Suy niệm
Suy niệm Tin Mừng CN XXI TN, C: “THIÊN HẠ SẼ TỪ ĐÔNG TÂY NAM BẮC ĐẾN DỰ TIỆC TRONG NƯỚC THIÊN CHÚA”
“THIÊN HẠ SẼ TỪ ĐÔNG TÂY NAM BẮC
ĐẾN DỰ TIỆC TRONG NƯỚC THIÊN CHÚA”
(Lc 13,22-30)
M. Duy Khang
Đức Giêsu thực hiện cuộc hành trình lên Giêrusalem, thi hành thánh ý Chúa Cha qua cuộc Tử nạn và Phục sinh, để nhờ cái chết của Ngài mà mang lại ơn cứu độ cho con người. Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta bước theo Người trên con đường Thập giá, mà Tin Mừng hôm nay gọi là “Cửa hẹp”. Theo truyền thống của người Do Thái, Nước Thiên Chúa chỉ dành riêng cho những người Do Thái mà thôi. Nghĩa là dân được Chúa chọn, vì Thiên Chúa đã ký kết với Tổ phụ của họ một giao ước. Chúa Giêsu đến trần gian và đập tan não trạng của người Do Thái về tính cách cổ hủ đó. Thời kỳ đã mãn, Chúa đến và sẽ đổ tràn hồng ân cứu độ trên mặt đất. Cụm từ “từ đông tây nam bắc”, Chúa có ý ám chỉ mọi quốc gia, mọi dân tộc trên thế giới, nghĩa là không loại trừ bất kỳ một ai. Nếu như người Do Thái còn cứng đầu không trở về với Chúa thì “Thiên Chúa sẽ ruồng bỏ người Do Thái bất trung và kêu mời dân ngoại”, đây là một quan niệm đi ngược lại với truyền thống của người Do Thái.
Trong Tin Mừng của thánh Luca hôm nay, Chúa nói: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”(Lc 13,24). Chúa dùng động từ “chiến đấu”, chiến đấu có nghĩa là cố gắng, hy sinh, vượt thắng như Chúa. Chúa Giêsu đến trần gian để đem ơn cứu độ cho muôn dân và Nước Thiên Chúa được khai mở để đánh tan những quan niệm cổ hủ và sai lầm của người Do Thái khi nhìn về dân ngoại với tính cách đố kỵ. Tình thương và lòng nhân hậu của Chúa Giêsu mở rộng và dành cho hết mọi người đặt trọn niềm tin vào Ngài, khi Ngài nói: “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 13,29). Như vậy, mọi dân tộc và mọi nước đều được dự tiệc thánh trong nước Thiên Chúa để làm gia nghiệp đời đời. Có lẽ, người Do Thái vỡ mộng và niềm tự hào của truyền thống cha ông bị lung lay khi họ cho mình là dân riêng của Chúa chọn. Muốn có được nước Thiên Chúa làm gia nghiệp, chúng ta phải chiến đấu không ngừng, để cuộc đời có kết quả trong sự thánh thiện nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, Chúa mới cảnh báo cho mọi người phải biết yêu mến Nước Thiên Chúa vì Nước Thiên Chúa luôn đón mời tất cả mọi người. Nhưng lời mời gọi của Nước Thiên Chúa thì ngược lại và khác biệt. Muốn có Nước Thiên Chúa thì phấn đấu để đi xuống, để tìm chỗ thấp hèn, và để hạ mình phục vụ anh em (Lc 14,10-11).
Hơn nữa, muốn vào được Nước Thiên Chúa cần phải thực hiện điều kiện qua cửa hẹp như Chúa nói: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp để vào Nước Trời, vì Ta bảo các ngươi biết: rất nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được” (Lc 13,24), nếu không có lòng yêu mến và vâng lời Thiên Chúa. Vì “cửa hẹp” đưa vào bàn tiệc Nước Trời, nhưng không phải lúc nào cửa cũng mở. Nước Thiên Chúa ngang qua cửa hẹp là đẩy lui lòng đố kỵ, tránh xa Danh, Lợi, Thú trong cuộc sống. Để đạt được Nước Thiên Chúa, chúng ta phải có một cái nhìn đầy lòng nhân từ và khoan dung như Chúa để yêu mến, hạ mình, biết sống khiêm nhường và phụng sự Chúa trong tha nhân. Hãy học cùng Chúa Giêsu là Đấng hiền lành và khiêm nhường đã tự hạ mình từ Thiên Chúa xuống làm một con người hữu hạn nghèo hèn nơi trần gian. Sẽ đến giờ “chủ nhà đứng dậy và khóa cửa lại” (Lc 13,25) thì không cách gì, không lý lẽ nào để cửa mở ra lại. Như vậy, chúng ta hãy tỉnh thức trong mọi hoàn cảnh để khi chủ về gõ cửa là mở ngay. Đừng để khi chủ nhà đã khóa cửa, chúng ta mới nói:“Thưa Ngài, xin mở cửa cho chúng tôi”. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: “Ta không biết các ngươi từ đâu tới”. Như vậy, “hãy phấn đấu đi qua cửa hẹp mà vào”. Đó là lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu cho tất cả mọi người biết tỉnh thức và ăn năm sám hối. Chúng ta có thể hiểu giờ đóng cửa chính là giờ chết của mỗi người chúng ta cũng là giờ kết thúc của vũ trụ mà chúng ta hay gọi là ngày tận thế. Đó chính là lúc vô cùng bất hạnh cho những kẻ đến trễ: những kẻ mải mê tìm của cải danh vọng, thú vui phù du mà quên đi hạnh phúc Nước Trời vĩnh cửu. Để có được một đời sống hạnh phúc, một gia đình tốt đẹp… chúng ta cần đi qua “cửa hẹp”, cần nhiều nỗ lực, cần hy sinh, cần chiến đấu, “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác tập già mà theo Tôi” (Lc 9,23).
Như thế, cửa hẹp, danh từ Chúa Giêsu dùng để nhấn mạnh, con người cần phải trở nên nhỏ bé, trở nên trẻ thơ mới vào được Nước Trời như lời Chúa mời gọi:“Hãy trở nên bé nhỏ… bé nhỏ như trẻ thơ mới vào được Nước Trời” (Lc 18,17). Cửa hẹp dẫn đến sự sống, dẫn đến bàn tiệc Nước Trời. Hãy thực thi để đón nhận Thiên Chúa và công bố ơn cứu độ cho muôn dân như Chúa nói: “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa” (Lc 12,8-9). Đức Giêsu muốn chúng ta có một lối sống khiêm hạ và một tinh thần đơn sơ, không vun vén cho mình nhưng biết tin tưởng, tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa để trong mọi sự Thiên Chúa được tôn vinh (Mt 5,3; Mt 19,21).
Thánh Augustinô nói:“Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, Ngài không cần hỏi ý kiến chúng ta. Nhưng để cứu rỗi chúng ta, Ngài cần có sự cộng tác của chúng ta” trong chương trình và nhiệm cục cứu độ. Hãy học cùng Chúa Giêsu sống khiêm nhường và trở nên nhỏ bé như trẻ thơ thì chúng ta mới có thể vào được Nước Trời. Nhưng muốn vào được Nước Trời phải thực thi lời Chúa Giêsu dạy: “Hãy cố gắng vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24), “vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó” (Mt 7,13). Chúa còn nói: “Ai không tiếp nhận Nước Trời như một trẻ nhỏ thì không được vào” (Lc 18,17). Tuy nhiên, “cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,14). Chúng ta đừng sống trong thế giới ảo của thời đại hôm nay và quên lựa chọn cho mình một con đường hướng tới Nước Trời mai sau. Bởi vì: “có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót” (Lc 13,30) tức là sẽ có những bất ngờ trong Nước Chúa. Chúng ta hãy tin tưởng, trông cậy vào Thiên Chúa để Ngài quan phòng và dẫn dắt chúng ta qua “cửa hẹp” để tiến tới Nước Trời. Chúng ta đừng lưỡng lự nhưng hãy đặt Chúa Kitô vào vị trí ưu tiên của cuộc đời chúng ta, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
-
Chúa Nhật XXVI TN, Năm A, Mt 21,28-32: Dụ ngôn hai người con (01/10)
-
Chúa Nhật XXVI TN, Năm A, Mt 21,28-32: Ai đã thi hành Lời Chúa? (30/09)
-
Chúa Nhật XXVI TN, Năm A, Mt 21,28-32: Sự tương phản giữa lời nói và việc làm (30/09)
-
Chúa Nhật XXV TN, Năm A, Mt 20,1-16a: Thiên Chúa đo lường bằng những tiêu chuẩn khác (23/09)
-
Chúa Nhật XXV TN, Năm A, Mt 20,1-16a: Lòng nhân hậu của Thiên Chúa (23/09)
-
Chúa Nhật XXIV TN, Năm A, Mt 18,21-35: Đâu là giới hạn của tha thứ? (16/09)
-
Chúa Nhật XXIV TN, Năm A, Mt 18,21-35: "Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha" (16/09)
-
Chúa Nhật XXIV TN, Năm A, Mt 18,21-35: Tha thứ không giới hạn (16/09)
-
Chúa Nhật XXIII TN, Năm A, Mt 18,15-20: Kiên trì trong việc sửa lỗi cho anh em (09/09)
-
Chúa Nhật XXIII TN, Năm A, Mt 18,15-20: Sửa lỗi cho nhau trong đức ái (09/09)