Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN XXIV TN, B: THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ

Được Chúa Cha mặc khải, thánh Phêrô đại diện anh em thưa cùng Chúa: “Thầy là Đấng Kitô”. Qua câu trả lời của thánh Phêrô, chúng ta thấy các môn đệ đã xác thực về thân thế của Chúa là Đấng Cứu Thế.

 

 

THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ

(Mc 8,27-35)

 

Quang Tân

 

Theo Chúa Giêsu, các môn đệ được Chúa dạy dỗ nhiều điều, được Chúa cho chứng kiến nhiều dấu lạ điềm thiêng; đặc biệt, được Chúa cho thấy quyền năng của Ngài trên vũ trụ, trên vạn vật và trên con người. Do đó, uy danh Chúa lan rộng khắp nơi và nhiều danh xưng được gán cho Ngài. Tuy nhiên, đâu là danh xưng đích thực của Chúa Giêsu? Và đâu là ý định của Chúa Cha?

 

1. Danh xưng của Chúa Giêsu

 

Trong những năm tháng sống ẩn dật tại Nazareth, dường như chẳng mấy ai biết đến danh Chúa Giêsu. Nếu có ai biết thì cũng chỉ biết đến anh chàng thợ mộc nghèo, con bà Maria và ông Giuse (x. Mc 6,3).

 

Rồi từ khi bắt đầu sứ vụ công khai, uy danh Chúa Giêsu lan rộng khắp nơi, nhiều danh xưng được gán cho Ngài; nào là Gioan Tẩy Giả, Êlia, hay một ngôn sứ nào đó. Nhưng theo Chúa Giêsu, những danh xưng ấy chưa hẳn đúng về Ngài; nếu có đúng thì cũng chỉ đúng phần nào mà thôi.

 

Sau khi trắc nghiệm dân chúng, Chúa Giêsu trắc nghiệm các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thày là ai?” Có thể nói, qua câu hỏi của Chúa Giêsu, Chúa muốn các môn đệ phải nhận thức về Ngài cách xác thực hơn nhận thức của dân chúng. Chúa muốn các môn đệ phải thiết lập mối tương quan mật thiết với Ngài, phải đón tiếp Ngài vào trong tâm điểm cuộc sống của mình, phải hoàn toàn thật sự đối diện với chính bản thân mình, phải có sự dấn thân triệt để, phải có một sự quyết định mạnh mẽ và dứt khoát của đức tin.

 

Được Chúa Cha mặc khải, thánh Phêrô đại diện anh em thưa cùng Chúa: “Thầy là Đấng Kitô”. Qua câu trả lời của thánh Phêrô, chúng ta thấy các môn đệ đã xác thực về thân thế của Chúa là Đấng Cứu Thế. Chính Chúa cũng đã xác thực điều này trước mặt Caipha (x. Mc 14,61-62). Và cũng qua câu trả lời của thánh Phêrô, có lẽ Chúa Giêsu cảm thấy hạnh phúc, bởi những gì Ngài giảng dạy cho các môn đệ bấy lâu thì hôm nay các ông đã từ từ hiểu được sứ mệnh của Ngài, hiểu được con đường cứu thế của Ngài và hiểu được ý định của Cha Ngài.

 

2. Ý định của Chúa Cha

 

Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã mặc khải cho dân Israel biết ý định cứu độ của Người qua Người Tôi Trung (x. Is 50,5-9a). Người Tôi Trung ấy đã chấp nhận để Thiên Chúa Cha can thiệp vào cuộc đời mình hầu thi hành ý định Người. Dù bị đòn vọt, giật râu, mắng nhiếc, phỉ nhổ… Người Tôi Trung vẫn một lòng trung tín với Thiên Chúa, chẳng hề kêu ca hay phản kháng, cũng chẳng hề cưỡng lại hay tháo lui, chỉ một niềm xác tín“có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi” (Is 50,7). Dù bị tranh tụng hay kiện cáo, Người Tôi Trung chẳng thẹn thùng, cũng chẳng sợ hãi bất cứ ai, vì xác tín rằng “có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?” (Is 50,9).

 

Hôm nay, Người Tôi Trung ấy chính  là Đức Giêsu Kitô. Chính Ngài mặc khải cho các môn đệ biết ý định của Chúa Cha về Ngài: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại” (Mc 8,31).

 

Vừa nghe Chúa Giêsu mặc khải ý định của Chúa Cha về Ngài, thánh Phêrô liền can ngăn Chúa. Có lẽ thánh nhân sợ rằng nếu theo Chúa, thì cùng một số phận như thế. Khi phản ứng như vậy, thánh nhân để lộ tư tưởng và ước vọng của mình cũng như các môn đệ khác là vẫn còn các tiêu chuẩn của thế gian làm chủ. Các ông không nghĩ đến những điều thuộc về Thiên Chúa, nhưng nghĩ đến những điều thuộc về thế gian, về phe Satan, nên bị Chúa la mắng: “Satan! Lui lại đằng sau Thầy”.

 

Rồi Chúa Giêsu vạch ra con đường để các ông tiến bước. Con đường ấy chính là con đường của sự hy sinh chính mình, từ bỏ chính mình, vác thập giá đời mình để đi theo Chúa. Đây là con đường hẹp, con đường chẳng mấy ai đi. Chỉ những ai đi qua con đường này mới đạt được vinh quang với Ngài.

 

Ngày nay có nhiều người nói về Chúa, tung hô ca ngợi Chúa; nhưng cũng lắm kẻ chẳng biết Ngài là ai; hoặc có nghe nói đến nhưng cũng phớt lờ, làm ngơ... Còn đối với chúng ta, Chúa Giêsu là ai? Chúng ta phải trả lời câu hỏi này trong chính đời sống đức tin của chúng ta; trả lời qua những việc làm cụ thể như: bác ái, yêu thương với tha nhân, đặc biệt với những người khốn khổ, kém may mắn; nếu không, đức tin ấy sẽ chết (x. Gc 2,17).

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra ý định của Chúa trong cuộc đời, để chúng con luôn biết làm theo ý định của Chúa cho dù có gặp bao khó khăn thử thách. Xin Chúa cũng ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con vững niềm tin vào Chúa, biết hy sinh chính mình, từ bỏ mình, vác thập giá đời mình mà bước đi theo Ngài. Amen.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á