Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng Thứ 2, Tuần XXVIII TN, B: ĐÓN NHẬN DẤU LẠ VỚI LÒNG SÁM HỐI, TIN YÊU

Mục đích Đức Giêsu làm phép lạ không phải để thỏa mãn tính tò mò, hiếu kỳ của dân chúng hay vì lòng tự ái đối với những lời thách thức đến từ nhóm Pharisêu; nhưng ngang qua phép lạ, Chúa Giêsu muốn cứu chữa con người khỏi đau khổ, khỏi ách thống trị của ma quỷ…, nhất là kêu gọi con người sám hối, thay đổi đời sống để được ơn cứu độ.

 

 

ĐÓN NHẬN DẤU LẠ VỚI LÒNG SÁM HỐI, TIN YÊU

(Lc 11,29-32)

 

Viết Huy

 

Tin mừng hôm nay, thánh Luca trường thuật lại sự kiện Đức Giêsu lên án thái độ cứng lòng tin của người Do Thái qua câu nói: “Thế hệ này là thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ của ông Giô-na” (c.29). Một thái độ lên án gắt gao của Đức Giêsu đối với người Do Thái, đặc biệt là phái Pharisêu. Đức Giêsu phải dùng từ “thế hệ gian ác” để ví về họ. Để hiểu rõ tại sao Đức Giêsu lên án người Do Thái là thế hệ gian ác như vậy, chúng ta cần trở về với đoạn Tin mừng Lc 11,14-22, đoạn Tin mừng này nói về phép lạ Đức Giêsu thực hiện để trừ một tên quỷ câm. Khi chứng kiến một phép lạ nhãn tiền như vậy, thay vì mở lòng ra đón nhận và tin theo, thì họ lại xuyên tạc, bôi nhọ Đức Giêsu bằng tà ý: “Ông ấy dựa vào thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ” (Lc 11,15). Câu nói này lột tả hết sự thâm độc của nhóm Pharisêu. Họ mang trong mình một con tim chai đá và một tâm hồn mê muội trong đường lối gian ác. Hôm nay cũng với thái độ trịch thượng và lòng đầy gian tà, họ lại thử thách Đức Giêsu làm phép lạ để chứng minh thân phận và quyền năng của Người. Trước thái độ đó, Đức Giêsu đã từ chối yêu sách của họ.

 

Mục đích Đức Giêsu làm phép lạ không phải để thỏa mãn tính tò mò, hiếu kỳ của dân chúng hay vì lòng tự ái đối với những lời thách thức đến từ nhóm Pharisêu; nhưng ngang qua phép lạ, Chúa Giêsu muốn cứu chữa con người khỏi đau khổ, khỏi ách thống trị của ma quỷ…, nhất là kêu gọi con người sám hối, thay đổi đời sống để được ơn cứu độ.

 

Trước sự ngu muội và cố chấp của người Do Thái, Đức Giêsu đã đưa ra hai câu chuyện trong Cựu Ước để cảnh báo và thức tỉnh họ. Đó là câu chuyện nữ hoàng phương Nam và phép lạ ông Giô-na.

 

Khi nghe thiên hạ nói về sự khôn ngoan của vua Sa-lô-môn, mặc cho đường sá xa xôi, cách trở…, nhưng nữ hoàng phương Nam vẫn không quản ngại tìm gặp cho được vua Sa-lô-môn để lắng nghe sự khôn ngoan của vua và bà đã được toại nguyện. Còn dân Do Thái được diễm phúc chính Đức Giêsu là sự không ngoan của Thiên Chúa và là Con Một Thiên Chúa đã đến chung sống với họ, mạc khải cho họ mầu nhiệm Nước Trời. Thế nhưng, họ đã coi thường, từ chối, không đón nhận. Chính vì vậy, Đức Giêsu đã cảnh báo họ: “Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ” (c. 31a). Chính sự cố chấp, ngu muội mà họ đã từ chối “Lời” ban ơn cứu độ và tự mình chuốc lấy sự kết án.

 

Ngôn sứ Giô-na sau khi không thể trốn khỏi nhan thánh Đức Chúa, ông đã đi vòng quanh thành Ni-ni-vê mà công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ” (Gn 3,4). Trước lời công bố của ông Giô-na, cả dân thành đã tin lời ông và sám hối. Cả thành, từ vua cho đến toàn dân, ngay cả súc vật cũng không ăn, không uống, mình mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối về tội lỗi mình. Lòng chân thành sám hối, bỏ đường gian ác trở về đường ngay nẻo chính của cả dân thành, đã được Thiên Chúa xót thương không giáng phạt. Còn dân Do Thái được chính Chúa Giêsu kêu gọi: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17), đi kèm với lời kêu gọi là nhiều phép lạ được thực hiện, hầu kêu mời họ sám hối và tin vào Tin mừng, nhưng họ đã khước từ.

 

Trước sự cố chấp, không chịu tin của người Do Thái, một lần nữa Đức Giêsu lại cảnh báo họ: “Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ” (c.32a). Không phải một lần mà là hai lần Đức Giêsu đưa ra lời cảnh báo cho người Do Thái sẽ bị kết án trong ngày phán xét. Có thể nói, suốt chiều dài lịch sử cứu độ, Thiên Chúa dùng nhiều cách thức khác nhau, như: van xin, bày tỏ tình yêu, tỏ lòng xót thương, cảnh báo, đe dọa, lên án…, để đưa con cái Israel về với đường ngay, nẻo chính. Thế nhưng, dân Do Thái đáp lại tình thương đó bằng con tim hờ hững, cố cấp, không tin.

 

Trách người mà nghĩ đến ta, phải chăng chúng ta cũng là những người Do Thái năm xưa? Đã biết bao lần chúng ta cố chấp, cứng tin, hờ hững trước những dấu chỉ thời đại và thờ ơ với tiếng gọi của Thiên Chúa qua tiếng nói lương tâm. Bên cạnh đó không ít lần chúng ta xin dấu lạ để chỉ thỏa mãn tính tò mò, hiếu kỳ…

 

Ngày nay, con người vẫn đi tìm dấu lạ, vì vậy khi nghe đồn thổi có dấu lạ ở đâu là người ta ùn ùn kéo nhau về. Có người đi xem chỉ để thỏa mãn tính tò mò, hiếu kỳ; có người đến để xin ơn cách vụ lợi chứ không phải để củng cố lòng tin, để hoán cải cuộc đời.

 

Quả thực, phép lạ đã đến với mỗi người Kitô hữu ngay khi được tháp nhập vào Giáo hội trong ngày lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy để được trở nên con cái Thiên Chúa; bênh cạnh đó, hằng ngày khi linh mục cử hành Bí tích Thánh Thể trong thánh lễ cũng là một phép lạ nhãn tiền đối với mọi người chúng ta. Qua Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô hiện diện và ở cùng chúng ta mỗi ngày cho đến tận thế. Vấn đề đặt ra là chúng ta có mở lòng đón nhận và tin yêu hay không? Hay chúng ta lại cứng lòng tin, không đón nhận như dân Do Thái năm xưa?

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á