Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng Lễ Hiển Linh: Hành trình tìm kiếm Thiên Chúa

Chúng ta nên ra khỏi cách suy nghĩ thường ngày để tiếp nhận ý Chúa, ra khỏi thói quen khô cứng để mạo hiểm một phen bước theo ánh sáng trời cao, ra khỏi những tiện nghi đủ đầy để gieo bước lữ hành tìm kiếm kiếm lời mời gọi từ trời cao.

 

 

 

HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM THIÊN CHÚA

(Mt 2,1-12)

 

M. Matthêu Viết

 

Trong cuộc đời, con người không ngừng kiếm tìm những điều mình thích. Có người đi tìm tình yêu chân chính, cũng không thiếu những kẻ lao mình những đam mê sắc dục. Có người đi tìm một cuộc sống bình yên nhưng người khác lại lo tìm kiếm danh vọng. Có người đi tìm niềm vui trong công việc phục vụ, trái lại có kẻ lợi dụng tha nhân để vun vén cho bản thân.

 

Tuy nhiên, bài Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Hiển Linh hôm nay thuật lại cho chúng ta hình ảnh ba nhà chiêm tinh có một hành trình tìm kiếm thật đẹp. Cái đẹp ở đây nằm ở chỗ họ không đi tìm của cải để lo cho bản thân, cũng chẳng đi kiếm đam mê sắc dục để thoả mãn cho bản ngã, cũng không đi tìm danh vọng cao sang để đáp ứng nhu cầu cái tôi; nhưng là họ đi tìm “Đức Vua dân Do-thái mới sinh” (Mt 2,2a). Theo truyền thống Do thái, Đức Vua muốn nói ở đây được hiểu là vị Tân Vương, Ngài sẽ xét xử dân theo công lý, bênh vực kẻ nghèo hèn, giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương những ai bé nhỏ khó nghèo, đến cả mạng sống dân nghèo Người vẫn ra tay tế độ, Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ, từ sông cả đến tận cùng cõi đất (x. Tv 71,1-13).

 

Chúng ta không chỉ bắt gặp hình ảnh của một hành trình đẹp mà còn mà còn tìm thấy nơi các nhà chiêm tinh có một lòng tin mạnh mẽ, đơn sơ và thuần khiết: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2,11). Không biết trong tâm trí các nhà chiêm tinh trước lúc lên đường đi bái lạy Đức Vua dân Do thái, các ngài có mường tượng về một vị Vua được sinh ra trong cung điện xa hoa, kinh thành lộng lẫy hay không? Thế mà có một sự thật mà các nhà chiêm tinh được nhìn thấy lại hết sức đơn giản: một trẻ sơ sinh không có chút gì là huy hoàng hay quyền lực, cũng chẳng thấy có các quân thần hầu hạ kề bên. Hài Nhi ấy không cất lời nói với họ điều gì, cũng chẳng có gì để ban thưởng cho họ sau hành trình mệt nhọc mà họ đã trải qua. Họ không thấy Người huy hoàng oai phong, cũng chẳng được trải nghiệm quyền uy của Người. Họ chỉ nhận biết Người bằng lòng tin mà thôi. Vì thế, đó hẳn nhiên phải là một lòng tin hết sức mạnh mẽ, đơn sơ và rất mực thuần khiết. Thực ra, lòng tin ấy chính là yếu tố không thể thiếu được để người ta dần dần đi đến chỗ hoàn toàn nhận biết Đức Giêsu và quyền năng của Người. Tuy không thấy uy quyền hay vinh quang của Hài Nhi Giêsu, nhưng các nhà chiêm tinh đã sấp mình bái lạy Người, tức là nhìn nhận Người là Chúa Tể, là Đức Vua, là Mục Tử của muôn dân. Lòng tin đã đưa họ đến một sự hiểu biết khác hẳn về thực tại đơn sơ mà họ đang thấy trước mắt: “Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”. Truyền thống Giáo Phụ giải thích: dâng vàng là có ý tuyên xưng Hài Nhi Giêsu là Vua, dâng nhũ hương là có ý nhận Người là Thiên Chúa và dâng mộc dược là có ý diễn tả nhân tính để chịu đau khổ của Người.

 

Trong khi các nhà chiêm tinh đã tiến bước trong cuộc hành trình tìm kiếm để rồi nhận biết Đức Vua, Đấng Mêsia trong hân hoan và thờ lạy thì chúng ta lại thấy một thái độ thờ ơ của những người khác, họ không hề nhận ra những điều đã và đang xảy ra, có vẻ như cả kinh thành đang ngủ say[1]; các thượng tế và kinh sư thì lãnh đạm, không quan tâm; còn vua Hê-rô-đê lại điên cuồng chống phá và bách hại. Phải chăng đây điểm nhấn mà thánh Matthêu muốn nói lên những thái độ của người ta đối với hoạt động công khai của Đức Giêsu cũng như đối với lời rao giảng của Hội thánh sau này về Đức Giêsu và về Tin Mừng? Người ta sẽ nhận biết Hài Nhi Giêsu là Vua trong hân hoan vui mừng, hoặc bị thờ ơ coi thường, bị chống đối điên cuồng? Phải chăng đây sẽ là những tình cảnh mà Đức Giêsu và Hội thánh của Người phải đối diện luôn luôn?

 

Suy tư về hành trình tìm kiếm của ba nhà chiêm tinh giúp chúng ta hiểu rằng: niềm tin trước hết là hồng ân đến từ tình thương Thiên Chúa dành cho hết mọi người, nhưng chỉ những ai biết đón nhận với tâm hồn thiện chí, họ mới có thể có được niềm tin vào Chúa để sẵn sàng khăn gói lên đường cho hành trình tìm kiếm Thiên Chúa. Chúng ta nên ra khỏi cách suy nghĩ thường ngày để tiếp nhận ý Chúa, ra khỏi thói quen khô cứng để mạo hiểm một phen bước theo ánh sáng trời cao, ra khỏi những tiện nghi đủ đầy để gieo bước lữ hành tìm kiếm kiếm lời mời gọi từ trời cao.

 

Vì thế, mỗi Kitô hữu hãy xét mình lại, dù chúng ta đã được rửa tội, dù chúng ta đã lãnh nhận các Bí tích, nhưng chúng ta có thực sự chân thành tìm kiếm Chúa mỗi ngày trong cuộc sống không? Chúng ta có dùng khả năng Chúa ban để tìm Chúa như các nhà chiêm tinh không, hay chúng ta lại an tâm vì mình đã được rửa tội, đã được nghe Lời Chúa và lãnh các bí tích rồi không cần tìm kiếm Chúa nữa? Những thái độ như thế làm cho chúng ta chẳng khác gì các Thượng tế và kinh sư ngày xưa.

 

Chúng ta hãy noi gương các nhà chiêm tinh đã không quản ngại đường xa vất vả, không ngại tốn thời gian, không ngại tốn của cải, gặp khó khăn trở ngại họ vẫn cố gắng vượt qua để gặp được Chúa Hài Nhi.

 

 

_________________________

 

[1] Huần từ của Đức Giáo hoàng Phanxicô, chuyển ngữ JB Lưu Văn Lộc, Nxb Đồng Nai, 2019, tr. 58.