Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng Lễ Chúa Hiển Linh: ĐI TÌM VỊ VUA ĐÍCH THỰC

Ba nhà thông thái đã nhìn thấy ngôi sao lạ xuất hiện bên trời Đông và các ông đã vội vã lên đường đi tìm “Đức Vua dân Do Thái mới sinh” để “đến bái lạy Người”. Việc các ông nhìn thấy sao lạ và được đánh động để đi tìm “Vua Mới của Dân Do Thái” nói lên sự kiện Thiên Chúa muốn tỏ mình cho toàn thể nhân loại để mời gọi vào “Bàn Tiệc Nước Trời” chung vui hạnh phúc mà Ngài đã dành sẵn cho tất cả mọi người.

 

 

 

ĐI TÌM VỊ VUA ĐÍCH THỰC

(Mt 2,1-12)

 

 

M. Martino de Porres Toàn

 

Hôm nay, Giáo hội mừng Lễ Chúa Hiển Linh, xưa kia thường quen gọi là Lễ Ba Vua. Các ông đi tìm Hài Nhi Giêsu để bái lạy Người. Đây cũng là dịp thuận tiện để chúng ta suy ngẫm về chương trình cứu độ mà Thiên Chúa dành cho hết mọi người không phân biệt chủng tộc, màu da, giai cấp, ngôn ngữ... Gọi là Lễ Hiển Linh vì Thiên Chúa bày tỏ mình ra cho nhân loại. Trong từ ngữ Hy Lạp gọi cuộc gặp gỡ hi hữu này là “ἐπιφάνεια: epiphaneia” có nghĩa là sự “tỏ mình ra = manifestation”. Chính trong ngày Lễ Giáng Sinh, Chúa tỏ mình ra cho người Do Thái qua Hài Nhi Giêsu. Còn trong ngày Lễ Hiển Linh, Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại, nhân danh các vị đạo sĩ, họ đại diện cho mọi dân tộc, màu da, giai cấp, họ khao khát tìm kiếm ơn cứu độ.

 

Sau này Chúa Giêsu đã xác định: Từ Phương đông Phương tây nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng tổ phụ Abraham, Isaac, Giacop trong Nước Trời. Theo quan niệm Do Thái cổ xưa, thì tất cả những ai không thuộc dòng dõi Do Thái, đều là dân ngoại. Trước biến cố gặp gỡ này, niềm tin vào Chúa được giới hạn vào một dân tộc là dân Do Thái (x. Mt 2,1-12). Theo đoạn Tin Mừng trên, thì ba nhà thông thái đã nhìn thấy ngôi sao lạ xuất hiện bên trời Đông và các ông đã vội vã lên đường đi tìm “Đức Vua dân Do Thái mới sinh” để “đến bái lạy Người”. Việc các ông nhìn thấy sao lạ và được đánh động để đi tìm “Vua Mới của Dân Do Thái” nói lên sự kiện Thiên Chúa muốn tỏ mình cho toàn thể nhân loại để mời gọi vào “Bàn Tiệc Nước Trời” chung vui hạnh phúc mà Ngài đã dành sẵn cho tất cả mọi người.

 

Chúa đã đến với nhân loại trước hết qua biến cố Ngôi Lời nhập thể với hình ảnh “một trẻ sơ sinh, bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Và thêm một lần nữa qua ánh sao lạ, Chúa lại tỏ mình cho ba đạo sĩ, tức những dân ngoại không thuộc thành phần ưu tuyển như dân Do Thái. Mặc dù được chọn làm Dân riêng của Thiên Chúa, nhưng chính dân Do Thái qua giới lãnh đạo của họ, đã khước từ Chúa khi Người đến trần gian lần thứ nhất năm xưa: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11), với dân Do Thái thì Chúa ngay trước mắt nhưng lại xa tận chân trời. Dầu vậy, không phải vì họ khước từ đón nhận mà Chúa phải đi tìm các dân tộc khác để tỏ mình ra. Quả thật, chúng ta phải chân nhận rằng: Thiên Chúa yêu thương hết mọi người như Thánh Phaolô đã quả quyết trong thư gửi cho giáo đoàn Êphêxô: “Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1,9-10).

 

Như thế, việc Chúa Giêsu qua ánh sao lạ, tỏ mình cho ba nhà thông thái dân ngoại đã nằm sẵn trong chương trình yêu thương và cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại chứ không ưu tiên cho một dân tộc nào, vì Ngài “muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4). Cũng vì lý do này mà Chúa Giêsu, trước khi về Trời, đã ra lệnh cho các Tông đồ như sau: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

 

Đây chính là nét phổ quát của ơn cứu độ dành cho hết mọi người tin và nhận Chúa Kitô là Chúa Cứu Thế, chứ không dành riêng cho một dân tộc nào. Và cũng vì mục đích phổ quát này của ơn cứu độ mà Giáo hội của Chúa trên trần thế này được gọi là Giáo hội Công giáo (Catholic), nghĩa là Giáo hội được mở ra cho hết mọi người muốn nhận ơn cứu chuộc của Chúa Kitô mà không giới hạn không gian lẫn thời gian. Cùng luồng tư tưởng, qua sự kiện Chúa tỏ mình cho ba nhà thông thái với ánh sao lạ và việc các ông mau mắn đi tìm Ngài bất chấp mọi khó khăn, gian truân thử thách cũng nhắc cho chúng ta những điều quan trọng sau đây: Nhờ ánh sáng đức tin hướng dẫn, chúng ta cũng đang tìm Chúa trong cuộc hành trình đời mình. Nhưng để được gặp Người cách nhãn tiền như ba đạo sĩ kia, thì chúng ta còn phải trải qua muôn vàn khó khăn lẫn thách đố trên đường kiếm tìm Ngài. Và chỉ có quyết tâm, kiên trì như ba đạo sĩ thì cuối cùng mới mong gặp được Chúa là “đường, là sự thậtt và là sự sống” mà thôi. Đồng thời, qua ánh sao lạ năm xưa Chúa đã đến với các dân ngoại được đại diện với ba đạo sĩ Phương Đông. Cuộc gặp gỡ này xảy ra hoàn toàn do sáng kiến của Chúa, Ngài muốn tìm đến với mọi người trong nhân loại để dẫn đưa họ vào chung hưởng sự sống với Ngài.

 

Thiên Chúa vẫn luôn và mãi tỏ mình ra cho nhân loại qua những dấu chỉ tự nhiên của trời đất, qua từng biến cố lịch sử, qua Lời Người trong Thánh Kinh, qua sự hiện diện của Dân Chúa là Giáo hội, qua các Bí tích. Thực trạng này vẫn còn đang diễn ra trong thời đại chúng ta ngày nay khi còn có quá nhiều người chưa nhận biết Chúa, chưa muốn đáp lời Người mời gọi hay đang thù nghịch với Chúa bằng thái độ sống và hành động của họ. Đó là những người đang sống và quảng bá “văn hoá sự chết” với lối sống vô cảm ở khắp nơi trên thế giới hiện đại này. Do đó, là những người đã biết Chúa qua ánh sáng đức tin, không những chúng ta phải kiên trì trong cố gắng tìm gặp Chúa cho bằng được mà còn có bổn phận đem Chúa đến cho những người khác chưa biết Chúa hay đang đối nghịch với “Phúc âm sự sống” của Người.

 

Muốn gặp được Thiên Chúa, chúng ta phải nỗ lực kiếm tìm Ngài. Cho dầu có những thử thách, cam go, bao hiểm nguy cạm bẫy, chúng ta vẫn luôn kiên trì trong đức tin, bền đỗ trong lòng mến. Niềm tin các đạo sĩ cũng chính là hành trình đức tin của người Kitô hữu, đặc biệt là những người sống đời dâng hiến. Có những gian truân vất vả nhưng chúng ta vẫn luôn vững tin rằng tất cả sẽ kết thúc trong ánh sáng huy hoàng. Chúng ta muốn giống ba vua, thì hãy noi gương các ông cách cho trọn. Hãy kiên trì đi tìm dấu chỉ cho cuộc đời mình, kiên trì đi tìm ngôi sao lạ, tìm ánh sáng dẫn đường đến với Chúa Hài Nhi, đừng bỏ cuộc dù là “đường cùng của ngõ cụt” hay ngay cả khi không còn thấy ánh sáng trong cuộc lữ hành dương thế này.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á