Suy niệm

Suy niệm Tin mừng Thứ 5, Tuần I, MV, A: “ANH EM CỨ XIN THÌ SẼ ĐƯỢC...”

Có những lúc Thiên Chúa không ban cho chúng ta điều chúng ta cầu xin, vì lẽ những điều ấy chẳng đem lại ơn ích gì cho ơn cứu độ của chúng ta; hay nó là cớ vấp ngã, là vật cản chúng ta trên đường trọn lành, hay vì chúng ta đã xin với tà ý, với sự lạm dụng quá đáng.

 

 

ANH EM CỨ XIN THÌ SẼ ĐƯỢC...

(Mt 7,7-12)

 

Viết Huy

 

“Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho”. Phải chăng đây là một lời hứa xem ra hão huyền và không có thực đối với những người thất vọng và không còn niềm tin ở Thiên Chúa?

 

Đúng vậy! Trong đau khổ, tuyệt vọng, biết bao người kêu xin Thiên Chúa hay một vị thần nào đó, giải thoát khỏi đau khổ, trả lại công bằng vì những bất công phải chịu, muốn chân lý được thực thi…, thế nhưng không một “quyền năng” nào giải thoát họ khỏi đau khổ, không một ai giúp họ tìm lại được chân lý và công bằng, cả đến Thiên Chúa cũng im lặng.

 

Từ năm 1941-1945, Hitler đã giết hơn sáu triệu người Do-thái, dưới vỏ bọc của thế chiến thứ II. Trong các trại tập trung Chelmno, Sobibor, Auschwizt…, họ bị hành hạ, ngược đãi, giết hại dưới nhiều hình thức khác nhau, như: bị bỏ đói, bị chết ngột trong phòng hơi ngạt, bị tra tấn…

 

Đứng trước biến cố tàn độc và dã man đó, đã có biết bao tiếng gào thét trong bi thương để tra vấn Thiên Chúa. Tại sao Thiên Chúa lại để cho sự dữ xảy ra? Tại sao Chúa không tiêu diệt những tên sát nhân kia và cứu lấy bao người vô tội? Tại sao Ngài không đáp lời bao người khốn khổ kêu xin? Liệu có một Thiên Chúa đầy quyền năng và giàu lòng nhân ái không? Những lời hứa của Đức Giêsu “ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ của thì sẽ được mở cho”, xem ra giả dối và phi lý chăng?

 

Có thể nói, dưới lăng kính “lý chứng thực nghiệm”, những chất vấn và nghi ngờ trên có thể được xem là hợp lý và có tính thuyết phục đối với những người không còn đặt niềm tin vào Thiên Chúa! Chính vì vậy, triết gia vô thần Nietzsche đã căm phận thốt lên: “Thiên Chúa đã chết”. Thiên Chúa đã chết, thế nên lời hứa của Người cũng trở nên vô nghĩa!

 

Là người kitô hữu, là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ có nguy cơ sa vào lối suy nghĩ lầm lạc trên khi phải đối diện với nghịch cảnh của cuộc đời, nếu chúng ta không xây dựng cho mình một đời sống đức tin đủ sâu và đủ vững trong tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Vậy, là người tin theo Chúa, chúng ta phải có cái nhìn như thế nào về lời hứa của Đức Kitô trong bài Tin mừng hôm nay?

 

Trước tiên, chúng ta cần khẳng định lời hứa của Đức Kitô trong bài Tin mừng hôm nay là chân lý, là sự thật. Vì chính Người là sự thật, là chân lý (x. Ga 14,6). Chính Người là tình yêu (x. 1 Ga 4,16), chính Người đến thế gian để cứu vớt những người khốn cùng.

 

Với niềm tin nơi tình yêu và sự quy phục ở quyền năng Thiên Chúa, chúng ta xác tín rằng: “Thiên Chúa biết chúng ta đang cần gì, biết ban gì để đem lại điều tốt nhất cho chúng ta”. Người đã khẳng định: “Nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người” (c. 11).

 

Trong niềm xác tín đó, chúng ta cần nhìn nhận rằng, lời cầu xin của chúng ta chưa được nhận lời, vì Thiên Chúa “muốn” chúng ta phải kiên trì chờ đợi, và sẵn sàng hơn, để chúng ta khao khát ân sủng một cách mãnh liệt hơn và quý trọng ân ban một cách xứng đáng; cũng có khi Chúa muốn thanh luyện lời cầu xin của chúng ta và Ngài sẽ ban điều thật sự tốt lành nhất cho cuộc đời chúng ta. Đặc biệt, Ngài không chỉ ban cho chúng ta những gì chỉ để thỏa mãn ở đời này, nhưng Ngài muốn hướng chúng ta về thực tại Nước Trời.

 

Có những lúc Thiên Chúa không ban cho chúng ta điều chúng ta cầu xin, vì lẽ những điều ấy chẳng đem lại ơn ích gì cho ơn cứu độ của chúng ta; hay nó là cớ vấp ngã, là vật cản chúng ta trên đường trọn lành, hay vì chúng ta đã xin với tà ý, với sự lạm dụng quá đáng.

 

Điều cần thiết nhất là chúng ta phải tin tưởng, kiên trì và phó thác trong lời cầu xin của mình; đừng bao giờ ngã lòng, thất vọng, vì tin rằng Thiên Chúa biết ban gì là tốt nhất cho chúng ta.

 

Thứ đến, chúng ta cần phải khẳng định rằng, chúng ta không thể giải quyết rốt ráo được vấn nạn tại sao những người đau khổ kêu xin Thiên Chúa mà Ngài không cất đi những đau khổ nơi họ; những người kêu xin Thiên Chúa trả lại sự công bằng và công lý, nhưng Ngài vẫn im lặng. Vì chính Chúa đã nói: “Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy” (Is 55,8-9).

 

Trong một nghịch lý nào đó, chúng ta thấy, con người thường chỉ dừng lại ở việc kêu xin các giá trị của thực tại trần thế, những sự mau qua chóng tàn, nay còn mai mất, như: tiền bạc, chức quyền, danh vọng, bình an và vinh quang trần thế…; ngược lại Thiên Chúa không chỉ ban cho con người những giá trị trần thế cần thiết, nhưng Ngài còn muốn hướng con người về những giá trị vĩnh cửu và tuyệt đối. Ở đây, chúng ta không phủ nhận giá trị trần thế, nhưng phải nhìn nhận rằng, giá trị trần thế chỉ được tạo dựng để phục vụ con người, là phương tiện để giúp con người tiến về cùng đích là Thiên Chúa.

 

Chính vì sự nghịch lý này mà bao lần con người đã nghi ngờ, nổi loạn, quay lại nguyền rủa, phản bội Thiên Chúa vì Ngài đã không trực tiếp can thiệp vào những biến cố đau thương và bất công mà nhân loại phải chịu, hay đã không nhận lời họ kêu xin một cách nhãn tiền.

 

Trong ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, con người không thể thấu hiểu. Thiên Chúa có thể dùng mọi phương thế mang ơn cứu độ đến cho con người, dù đó có là một sự cố xem ra xấu nhất đi chăng nữa. Ví dụ như đau khổ là một hình phạt đối với con người, nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài có thể làm cho những đau khổ đó thành phương thế sinh ơn cứu độ, nếu đau khổ đó liên kết với thập giá Đức Kitô. Bị bắt bớ, chịu bất công là một tai họa đối với nhân loại, thế nhưng Thiên Chúa có thể biến những bất công đó thành khí cụ để tôn vinh Thiên Chúa, nếu như bất công đó vì danh Đức Kitô, vì công lý…

 

Trong sự phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, chúng ta tin rằng, Ngài luôn đồng hành, liên kết với con người trong mọi nghịch cảnh và rút ra những điều tốt đẹp từ những lời kêu xin của bao người đau khổ. Điều này được chứng thực qua biến cố vua Hêrôđê giết hại bao hài nhi Do-thái. Thay vì Ngài cứu các thánh anh hài khỏi cái chết tạm bợ, thì Ngài lại ban cho các thánh đời sống vĩnh cửu; thay thì cứu các thánh anh hài khỏi đau khổ tạm thời từ tay bạo chúa Hêrôđê, thì Ngài lại ban cho các thánh hạnh phúc viên mãn; thay vì ngắm nhìn vẻ đẹp trần gian, thì Thiên Chúa đã ban cho các thánh anh hài chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa… Một sự ban ơn quá lòng mong mỏi của các thánh anh hài!

 

Đến đây, chúng ta có thể khẳng định: Nếu chúng ta dùng lăng kính “duy lý trí” hay “lý trí thực nghiệm” để cân đo đong đếm những ơn lành Thiên Chúa ban, thì sẽ dễ đưa tới thất vọng và đánh mất niềm tin nơi Ngài; ngược lại, nếu chúng ta dùng “lý trí” và “đức tin” để suy cảm thì chúng ta sẽ nhận ra được các ơn cao trọng Thiên Chúa ban vượt quá lòng mong mỏi của mình kêu xin, và luôn vững tin rằng “ánh sáng, vinh quang” đang chờ ta ở cuối con đường, dù con đường đó có ngập tràn chông gai.

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết noi gương Đức Giêsu mà nguyện xin rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. Amen.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á