Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng Ga 9,1-41, CN IV Mùa Chay, A: Tình yêu và sự chữa lành

Tình yêu và sự chữa lành của Thiên Chúa được cụ thể hóa nơi Đức Giêsu. Bài Tin Mừng hôm nay đã diễn tả cách chân thực và rõ nét về tình yêu và sự chữa lành của Chúa Giêsu, qua việc Ngài cho một người mù từ thủa mới sinh được thấy ánh sáng.

 

 

 

TÌNH YÊU VÀ SỰ CHỮA LÀNH

(1Sm 16,1b.6-7.10-13; Ep 5,8-14; Ga 9,1-41)

 

 

Viết Trung

 

Con người được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh của Ngài (St 1,27), được sống hạnh phúc với Ngài, với nhau và với vạn vật. Nhưng tất cả những hồng ân ban đầu này đã bị mất khi con người phạm tội (x. St 3,1-19). Hậu quả là mất tình nghĩa với Thiên Chúa, mất hòa hợp với nhau và với vạn vật. Hệ lụy là con người phải phải chết. Tuy nhiên, Thiên Chúa là Đấng toàn năng và trung tín, không những không bỏ rơi con người sau khi sa ngã, nhưng còn có “sáng kiến” tìm đến với con người, ban lời hứa cứu độ (St 3,15).

 

Chính Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ ấy. Người đã phục hồi phẩm giá con người cách kỳ diệu hơn cả phẩm giá lúc con người được tạo dựng. Như vậy, tội lỗi không làm hỏng chương trình của Thiên Chúa, mà là cơ hội để Thiên Chúa biểu lộ tình thương xót nhân từ không biết mệt mỏi của Ngài, hầu đưa toàn thể nhân loại đạt tới cùng đích của mình, là sự sống đời đời. Hình ảnh tuyệt đẹp này được thánh Phaolô diễn tả trong bài đọc hai như sau: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5,8-9).

 

Bằng những lời khuyên nhẹ nhàng dành cho các tín hữu Êphêxô, thánh Phaolô đã bày tỏ cho chúng ta thấy tình yêu thương của Thiên Chúa vô biên, có sức chữa lành mọi đau khổ của con người do tội lỗi gây ra. Nhưng đồng thời, để được chữa lành, đòi hỏi con người phải biết đáp trả ơn Chúa một cách tích cực và khôn ngoan như con cái Thiên Chúa: “Anh em hãy xem những điều gì đẹp lòng Thiên Chúa. Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối” (Ep 5,10-11).

 

 

Tình yêu và sự chữa lành của Thiên Chúa được cụ thể hóa nơi Đức Giêsu. Bài Tin Mừng hôm nay đã diễn tả cách chân thực và rõ nét về tình yêu và sự chữa lành của Chúa Giêsu, qua việc Ngài cho một người mù từ thủa mới sinh được thấy ánh sáng.

 

Việc chữa bệnh thể lý của Chúa Giêsu được thánh Gioan ghi lại như những dấu chỉ lớn về hành trình của đời sống đức tin dẫn tới sự sống vĩnh cửu “để anh em tin Chúa Giêsu là Đấng Kitô, con Thiên Chúa, bởi tin anh em có sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31). Chúa Giêsu thực hiện phép lạ chữa lành thể lý, không phải để khiến cho người ta kinh ngạc, nhưng việc làm của Chúa Giêsu thể hiện quyền năng của Thiên Chúa, nhắm tới ơn cứu độ con người và được xem như một phương thế cho thấy tình thương và sự chữa lành của Thiên Chúa: “Thiên Chúa không nhận lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý Người, thì Người nhận lời kẻ ấy” (Ga 9,31).

 

Theo quan niệm của người Do Thái, bệnh tật được coi là hệ quả của tội lỗi và bị Thiên Chúa chúc dữ. Bởi vậy, khi thấy anh mù, các môn đệ đã hỏi Chúa: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?… Mày sinh ra tội ngập đầu” (Ga 9,2.34). Tuy nhiên, khi chữa lành bệnh tật, Chúa Giêsu thay đổi quan niệm cho rằng bệnh tật là do tội lỗi, thay vào đó cho thấy bệnh tật còn là cơ hội để Thiên Chúa bày tỏ quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi. Đồng thời, với việc chữa lành, Đức Giêsu đã mở ra một thời đại mới, thời đại của ơn cứu độ và hy vọng, để làm tiêu tan hết những mặc cảm tội lỗi và sợ hãi, trả lại nhân phẩm cho con người kém may mắn như bệnh cùi hủi, đui mù, què quặt và tội lỗi. Ngài chạnh lòng thương và gánh lấy những đau khổ của họ bằng việc Ngài cảm thông và thổn thức trước những thân phận con người đau khổ. Điều này được thánh Phaolô nói rõ trong sách Công Vụ: “Đi tới đâu là Ngài thi ân giáng phúc tới đó” (Cv 10,38).

 

Hơn nữa, khi chữa lành thể xác, Đức Giêsu luôn đi kèm theo đó là việc chữa lành tâm linh, bài Tin Mừng hôm nay là một ví dụ điển hình: Mù là căn bệnh thể xác, làm cho người bệnh phải đau khổ và chịu thiệt thòi rất nhiều về cả tinh thần lẫn thể chất vì là “một căn bệnh được xếp vào loại tội lỗi ngập đầu” (x. Ga 9,34). Chúa Giêsu không những mở mắt thể lý cho anh mà thôi, nhưng còn mở con mắt đức tin cho anh: “Nếu không phải người của Thiên Chúa mà đến, thì ông ta chẳng làm được gì” (Ga 9,33). Khi cho anh mù được sáng mắt, Chúa Giêsu cho anh được phục hồi phẩm giá và cuộc đời của anh đã thay đổi: từ chỗ không biết Chúa Giêsu là ai và phải sống trong tối tăm, nay anh được biết Chúa, được đụng chạm vào nguồn ánh sáng vĩnh cửu (x. Ga 8,12), và chắc chắn rằng cả cuộc đời còn lại của anh sẽ gắn với “Ánh Sáng” mang lại sự sống đời đời khi anh tuyên xưng: “Thưa Ngài tôi tin”.

 

Như thế, tin nhận “Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến” (x. Ga 17,3) là điều kiện để đạt tới sự sống đời đời. Vì thế, bổn phận của chúng ta là không ngừng để cho Thánh Thần uốn nắn sửa dạy và thánh hóa để được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô mỗi ngày. Mầm sống phục sinh đã thực sự phát triển đối với những ai liên kết với Đức Kitô. Nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa đã cứu chúng ta cả hồn lẫn xác và sau khi qua khỏi đời này, thân xác cũng được phục sinh trong ngày sau hết (x. Rm 8,23). Như thế, con người đi vào sự hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa, được thông phần bản tính Thiên Chúa trong vinh quang bất diệt.

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á