Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN XXII TN, C: KHIÊM NHƯỜNG TRONG CÁCH ỨNG XỬ

Đức Giêsu dạy chúng ta ứng xử khôn khéo, đó là: Khi đi dự tiệc, hãy khiêm tốn ngồi chỗ cuối, và khi được chủ nhà mời ngồi lên trên, lúc đó chúng ta được vinh dự trước mặt mọi người.

 

KHIÊM NHƯỜNG TRONG CÁCH ỨNG XỬ

(Lc 14,1.7-14)

 

M. Ephraim Tuấn

 

Một trong những bận tâm chính của con người thường là đạt được danh lợi và địa vị trong xã hội. Ai cũng muốn ở địa vị cao và được trọng vọng hơn người. Trong bài Tin Mừng hôm nay, những người đồng bàn với Đức Giêsu cũng tỏ lộ khuynh hướng này ra qua việc muốn chọn những chỗ nhất trong bữa tiệc.

 

Trước hết, qua đoạn Tin Mừng, chúng ta nhận thấy, giáo huấn về sự khiêm nhường của Chúa Giêsu là bài học về cách đối nhân xử thế theo kiểu “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Đức Giêsu không những lưu ý chủ nhà về điều này mà còn các thực khách. Người ta có thói quen chỉ thiết lập những quan hệ với người ngang tầm với mình. Vì thế, những người thấp kém thường bị loại trừ. Xu hướng loại trừ này cũng là một thứ tìm kiếm cái tôi.

 

Đức Giêsu liệt kê những người mà chủ tiệc không nên mời là “bạn bè, anh em, bà con, hoặc láng giềng giàu có”, kẻo họ lại mời lại ông, nhưng hãy mời “những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”, vì những người này không có gì để đáp lễ. Theo các tiêu chuẩn loài người, quan hệ với nhóm sau chẳng đưa lại gì cả, cũng chẳng tăng thêm uy tín xã hội cho mình. Nhưng Đức Giêsu dạy hãy mời họ, vì họ cũng có giá trị và phẩm giá ngang hàng với chúng ta. Đức Giêsu không ngăn cản việc ăn tiệc với bà con thân hữu, nhưng Người phản đối chủ trương loại trừ người yếu thế. Đức Giêsu dạy chúng ta mở rộng con tim để đón tất cả tha nhân.

 

Đức Giêsu dạy chúng ta ứng xử khôn khéo, đó là: Khi đi dự tiệc, hãy khiêm tốn ngồi chỗ cuối, và khi được chủ nhà mời ngồi lên trên, lúc đó chúng ta được vinh dự trước mặt mọi người. Tục ngữ Việt Nam cũng có câu: “Nhìn lên mình chẳng bằng ai. Nhìn xuống lại chẳng thấy ai bằng mình”. “Sự “nhìn lên, nhìn xuống” đó không phải chỉ so sánh giữa mình và người khác trong phạm vi của cải, tài năng... mà còn có thể áp dụng rất bao quát và toàn diện cho con người với tất cả những thứ con người “là” và con người “có”. Thật vậy, những thứ tôi “là” và tôi “có” không bằng ai hay giống ai hết, và cũng chẳng ai bằng tôi hay giống tôi cả. Biết chân nhận cái tôi cũng như biết về người khác, tôn trọng sự khác biệt và giữ đúng tương quan, liên hệ giữa mình và mọi người, suy nghĩ và cư xử đúng chính là thái độ sống khiêm nhường đúng nghĩa nhất”.

 

Khao khát danh vọng, chức tước, uy quyền là chuyện không đáng kể đối với Thiên Chúa. Chúng ta không được dành sức lực và thì giờ cho việc ấy. Tất cả những việc ấy đều là bận tâm lo cho cái tôi của mình, là một dạng ích kỷ. Chúng ta phải để cho Thiên Chúa phân phối các chỗ ngồi.

 

Chính Đức Giêsu, vốn là Thiên Chúa, nhưng đã không đòi cho được ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã tự huỷ trở nên một người phàm (Pl 2,6). Đức Giêsu yêu thương mọi người, bất chấp họ cư xử như thế nào với mình, vẫn yêu thương và chấp nhận họ, đó là người khiêm nhường tuyệt vời. Giá trị và tầm quan trọng của chúng ta hoàn toàn tùy thuộc Thiên Chúa, chứ không tùy thuộc tham vọng của chúng ta. Đức Maria đã hiểu như thế khi thốt lên: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,52).

 

Trong khi huấn dụ các chủng sinh về khiêm nhường, Đức Cố Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận nói: “Khi ta ngồi lên ngai cao, nhiều người muốn đạp ta xuống; khi ta nằm xuống sát đất, nhiều người muốn nâng ta lên”. Càng biết Chúa, biết mình, biết người, biết đời rõ bao nhiêu càng bớt tự phụ kiêu căng bấy nhiêu. Do đó, chúng ta có thể nói: càng giỏi, càng có nhiều càng phải khiêm nhường, chỉ có những ai dốt nát, dại dột mới cậy mình, khoe mình và kiêu ngạo.

 

Ai cũng thích được trọng vọng, tuy nhiên Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta sống khiêm nhường. Ai sống khiêm nhường, sẽ được yêu thương và hạnh phúc. Vì thế, chúng ta hãy noi gương bắt chước Đức Giêsu luôn sống hiền lành và khiêm nhường. Amen.

 

Thiết kế Web : Châu Á