Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN XXXI TN, B: GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trả lời cho kinh sư biết về giới răn yêu thương: “Mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như chính mình” (x. Mc 12,30-31). Đó là giới răn quan trọng nhất, và được tóm gọn thành một chữ “Yêu”.

 

 

GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG

(Mc 12,28b-34)

 

M. Phêrô Bình

 

Con người sống trong mọi thời đại luôn khát khao yêu và được yêu. Điều đó được thể hiện qua cuộc sống của mỗi người, như nhà thơ Xuân Diệu đã nói: “Làm sao sống được mà không yêu, không thương không nhớ một kẻ nào”. Hơn nữa, tình yêu đó còn đi vào trong mọi hoạt động của con người, kể cả trong lãnh vực tôn giáo. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trả lời cho kinh sư biết về giới răn yêu thương: “Mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như chính mình” (x. Mc 12,30-31). Đó là giới răn quan trọng nhất, và được tóm gọn thành một chữ “Yêu”.

 

Tình yêu như là sợi dây nối kết xuyên suốt dòng lịch sử nhân loại. Ngay từ thời Cựu ước, Thiên Chúa yêu dân Israel và ký kết giao ước với dân của Người. Từ đó, dân Israel chỉ thờ một mình Thiên Chúa duy nhất, ngoài Người ra không còn có thần nào khác. Sách Đệ Nhị Luật đã cho chúng ta thấy điều đó, khi ông Môsê bảo dân Do Thái: “Nghe đây, hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ, hết linh hồn, hết sức anh em ...” (Đnl 6,4-5). Lòng yêu mến Chúa trong Đệ Nhị Luật truyền dạy bao hàm trong sự trung thành thờ phượng Thiên Chúa và tuân giữ các giáo huấn của Người. Yêu mến Thiên Chúa duy nhất với tất cả sức mạnh và khả năng mà Thiên Chúa ban cho con người.

 

Tình yêu đó còn được thể hiện mạnh mẽ hơn, khi Thiên Chúa ban chính Con Một của Người xuống thế gian, để ai tin vào Con của Người sẽ được ơn cứu độ. Chúa Giêsu xuống thế làm người, ở với con người và sống như bao con người khác. Trong cuộc đời trần thế, Người luôn yêu thương con người, và muốn trở nên một với người mình yêu. Và Chúa Giêsu cũng muốn cho mọi người yêu thương nhau: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Điều này cũng đã được nói trong sách Lêvi: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình...” (Lv 19,18).

 

Tuy nhiên, yêu người “đồng loại” trong sách Lêvi chỉ có nghĩa là người gần gũi với người Do Thái về huyết thống và chủng tộc. Còn yêu người “thân cận” mà Đức Giêsu dùng ở đây có ý hiểu về hết mọi người, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, người nghĩa thiết hay kẻ thù. Hơn nữa phải yêu như chính mình, tức là phải đối xử với người khác cùng một “tình yêu” như mình đã đối xử với mình. Bên Đông phương, Khổng Tử đã để lại một câu nói để đời: “Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân“, nghĩa là điều gì mình muốn làm cho mình thì hãy làm cho người ta như vậy.

 

Như vậy, khi Chúa Giêsu đến, Người thăng hoa và nâng Tình Yêu lên mức tròn đầy: “Mến Chúa và yêu người”. Điều đó được thể hiện qua cái chết thập giá của Đức Kitô: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13). Người chết vì yêu mến Chúa Cha và yêu thương chúng ta. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã nối kết tình yêu của Thiên Chúa với con người và con người với nhau. Như chúng ta thấy, cây thập giá có chiều ngang và chiều dọc: chiều dọc hướng về Thiên Chúa, chiều ngang vươn tới tha nhân. Cũng vậy, mến Chúa yêu người là hai chiều kích của tình yêu, phải luôn đi đôi với nhau. Không thể giữ điều này mà bỏ điều kia, như Thánh Gioan tông đồ đã khẳng định: “Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4,21). Trong ý nghĩa đó, Thomas Merton đã nói: “Không yêu thương và nhân từ với kẻ khác, thì tình yêu của chúng ta dành cho Đức Kitô chỉ là tưởng tượng”. Vậy chúng ta đã thực sự yêu mến Thiên Chúa và tha nhân hay chưa?

 

Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho mọi người thấy giới răn quan trọng nhất đó là “mến Chúa và yêu người”. Chính Đức Kitô là sợi dây nối kết tình yêu giữa con người với Thiên Chúa và con người với nhau. Sự nối kết đó được thể hiện qua cái chết trên thập giá và sự phục sinh của Người. Bởi vậy, chỉ trong Đức Kitô, chúng ta mới có thể yêu thương đến vô cùng. Tình yêu thực sự đối với Thiên Chúa sẽ đưa mỗi chúng ta về với tha nhân. Tình yêu tha nhân đòi mỗi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa để múc lấy nơi Ngài sức mạnh hầu tiếp tục yêu tha nhân trong Chúa và yêu Chúa nơi tha nhân.

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á