Suy niệm

Suy niệm Tin mừng CN XXXI TN, C: KHÁT KHAO GẶP CHÚA

Khát khao gặp được Chúa, Dakêu đã biến đổi cuộc đời mình. Gặp được Chúa, lòng quảng đại của Dakêu đã được mở rộng vô bờ bến. Và có lẽ đó cũng là dấu chỉ ơn cứu độ ban xuống trên cả nhà ông:“Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa gia tài của tôi mà cho người nghèo; và tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (c. 8).

 

KHÁT KHAO GẶP CHÚA

(Lc 19,1-10)

 

Minh An

Khi đọc một số bản văn Tin Mừng của thánh sử Luca, ta có cảm giác như Chúa Giêsu luôn đứng về những người khiêm nhường: “Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 52), luôn tỏ lòng thương xót với những người tội lỗi:“Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.” (Lc 5, 32); Hay, “Ta đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19, 10). Nhưng, đồng thời cũng lên án những kẻ kiêu ngạo và hạ bệ những kẻ giàu có, quyền thế: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế…người giàu có lại đuổi về tay không”( Lc 1, 52b. 53b…).

 

Bài Tin mừng hôm nay là một minh chứng cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa đã cứu người tội lỗi là Giakêu, người thu thuế giàu có. Hay nói khác đi, ơn cứu độ của Thiên Chúa bao phủ cả gia đình ông Dakêu, bởi ông khao khát được gặp Chúa và bởi lòng quảng đại thôi thúc nơi ông. Đây cũng là hai điểm cốt yếu để chúng ta cùng suy gẫm:

 

1. Con người khao khát Thiên Chúa

 

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Niềm khao khát Thiên Chúa được ghi khắc trong trái tim con người vì con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với Ngài, và chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới gặp được chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm” (số 27). Bài Tin Mừng cho ta thấy: ông Dakêu là một người giàu có nổi tiếng ở thành phố Giêricô. Ông làm giàu, vì nhờ vào ngành thu thuế. Ông là trưởng ban thu thuế cho ngoại bang. Nếu Dakêu chỉ nhận những đồng lương hàng tháng cách chân thật thì có lẽ ông không thể giàu như vậy được. Nhưng ông đã giàu lên là vì có lẽ ông đã gian lận hay tham ô trong việc thu thuế. Người Do thái coi ông là một kẻ tội lỗi chính hạng, cần phải loại trừ.

 

Tuy nhiên, dù Dakêu giàu có, nhưng ông vẫn thấy thiếu thốn một cái gì đó trong tâm hồn, ông đang muốn tìm “cái thiếu thốn” đó thì hay tin có Chúa Giêsu đang đi ngang qua thành phố. Ông vội vàng chạy tới để mong gặp được Người. Nhưng dân chúng thì đông, mà ông lại lùn, nên không thể nhón gót chân lên mà nhìn thấy Chúa được. Ông đã vội vã chạy về phía trước, trèo lên một cây sung để mong sao nhìn được Chúa, có lẽ ông mong ước chỉ nhìn được Chúa thôi cũng đã mãn nguyện lắm rồi. Nhưng, điều ông không ngờ thì đã xảy đến cho ông, không những ông chỉ thấy Chúa cách sơ sài mà còn được Chúa ngỏ lời về sống trọ trong nhà của ông. Và cũng chính từ đây, trong ngôi nhà của ông, cuộc đời của ông đổi mới, gia đình của ông được nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi vì người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham” (c. 9).

 

Khao khát hạnh phúc là ước vọng chung của con người. Nhưng, khao khát được hạnh phúc viên mãn là khao khát được gặp Chúa và có Chúa trong cuộc đời của con người, vì chỉ có Chúa mới có được hạnh phúc viên mãn. Ông Giakêu dường như đã có đầy đủ những của cải vật chất, ông trở nên giàu có. Nhưng, ông vẫn còn đó một nỗi niềm mơ ước có cuộc sống hạnh phúc viên mãn, nên ông đã quyết tâm đứng dậy đi gặp Chúa và Chúa đã cho ông thỏa mãn niềm mong ước đó. Ông đã trở nên con người cao thượng và đầy lòng quảng đại khi hiến dâng tất cả.

 

Chúng ta muốn có được hạnh phúc như ông Dakêu thì cũng phải có lòng khao khát Chúa và quyết tâm đến với Chúa, để Ngài cho ta thỏa lòng khao khát đó. Không những thế, chúng ta còn phải làm cho danh Chúa được hiển thị để nhiều người thấy và đón nhận, chứ không phải tìm cách che mờ hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng xót thương như đám đông đã che khuất Chúa làm cho Giakêu phải trèo lên cây sung mới thấy được Ngài.

 

2. Lòng quảng đại - dấu chỉ của ơn cứu độ

 

Khát khao gặp được Chúa, Dakêu đã biến đổi cuộc đời mình. Gặp được Chúa, lòng quảng đại của Dakêu đã được mở rộng vô bờ bến. Và có lẽ đó cũng là dấu chỉ ơn cứu độ ban xuống trên cả nhà ông:“Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa gia tài của tôi mà cho người nghèo; và tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (c. 8).

 

So sánh ông Dakêu và người phú hộ giàu có đến gặp Chúa, xin Người chỉ cho con đường đạt đến hạnh phúc, Chúa chỉ cho ông con đường hạnh phúc bằng cách, bán hết tài sản bố thí cho người nghèo, rồi đến theo Chúa, nhưng ông phú hộ lại buồn rầu bỏ đi ( x Lc 18, 18- 23) thì ta thấy Dakêu, con người cao thưởng, và quảng đại hơn tên phú hộ kia nhiều. Tên phú hộ vì tham tiền, tiếc của…nên đánh mất cơ hội gặp Chúa, theo Chúa để có hạnh phúc đời đời.

 

Còn Dakêu, lấy Chúa làm trên, làm đầu, nên của cải ông có, ông cho chẳng đáng là gì! Đời ông có Chúa, lòng quảng đại của ông mở rộng. Ông đã dùng của cải mình có để bố thí cho người nghèo, ông làm thiệt hại của tha nhân điều gì, ông sẽ đền gấp bốn. Ông đúng là con người vĩ đại. Ông nghèo về thể hình (lùn), nhưng ông lại giàu có về tâm hồn; ông khiếm khuyết về thể xác, nhưng dư thừa về tình thần; ông nhỏ bé về thân thể, nhưng ông to lớn về tấm lòng…Như thế, ông đáng được Chúa ban ơn cứu độ cho chính ông và cả nhà của ông: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (c. 9a).

 

Cũng giống như Dakêu, trong con người của ta cũng có điều tốt và điều xấu. Nhưng, có khi điều xấu đã nổi lên mạnh mẽ hơn làm lu mờ điều tốt để cuộc đời ta cứ mãi loay hoay trong nỗi khát khao hạnh phúc: “Điều tốt tôi muốn tôi không làm, điều xấu tôi không muốn tôi lại làm” (x. Rm 7, 19). Do vậy, ta cần hoán cải con tim bằng cách để Chúa để ý đến ta, quan tâm đến ta, ở lại trong tim ta và đánh động ta phát huy lòng quảng đại như ông Giakêu thì thật là vĩ đại.

 

Nếu ta có một tấm lòng khoan dung như Chúa Giêsu, và có một tâm hồn quảng đại như ông Dakêu, thì có lẽ cả thế giới này trở nên con cái của tổ phụ Abraham, và tất cả cùng được hưởng ơn cứu độ của  Thiên Chúa, vì: “tất cả những người này đều là con cái tổ phụ Abraham” (c. 9b).

 

Tắt một lời, khao khát gặp Chúa là ước muốn chung của con người, nhưng phải biết ra khỏi mình, đến với Chúa như Dakêu thì sẽ gặp được Chúa. Gặp được Chúa rồi phải biến đổi đời mình và hiến dâng quảng đại như ông Dakêu đã quảng đại dâng hiến. Nhờ thế, ông đã kéo được ơn cứu độ của Thiên Chúa xuống cho ông và cho cả gia đình của ông. Đó là ơn phúc tuyệt vời.

 

Ước gì chúng ta cũng là những Dakêu của thời đại để ơn cứu độ Thiên Chúa không những xuống trên ta và còn xuống cho cả gia đình nhân loại nữa.

 

Thiết kế Web : Châu Á