Suy niệm

Suy niệm Tin mừng CN XXX TN, C: NÊN CÔNG CHÍNH - NGHỊCH LÝ DƯỚI CÁI NHÌN CỦA THIÊN CHÚA VÀ CỦA CON NGƯỜI

Thiên Chúa phán xét công việc người ta làm không theo dáng vẻ bề ngoài như con người, nhưng Ngài đi sâu vào tận đáy lòng. Con người chỉ dừng lại ở những gì mắt thấy tai nghe, còn Thiên Chúa thấu hiểu tỏ tường những toan tính thầm kín trong tâm hồn họ (x. Gr 17,10). Đây là một điều nghịch lý giữa cái nhìn của Thiên Chúa và cái nhìn của con người.

 

NÊN CÔNG CHÍNH - NGHỊCH LÝ DƯỚI CÁI NHÌN CỦA THIÊN CHÚA

VÀ CỦA CON NGƯỜI

(Lc 18,9-14)

 

Viết Huy

 

Cuộc sống luôn có những xâu chuỗi sự kiện nghịch lý xảy ra, con người thường phải đối diện và suy tư mãi về những điều nghịch lý đó. Nghịch lý là một điều kỳ lạ, hay có thể nói là một huyền nhiệm vượt quá hiểu biết của con người, bởi càng tìm hiểu về nó, dường như con người chẳng hiểu gì về nó. Theo lẽ thường: “cho là mất, nhận là được”, nhưng trong tình yêu ngược lại hoàn toàn, càng hy sinh cho nhau, càng sống vì nhau, thì lại càng hạnh phúc; khi yêu làm cho chúng ta đau và lấy đi nhiều nước mắt, nhưng chúng ta sống mà không thể không yêu. Hay có những nghịch lý ngay trong lẽ sống: Càng tranh cãi với ai thì càng không thể thuyết phục người ta đồng ý với mình được; hoặc người nào càng tin rằng mình thông thái thì họ lại càng chẳng biết gì. Có thể nói, rất nhiều và rất nhiều những nghịch lý xảy ra trong cuộc sống.

 

Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô cũng nói đến nhiều nghịch lý như: Người đứng hàng đầu sẽ xuống hàng chót, còn người đứng hàng chót lại được lên hàng đầu (x. Lc 13,30). Phúc cho những ai đói khát vì họ sẽ được no thỏa (x. Lc 6,21), đi con đường hẹp thì mang lại hạnh phúc, đi con đường rộng thì đưa đến đau khổ (x. Mt 17,13-14), ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ cứu được mạng sống ấy (x. Lc 9,24)... Một điều nghịch lý lớn nhất mà con người không thể thấu hiểu đó là: Đức Kitô phải chịu đau khổ, chịu chết để con người được sống và được hạnh phúc.

 

Như vậy, cuộc sống có muôn vàn khía cạnh nghịch lý, nhưng trong bài suy niệm này, người viết xin dừng lại ở khía cạnh “Nên công chính - nghịch lý dưới cái nhìn của Thiên Chúa và của con người”.

 

Tin Mừng của thánh Luca trong Chúa Nhật XXX Thường Niên, Năm C, tường thuật lại sự kiện Đức Giêsu kể dụ ngôn “Người Pharisêu và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện” cho những người luôn tự hào mình là công chính, để dạy họ biết thế nào là công chính đích thực.

 

Người Pharisêu cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình... Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (c. 11-12). Dưới con mắt tự nhiên của con người, cộng thêm những chứng từ tốt lành mà người Pharisêu đưa ra, thì ai ai trong chúng ta cũng phải tấm tắc khen ngợi, và nhìn nhận đây đúng là người công chính. Một con người bề ngoài xem ra vẹn toàn. Có thể nói, ông đã tuân giữ tất cả những gì luật cấm và thực thi những gì luật khuyên; sống công bằng và bác ái với mọi người. Dưới khía cạnh nào đó, ông đã tuân giữ giới răn mến Chúa yêu người một cách cặn kẽ, nên ông có quyền tự hào về chính mình.

 

Ngược lại, người thu thuế chỉ đứng đàng xa cúi đầu đấm ngực mà thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (c.13). Người thu thuế nhìn nhận mình là người tội lỗi. Một con người chỉ làm toàn những điều xấu, sống trong sự tham lam, bất chính, ngoại tình... Có thể nói, người thu thuế có một đời sống trong sai lầm và tội lỗi, giờ này anh chỉ còn mong chờ vào lòng từ bi của Chúa. Vì vậy, ông xin Chúa dủ lòng xót thương!

 

Hai hình ảnh trái ngược hoàn toàn, người Pharisêu thì ngẩng cao đầu lúc lên đền thờ cầu nguyện, kèm theo là một loạt nhân đức được kê ra. Ngược lại, người thu thuế phải đứng xa xa cúi đầu đấm ngực thống hối về bao tội lỗi đã phạm. Có thể nói, một hình ảnh xem ra hợp tình, hợp lý với công trạng và tội lỗi của từng người.

 

Thế nhưng, nghịch lý ở đây là khi ra về thì người thu thuế được nên công chính còn người Pharisêu thì không: “Tôi nói cho các ông biết: người này (tức là người thu thuế), khi về nhà, thì đã được nên công chính; còn người kia (tức là người Pharisêu) thì không” (c.14). Xem ra sự phân định của Thiên Chúa không hợp lý và không hợp tình dưới nhãn quan của con người. Một phán quyết có thể làm hụt hẫng cho bao người bấy lâu cố gắng tuân giữ lề luật, thi hành bác ái! Đến đây một loạt những câu hỏi có thể được đặt ra: Tại sao có sự nghịch lý như vậy? Tại sao người tuân giữ luật Chúa và sống thực thi bác ái lại không được nên công chính, nhưng trái lại người tội lỗi lại được nên công chính? Tại sao người làm việc tốt lại không có quyền tự hào và ngẩng cao đầu? Phải chăng có sự thiên vị ở đây, hay tại Chúa không công thẳng? Vậy phải chăng con người không cần tuân giữ lề luật, sống bác ái?

 

Để trả lời cho những chất vấn trên, ta khẳng định rằng, Thiên Chúa luôn công thẳng và xét xử công minh. Chính Vịnh gia đã ca lên: “Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng. Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời” (Tv 18b,9). Thiên Chúa phán xét công việc người ta làm không theo dáng vẻ bề ngoài như con người, nhưng Ngài đi sâu vào tận đáy lòng. Con người chỉ dừng lại ở những gì mắt thấy tai nghe, còn Thiên Chúa thấu hiểu tỏ tường những toan tính thầm kín trong tâm hồn họ (x. Gr 17,10). Đây là một điều nghịch lý giữa cái nhìn của Thiên Chúa và cái nhìn của con người.

 

Một chi tiết chúng ta cần chú ý, đó là cung cách cầu nguyện của người Pharisêu. Ông cầu nguyện với một cung điệu khoe khoang, tự cao tự đại, tìm cách nâng mình lên còn hạ bệ người khác xuống. Những gì tốt thì ông quy về mình, còn những gì xấu thì ông đẩy cho người. Điều này cho ta thấy những gì ông làm bấy lâu là vì bao tiếng tung hô dành cho mình, chứ ông không làm vì tình yêu Chúa hay vì lòng nhân ái với tha nhân. Những việc tốt ông làm là do lòng vị kỷ, háo danh, chứ không phải để tôn vinh Thiên Chúa. Vì vậy, những việc ông làm chỉ có giá trị trước mặt người đời, còn trước mặt Thiên Chúa thì không (x. Mt 6,1-2). Không những vậy, ông còn cho mình là người công chính, thánh thiện. Điều này gián tiếp nói lên rằng, ông không cần đến sự công chính của Chúa. Vì Chúa đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi (x. Mc 2,17).

 

Còn người thu thuế biết mình tội lỗi, bất xứng, nên khiêm nhường cúi đầu xin lòng xót thương của Thiên Chúa. Chính sự khiêm nhường thú tội với Chúa, ông đã được Chúa tha hết mọi tội lỗi: “Nào ta đi thú tội với Chúa, và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con” (Tv 32,5b). Trước mặt Thiên Chúa, con người chưa phải là thiên thần, cũng không phải là ác quỷ, nhưng chỉ là tội nhân. Vì vậy, Người muốn họ ăn năn hối cải và quay về với Người để được sống (x. Ed 18,21-23).

 

Hai hình ảnh trên, cho ta thấy sự nghịch lý trong đường lối Thiên Chúa, đó là: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống thì được nâng lên” (Mt 23, 12). Một điều kỳ diệu vượt quá sức mong chờ nơi người thu thuế, chính lúc khiêm nhường tự hạ, nhìn nhận sự thấp kém tội lỗi của mình là lúc được biến đổi từ “tội nhân” thành “thánh nhân”, từ “bất chính” thành “công chính”! Ngược lại, một điều vượt quá ư khủng khiếp và hụt hẫng đối vối người Pharisêu, chính lúc có quyền ngẩng cao đầu, tự tôn, tự đắc, lại là lúc bị sụp đổ; từ “thánh thiện” thành “ác quỷ”, từ “công chính” thành “bất chính”! Một sự nghịch lý không tưởng!

 

Tóm lại, qua dụ ngôn “người Pharisêu và người thu thuế” cho ta thấy, đường lối Thiên Chúa luôn mang đến những nghịch lý cho con người, thế nhưng sự nghịch lý của Thiên Chúa không phải là phi lý, nhưng đó là chân lý. Vì chính Người đã nói: “Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy” (Is 55,8-9).

 

Bài Tin mừng hôm giúp chúng ta tỉnh ngộ được sự nghịch lý thế nào là “công chính” theo cái nhìn của Thiên Chúa, và thế nào là “công chính” theo nhãn quan của con người.

 

Một đời làm môn đệ Đức Kitô nhưng chúng ta chưa thấm nhuần tinh thần Người triệt để, biết bao lần chúng ta tuân giữ lề luật vì sợ hãi hay vì chức vị của chúng ta; đã biết bao lần chúng ta làm việc bác ái vì tiếng khen của người đời hay vì danh lợi cá nhân... Cũng như đã biết bao lần trong đời, chúng ta không dám đến với Chúa vì thấy mình tội lỗi, bất xứng. Vì vậy, đây là dịp để chúng ta nhìn lại chính mình và theo gương người thu thuế mà thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”.

 

Lạy Chúa, nghịch lý trong cuộc đời là một thách đố mà chúng con khó đón nhận, là chướng ngại làm chúng con dễ vấp ngã. Chính vì Ngài thấy rõ những khó khăn đó mà Ngài đã nói: “Phúc cho những ai không vấp ngã vì tôi”. Vì vậy, xin Chúa ban thêm lòng tin và soi sáng cho chúng con, để chúng con thốt lên những lời như Giáo phụ Tertullien: “Tôi tin vì không thể tin được”. Nhất là luôn sống tinh thần Chúa dạy: “Ai nâng mình lên thì bị hạ xuống và ai hạ mình xuống thì được nâng lên”. Amen.

 

Thiết kế Web : Châu Á