Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng Thứ 3, Tuần XV TN, B: “HÃY SÁM HỐI - PHẢI CHĂNG LỜI MỜI GỌI XEM RA KHÓ THỰC THI?”

Tin mừng hôm nay thánh Mát-thêu tường thuật lại sự kiện Đức Giêsu khiển trách ba thành trì Kho-ra-din, Bét-xai-đa và Ca-phác-na-um, đã không sám hối khi được chứng kiến phần lớn các phép lạ Ngài làm nhân danh Thiên Chúa.

 

 

“HÃY SÁM HỐI - PHẢI CHĂNG LỜI MỜI GỌI XEM RA KHÓ THỰC THI?”

(Mt 11,20-24)

 

Viết Huy

 

Triết lý nhà Phật có câu: “quay đầu là bờ”. Còn Đức Giêsu mời gọi: “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng”. Thế nhưng, chân lý này có mấy ai thực hiện được, có mấy người đã ngộ ra? Đúng vậy, lầm lỗi là thân phận của con người, nhưng để nhận ra lầm lỗi và trở về nẻo chính đường ngay lại xem ra khó thực thi.

 

Tin mừng hôm nay thánh Mát-thêu tường thuật lại sự kiện Đức Giêsu khiển trách ba thành trì Kho-ra-din, Bét-xai-đa và Ca-phác-na-um, đã không sám hối khi được chứng kiến phần lớn các phép lạ Ngài làm nhân danh Thiên Chúa.

 

Để làm sáng tỏ hơn lý do tại sao Đức Giêsu lại khiển trách ba thành này gắt gao như vậy, chúng ta cần tìm hiểu sơ lược về ba thành:

 

Về khía cạnh địa lý và chính trị: Đây là những thành trì kiên cố, nằm ở phía nam Israel, ven biển hồ Ga-li-lê, giao thông thuận lợi, có nền kinh tế vững mạnh, đời sống khá giả, và có trình độ văn hóa tương đối cao.

 

Về mặt tôn giáo: Đây là những thành được diễm phúc chứng kiến phần lớn các phép lạ Đức Giêsu đã làm, là xuất phát điểm sứ vụ rao giảng Tin mừng của Đức Giêsu và là nơi in nhiều dấu chân rao giảng Tin mừng của Ngài nhất.

 

Nhìn theo quan niệm của dân Do-thái thì đây là những thành được Thiên Chúa đoái thương chúc phúc. Còn nhìn theo khía cạnh Tin mừng diễn tả, xem ra các thành này được Đức Giêsu đoái thương và ưu đãi cách đặc biệt. Chính Đức Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên tại Ca-phác-na-um. Ngài dùng phần lớn các phép lạ để mặc khải tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân thành, kêu gọi dân thành sám hối và đón nhận Tin mừng. Xem ra có đủ thuận lợi về mọi chiều kích để đón nhận Tin mừng! Thế nhưng, họ đã khước từ.

 

Chính sự cố chấp, kiêu ngạo, tự cao tự đại đã giam giữ và không cho họ nghe được tiếng Chúa kêu gọi sám hối. Chính vinh hoa phú quý trần thế đã bóp nghẹt con tim họ, làm cho họ không thể mở lòng ra đón nhận dấu chỉ Nước Trời. Đúng như ông cha ta thường nói: “Khi tiền đi vào thì Thiên Chúa phải cúi đầu đi ra”.

 

Đó là lý do Đức Giêsu quở trách họ bằng cụm từ: “Khốn cho ngươi”. Một lần nữa, chúng ta cần phải tìm hiểu nghĩa của từ “khốn” trong bối cảnh Đức Giêsu đang nói, để tránh sự ngộ nhận hay hiểu sai ý nghĩa của từ này.

 

Theo nghĩa tính từ, “khốn” có ý nghĩa là: Đang lâm vào trình trạng khó khăn, đang ở trong tình cảnh nguy hiểm.

 

Còn theo nghĩa khẩu ngữ, “khốn” có nghĩa là: hèn hạ, đáng khinh bỉ, từ “khốn” cũng thường được làm tiếng chửi như: đồ khốn, thằng khốn, lũ khốn.

 

Nhưng trong ngữ cảnh của bài Tin mừng hôm nay cần hiểu từ “khốn” dưới chiều kích “lịch sử cứu độ”, vì vậy từ “khốn” ở đây không thể hiểu theo khía cảnh “kết án” hay “chúc dữ”, mà cần phải hiểu theo nghĩa “là một lời cảnh báo về những nguy hiểm, những tai ương sẽ đến vì đã không sám hối”. Vì chính Đức Giêsu đã phán: “Ta đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu độ thế gian” (Ga 12, 47). Chính vì vậy, từ ‘khốn’ trong bài Tin mừng được thánh Mat-thêu đề cập ở đây là lời răn đe, lời cảnh báo khẩn thiết, cũng có thể nói là một lời thét gào kèm theo một hậu quả sẽ đến bằng câu giả thiết: “Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và Xi-đon còn được xử khoan hồng hơn các người” (cc. 21-22).

 

Không ít lần trong Kinh thánh chúng ta cũng được nghe những lời khiển trách xem ra tàn nhẫn không kém, như: Nòi quân phản loạn, hỡi nòi rắn độc, mồ mả tô vôi, đồ giả hình... Tất cả điều đó nói lên tính chất cảnh báo, răn đe của Thiên Chúa dành cho dân Israel, hầu giúp họ sám hối để được ơn cứu độ. Chính trong ngữ cảnh này mà Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI cũng đã nói: “Thiên Chúa phán xét con người bằng cách cứu vớt họ” (Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, tr. 316).

 

Dọc theo dòng lịch sử cứu độ của dân Israel, Thiên Chúa cũng đã hành động qua các Ngôn Sứ dưới nhiều hình thức khác nhau: yêu thương có, cảnh báo có, giáng phạt có để giúp dân sám hối, từ bỏ con đường tội lỗi trở về với Thiên Chúa. Đơn cử ra đây một vài ngôn sứ để thấy rõ: Thiên Chúa dùng hình ảnh ngôn sứ Hôsê cưới người vợ đĩ điếm, để nói lên tình yêu chung thủy của mình với dân Israel, mặc dầu dân Israel có lăng loàn, phản bội, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương chờ đợi dân quay về; Thiên Chúa dùng ngôn sứ Amos để cảnh báo cho dân Giuđa tai ương sẽ tới nếu không từ bỏ lối sống bất công; Thiên Chúa dùng ngôn sứ Giona cảnh báo dân thành Ni-ni-vê về tai ương sẽ ập xuống nếu không sám hối vì những tội lỗi của mình.

 

Trở về với bài Tin mừng hôm nay, thánh Mát-thêu cho thấy, ba thành trì của Israel không do các ngôn sứ kêu gọi sám hối, nhưng họ được diễm phúc là chính Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa, kêu gọi sám hối và kèm theo với lời kêu gọi đó là nhiều phép lạ được thực hiện, để tiên báo “Nước Trời đã đến gần, hãy ăn năn sám hối”. Thế nhưng, Đức Giêsu chỉ nhận được từ dân thành sự thờ ơ, vô cảm, trơ trẽn, cố chấp. Vì vậy, Ngài đã phải lớn tiếng quở trách họ “khốn cho ngươi”.

 

Trong thời đại hôm nay, và trong ngay cuộc đời mỗi chúng ta lời thét gào, lời cảnh báo, lời quở trách dân thành Kho-ra-dim, Bét-xai-đa và Ca-phác-na-um như vẫn còn đang vang vọng? Đúng vậy, và còn hơn thế nữa, hai cánh tay Đức Giêsu vẫn luôn giang rộng chờ con cái Ngài quay về; cạnh sườn Ngài máu và nước vẫn luôn chạy ra để chờ rửa sạch tội lỗi chúng ta; trên thập giá miệng Ngài vẫn luôn thì thào hai từ “ta khát”. Đó là tình yêu Thiên Chúa dành cho con người và Ngài mãi mãi là như thế.

 

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta sẽ hành động như thế nào? Chúng ta vẫn tiếp tục bước đi trong tội lỗi như dân thành Kho-ra-din, Bét-xai-da, Ca-phác-na-um hay sám hối để được Ngài yêu thương? Câu hỏi này người viết xin nhường lại cho mỗi người tự trả lời với Thiên Chúa.

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á