Suy niệm

Suy niệm Tin mừng Thứ 5, Tuần II TN, A: KHAO KHÁT HẠNH PHÚC

Ai cũng muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ. Thế nên, kiếm tìm hạnh phúc là vấn đề bức thiết của đời người, cho dù mỗi người có mỗi quan điểm và dùng những phương thế khác nhau, nhưng cái đích cuối cùng vẫn là cầu mong tìm thấy và đạt được hạnh phúc.

 

 

KHAO KHÁT HẠNH PHÚC

(Mc 3,7-12)

 

Viết Huy

 

Con người dù sống ở đâu, trong thời đại nào cũng không ngừng khao khát tìm kiếm hạnh phúc: Hạnh phúc cho chính mình, hạnh phúc cho người, hạnh phúc cho đời. Thế nên, dẫu cho cuộc đời còn đầy biến chuyển, nhiều khát vọng chưa được thỏa mãn, nhiều bí ẩn, thắc mắc chưa được giải đáp; dù là người ham sống hay người chán đời muốn tìm đến cái chết; tích cực đấu tranh hay an phận thủ thường; lập gia đình hay sống độc thân; theo đạo hay không theo đạo; thánh thiện hay tội lỗi… tất cả đều cầu mong hạnh phúc.

 

Ai cũng muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ. Thế nên, kiếm tìm hạnh phúc là vấn đề bức thiết của đời người, cho dù mỗi người có mỗi quan điểm và dùng những phương thế khác nhau, nhưng cái đích cuối cùng vẫn là cầu mong tìm thấy và đạt được hạnh phúc.

 

Chính vì vậy, khi đối diện với đau khổ: đau khổ do bệnh tật gây ra, đau khổ do tình ái đem lại, đau khổ do những lỗi lầm đưa tới..., ai ai cũng tìm mọi cách mong sao bớt được đau khổ phần nào hay phần đó.

 

Bài Tin mừng hôm nay, thánh Mác-cô tường thuật: “Người ta lũ lượt kéo đến với Đức Giêsu, để được Người chữa bệnh và trừ quỷ (c. 8-11). Thánh Mác-cô không dùng hạn từ “nhiều người” hay “đông người”, nhưng ngài dùng cụm từ “người ta lũ lượt kéo đến”, hơn nữa không chỉ dùng một lần mà dùng đến hai lần, điều này ngài muốn diễn tả một đoàn người rất đông không thể nào đếm được, họ nườm nượp kéo về từ bốn phương, để cầu xin Đức Giêsu chữa bệnh và nghe giảng Tin mừng.

 

Chắc hẳn, những người đến với Đức Giêsu để được chữa lành, không chỉ là những người tin Thiên Chúa, nhưng còn có cả những người ngoại; không chỉ có những người nghèo hèn, thấp cổ bé miệng trong xã hội, mà còn có những người giàu sang, quyền quý. Đa số họ đang sống trong đau khổ do bệnh tật, sống trong lo âu, bất an, nhất là phải sống dưới ách thống trị của ma quỷ. Thế nên, họ khao khát và ước mong ai đó cứu họ. Chính vì vậy, khi nghe biết những việc Đức Giêsu đã làm, họ liền kéo đến vời Người để được chữa lành, được cứu sống và được giải thoát.

 

Toàn dân đến với Đức Giêsu với một niềm hy vọng, tin tưởng và phó thác tất cả vào quyền năng của Người. Niềm tin và niềm hy vọng của họ được thể hiện qua sự xác tín “chỉ cần đến gần hay sờ vào Đức Giêsu” là sẽ được chữa lành.

 

Đối diện với đám đông dân chúng khốn khổ, Đức Giêsu động lòng thương. Người đã bày tỏ quyền năng của Người trong vai trò Đấng Thiên Sai bằng cách chữa lành những kẻ bệnh hoạn tật nguyền. Dĩ nhiên, Người chữa lành họ không chỉ nỗi đau thể xác mà còn cả nỗi đau tâm hồn. Người đã giải thoát họ khỏi ách thống trị của thần Dữ (c. 11).

 

Hơn hết, hôm nay Đức Giêsu đã làm cho ứng nghiệm điều mà ngôn sứ Isaia đã loan báo: “Chính Người đã mang lấy bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Is 53,4). Người đã đồng cảm với những người khốn khổ, đau với nỗi đau của con người và mang lấy những thương tích của muôn người vào chính mình. Một tình yêu vô biên không có giới hạn! Chính tình yêu và lòng thương cảm đã phá đi sự ngăn cách giữa Thiên Chúa thánh thiện, quyền năng với con người tội lỗi và thấp hèn. Cũng chính tình yêu mà Đức Giêsu đã đem lại cho con người sự sống mới tràn ngập hạnh phúc trong Thiên Chúa. Hạnh phúc trong Thiên Chúa là hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu, hạnh phúc đó không ai lấy đi được, cho dù thế lực sự dữ hay thời gian cũng không thể làm phai tàn.

 

Có lẽ mỗi người trong chúng ta, cũng là những con người khốn khổ, bệnh tật trước mặt Chúa. Vậy chúng ta tự hỏi: đã bao giờ chúng ta khao khát được đến gần Chúa, được chạm đến Người và nhất là dám tin tưởng phó thác tất cả vận mệnh của mình cho quyền năng của Người như những người bệnh tật trong bài Tin mừng hôm nay chưa? Và một khi đã cảm nếm được tình thương của Chúa trên cuộc đời chúng ta, chúng ta có sẵn sàng chia sẻ sứ mạng “thiên sai” của Chúa hay không? Nói cách khác, chúng ta có sẵn sàng mang lấy gánh nặng của anh chị em mình không? Chúng ta có sẵn sàng bị đâm thâu, bị nghiền nát vì anh chị em mình không?

 

Lạy Chúa, xin Ngài chữa lành tâm hồn chúng con và ban cho chúng con một đức tin vững mạnh, để chúng con biết tín thác vào tình thương của Ngài. Xin Ngài giúp chúng con biết luôn mở lòng ra với những người đau khổ và bệnh tật, để biết đồng cảm và chia sẻ nỗi đau với họ, hầu mọi người được sống trong yêu thương và hạnh phúc.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á