Suy niệm

Suy niệm Tin mừng CN XXX TN, C: TRỞ NÊN CÔNG CHÍNH NHỜ KHIÊM HẠ

Người thu thuế thể hiện thái độ khiêm nhường, ý thức mình là người có tội, không dám ngước mắt nhìn lên Chúa. Anh đấm ngực sám hối và tỏ lòng đau đớn trong tâm hồn vì những lỗi lầm anh đã trót phạm. Anh không kể lể những công phúc của anh, anh cũng không nói rõ những tội lỗi của mình, anh chỉ ý thức rằng anh là người có tội và cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa.

 

TRỞ NÊN CÔNG CHÍNH NHỜ KHIÊM HẠ

 (Lc 18,9-14)

Minh An

 

Thọat nghe bài Tin mừng hôm nay, ta cứ tưởng rằng thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu kể dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện để giáo huấn cho các môn đệ về cách thức cầu nguyện. Nhưng thực ra, đây chỉ là câu chuyện Chúa Giêsu kể để giúp chúng ta hình dung ra một khung cảnh tốt nhất để nói về Thiên Chúa và tình yêu của Người dành cho những con người bị loại trừ khỏi xã hội và lên án những thái độ sai lạc về tôn giáo của những người Do Thái xưa, cụ thể là các kinh sư, biệt phái.

 

Thánh Luca đã nhìn nhận câu chuyện Chúa Giêsu kể theo một lối nhìn luân lý qua hai nhân vật lên đền thờ cầu nguyện là người Pharisêu và người thu thuế. Có thể nói, hai nhân vật lên đền thờ cầu nguyện mang hai biểu tượng rất thực tế trong xã hội: “người khiêm nhường - kẻ kiêu ngạo; người thu thuế - người biệt phái”.

 

Người Pharisêu tự hào mình là người trung thành với Lề luật, là gương mẫu của những kẻ đạo đức, đáng được Chúa ghi nhận: “Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (cc. 11-12). Nhìn vào bảng thống kê, hay cách cầu nguyện, ta thấy rằng, người Pharisêu này đang tạ ơn Chúa, nhưng thực ra ông đang tán dương chính mình. Ông đã tỏ ra thái độ rất tự mãn về chính mình và tưởng rằng, Thiên Chúa cũng sẽ hài lòng về những công việc tốt đẹp ông đã làm.

 

Không những thế, người Pharisêu còn đem mình ra so sánh với người khác và tự cao, tự đại coi mình hơn người khác. Xét về yếu tố con người, ông quả đúng là “chuẩn”, đáng khen ngợi. Nhưng tiếc thay, ông đã không tạ ơn Chúa vì đã giúp ông làm được điều tốt, tránh được điều xấu. Ông rất tự phụ và cho rằng những công việc ông làm được là do sức của riêng ông. Ông bắt Chúa nhìn thấy và chuẩn nhận cho ông điều này. Ông rất hài lòng về mình nhưng lại khinh thường người khác. Đây là điểm sai lạc làm cho ông không thể trở nên người công chính: “Còn người kia thì không” (c.14).

 

Với người thu thuế, thánh Luca kể cho ta nghe một cách rất dễ thương. Anh đi đến đền thờ, đứng một nơi xa khuất, không dám ngước mắt nhìn lên, tay đấm ngực và ý thức sâu xa về tội lỗi của mình: “Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (c.13). Anh thu thuế thể hiện thái độ khiêm nhường, ý thức mình là người có tội, không dám ngước mắt nhìn lên trực diện với Chúa. Anh đấm ngực sám hối và tỏ lòng đau đớn trong tâm hồn vì những lỗi lầm anh đã trót phạm. Anh không kể lể những công phúc của anh, anh cũng không nói rõ những tội lỗi của mình, anh chỉ ý thức rằng anh là người có tội và cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Anh phó thác chính mình cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Nếu đặt anh vào hòan cảnh của Vịnh gia, có lẽ anh cũng sẽ nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy” (Tv 50,3). Sự khiêm hạ, lòng sám hối ăn năn của người thu thuế đã đánh động được lòng thương xót của Thiên Chúa và được Chúa Giêsu ghi nhận: “Người này khi trở xuống và về nhà, thì đã được nên công chính rồi” (c.14).

 

Như thế, Luca đã mô tả cho chúng ta biết thái độ của hai con người, hai lối sống khác nhau, nhưng cùng đi lên đền thờ cầu nguyện, tạ ơn. Người thu thuế vì khiêm nhường, ý thức mình là người tội lỗi nên rất vừa lòng Thiên Chúa và được nên công chính. Còn người Pharisiêu không được nên công chính vì do lòng tự mãn, kiêu căng; coi sức mạnh của mình hơn là ơn trợ giúp của Thiên Chúa, coi mình hơn người nên khinh chê đồng loại.

 

Chúa Giêsu kể dụ ngôn này có lẽ nhằm báo cho những người Pharisêu cũng như những người thu thuế mà Ngài hay lui tới biết rằng, Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Ngài luôn đi bước trước trong tình yêu cứu độ, chứ Ngài không ngồi chờ con người đến để xây dựng mối tương quan với Ngài. Ngài mang ơn cứu độ đến cho những ai thực tâm muốn đón nhận ơn cứu độ của Ngài, chứ không phải những ai tự hào về những công trạng của mình có được và bắt Chúa phải chuẩn nhận để vào sổ trường sinh.

 

Người Pharisêu trong dụ ngôn đã “cột chặt” lời tạ ơn Thiên Chúa với sự khinh bỉ tha nhân. Ông dường như không muốn lòng thương xót của Thiên Chúa được trải dài trên những con người tội lỗi, đó là cách ấu trĩ đáng trách. Ông cũng đã không để lòng thương xót của Thiên Chúa xuống trên ông, nên ông đã khắc nghiệt và đầy ngạo mãn với tha nhân: “Con không như những người khác…con không như kẻ thu thuế kia”. Chính sự khắc nghiệt và lòng tự mãn đã làm cho ông không trở nên công chính trước mặt Chúa.

 

Thái độ tự mãn, kiêu căng…có thể làm cho con người đánh mất chính mình trước mặt Thiên Chúa và có khi đánh mất ơn cứu độ của Ngài ban. Còn người có lòng khiêm nhường, luôn biết tín thác vào Chúa, luôn bám víu vào lòng thương xót của Ngài… thì Ngài sẽ nâng đỡ và đề cao vì: “Chúa hạ bệ những ai tự mãn và nâng cao những người khiêm nhường” (Lc 1,52). Người Pharisêu đã tự mãn, tự kiêu, đề cao về sức mạnh của mình mà không cần đến ơn trợ giúp của Chúa, lại còn thêm sự khinh bỉ tha nhân. Còn người thu thuế đã ý thức về thân phận của mình yếu đuối tội lỗi, anh cậy dựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa, anh tín thác vào Ngài, nên được Thiên Chúa chuẩn nhận là người công chính, đáng được  hưởng ơn cứu độ Ngài ban.

 

Có nhiều khi, trong đời sống đức tin, chúng ta cũng phạm những sai lầm đáng sợ như người Pharisêu. Chuyện nhỏ nhưng xé ra to; chúng ta làm được ít nhưng xít ra nhiều, chúng ta bắt Chúa phải nương chiều những công trạng của mình. Chúng ta muốn anh chị em phải hài lòng về những gì mình có, chúng ta gạt Chúa ra một bên vì tự cho mình tài cao, khôn khéo... Và như thế, chúng ta chẳng khác gì một Pharisêu chính hạng. Thánh ý của Thiên Chúa thì muốn con người luôn làm lành lánh dữ, xa lánh những điều xấu, luôn tích cực làm những điều tốt, còn phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Nhưng làm sao có thể thực hiện lệnh truyền này cách trọn vẹn được?

 

Tắt một lời, có thể nói được rằng, bài Tin mừng hôm nay, đề cập đến thái độ sống của con người trước tôn nhan Thiên Chúa, và thái độ sống đó quyết định cho người ta nên công chính hay phải xa rời sự công chính trước trước nhan thánh Ngài. Thái độ sống làm cho con người ta trở nên công chính là sự khiêm nhường thẳm sâu, biết tín thác vào Thiên Chúa, cậy dựa vào lòng thương xót của Ngài như người thu thuế trong bài Tin mừng, “vì ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (c.14).

 

Thiết kế Web : Châu Á