Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng Mt 21,1-11 Chúa Nhật Lễ Lá, A: Đức Giêsu là Đấng khiêm nhường

Đức Giêsu là Đấng Khiêm Nhường ngồi trên lưng lừa tiến vào Giêrusalem để thi hành thánh ý của Chúa Cha, cứu toàn thể nhân loại bằng giá máu của Người và mời gọi chúng ta: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29),

 

 

 

ĐỨC GIÊSU LÀ ĐẤNG KHIÊM NHƯỜNG

(Mt 21,1-11)

 

M. Matthêu Lê Văn Viết

 

Khiêm nhường hay còn gọi khiêm tốn, là một thái độ không khoe khoang những gì tốt đẹp về bản thân, không tự cao với những gì mình có, không tranh giành cái tốt về mình, chịu thiệt về mình vì cái lợi của người khác và nhìn nhận sự thật về chính mình. Có lẽ trong trần gian duy một mình Chúa Giêsu tự nhận mình là mẫu gương của sự khiêm nhường khi mời gọi mọi người: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).

 

Trong chiều hướng đó, bài Tin Mừng được công bố trước cuộc rước lá Chúa Nhật hôm nay một phần nào đó chứng minh về sự khiêm nhường của Chúa Giêsu khi mô tả hình ảnh Người ngồi trên lưng một con lừa tiến vào thành thánh Giêrusalem. Có lẽ đây là lần đầu tiên trên hành trình làm môn đệ của Chúa Giêsu, các ông được chứng kiến cảnh Thầy mình được đoàn người đông đảo tung hô, reo hò. Các môn đệ đã rất ngạc nhiên khi thấy: “Nhiều người cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: "Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!" (Mt 21,8-10). Bằng hành động và bằng lời nói, đám đông nhìn nhận Đức Giêsu là Vua và là Đấng đem lại niềm hy vọng lớn lao không chỉ cho riêng họ mà còn cho cả dân tộc đang bị cai trị bởi người Rôma. Khi họ dùng lời “chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!” (Tv 118,26), điều này cũng đồng nghĩa việc họ tuyên nhận chính Đức Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai đến; Người sẽ thực hiện sứ mạng do Thiên Chúa trao phó, là mang lại cho dân phúc lành và sự trợ giúp quyền năng của Thiên Chúa. Họ tràn ngập hy vọng rằng Đức Giêsu sẽ mang đến cho họ một triều đại mới giống như triều đại của vua Đavít, tổ phụ của họ. Thực ra, chính Đức Giêsu từng công bố một Vương Triều đã đến gần, nhưng đó là Nước Trời (x. Mt 4,17; 10,7) chứ không phải triều đại Đavít[1]. Nói đúng hơn, qua sự việc vào thành Giêrusalem một cách đột xuất, với vẻ bề ngoài vừa mộc mạc cỡi trên lưng lừa, nhưng lại vừa náo nhiệt như vậy, Chúa Giêsu đã muốn cho mọi người hiểu Người chính là Đấng phải đến, nhưng Người không phải là Mêsia mang tính cách chính trị như người ta mong đợi, một thứ nhà ái quốc xuất hiện một cách oai hùng để giải phóng dân tộc khỏi nền thống trị ngoại bang[2], nhưng là một Đấng Khiêm Nhường.

 

Cách thức Đức Giêsu đi vào Giêrusalem trên lưng lừa tương ứng một cách rõ ràng khi thánh Matthêu trích dẫn những gì đã được loan báo trong Cựu Ước: “Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ. Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ép-ra-im và hiến mã khỏi Giê-ru-sa-lem; cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy, và Người sẽ công bố hoà  bình cho muôn dân. Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất” (Dcr 9,9-10). Dưới cái nhìn của thánh Matthêu, thì lúc này dân chúng đảm nhận vai trò của các thiếu nữ Xi-on mà ngôn sứ Dacaria đã loan báo. Họ vui sướng reo hò đón Người, bởi Người là Đức Vua, là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa. Tuy nhiên, vị Vua mà họ đang tung hô sẽ không phải là vị vua giải phóng dân tộc mang tính chính trị, cũng không phải là vị vua ưa thích bạo lực, chiến tranh mang tính cách trần thế. Ngược lại, bằng hình ảnh cỡi lừa tiến vào thành, Chúa Giêsu để cho dân chúng thấy Ngài chính là Vua Mêsia, Vua bình an.

 

Sự khiêm nhường của Chúa Giêsu cũng đã được trình bày trong bài đọc II của Lễ Lá hôm nay khi thánh Phaolô khẳng định: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Điều này giải thích cho chúng ta rằng: tâm tình của Đức Giêsu khi đi vào Giêrusalem giữa tiếng reo hò của dân chúng chắc chắn sẽ không phải là hình ảnh oai nghi vô đối bằng một chương trình hành động uy quyền, nhưng là tâm tình vâng phục trọn vẹn trong mầu nhiệm tự hủy để đem ơn ơn cứu độ đến cho con người.

 

Đức Giêsu là Đấng Khiêm Nhường ngồi trên lưng lừa tiến vào Giêrusalem để thi hành thánh ý của Chúa Cha, cứu toàn thể nhân loại bằng giá máu của Người; cùng với lời mời gọi của Người: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29), giúp chúng ta ý thức về những ơn đã lãnh nhận, để mỗi ngày sống ơn gọi làm Kitô hữu, một khi đã theo Chúa thì phải biết từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Chúa và buông mình để cho Đức Giêsu hướng dẫn, hoàn toàn cùng với Người phó thác cho quyền năng của Thiên Chúa và cùng với Người đi vào cuộc khổ nạn đau thương.

 

 

_______________________

 

[1] x. Giuse Nguyễn Thể Hiện, Tin Mừng Chúa Nhật Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh, 2013, tr. 160.

[2] x. Chú giải Mt 21,15 của Nhóm Phiên dịch Các giờ Kinh Phụng Vụ, 2011.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á