Suy niệm

Suy niệm Tin mừng CN XXV TN, A: LÒNG QUẢNG ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA

Qua bài Tin mừng, trong dụ ngôn “Thợ làm vườn nho”, chúng ta nhận thấy được Thiên Chúa là một ông chủ tốt lành và quảng đại. Ngài muốn mời gọi mọi người cùng vào làm trong vườn nho là Giáo hội, không kể người đó là dân nào, cũng không kể họ là đạo gốc hay tân tòng, miễn là họ đáp lại lời mời gọi của Chúa, trở thành thành viên trong gia đình của Chúa. Trong Nước Chúa, Ngài không chấp nhận những con người sống ghen tị, nhưng muốn mọi người sống yêu thương nhau, cùng nhau xây dựng Nước trời.

 

 

LÒNG QUẢNG ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA

(Mt 20,1-16a)

 

 

M. Phêrô Bình

 

Bài Tin mừng hôm nay trình bày về dụ ngôn “Thợ làm vườn nho” để diễn tả Nước Trời. Ông chủ từ tảng sáng đã thuê thợ vào làm vườn nho cho ông. Ông mời gọi rất quyết liệt: “Anh hãy vào làm nho cho tôi”, từ người đầu tiên cho đến người cuối cùng. Mọi sự đang diễn ra tốt đẹp, chỉ đến lúc trả lương mỗi người một đồng thì mới sinh ra sự ghen tị giữa người thợ đến trước với người đến sau. Thế nhưng, tiền công đã được thỏa thuận trước là một đồng, nên không ai được đòi hỏi thêm, còn ông chủ cho ai thêm thì quyền của ông chủ: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? (Mt 20,15). Qua đó, dụ ngôn “Thợ làm vườn nho” đã làm nổi bật lên lòng quảng đại của Thiên Chúa, đồng thời phê phán lòng ghen tị của con người với nhau.

 

Con người, trong mọi thời đại, luôn có sự ghen tị với nhau, ai cũng muốn cho mình được nhiều hơn người khác. Họ đòi sự công bằng theo cách xã hội, một thứ công bằng theo nghĩa sòng phẳng “ai làm nhiều thì được trả lương nhiều, làm ít thì trả lương ít”. Bởi vậy, những người vào làm vườn nho giờ đầu tiên ghen tị với những người làm giờ sau hết khi cùng nhận được một đồng. Họ trách ông chủ vì ông chỉ trả mỗi người một đồng, bất kể người đó làm từ sáng tới chiều, hay chỉ mới làm có một giờ. Trả tiền lương như vậy, ông chủ có công bằng hay không?

 

Công bằng là trả lại cho người ta cái thuộc về họ. Xét như vậy, ông chủ không những công bằng mà còn bác ái nữa, vì ông đã trả đủ số tiền thuộc về họ như đã thỏa thuận là một đồng; còn những người đến sau được hưởng nhờ lòng nhân từ của ông chủ. Khi nhận một đồng, người thợ đầu tiên không hề bị thiệt thòi gì cả, vì đó là tiền lương đã thỏa thuận từ trước: “Này bạn, tôi đâu xử bất công với bạn, bạn đã chẳng thuận giá một quan với tôi sao? …hay anh ghen tị vì thấy tôi đối xử rộng rãi, tốt lành với những người khác?” Qua đó, ông chủ đã vạch trần tâm địa ích kỷ, hẹp hòi của nhóm thợ làm từ đầu ngày. Chính họ mới là người bất công, vì không chấp nhận cho người khác có quyền bằng mình. Cách đối xử bất công của họ càng làm nổi bật lòng nhân từ cao vời của ông chủ. Ông không đối xử với mọi người theo tương quan trao đổi, nhưng theo tương quan tình nghĩa, với lòng quảng đại và hay thương xót của ông.

 

Cách đối xử của ông chủ trong dụ ngôn “Thợ làm vườn nho” chính là cách đối xử của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa rất rộng lượng, nhân từ! Ngài mời gọi tất cả mọi người vào Nước trời, không phân biệt người thu thuế, những người bị xã hội khinh chê, loại trừ, những người tội lỗi…Nước Trời luôn rộng mở đón tất cả mọi người, không phải vì công trạng của họ nhưng nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Cách làm của Chúa khiến cho người Do Thái ghen tị và kêu trách Chúa bất công. Tâm trạng của người Do Thái lúc bấy giờ quan niệm rằng: Nước Trời chỉ dành cho họ - những con cái tổ phụ Abraham, người được tuyển chọn, còn người ngoại bang, dân ngoại bị loại trừ hoàn toàn.

 

Chính vì vậy, người Do Thái đòi sự công bằng. Họ không muốn ngang bằng với người đến sau nhưng phải được ưu tiên, được “ăn trên ngồi trốc” thiên hạ. Nhiều lần Đức Giêsu đã khiển trách cách sống của họ. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót”, đã viết: “Không phải vô cớ mà Đức Kitô đã trách những kẻ nghe Người về việc họ trung thành với giáo thuyết Cựu Ước mà giữ cái thái độ được bày tỏ trong những lời này: “Mắt thế mắt, răng đền răng” (Mt 5,38). Cách làm biến chất sự công bằng vào thời ấy là như thế và các hình thức hiện đại tiếp tục rập khuôn theo đó. Thật vậy, điều hiển nhiên là nhân danh một cái gọi là công bằng, đôi khi người ta tiêu diệt tha nhân, người ta giết hại, người ta tước đoạt tự do, người ta lột mất những quyền sơ đẳng nhất của con người. Kinh nghiệm quá khứ và thời chúng ta chứng tỏ rằng chỉ có công bằng thôi thì không đủ, và thậm chí công bằng có thể dẫn tới chỗ tự phủ nhận và hủy diệt chính nó, nếu người ta không để cho sức mạnh sâu xa hơn là tình thương có thể uốn nắn đời sống con người trong các kích thước khác nhau của đời sống này”[1].

 

Quả thật, Thiên Chúa hành xử không theo sự công bằng của con người, nhưng theo lòng thương xót và tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Qua đó, chúng ta khám phá được một điều quan trọng là suy nghĩ và hành động của Thiên Chúa khác xa với suy nghĩ và hành động của chúng ta. Ngôn sứ Isaia đã nói rõ: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta” (Is 55,8). Tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa khác hẳn con người, khác nhau như trời cao đất thấp. Con người thì thấp hèn nhỏ nhen, hay so đo ghen tị, đòi sự công bằng mà quên đi tình yêu. Còn Thiên Chúa thì quảng đại, nhân từ luôn yêu thương mọi người. Ngài muốn cho tất cả mọi người được sống hạnh phúc trong Nước trời.

 

Mỗi người chúng ta đều được mời gọi vào làm vườn nho của Chúa là Giáo hội, tất cả đều được mời gọi hết lòng yêu mến và làm việc cho Chúa, làm vinh danh Chúa. Vì thế, đừng bao giờ tỏ ra ganh tị với nhau trong công tác mục vụ hay công việc hằng ngày, cũng đừng ganh tị khi thấy Chúa có vẻ ưu ái người này, người khác hơn mình. Trong cộng đoàn giáo xứ, dòng tu hay trong gia đình, ít nhiều chúng ta cũng hay ghen tị với người khác, và oán trách Chúa không công bằng, bởi vì chúng ta không nhận ra được lòng quảng đại xót thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta.

 

Qua bài Tin mừng, trong dụ ngôn “Thợ làm vườn nho”, chúng ta nhận thấy được Thiên Chúa là một ông chủ tốt lành và quảng đại. Ngài muốn mời gọi mọi người cùng vào làm trong vườn nho là Giáo hội, không kể người đó là dân nào, cũng không kể họ là đạo gốc hay tân tòng, miễn là họ đáp lại lời mời gọi của Chúa, trở thành thành viên trong gia đình của Chúa. Trong Nước Chúa, Ngài không chấp nhận những con người sống ghen tị, nhưng muốn mọi người sống yêu thương nhau, cùng nhau xây dựng Nước trời.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, mọi ân huệ đến từ lòng yêu thương của Chúa chứ không do công trạng của chúng con, để chúng con luôn biết tri ân cảm tạ Chúa và không kiêu căng tự phụ hay ganh tị với tha nhân. Amen.

 

 

_______________________________

 

[1]  Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in Misericordia, số 12, năm 1980.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á