Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN XX TN, C: “PHẢI CHĂNG ĐỨC GIÊSU ĐẾN ĐỂ GÂY CHIA RẼ?”

Lời Chúa hôm nay tha thiết kêu gọi chúng ta hãy khơi ngọn lửa yêu thương bừng sáng lên, hãy đẩy lùi bóng tối chiến tranh, chia rẽ, hận thù; hãy mở rộng tâm hồn đón nhận và ban phát yêu thương, xoá đi những nhỏ nhen, ích kỷ, để mọi người chấp nhận nhau là anh em thực sự.

 

“PHẢI CHĂNG ĐỨC GIÊSU ĐẾN ĐỂ GÂY CHIA RẼ?”

(Lc 12,49-53)

 

M. Damiano Quang

* Sự khác biệt của con người trong vũ trụ này

 

Vũ trụ này được Thiên Chúa tạo dựng hết sức phong phú, đa dạng, đủ mọi giống loài. Mỗi loài mỗi giống lại có đủ mọi hình thái, mọi kích cỡ khác nhau. Loài người thì đủ mọi thứ tính tình, khuynh hướng, trình độ khác nhau. Từ đó, lề lối suy nghĩ cũng khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau… Tuy nhiên, mọi người đều có khuynh hướng chung và tự nhiên là hướng về Chân, Thiện, Mỹ. Ai cũng đều cảm thấy có nhu cầu đạt đến Chân, Thiện, Mỹ trong đời sống của mình. Nhưng quan niệm, sự hiểu biết và mức độ gắn bó hay dấn thân cho Chân, Thiện, Mỹ lại rất khác nhau. Và bình thường ai cũng cho rằng quan niệm của mình là đúng nhất, và mức độ gắn bó của mình là thích đáng hoặc hợp lý nhất. Chính vì thế, ai cũng có khuynh hướng bảo vệ, giữ lấy quan điểm và lập trường của mình.

 

Từ đó gây ra xung đột và chia rẽ, muốn mọi người phải thống nhất với quan điểm của mình, vì họ tự cho quan điểm của mình là đúng nhất, hợp lý nhất. Nhiều người tìm đủ mọi cách để gây áp lực lên người khác, bắt người khác phải theo lập trường của mình: bằng áp lực tình cảm, bằng quyền thế, thậm chí bằng bạo lực. Nếu con người không chấp nhận và tôn trọng sự đa dạng và khác biệt tự nhiên này, con người sẽ không thể hiệp nhất với nhau, sẽ phát sinh chia rẽ và xung đột nhau.

 

Mặc dù Thiên Chúa dựng nên con người với sự khác biệt nhau rất lớn, nhưng con người vẫn không thể chấp nhận sự khác biệt tự nhiên ấy. Người ta có khuynh hướng ghét bỏ và tẩy chay những người có tư tưởng hay lối sống khác với mình. Chính Đức Giêsu và những người theo Ngài từng là nạn nhân của khuynh hướng tẩy chay dị biệt ấy.

 

* Đức Giêsu đến để gây chia rẽ?

 

Đức Giêsu đến để đem chân lý cho nhân loại, Ngài đưa ra những quan niệm mới, những lập trường, tư tưởng mới đúng đắn hơn quan niệm hay lập trường đang được mọi người cho là đúng nhất. Điều này khiến cho những người theo Ngài trở nên khác biệt về tư tưởng, đời sống, và sự dấn thân, với mọi người vốn đã khác biệt nhau. Chính vì thế, Ngài và các tông đồ đã bị những người khác, đặc biệt những người đồng đạo ghét bỏ, tẩy chay, hãm hại và thậm chí giết chết. Các Kitô hữu tiên khởi cũng bị các vua chúa và những người đồng hương bách hại. Quả đúng như lời Ngài nói: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất. Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo”. Các Kitô hữu bao thế hệ, kể cả hiện nay, nhất là tại những quốc gia kỳ thị tôn giáo, cũng bị bách hại, và phải chiến đấu rất anh dũng mới có thể tồn tại và phát triển. Nhưng thật kỳ lạ, mặc dù bị bách hại trăm bề, Kitô giáo vẫn phát triển mạnh mẽ. Đúng như lời Đức Giêsu đã nói trong bài Tin Mừng: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”.

 

Trong các cộng đoàn Kitô hữu, người theo Chúa một cách tích cực, triệt để và đúng nghĩa nhất thường bị coi là lập dị, là người bất bình thường… Chính Đức Giêsu cũng bị người đời cho là “mất trí” (Mc 3,21). Thế là có sự chia rẽ trong nội bộ khi có người theo Chúa một cách tích cực hoặc quyết liệt. Những người này thường bị tẩy chay và sống trong cô độc, tuy nhiên họ lại lôi kéo được một số ít người theo họ. Những người tích cực gắn bó với chân lý và tình thương, họ có những tư tưởng tiến bộ hoặc thấy xa hơn người bình thường. Vì thế, họ bị tẩy chay và cô lập, thậm chí bởi ngay những người thân trong gia đình: cha mẹ, con cái, anh chị em mình… Đức Giêsu đã từng tiên báo số phận của họ: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghé” (Mt 10,21-22).

 

Như vậy, việc triệt để theo Đức Giêsu hay theo sự đòi hỏi của Chân, Thiện, Mỹ có thể là cớ gây chia rẽ, thù oán giữa những người cùng gia đình, cùng cộng đoàn, cùng là con dân một đất nước. Như thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, dân Việt bị phân chia thành lương và giáo, và đôi bên kỳ thị hoặc nghi ngờ nhau. Khi công lý bị xâm phạm, con người bị đàn áp, xã hội tự nhiên bị phân ra thành hai khối: một số rất ít hành động theo lương tâm, sẵn sàng tranh đấu sống chết cho công lý, và đa số hành động theo quyền lợi của mình.

 

Lời Chúa hôm nay tha thiết kêu gọi chúng ta hãy khơi ngọn lửa yêu thương bừng sáng lên, hãy đẩy lùi bóng tối chiến tranh, chia rẽ, hận thù; hãy mở rộng tâm hồn đón nhận và ban phát yêu thương, xoá đi những nhỏ nhen, ích kỷ, để mọi người chấp nhận nhau là anh em thực sự. Khi thực hiện được như vậy, bấy giờ đêm sắp tàn và ngày mới bắt đầu. Bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng, ánh sáng rực rỡ phát xuất từ những trái tim chan hoà yêu thương. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á