Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN XXXII TN, B: YÊU THƯƠNG ĐÍCH THỰC LÀ CHÂN THÀNH CHO ĐI

Yêu thương chân thành là cho đi không hề hối tiếc. Đỉnh cao của yêu thương là cho đi chính bản thân, sinh mạng của mình. Đức Giêsu Kitô là hiện thân của yêu thương đã cho đi đến tận cùng, qua việc hiến tế chính mình để cứu chuộc nhân loại.

 

 

 

YÊU THƯƠNG ĐÍCH THỰC LÀ CHÂN THÀNH CHO ĐI

(Mc 12,38-44)

 

 

M. Raphael Dũng

 

Yêu thương là đạo lý căn bản trong Kitô giáo. Bản chất thâm sâu của yêu thương là cho đi, là tận hiến. Đức Giêsu Kitô, hiện thân của tình yêu thương, đã phán dạy: “Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8). Ngài diễn giải giáo huấn này bằng những diễn biến cụ thể, bình dị trong đời thường. Đó là hình ảnh bà góa nghèo bỏ vào thùng tiền hai đồng tiền kẽm. Thêm vào đó, Giáo hội cũng mời gọi con cái tìm hiểu về việc thiện của bà goá ở Xa-rép-ta đã giúp đỡ ngôn sứ Êlia. Tại sao việc thiện của các bà đáng để chúng ta lưu tâm? Phải chăng các bà đã thực hiện việc cho đi bằng tấm lòng chân thành? Giáo huấn của Đức Kitô luôn đi đôi với hành động Ngài làm. Chính Ngài đã thực hiện chiều kích cho đi một cách triệt để qua việc hiến tế chính mình làm giá chuộc muôn người. Vậy, người Kitô hữu noi gương Thầy Chí Thánh thực hiện chiều kích cho đi vì yêu thương như thế nào?

 

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng, suy gẫm về vẻ đẹp tâm hồn của hai góa phụ nghèo, một người thời ngôn sứ Êlia, một người thời Chúa Giêsu. Hai bà có điểm chung là nghèo về vật chất nhưng giàu về tấm lòng. Tấm lòng đạo đức chân thành của các bà đã làm đẹp lòng Thiên Chúa. Tình hình của bà góa ở Xa-rép-ta lâm vào cảnh bi đát, khốn cùng. Lương thực, nước uống của bà chỉ đủ cho một bữa ăn đạm bạc cuối cùng của cuộc đời: “Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn và chết” (1V 17,12). Có thể nói lương thực của bà đã hết nhưng tấm lòng nhân ái, trắc ẩn của bà vẫn còn. Dù tình cảnh cuộc sống của bà đã lâm vào đường cùng, ngõ cụt nhưng tấm lòng lương thiện, quảng đại của bà đã trỗi dậy như một mãnh lực quyền uy thúc giục bà thực thi lòng bác ái. Mệnh lệnh của con tim đã thôi thúc đôi tay của bà làm thêm miếng bánh nhỏ cho ngôn sứ Êlia. Hành động của bà đã làm đẹp lòng Chúa. Cho nên, Ngài đã chúc phúc cho bà qua miệng ngôn sứ Êlia: “Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel phán thế này; hũ bột sẽ không vơi, vò dầu sẽ không cạn cho đến ngày Đức Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất” (1V 17,14). 

 

Cũng vậy, trường hợp của bà góa trong Tin Mừng chỉ bỏ vào thùng tiền hai đồng tiền kẽm. Một số tiền quá ít, chẳng thấm vào đâu so với những người giàu có bỏ rất nhiều tiền. Theo cách đánh giá tự nhiên của người đời thì những người giàu mới đáng được ca ngợi tán dương vì bỏ nhiều tiền, còn hai đồng của bà góa chẳng đáng quan tâm. Cách đánh giá của người đời chỉ dựa vào bề ngoài chứ không thể biết tâm ý trong lòng người ta được, vì “tri nhân tri diện bất tri tâm”. Còn cách đánh giá của Chúa thì Ngài nhìn sâu vào tận bên trong tâm hồn và Ngài biết rõ tâm tư, mục đích của người cho. Quả thật, cho đi là điều tốt nhưng cách cho mới là quan trọng vì của cho không bằng cách cho. Phải chăng cách cho của các ông kinh sư, mấy người giàu có không trong sáng, cao thượng? Họ cho đi với tâm ý khoe khoang, đánh bóng tên tuổi hay trục lợi theo kiểu “thả con tép bắt con tôm”… Còn cách cho của bà góa nghèo với tâm hồn trong sáng, chân thành, bà đã cho tất cả dù chỉ là hai đồng tiền kẽm. Bà góa nghèo làm việc thiện với tâm hồn đơn sơ, với lòng đạo đức chân thành đã khiến Chúa hài lòng. Hai đồng tiền kẽm là cả gia tài hiện có để nuôi sống bản thân nhưng bà đã không đắn đo, lo lắng bận tâm gì cả. Phải chăng bà tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa? Hai đồng tiền kẽm ít ỏi đã được thông phần vào sự cao cả vì bà đã cho đi với tâm hồn cao cả. Việc thiện của bà đã được Chúa xác nhận là tốt: “Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng tiền nhiều hơn ai hết” (Lc 12,43).

 

Quả vậy, yêu thương chân thành là cho đi không hề hối tiếc. Đỉnh cao của yêu thương là cho đi chính bản thân, sinh mạng của mình. Đức Giêsu Kitô là hiện thân của yêu thương đã cho đi đến tận cùng, qua việc hiến tế chính mình để cứu chuộc nhân loại. Điều này đã được thánh Phaolô trình bày trong bài đọc II, trích thư gửi tín hữu Do Thái (Dt 9,24-28). Sự tự hiến của Ngài hướng tuyệt đỉnh của tình yêu thương bằng việc cho đi một cách triệt để: “Đức Kitô đã tự hiến tế chỉ một lần để xóa bỏ tội lỗi mọi người” (Dt 9,28a). Đức Kitô là bản gốc nội tại của tình yêu còn các Kitô hữu là những người sống trong Đức Kitô, thuộc về Đức Kitô và mang trong mình nguồn sống tình yêu bất diệt của Ngài. Vậy, Kitô hữu sống chiều kích cho đi của tình yêu thương như thế nào?

 

Bổn phận của Kitô hữu phải rao giảng, làm chứng nhân tình yêu cho Chúa trong môi trường xã hội mà mình đang sống. Chẳng hạn, thế giới hiện tại đang phải đối diện với những hiểm nguy, mất mát, tang thương do đại dịch Covid-19, có biết bao chứng nhân tình yêu của Chúa đã không sợ nguy hiểm, gian nan đã, đang tình nguyện vào tuyến đầu chống dịch. Họ là những linh mục, tu sĩ nam nữ, Kitô hữu giáo dân. Dấn thân vào việc phục vụ giúp đỡ các bệnh nhân Covid là một sự can đảm, dám đánh đổi bằng sinh mạng của chính mình. Vì khi phục vụ bệnh nhân, các tình nguyện viên cũng có thể bị lây nhiễm, nhẹ thì qua khỏi, nặng thì qua đời. Có thể nói những người môn đệ chân chính của Đức Kitô đang hăm hở tiến tới đỉnh cao của tình yêu như Đức Giêsu nói: “Không có tình yêu nào cao cả bằng tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Tuy nhiên, không phải ai cũng sống được chiều kích cho đi một cách triệt để như lời của Đức Giêsu. Ngoài ra, cũng có nhiều phương thức cho đi khác nhau như: cho kẻ thù sự tha thứ, cho bạn bè sự trung thành, chân thật. Trong gia đình, cha mẹ cho con cái gương sáng về đạo đức, cho nền giáo dục nhân bản, đồng thời con cái cho cha mẹ sự hiếu thảo…

 

Tóm lại, căn tính của đời sống đức tin Kitô giáo là cho đi. Quà tặng không chỉ đưa đến tận tay mà phải trao vào tận con tim của người nhận. Đó là phương pháp cho đi hữu hiệu nhất như mẫu gương của hai góa phụ mà Lời Chúa hôm nay trình bày. Tận cùng của sự cho đi là hiến dâng cả bản thân. Như lời xác tín của mẹ Têrêxa Calcutta: “Kitô hữu là người trao ban chính bản thân mình”[1]. Sau cuộc lữ hành dương thế, Kitô hữu là những phúc nhân được Chúa mời vào dự tiệc cưới Nước Trời hay là tội nhân phải trầm luân vĩnh viễn như ông phú hộ vì thờ ơ vô cảm trước sự khốn cùng của anh Ladarô, kết quả phụ thuộc vào thái độ sống yêu thương hay ích kỷ của chúng ta ở đời này.

 

 

 

_______________________

 

[1] Lm. Thái Nguyên, Cuộc sống với những tương quan, Những Cánh Hoa Tâm Linh, Tập 1, tr.  60.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á