Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng Lễ Giáng Sinh 2022: Hạ sinh Đấng Cứu Thế

Chúng ta thấy chỉ có con đường giáo dục liên lỉ trong ánh sáng của Thiên Chúa mới giúp cho tâm hồn của chúng ta được mở ra, nghĩa là trong ánh sáng của Chúa, chúng ta mới có cung lòng trong sạch. Khi chúng ta đã có cung lòng trong sạch, chúng ta sẽ thai nghén và hạ sinh Đấng Cứu Thế. Trong ý nghĩa đó, ta sẽ tìm thấy ý nghĩa lớn lao của biến cố Chúa Giáng Sinh.

 

 

HẠ SINH ĐẤNG CỨU THẾ

(Ga 1,1-18)

 

 

Tùng Linh

 

Tâm điểm của lễ hội Giáng sinh là hang đá. Trong hang đá, chúng ta chiêm ngưỡng ba nhân vật quan trọng, đó là Chúa Giêsu Hài Đồng, thánh Giuse và Mẹ Maria. Khi chiêm ngưỡng các ngài, nhất là chiêm ngưỡng Chúa Hài Đồng, chúng ta cần đặt câu hỏi Giáng Sinh có ý nghĩa gì với tôi? Những bậc thầy về tư tưởng và tu đức của Giáo hội như Origenes, thánh Augustino, thánh Benado và nhiều vị thánh khác đã nói rằng: Việc Chúa Giêsu sinh ra bởi Đức Maria một lần ở Belem có ý nghĩa gì đối với tôi nếu như Người không được sinh ra nhờ đức tin trong trái tim của tôi. Các ngài muốn nói rằng nếu Chúa Giêsu không sinh ra trong cung lòng tôi thì việc Giáng sinh đó chẳng có ý nghĩa gì[1].

 

Mẹ Maria là người được Thánh thi Kinh chiều tuần Bát nhật trước Giáng sinh viết: Ôi Maria Mẹ đầy ơn phúc. Xin hãy mở cung lòng rất tinh tuyền. Đón Ngôi Lời Con Một Đấng Tối Cao. Được sai xuống cứu muôn loài đang khổ đau. Đức Maria mang thai và hạ sinh Ngôi Lời Nhập Thể, Mẹ đã chuẩn bị cung lòng tinh tuyền. Chúng ta cũng vậy, muốn sinh hạ Chúa Hài Đồng trong đức tin, chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn mình, không được tinh tuyền như Đức Maria nhưng cũng phải có một tâm hồn trong sạch. Muốn có tâm hồn trong sạch chúng ta phải dọn tâm hồn mình, phải tỉnh thức, sám hối, và có tâm hồn hy sinh và hiến dâng.

 

Đức Maria chuẩn bị cung lòng tinh tuyền

 

Để chuẩn bị cung lòng xứng đáng mang thai Con Thiên Chúa, Đức Trinh nữ lúc còn nhỏ đã được dâng hiến vào Đền thờ và ở lại đó cho đến 12 tuổi. Trong Đền thờ, Đức Maria lớn dần với đầy đủ mọi nhân đức, Người nghiêm chỉnh đi trong đường lối giới luật Chúa. Người sống rất gương mẫu, với y phục nết na, dáng điệu đoan trang, tiếng nói dịu dàng, gương mặt tươi sáng luôn phản chiếu một tâm hồn trinh trong đầy nhân đức, xứng đáng với thiên chức Mẹ Thiên Chúa mai sau[2]. Trong Đền thờ, Mẹ rất ân cần cầu nguyện, đọc Thánh Kinh và siêng năng mọi việc lành[3].

 

Trong Đền thờ, Mẹ tuyên khấn giữ đức đồng trinh, không chiếm hữu tài vật nào ở đời, và đặt trót ý muốn vào tay Thiên Chúa[4]. Kết quả của việc Đức Trinh Nữ rất thánh ở trong Đền thờ là sự biến đổi lòng Trinh Nữ thành một đền thánh[5]. Để hạ sinh Ngôi Hai Thiên Chúa, Đức Maria đã được chuẩn bị cung lòng tinh tuyền. Chúng ta cũng vậy, muốn hạ sinh Chúa Hài Đồng trong đức tin, chúng ta cũng phải chuẩn bị cung lòng trong sạch.

 

Muốn sinh hạ Chúa Hài Đồng trong đức tin, chúng ta phải tỉnh thức

 

Tỉnh thức là cải biến con người chúng ta bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo (Rm 12,2). Tỉnh thức là: “Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà” (Rm 12,10-13). Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI giải thích: “Tỉnh thức có nghĩa là theo Chúa, lựa chọn những gì Chúa Kitô đã chọn, yêu thương những gì Chúa đã yêu, để có một cuộc sống phù hợp với mình”.[6] Khi chúng ta đã chuẩn bị trong tinh thần tỉnh thức, chúng ta cũng phải biết sám hối về những lỗi lầm của mình.

 

Muốn sinh hạ Chúa Hài Đồng trong đức tin, chúng ta phải sám hối

 

Sám hối là nhìn lại con đường mình đã đi qua, sửa lại những sai lệch nếu có. Những gì “cong queo” sửa cho thẳng. Những gì “cao” cần bạt xuống. Lúc đó mới nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa. Gioan Tẩy Giả vẫn thiết tha mời gọi chúng ta hãy san bằng núi đồi của kiêu căng tự mãn. Hãy lấp đầy những hố sâu của đam mê tật xấu, của lòng ích kỷ, tham vọng và hưởng thụ. Hãy uốn cho ngay những quanh co lươn lẹo trong tư tưởng và hành động gian dối hại người, để có thể đón nhận Đấng Cứu Thế và sống tình liên đới huynh đệ với mọi người.

 

Người ta vẫn bảo sám hối là hai mắt của con người nội tâm: một mắt nhìn vào mình để nhận ra những tội lụy của một đời xa vắng đã dẫn tới sa ngã rồi xa lìa tình thương Thiên Chúa, và mắt khác nhìn vào Thiên Chúa để thấy nơi Ngài một tình yêu như tấm lòng người cha, như trái tim người mẹ bao dung thương xót mà xin ơn làm lại cuộc đời.[7] Sám hối giống như người quản gia trong khi chờ chủ về thì thắt lưng cho gọn, cầm đèn sáng trong tay, sửa soạn bàn ăn cho chủ. Muốn làm được những việc đó đòi hỏi phải có sự hy sinh dấn thân.

 

Muốn sinh hạ Chúa Hài Đồng trong đức tin, chúng ta phải biết hy sinh dấn thân

 

Hy sinh hiểu theo một cách nào đó là sự chọn lựa giữa cái này và cái kia sau một thời gian đắn đo suy nghĩ. Vì chọn lựa thì phải có sự từ bỏ, từ bỏ cái này để chọn cái kia chứ không được lấy cả hai. Chồng hy sinh những gì thuộc về mình xét theo một nghĩa nào đó để dấn thân cho vợ mình như thánh Phaolô đã viết: Người làm chồng, hãy yêu thương vợ như yêu chính thân thể mình. Người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình. Đàn ông có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ. Người vợ hy sinh những gì thuộc về mình để dấn thân cho chồng như thánh Phaolô viết: Người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng. Những người thánh hiến vì dấn thân trong sứ vụ của mình đã chấp nhận hy sinh từ bỏ những gì thuộc về mình. Theo nghĩa đó, người làm cha mẹ hy sinh để dấn thân cho con mình, những người yêu nhau hy sinh những gì thuộc về mình để dấn thân cho nhau. Chúa Giêsu chính là mẫu gương hy sinh để dấn thân cho chúng ta. Ngài đã dấn thân cho tình yêu nhân loại bằng việc hy sinh chính mạng sống mình.

 

Chúng ta thấy chỉ có con đường giáo dục liên lỉ trong ánh sáng của Thiên Chúa mới giúp cho tâm hồn của chúng ta được mở ra, nghĩa là trong ánh sáng của Chúa, chúng ta mới có cung lòng trong sạch. Khi chúng ta đã có cung lòng trong sạch, chúng ta sẽ thai nghén và hạ sinh Đấng Cứu Thế. Trong ý nghĩa đó, ta sẽ tìm thấy ý nghĩa lớn lao của biến cố Chúa Giáng Sinh. Đó không đơn thuần là một lời nhắc nhở về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới này, mà còn trao vào tay của chúng ta một cơ hội để chúng ta làm mới lại tâm hồn của mình. 

 

Trong suốt hành trình cưu mang Đấng Cứu Thế hàng ngày, chúng ta biến ngày lễ Giáng sinh trở thành ngày lễ có ý nghĩa cho mình. Và giữa biết bao những vấn đề của cuộc sống, chúng ta vẫn giữ quyết tâm sẽ hạ sinh Đấng Cứu Thế trong cuộc đời của mình. Khi chúng ta hạ sinh được Chúa Hài Đồng, chúng ta sẽ đón nhận niềm vui Giáng Sinh trong cung lòng mỗi người chúng ta như “mắt người mù sẽ nhìn thấy, và tai những người điếc sẽ được nghe, người què sẽ nhảy nhót như nai, những người được Chúa cứu chuộc, sẽ trở về, và đến Sion với lời khen ngợi; và trên đầu họ mang hoan hỉ triền miên, họ sẽ được vui mừng khoái trá, họ sẽ không còn đau buồn; rên siết sẽ trốn xa” (Is 35,6).

 

 

_______________________

 

[1] Youtube Don Bosco Việt Nam, Suy niệm Lời Chúa Lễ Giáng Sinh.

[2] Theo thánh Damasceno

[3] Theo thánh Anselmo

[4] Theo thánh Bônaventura

[5] Theo thánh Lasan

[1] Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ, gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-chua-nhat-1-mua-vong-a

[7] ĐGM Vũ Duy Thống, gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-chua-nhat-2-mua-vong-a

 

 

Thiết kế Web : Châu Á