng” trước khi bước vào trận đấu, cho ta thấy được tinh thần đoàn kết cần thiết biết dường nào. Chính tinh thần đoàn kết là sức mạnh để các cầu thủ làm những điều không thể thành có thể. Vì vậy, chúng ta thường nghe nói những câu đại loại như: “quả là một kỳ tích, không thể tin vào mắt mình, một điều không tưởng đã xảy ra”.

 

Có thể nói, trong chính trị cũng như trên thao trường, hay đời thường, tinh thần hiệp nhất đóng một vai trò chính yếu cho kết quả thành công. Còn trong lãnh vực tôn giáo thì sao? Để đứng vững và bảo vệ đức tin, người tín hữu có cần tới tinh thần hiệp nhất không?

 

Chúng ta cần nhìn nhận và khẳng định rằng: “Tinh thần hiệp nhất là sự sống còn của tôn giáo, là yếu tố làm cho niềm tin của mỗi Kitô hữu nên vững mạnh”.

 

Chính vì điều này, mà Tin mừng hôm nay thánh Gioan cho chúng ta thấy, trước khi về trời, Đức Giêsu quan tâm đặc biệt và cầu xin khẩn thiết Chúa Cha cho các tông đồ nói riêng và Giáo hội nói chung được hiệp nhất nên một như “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (c. 21a).

 

Một khi theo đuổi và sống cho tinh thần hiệp nhất trong tình mến và trong chân lý, sẽ giúp Giáo hội nói chung và các Kitô hữu nói riêng, luôn kiên vững trong đức tin và sống trong bình an, hạnh phúc, mặc cho những khó khăn và bách hại mà thế gian gây ra.

 

Chính khi con người sống trong tình hiệp nhất, là lúc con người liên kết mật thiết với Thiên Chúa và ở lại trong Thiên Chúa, cũng như trở thành dấu chỉ để thế gian nhận biết Thiên Chúa và tin nhận Đức Kitô là Đấng Cứu Độ được sai đến (x. c. 21b).

 

Giao hội giữ vững đức tin và phát triển không ngừng qua các thế kỷ, là nhờ vào tinh thần hiếp nhất, đoàn kết. Giáo Hội thời sơ khai chứng minh cho chúng ta điều này: đứng trước những hiềm khích, đố kỵ của người Do Thái và sự bắt bớ của chính quyền La-mã, nhưng các tín hữu thời bấy giờ vẫn đứng vững trong niềm tin của mình, là nhờ tinh thần hiệp nhất: họ hiệp thông trong tình huynh đệ và yêu thương (x. Cv 2,42), họ đồng tâm nhất trí (x. Cv 3,32); tinh thần cộng đồng chia sẻ, trao ban tài sản riêng cho các tông đồ phân phát cho nhau, tùy nhu cầu mỗi người, để mọi sự làm của chung (x. Cv 4,34-37). Hiệp thông qua việc tận lực theo giáo huấn của các tông đồ (x. Cv 2,42), và loan truyền Chúa Giêsu Phục Sinh (Cv 4,33); nhất là các Kitô hữu liên kết với nhau trong việc bẻ bánh và trong lời cầu nguyện (x. Cv 2, 42.46-47).

 

Tóm lại, Giáo hội thời sơ khai hiệp nhất với nhau trong bốn trụ cột để bảo vệ và đứng vững trong đức tin, làm chứng về Đức Kitô phục sinh: Cùng nhau tuân giữ Lời Thiên Chúa, cử hành Nhiệm Tích Thánh Thể, cầu nguyện và nhất là sống tình bác ái huynh đệ.

 

Đến đây chúng ta có thể nói: “Hiệp nhất là sức mạnh của thành công”.

 

Trái lại, khi con người sống trong chia rẽ, ghen ghét, đố kỵ là đối nghịch và chống lại Thiên Chúa. Chính Đức Kitô đã nói rằng: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán” (Lc 11,23).

 

Trong bài giảng Chúa nhật IV Phuc Sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Trong xã hội có chiến tranh, xung đột, chia rẽ và xúc phạm nhau, là vì họ không ý thức được mình có cùng một người Cha, cùng một gia đình duy nhất”. Cũng có thể nói, trong xã hội, Giáo hội hay trong cộng đoàn còn chia rẽ, ghen ghét là vì mọi người trong chúng ta chưa nhận ra chân lý: “Đức Kitô là đầu, còn chúng ta là chi thể của Ngài” (Ep 1,22-23).

 

Chính những chia rẽ, bè phái, ghen ghét, dèm pha..., làm cho cuộc sống con người ngày càng vắng bóng sự hiệp nhất, thiếu tình thương, lòng bác ái; là Virus sản sinh những tâm hồn vô cảm, hận thù…; là mối nguy phá vỡ cộng đoàn và Giáo hội.

 

Là người Kitô hữu, là chi thể của Đức Kitô, mỗi người chúng ta phải luôn biết liên kết với Đức Kitô để xây dựng mối tình hiệp nhất trong yêu thương và bác ái, hầu có thể xua tan đi những băng giá hận thù và tẩy trừ mối chia rẽ trong cộng đoàn, Giáo hội và xã hội.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết sống tinh thần hiệp nhất trong yêu thương và chân lý, để chúng con được ở lại trong tình yêu hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen.

 

  

Thiết kế Web : Châu Á