Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN XXVI TN, C: NỖI SỢ HỎA NGỤC VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT

Hình phạt mà người giàu có phải chịu trong dụ ngôn hôm nay có thể có thể sẽ gây cho chúng ta những cảm giác sợ hãi: sợ hãi về hỏa ngục sau khi chết; sợ hãi về việc mình có thể là người phải chịu trầm luân trong hỏa ngục vì những lỗi lầm của mình; nỗi sợ về một Thiên Chúa nghiêm khắc đến độ “đoạn tình dứt nghĩa”, không cho con người một cơ hội để quay đầu trở lại.

 

NỖI SỢ HỎA NGỤC VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT

(Lc 16,19-31)

 

M. Alexis Thiện

 

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kể cho chúng ta một dụ ngôn với ba nhân vật là: người phú hộ, anh Lazaro nghèo khótổ phụ Abraham. Thông thường, kết thúc mỗi dụ ngôn luôn là những bài học để răn đời dạy người, hoặc diễn tả một chân lý đức tin, luân lý. Những bài học đó có thể được rút ra khi nhìn vào số phận cuối cùng của những nhân vật chính. Người nghèo và kẻ yếu thế thường có kết thúc hạnh phúc, sung sướng; còn người giàu, kẻ gian ác thường phải bị trừng phạt.

 

Chúng ta có thể nhận thấy điều đó trong câu chuyện của Chúa Giêsu hôm nay. Tuy nhiên, giàu có và hưởng thụ là quyền chính đáng của con người. Nghèo khó phải cố gắng lao động, thậm chí phải xin của bố thí là điều tất nhiên. Người ta vào thiên đàng hay sa vào hỏa ngục không bởi chính sự nghèo hay giàu có của mình. Nguyên nhân mà người phú hộ phải sa vào hỏa ngục và anh Lazarô được yên nghỉ trong lòng tổ phụ Abraham có thể là vì người giàu đã không biết quan tâm, chia sẻ cho anh Lazaro nghèo khó và thiếu thốn ở trước của nhà mình.

 

Nói về hình phạt thường là cách mà chúng ta dùng để khuyên nhủ, dạy dỗ hay “hù dọa” đối với những sai phạm của trẻ nhỏ, thậm chí là những sai phạm luân lý của người khác. Điều này cũng vô tình tạo nên một thứ “luân lý hù dọa” thay vì một thứ luân lý tự do, sáng tạo. Chính thánh Biển Đức cũng nói đến hỏa ngục như một khí cụ để giúp người đan sĩ biết khiếp sợ mà không dám làm điều sai quấy (Tu luật, chương 4,45). Mặc dù cách thế này có thể là giải pháp tốt, giúp ngăn ngừa người ta khỏi những cám dỗ vì sợ, nhưng nó cũng có thể không phải là cách duy nhất và tốt nhất.

 

Hình phạt mà người giàu có phải chịu trong dụ ngôn hôm nay có thể có thể sẽ gây cho chúng ta những cảm giác sợ hãi: sợ hãi về hỏa ngục sau khi chết; sợ hãi về việc mình có thể là người phải chịu trầm luân trong hỏa ngục vì những lỗi lầm của mình; nỗi sợ về một Thiên Chúa nghiêm khắc đến độ “đoạn tình dứt nghĩa”, không cho con người một cơ hội để quay đầu trở lại.

 

Chúng ta không thấy hình ảnh Thiên Chúa trong trong dụ ngôn về người giàu có và anh Lazaro, nhưng qua cuộc đối thoại giữa tổ phụ Abraham và người phú hộ, chúng ta thấy hình ảnh Ngài trong đó. Bởi chính Ngài đặt ra những quy luật để điều khiển muôn loài muôn vật mà Ngài đã tạo dựng và quyết định hạnh phúc tối hậu của con người tùy theo những hành động tốt xấu của họ. Chỉ có Ngài mới có quyền để người giàu không biết thương xót vào địa ngục, và cho anh Lazaro nghèo khó được ở trong lòng tổ phụ Abraham; cũng chỉ có Ngài mới có quyền ra định luật ngăn cách giữa địa ngục và thiên đàng. Ngay cả một giọt nước để làm mát cũng không thể được ban tặng. Dường như Ngài cũng khước từ luôn lòng ăn năn sám hối của hối nhân.

 

Những điều này như đang phác họa hình ảnh một Thiên Chúa nghiêm khắc, độc đoán, dù mới chương trước thôi, thánh Luca đã vẽ nên một hình ảnh tuyệt đẹp về Thiên Chúa từ những nét đẹp của sự quảng đại và lòng thương xót. Những nét đẹp đó thể hiện nơi người mục tử đi tìm chiên lạc, nơi người phụ nữ tìm kiếm đồng bạc bị mất và đặc biệt là nơi người cha giàu lòng thương xót luôn mong ngóng và sẵn sàng tha thứ cho đứa con đi hoang của mình.

 

Cần phải hiểu thế nào về điều này? Cha Ronnald Rolheiser đưa ra câu trả lời dường như rất hợp lý để “biện minh” cho Thiên Chúa nhân từ và thay thế sự sợ hãi trong chúng ta bằng niềm vui và hy vọng: “Khoảng trống không thể kết nối mà dụ ngôn người giàu và Lazarô, là một khoảng trống không bao giờ kết nối trong đời này giữa người giàu và người nghèo. Và nó vẫn còn không thể kết nối, là bởi sự ngoan cố, không biết động lòng, thiếu ăn năn, chứ không phải bởi Thiên Chúa hết kiên nhẫn mà nói rằng: ‘Đủ rồi! Không còn cơ hội nào nữa!’ Nó vẫn không thể kết nối là bởi, chúng ta theo lề thói mà bám chặt vào những đường lối không thể thay đổi tâm hồn và có sự ăn năn thật. Dụ ngôn người giàu và Lazarô thực sự rút ra từ một câu chuyện Do Thái cổ hơn nữa, minh họa sự ngoan cố này: Trong dụ ngôn Do Thái, Thiên Chúa nghe lời kêu xin của người giàu từ địa ngục xin một cơ hội thứ hai, rồi ban cho ông toại nguyện. Người giàu, giờ có những giải pháp mới, trở lại cuộc đời, và đi thẳng đến chợ, mua thức ăn chất đầy xe. Trên đường về nhà, ông gặp Lazarô. Lazarô xin người giàu một ổ bánh. Người giàu nhảy khỏi xe và đưa cho Lazarô một ổ, nhưng bởi đó là một ổ bánh lớn, nên cái tôi cũ của ông bắt đầu phản ứng. Ông bắt đầu suy nghĩ. ‘Người này không cần cả ổ bánh lớn! Tại sao không đưa cho nó một phần thôi! Và tại sao lại đưa bánh mì mới, ta có thể cho nó bánh mì khô mà!’ Ngay lập tức, người giàu thấy mình rơi xuống hỏa ngục. Ông ta không thể kết nối qua được khoảng trống đó”. [1]

 

Hỏa ngục là có thật và Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng dạy như thế. Chúng ta vẫn thường sợ mình sẽ sa hỏa ngục vì một lỗi lầm nào đó và nếu chết mà chưa kịp xưng tội và lãnh các phép sau cùng, mặc dù suốt một đời đã cố gắng sống tốt, đã cố gắng vượt qua những yếu đuối của mình. Thân phận con người vốn bất toàn yếu đuối, sẽ không bao giờ có thể ở trong tình trạng tinh tuyền ở trần gian này được. Do đó, con người sẽ phải chết bất kỳ lúc nào cùng với sự yếu đuối, bất toàn, lầm lỗi của phận mình. Chẳng lẽ Thiên Chúa lại có thể tạo dựng nên con người với bản tính yếu đuối rồi vì yếu đuối, lầm lỗi đó Ngài kết án họ và đẩy họ vào hỏa ngục sao?

 

Chắc hẳn Thiên Chúa không như thế, bởi điều đó đi ngược lại bản tính của Ngài. Hỏa ngục dành cho những ai thật sự chối bỏ Thiên Chúa, cố chấp trong tội lỗi của mình. Nếu lòng chúng ta vẫn còn tin tưởng, hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, chắc hẳn ngài sẽ không để chúng ta rơi vào hỏa ngục. Về phần Thiên Chúa, sẽ không bao giờ là quá muộn để con người ăn năn sám hối: “Với Thiên Chúa, chúng ta không bao giờ hết cơ hội. Bạn có thể hình dung Thiên Chúa nhìn một con người ăn năn, mà nói rằng: ‘Xin lỗi! Với con, đã quá muộn rồi! Con đã có cơ hội! Đừng xin thêm nữa!’ Chúa Cha không như thế… Thiên Chúa hiện thể và mặc khải trong Chúa Giêsu, là Thiên Chúa luôn mãi mở ra cho sự ăn năn, luôn mãi chờ đợi chúng ta trở về từ những nẻo đường hoang đàng”. [2]

 

 __________________________________________________

 

[1] https://ronrolheiser.com/noi-so-dia-nguc/#.XYtmH5A2tzo

[2] https://ronrolheiser.com/noi-so-dia-nguc/#.XYtmH5A2tzo

 

Thiết kế Web : Châu Á