Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN XX TN, C: NGHỊCH LÝ CỦA TÌNH YÊU

“Đừng tưởng Thầy tới mang hòa bình”, nhưng ngược lại, Thầy tới mang chia rẽ. Chia rẽ ở đây hiểu theo nghĩa, người ta phải chọn lựa giữa Chúa Giêsu và giá trị trần gian. Những ai theo trần gian, có thể có ngày họ phản bội và làm hại thậm chí cả anh em hay cha mẹ mình; còn những ai theo Đức Giêsu, phải sống theo luật tình yêu.

 

NGHỊCH LÝ CỦA TÌNH YÊU

(Lc 12,49-53)

 

M. Damasceno Hùng

 

Blaise Pascal từng nói: “Tình yêu có những lý lẽ riêng mà lý trí không hiểu được”. Lý lẽ của tình yêu không nằm trên những suy nghĩ thông thường, vì lý trí là hoạt động của bộ não, còn tình yêu là hoạt động của trái tim. Tình yêu luôn chứa đựng những nghịch lý nhưng lại tạo nên những điều kỳ diệu. Đức Giêsu vì yêu thế gian nên đã sinh xuống làm người, chân lý cứu độ mà Ngài gửi đến nhân loại cũng chứa đựng nhiều điều nghịch lý: Làm sao để trở thành người lớn nhất? Đức Giêsu trả lời rằng người lớn nhất là người phải cúi xuống phục vụ anh em. Làm sao để có được sự sống? Giêsu trả lời rằng để có được sự sống, trước tiên ta phải dám đánh mất nó vì Tin Mừng. Trong nhãn quan Giêsu, người có phúc không phải là người có lắm bạc tiền, nhưng người có phúc là người nghèo khó, người đang khóc lóc, người đang u sầu, người đang bị bách hại vì Danh Ngài...

 

Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại khẳng định: Muốn có được tình yêu và bình an thực sự, người môn đệ phải chấp nhận sự chống đối bởi những người thân cận nhất của mình: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho an hem biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ”. Chúng ta phải hiểu những lời ấy thế nào? Đâu là sứ điệp cho chúng ta hôm nay?

 

Ta thấy, vào lúc Đức Giêsu giáng sinh, ca đoàn các thiên thần đã dâng lên lời chúc bình an cho nhân loại. Chính Đức Giêsu cũng đã ban bình an cho người phụ nữ tội lỗi và người phụ nữ được chữa lành. Khi được sai đi rao giảng, vào nhà nào, các môn đệ của Đức Giêsu cũng nói lời chúc bình an cho họ. Đặc biệt đây là sự bình an của Thiên Chúa. Nhưng hôm nay, Đức Giêsu lại cho thấy do những kết quả khác nhau phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu, sẽ xảy ra những mâu thuẫn giữa loài người với nhau, thậm chí xảy ra chia rẽ trong một gia đình, trong cộng đoàn và trong xã hội. Ví dụ Đức Giêsu nêu ra, đó là sự chia rẽ giữa thế hệ lớn tuổi và thế hệ trẻ. Cha và mẹ một bên chống lại con trai, con gái và con dâu bên kia: "Ba chống lại hai, hai chống lại ba"… Tại sao thế?

 

Sức mạnh cứu rỗi của Chúa Giêsu trên trần gian này không khác gì hơn là làm cho Thiên Chúa được hiện diện trong cuộc sống con người, là biến đổi và thanh tẩy con người khỏi vết nhơ tội lỗi, để nơi con người, hình ảnh của Thiên Chúa được tỏa chiếu sáng hơn: "Thầy đã đến ném lủa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” Chúa Giêsu không chỉ mang xuống mà Người còn ra sức tận dụng hết sức mình, tận dụng hết khả năng của Ngài để gieo rắc lửa đó xuống trần gian giữa những gian nan thử thách, chống đối, khước từ của con người. Sứ mạng này Chúa phải chu toàn, không thể nào tránh né được. Có thể nói Đức Giêsu gán cho toàn thể hoạt động của Người đặc tính của "lửa". Người đến, đầy Thánh Thần, đầy sức sống thâm sâu nhất của Thiên Chúa. Người loan bao Tin Mừng cho người nghèo. Người cho những kẻ bần cùng và tội lỗi biết lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi làm những việc ấy, Người nhen lên ngọn lửa, muốn đốt cháy, và như lửa, Người bao trùm, xuyên suốt mọi sự. Người sẽ đến gặp con người, tương giao với họ một cách thâm sâu nhất. Hành động của Đức Giêsu có đặc tính của "lửa": Nó muốn thắng vượt mọi thái độ lãnh đạm và xa cách, nó muốn đốt cháy; nó muốn có một cuộc gặp gỡ mãnh liệt, sống động.

 

Rõ ràng khi Đức Giêsu nói về việc ném lửa và gây chia rẽ, từ ngữ của Người không được dùng theo nghĩa đen. Tuy nhiên những lời ấy có ý nghĩa thực tế đối với Người. Đức Giêsu hiền lành nhưng không có nghĩa Người yếu đuối. Khi hoàn cảnh đòi hỏi, Người cũng rất quả quyết như khi Người đuổi những con buôn ra khỏi đền thờ. Những lời ấy cũng thể hiện những điều rất mạnh mẽ trong giáo huấn của Người. Giáo huấn của Người gây ra chia rẽ. Người dạy rằng Vương quốc của Thiên Chúa mở ra cho mọi người, thánh nhân và người tội lỗi, người Do thái và dân ngoại. Điều này đưa đến sự xung đột của Người với cơ chế tôn giáo của thời đó. Người gọi các kinh sư và người Pharisêu là những kẻ giả hình và những người mù dẫn đường. Họ gọi Người là một kẻ làm loạn và một người bị quỉ ám.

 

Đừng tưởng Thầy tới mang hòa bình”, nhưng ngược lại, Thầy tới mang chia rẽ. Chia rẽ ở đây hiểu theo nghĩa, người ta phải chọn lựa giữa Chúa Giêsu và giá trị trần gian. Những ai theo trần gian, có thể có ngày họ phản bội và làm hại thậm chí cả anh em hay cha mẹ mình; còn những ai theo Đức Giêsu, phải sống theo luật tình yêu. Qua Đức Giêsu, con người phải chọn lựa, phải có thái độ dứt khoát. Theo nghĩa này, Đức Giêsu mang chia rẽ. Các ngôn sứ là "những người gây rối loạn" theo nghĩa tốt nhất của từ ấy. Không có kẻ khuấy rối sự bình an nào lớn hơn người rao giảng công lý và sự thật. Hãy lấy trường hợp của Martin Luther King ở Mỹ. Ông là một con người của hoà bình. Tuy nhiên, khi đứng lên kêu gọi chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc đối với người da đen, ông đã gây ra nhiều biến động hơn bất cứ người nào khác cùng một thế hệ với ông ở Hoa Kỳ. Hãy lấy trường hợp nhà bác học Nga Andrei Sakharov, ông cũng bị chính quyền cộng sản gán cho nhãn hiệu "kẻ gây rối" khi ông kêu gọi chấm dứt sự đàn áp những người không có cùng quan điểm và sự phát triển các vũ khí hạt nhân.

 

Như thế, những lời Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng trên đây cho chúng ta thấy nguyện ước sâu xa của Đức Giêsu. Sứ mạng của Đức Giêsu nhắm đạt được cuộc gặp gỡ cao độ, "nóng cháy" với loài người. Trái tim của Người khao khát hoàn tất hành trình mà Thiên Chúa đã đặt định cho Người. Mục tiêu Người nhắm tới không phải là một sự hài hòa bên ngoài, nhưng là một việc lấy lập trường rõ ràng kể từ khi đã gặp gỡ cao độ với Người. Từ chỗ này có thể phát sinh các chia rẽ. Người ta không được hy sinh việc lấy lập trường theo Đức Giêsu hầu đạt được một thỏa hiệp cho việc đi tìm sự hài hòa.

 

Người môn đệ của Chúa hôm nay không thể nào đi con đường khác con đường mà Chúa đã đi qua, và sứ mạng mà Chúa muốn cho mọi người môn đệ thực hiện cũng là sứ mạng gieo lửa xuống trần gian qua cuộc đời chịu đóng đinh với Chúa, chịu phép Rửa của Chúa. Chúa Giêsu đã đem ngọn lửa xuống trần gian. Ngọn lửa tình yêu vĩnh cửu bốc cháy trong trái tim Người. Người môn đệ cũng phải là những ngọn lửa để thắp sáng nhân gian. Dẫu cho phải trả giá đắt về những chọn lựa của mình, dẫu cho có bị chính những người thân của mình loại bỏ, người gieo lửa cứ phải nhận lấy ngọn đuốc đức tin ở giữa nhân gian. Đó là ngịch lý của tình yêu, nghịch lý ấy là con đường dẫn tới chân lý. Bởi vì, “nếu muốn được hạnh phúc trong một ngày, thì hãy mặc một chiếc áo mới. Nếu muốn được hạnh phúc trong một tuần, thì hãy giết một con heo. Nếu muốn được hạnh phúc trong một tháng, thì hãy thắng một vụ kiện. Nếu muốn được hạnh phúc trong một năm, thì hãy lấy vợ, lấy chồng. Nếu muốn được hạnh phúc suốt cả một đời, thì hãy trở nên người tử tế. Còn nếu muốn được hạnh phúc đời đời, thì hãy sống và chiến đấu cho Đức Kitô”.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á