Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN XXXIII TN, A: BỔN PHẬN SINH LỜI

Chúa tín nhiệm và tôn trọng tự do của mỗi người, Ngài không ép buộc ai phải làm theo ý Ngài. Khi trao ban nén bạc cho con người, Ngài không bắt ai phải làm sinh lợi theo chương trình hoạch định của Ngài.

 

 

BỔN PHẬN SINH LỜI

(Mt 25,14-30)

 

M. Raphael Dũng

 

Con người là hữu thể cao cả nhất trong muôn vàn thụ tạo dưới vòm trời, vì được Thiên Chúa ban cho lý trí và hồn thiêng. Qua hai đặc ân kì diệu này, Thiên Chúa muốn ban cho mỗi người một trách nhiệm, một sứ mạng. Do đó, mỗi người đều có vai trò và chỗ đứng trong vũ trụ này.

 

Thiên Chúa là Đấng Thượng Trí và khôn ngoan vô cùng. Vì thế, một khi đã giao cho con người sứ mạng thì chắc chắn Ngài cũng trang bị cho họ những khả năng và vốn liếng cần thiết. Tuy nhiên, muốn biết thánh ý của Chúa thì phải tìm hiểu Lời dạy của Chúa là kho tàng của mọi sự khôn ngoan. Kho tàng ấy, chúng ta có thể tìm thấy ở Tin Mừng theo thánh Mátthêu (Mt 25,14-30). Lời Chúa hôm nay muốn nhắn nhủ chúng ta về bổn phận sinh lời qua dụ ngôn những nén bạc.

 

Khởi đầu dụ ngôn nén bạc, Chúa Giêsu nói về sự vắng mặt của ông chủ: “Có một người kia sắp đi xa và gọi các đầy tớ đến để giao phó tài sản, trao cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa một nén”. Dụ ngôn được Chúa Giêsu trình bày trước biến cố tử nạn, phục sinh và về trời. Phải chăng ông chủ chính là Chúa Giêsu và việc ông chủ sắp đi xa chính là việc loan báo sự ra đi của Ngài và các đầy tớ đến nhận những nén bạc để sinh lợi chính là các Tông Đồ và mỗi người chúng ta? Vậy thì, bổn phận của mỗi người môn đệ của Chúa Giêsu phải làm cho những nén bạc Chúa trao sinh hoa kết quả tùy theo khả năng của mình với tinh thần hăng say nhiệt huyết. Mỗi người là một nhân vị độc đáo. Cho nên, sự khác biệt về tài năng, tính cách là lẽ thường tình. Có thể nói, những nén bạc Chúa trao là những tài năng, những đức tính, những giá trị hiện có nơi mỗi người. Tuy nhiên, mức độ hiểu biết, sự khéo léo, năng lực của mỗi người khác nhau tương ứng với người được trao năm nén, người được trao hai nén, người được một nén. Bí quyết để làm sinh lợi những nén bạc Chúa trao phó chắc chắn là lòng kính sợ Chúa. Bởi vì, kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan. Nguyên lý nền tảng quan trọng của lòng kính sợ Chúa là thực thi ý Ngài cách triệt để dựa trên ba nhân đức đối thần: tin, cậy, mến. Nhờ đó, ơn huệ của Chúa Thánh Thần mới tuôn đổ dồi dào, giúp cho những nỗ lực của người môn đệ chân chính của Chúa trổ sinh hoa trái là những việc lành phúc đức. Tuy nhiên, Chúa tín nhiệm và tôn trọng tự do của mỗi người, Ngài không ép buộc ai phải làm theo ý Ngài. Khi trao ban nén bạc cho con người, Ngài không bắt ai phải làm sinh lợi theo chương trình hoạch định của Ngài.

 

Lịch sử và thực tế cuộc đời đã để lại cho chúng ta nhiều mẫu gương sáng ngời về nỗ lực phát huy tối đa tài năng Chúa ban để phục vụ nhân loại. Các nhà khoa học miệt mài trong phòng thí nghiệm để tìm ra phương thuốc hữu hiệu nhằm đẩy lui bệnh tật; bác sĩ y tá tận tâm, tận lực để lo cho sức khỏe bệnh nhân. Một trong những tấm gương điển hình như nhà bác học Louis Pasteur, người chuyên nghiên cứu về vi trùng học, huyết học vĩ đại, nhưng ông có lòng kính sợ Chúa qua việc siêng năng cầu nguyện, lần chuỗi Mân Côi. Hay nhà hùng biện lừng danh của Hy Lạp cổ đại khiến nhiều người khâm phục đó là ông Démosthène. Ông là mẫu người của ý chí, đã vượt qua khả năng ít ỏi mình có để đạt đến thành công. Ông sinh ra bản chất ốm yếu, nhút nhát, lại mắc chứng cà lăm, nói năng lắp bắp. Vậy mà tiểu quốc Athènes, tổ quốc của ông, lại là xứ sở của dân chủ, trong đó lời nói là tinh hoa, tranh luận là nền móng. Ôm hoài bão phục vụ tổ quốc trong vai trò của nhà hùng biện, trước hết ông phải thắng tật cà lăm[1]. Ông ngậm sỏi trong miệng, luyện lưỡi để đừng lắp bắp và nói lớn trước sóng biển. Hàng ngày, ông ngậm sỏi diễn thuyết trước ầm ầm tiếng sóng. Ông ngày ngày tập chạy lên dốc, vừa chạy vừa đọc thật to, đọc thuộc lòng những đoạn văn dài. Ông còn tự giam mình suốt hai ba tháng trong hầm nhà để diễn thuyết một mình. Và để khỏi phải đi ra ngoài, ông húi trọc một nửa đầu, như một tên hề[2]. Ông đã thành công và trở thành nhà hùng biện tài ba. Sự siêng năng, kiên trì và nỗ lực của ông xứng đáng để người đương thời và muôn đời sau học hỏi, bắt chước.

 

Trở lại bài Tin Mừng, đối tượng ưu tiên nhất của Lời Chúa qua dụ ngôn những nén bạc là người Kitô hữu. Đặc biệt, đối với những người đã dành cả cuộc đời để dấn thân cho ơn gọi thánh hiến lại càng vô cùng quan trọng. Những người dâng mình cho Chúa kín múc từ nguồn mạch Tin Mừng ba lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục làm kim chỉ nam, làm phương châm sống. Bổn phận cần thiết và quan trọng của những người môn đệ theo Chúa Kitô trong ơn gọi thánh hiến là đặt mình trong mầu nhiệm thông công để cầu nguyện cho các linh hồn, đồng thời thực thi sứ vụ truyền giáo để mở rộng Nước Chúa, hầu làm cho muôn dân đều nhận biết Chúa và được hưởng ơn cứu độ. Phương châm, mục tiêu đặt ra là như vậy. Thế nhưng, con đường từ lý thuyết đến thực hành là một hành trình gian nan đầy thử thách, cam go. Do đó, mỗi người tu sĩ phải siêng năng, nỗ lực hết mình để làm sinh lời những nén bạc Chúa giao phó. Kết quả cuối cùng khi Ông Chủ trở về, tính toán sổ sách, họ được thông phần hạnh phúc với chủ như người được lãnh năm nén và người hai nén. Được chúc phúc hay phải vào “nơi tối tăm”, “sẽ phải khóc lóc nghiến răng” đều tùy thuộc vào thái độ sống của mỗi người. Vì con người không ai sống giùm ai và cũng không ai chết thay cho ai được. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã nói: “Ngày cuối cùng của cuộc đời, Thiên Chúa phán xét chúng ta bằng tình yêu”. Chắc chắn, ngày mỗi người chúng ra trình diện trước Tôn Nhan Chúa, Ngài sẽ thẩm vấn mức độ tình yêu của chúng ta. Là đan sĩ, anh đã yêu mến tha nhân, đã hy sinh, hãm mình để cầu nguyện cho các linh hồn chưa? Là nhà truyền giáo, anh đã dùng tình yêu để giảng dạy, thuyết phục mời gọi được bao nhiêu người gia nhập Hội thánh?

 

Con người được sinh ra để hiện hữu sống động chứ không phải để tồn tại vật vờ. Do đó, trong cuộc đời, con người phải có lý tưởng, có hoài bão, có mục tiêu… Đồng thời, phải có tình yêu, niềm đam mê, sự nỗ lực để biến lý tưởng, hoài bão thành hiện thực. Cuộc sống không cho phép con người lười biếng, thiếu lý tưởng. Cuộc đời của một người chỉ có ý nghĩa khi người ấy chịu khó rèn luyện và siêng năng trau dồi để đạt được mục tiêu thành thân và thành nhân. Đối với người Kitô hữu, người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu Kitô, thì mục tiêu phải cao xa hơn là nên thánh (thánh nhân), nhằm đáp ứng lời mời gọi thiết tha của Đức Giêsu: “Anh em hãy gắng hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Kết quả cuối cùng những người dấn thân trên hành trình nên thánh là được hưởng hạnh phúc sung mãn với Chúa trong Nước Trời.

 

 

 ___________________________

 

[1] Cao Huy Thuần, Chuyện xưa, thesaigontimes.vn.

[2] Cao Huy Thuần, Chuyện xưa, thesaigontimes.vn

 

Thiết kế Web : Châu Á