Suy niệm

Suy niệm Tin mừng CN XXVIII TN, C: LÒNG BIẾT ƠN BIẾN ĐỔI PHẬN NGƯỜI

Chính lòng biết ơn đã khai mở tâm hồn người phong hủi ra với Thiên Chúa, với mọi người, nhất là đưa anh vào hiệp thông và sống tròn đầy trong tình yêu Thiên Chúa. Một tiến trình được biến đổi từ một con người không mang “đức tin” trong mình, thành một sứ giả mang “niềm vui Tin mừng” đến cho mọi người, và từ “con người cũ” thành “con người mới” trong Đức Kitô.

 

LÒNG BIẾT ƠN BIẾN ĐỔI PHẬN NGƯỜI

(Lc 17,11-19)

 

Viết Huy

 

“Biết ơn” là hai từ rất dễ hiểu và rất gần gũi với mọi người; là nét đẹp mang đậm chất nhân văn của con người. Chính khi sống tinh thần “biết ơn” là lúc con người đang vươn tới sự hoàn thiện bản thân. Hay có thể nói, lòng biết ơn là khởi điểm của hạnh phúc và là động lực để vươn lên. Để tỏ lòng biết ơn cha mẹ, người con cố gắng sống hiếu thảo, ngoan hiền; để đáp lại công ơn thầy cô, người học trò cố gắng chăm học, lễ phép; để biết ơn người đã giúp mình, người mang ơn cố gắng sống có ý nghĩa với đời và sống tốt với người.

 

Để thấy được sức mạnh biến đổi phận người do “lòng biết ơn” đem lại, chúng ta hãy suy gẫm câu chuyện sau: “Thuở nhỏ gia cảnh Hàn Tín bần hàn, cha mẹ đều mất sớm. Mặc dù Hàn Tín chăm chỉ học hành, văn ôn võ luyện nhưng vẫn chẳng đủ mưu sinh. Đến bước đường cùng ông đành phải đến nhà người khác “ăn bám”. Vì vậy mà Hàn Tín bị người đời cười chê, ghẻ lạnh.

 

Hàn Tín không thể nuốt được cái giận này, bèn đến bờ sông Hoài Thủy buông câu, dùng cá mình câu được để đổi lấy miếng cơm ăn. Ông thường chịu cảnh bữa đói bữa no. Trên bờ sông Hoài Thủy có một bà lão giặt áo trên sông. Mọi người gọi bà là “Phiêu mẫu”. Thấy Hàn Tín đáng thương, bà bèn mang cơm của mình chia cho ông cùng ăn, ngày nào cũng vậy, không hề gián đoạn.

 

Hàn Tín vô cùng cảm kích ân tình của bà lão. Sau này khi Hàn Tín công thành danh toại, được phong làm Hoài Âm Hầu, ông vẫn không quên ơn nghĩa sâu nặng xưa kia. Hàn Tín cử người đi khắp nơi tìm bà lão. Cuối cùng trong buổi hội ngộ ông đã tặng bà cả ngàn lạng vàng để bày tỏ lòng biết ơn của mình[1].

 

Vì biết ơn bà lão, Hàn Tín đã không chấp nhận cuộc sống an phận, thủ thường. Ông đã vượt qua tất cả nghịch cảnh để vươn lên; ngày ngày thức khuya, dậy sớm dùi mài kinh sử, và từ một anh chàng ăn bám, câu cá để kiếm sống qua ngày, giờ ông đã trở thành Hoài Âm Hầu. Tuy đã được danh cao vọng trọng, nhưng ông đã không quên ơn nghĩa của bà lão năm xưa; ông đã sai người đi tìm bà lão khắp nơi và để tỏ lòng biết ơn, ông đã tặng bà lão cả ngàn lạng vàng. Vì vậy cổ nhân mới có câu: “Muốn làm thành đại sự phải biết ôm giữ lòng biết ơn”.

 

Bài Tin mừng của thánh Luca hôm nay cũng trường thuật lại câu chuyện mười người bệnh phong hủi được chữa lành, nhưng chỉ có một người duy nhất quay lại tạ ơn Đức Giêsu, mà đó lại là người Samari ngoại đạo.

 

Khi nói đến bệnh phong, chúng ta nghĩ ngay đến tình cảnh ngưới mắc bệnh: Họ phải sống cách ly với xã hội, không được đến gần với mọi người, đi đến đâu cũng phải hô lớn tiếng “ô uế, ô uế”, để mọi người biết mà tránh (x. Lv 13,45-46). Chính vì điều này mà mười người phong hủi phải đứng xa xa kêu lớn tiếng xin Đức Giêsu chữa bệnh cho mình: “Lạy thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi” (c.13). Thấy tình cảnh bi đát của họ, Đức Giêsu chạnh lòng thương, chữa họ khỏi bệnh và bảo họ đi trình diện với các tư tế (c.14). Đang khi đi họ thấy mình khỏi bệnh, nhưng chỉ duy nhất một người quay lại “tạ ơn” Đức Giêsu, mà anh này lại là người Samari, dân ngoại. Tại sao mười người khỏi bệnh mà chỉ có một người quay lại tạ ơn? Phải chăng chín người kia là kẻ vô ơn?

 

Xét theo khía cạnh tuân giữ luật, thì chín người kia không sai, họ đã tuân giữ những gì luật Môsê buộc (Người bệnh phải trình diện các tư tế và phải sống cô lập trong vòng bảy ngày để các tư tế theo dõi, sau đó mới tuyên bố người bệnh là thanh sạch) (x. Lv 13, 18-23), nên họ không thể quay lại tạ ơn ngay lúc đó được, và dưới một khía cạnh nào đó, họ đã làm theo những gì Đức Giêsu bảo họ (x. c. 14). Đức Giêsu trách là trách tinh thần giữ luật của người Do Thái lúc bấy giờ, họ giữ luật một cách khắt khe, cứng ngắc, vụ hình thức..., thậm chí, họ xem trọng việc tuân giữ lề luật mà đánh mất lòng nhân ái (x. Mt 12,10). Còn người Samari đang đi thì thấy mình được khỏi bệnh liền quay lại tạ ơn Đức Giêsu. Có thể nói, anh này không phải tuân giữ những gì luật Môsê buộc, vì anh là người Samari, dân ngoại, nên anh quay lại để tạ ơn Đức Giêsu. Nói đến đây, Tin mừng không nói gì thêm về chín người Do Thái kia, họ có được Đức Giêsu chữa lành cả bệnh thể xác lẫn tâm hồn hay không, điều đó không thấy Tin mừng đề cập tới. Còn người Samari Tin Mừng nói tiếp: “Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn” (c.16). Hành động “sấp mình xuống” nói lên tất cả niềm tin nơi anh, anh tin Đức Giêsu là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa đã cứu anh; hành động đó cũng nói lên lòng chân thành biết ơn, và khiêm nhường nhìn nhận mình là người thấp hèn, tội lỗi.

 

Khi chứng kiến “niềm tin” và “lòng biết ơn” của người phong hủi, Đức Giêsu đã nói với anh: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (c.19). Câu “lòng tin của anh đã cứu chữa anh” xác nhận từ nay anh đã được khỏi bệnh, anh không còn phải sống cách ly với xã hội, anh được tư do và sống hòa hợp với mọi người. Không chỉ có vậy, anh còn được chữa khỏi bệnh tâm hồn, được trở nên con Thiên Chúa. Từ một người đã mất tất cả, giờ anh được nhận lại tất cả; từ một người mang thân phận dân ngoại, nay trở thành môn đệ của Đức Kitô. Một sự biến đổi kỳ diệu do lòng biết ơn mang lại!

 

Lòng biết ơn không chỉ dừng lại ở những gì anh đã nhận được, anh phải có sứ vụ đem niềm vui Tin mừng đến với người khác. Đức Giêsu đã bảo anh: “Đứng dậy về đi!”. Có thể nói đây là một chỉ thị được sai đi. Trong câu kết sau mỗi thánh lễ là lời mời sai đi của vị chủ tế: “Chúc anh chị em đi bình an”. Khi người tín hữu tham dự thánh lễ, được bồi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể, được trọn niềm vui, hạnh phúc trong Chúa; người tín hữu không được giữ bo bo niềm vui và hạnh phúc đó cho mình, nhưng có sứ vụ làm lan tỏa niềm vui của Chúa đến cho mọi người chung quanh. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh: “Nếu chúng ta đã nhận được tình yêu phục hồi ý nghĩa cho cuộc đời mình, làm sao chúng ta có thể không chia sẻ tình yêu ấy với người khác?” (Evangelii Gaudium, số 8). Anh phong hủi hôm nay cũng vậy, với lòng biết ơn, anh có sứ vụ loan báo niềm vui Tin mừng mà anh đã lãnh nhận từ nơi Đức Kitô đến với mọi người.

 

Ta có thể nói, chính lòng biết ơn đã khai mở tâm hồn anh ra với Thiên Chúa, với mọi người, nhất là đưa anh vào hiệp thông và sống tròn đầy trong tình yêu Thiên Chúa. Một tiến trình được biến đổi từ một con người không mang “đức tin” trong mình, thành một sứ giả mang “niềm vui Tin mừng” đến cho mọi người, và từ “con người cũ” thành “con người mới” trong Đức Kitô.

 

Lạy Chúa, sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở và mời gọi chúng con về tâm tình tạ ơn trong cuộc sống. Chúng con đã nhận được vô vàn ơn lành do lòng nhân hậu Chúa ban, nhưng đã biết bao lần chúng con đã vô ơn hay đã dùng những ơn lành không như lòng Chúa mong muốn. Xin Chúa giúp chúng con từ nay biết sống tâm tình tạ ơn trong mọi giây phút của cuộc đời, để những ơn Chúa ban không trở nên vô hiệu, nhưng nảy nở hoa trái trong tâm hồn chúng con, hầu chúng con được đổi mới trong Ngài. Amen.

 

______________________________________________________________

 

[1] www.thcsnguyentraibd.edu.vn>tin-tuc-thong-bao> giai-tri-thu-gian> muon lam thanh dai su phai biet om giu long biet on

 

 

Thiết kế Web : Châu Á