Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN XVIII TN, C: BIẾT SỬ DỤNG CỦA CẢI VẬT CHẤT

Tiền bạc, của cải vật chất tự nó có giá trị để phục vụ con người, để con người không bị lệ thuộc, sống đúng với nhân phẩm của mình. Tiền bạc thực sự không bảo đảm cho con người sống trường cửu, nhưng giúp con người đạt tới tuổi thọ của mình. Tiền bạc, của cải không phải để bảo đảm tuyệt đối, nó chỉ là phương tiện cho cuộc sống trần gian. Kẻ sáng suốt biết tính toán đúng, biết giá trị của tiền của, biết sử dụng đúng cách ắt sẽ làm phong phú cuộc sống đời này, và làm giàu cho đời sống mai hậu.

 

 

 

BIẾT SỬ DỤNG CỦA CẢI VẬT CHẤT

(Lc 12,13-21)

 

 

Hữu Quỳnh

 

Tài sản vật chất là điều rất mực quan trong cuộc sống con người. Trên cuộc lữ hành dương thế, ai cũng dốc hết sức mình để tích luỹ tài sản, không những lo cho mình mà còn dự trữ để cho con cái, vì “đồng tiền liền với khúc ruột”. Tài sản, vật chất còn có sức mạnh phi thường: “Tiền là Tiên là Phật...” Phải chăng tiền là Tiên là Phật? Tài sản vật chất thực sự là cán công lý hay không? Nó có đem lại cho con người cuộc sống an bình, hạnh phúc đích thực không? Để giải mã những vấn đề trên chúng ta cùng nhau suy gẫm Lời Chúa qua bài Tin mừng Lc 12,13-21, nhằm khám phá nguồn hạnh phúc đích thực về bậc thang giá trị qua nhãn quan và cách sử dụng tiền của.

 

Tự bản bản chất tiền của không xấu, nó có thể đem lại cho chúng ta cuộc sống hạnh phúc, nếu chúng biết cách điều khiển nó đi đúng lộ trình. Chẳng hạn, khi chúng ta kiếm tiền của bằng sức lao động liêm chính của mình. Tiền của thu được ta xây nhà, dựng cửa sạch sẽ thoáng mát; mua sắm phương tiện phục vụ bản than; khám chữa bệnh đúng định kỳ để phòng ngừa; nuôi dưỡng con cái ăn học nên người; làm việc bác ái…Trái lại, chúng ta để tiền của điều khiển thì cuộc sống này vô nghĩa. Chính quan niệm khác nhau giữa “chủ” và “tớ” nên đồng tiền chi phối con người dưới những nhãn quan khác nhau.

 

Đối với chủ nghĩa vô thần, họ quan niệm tài sản vật chất là trên hết. Karl Marx nói rằng không có gì tồn tại mà không có ý nghĩa. Bởi vậy, ông không quan tâm đến các khía cạnh tinh thần của con người, và coi ý thức của con người chỉ là sự phản ánh của thế giới vật chất. Theo ông, con người do thế giới vật chất “thiết lập”, bởi vì chỉ bằng cách tham gia vào thế giới vật chất, chúng ta mới có thể thực thi được khả năng của chúng ta và khẳng định thực tại của những khả năng đó. Chính “cái tính khác” của thực tại, sự phản kháng của nó đối với dự định của chúng ta đặt lên nó, là cái đầu tiên đưa chúng ta đến sự tự nhận thức. Quan niệm đó dẫn họ tới việc tôn thờ tài sản vật chất, biến tiền của thành ông chủ. Do đó, họ tìm mọi cách để chiếm hữu kể cả vô lương, bất chính như hại vợ giết con, bán nước hại dân…

 

Giáo hội, dưới ánh sáng đức tin soi dẫn, dạy rằng: “Thiên Chúa đã trao trái đất và các tài nguyên của nó cho nhân loại chung sức quản lý, để con người chăm sóc, chế ngự bằng cách lao động và hưởng dùng hoa trái của trái đất” (GLHTCG, số 2402). Chúa Giêsu không lên án, cũng chẳng bài trừ việc tạo ra tài sản, vật chất. Ngài cũng không thượng tôn tiền bạc, cũng chẳng khinh chê nó. Nhưng Ngài lại hướng cho ta một hướng đi mới, hướng đi của ơn cứu độ: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (Ga 6,27). Hướng đi ấy chính là biết cách sử dụng đồng tiền sao cho hợp lý và biết cách làm giàu trước mặt Chúa để được hưởng hạnh phúc đời đời chính là Nước Trời.

 

Cách làm giàu trước mặt Thiên Chúa mới chính là sự giàu có đích thực, bền vững, vĩnh cửu, chứ không phải của đời này chóng qua, phù vân và bấp bênh. Làm giàu trước mặt Thiên Chúa là trở nên giàu có như Đức Kitô: “Lòng thương cảm, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại, chịu đựng, tha thứ và bác ái đại lượng” (Cl 3,12-14). Trong cuộc đời này, không biết bao người làm giàu trước mặt Thiên Chúa bằng cách chăm lo cho bệnh nhân, chăm sóc trẻ em tật nguyền, tiếp đón người khổ đau bất hạnh, ưu tư lo lắng cho người sầu khổ, dấn thân phục vụ cho các hoạt động xã hội, bác ái. Đấu tranh bảo vệ công lý hoà bình, đòi quyền tự do dân chủ và thăng tiến quyền con người, dẫu cho bị tù tội, đánh đập.

 

Tiền bạc, của cải vật chất tự nó có giá trị để phục vụ con người, để con người không bị lệ thuộc, sống đúng với nhân phẩm của mình. Tiền bạc thực sự không bảo đảm cho con người sống trường cửu, nhưng giúp con người đạt tới tuổi thọ của mình. Tiền bạc, của cải không phải để bảo đảm tuyệt đối, nó chỉ là phương tiện cho cuộc sống trần gian. Kẻ sáng suốt biết tính toán đúng, biết giá trị của tiền của, biết sử dụng đúng cách ắt sẽ làm phong phú cuộc sống đời này, và làm giàu cho đời sống mai hậu: “Nước Trời giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13,45-46). Người giàu trước mặt Chúa không phải là người có nhiều tài sản, mà là người biết cho đi, biết lo tìm kiếm Nước Trời, biết coi trọng con người hơn tiền bạc. Tình người đáng giá hơn giàu sang tài sản, vật chất, vì vật chất chỉ là phù vân mau qua chóng tàn. Chẳng ai mang theo gia tài khi chết, có chăng là tình yêu thương, nhân nghĩa. Chia sẻ cơm áo với tha nhân nơi trần thế để trở nên “giàu có trước mặt Thiên Chúa”. Nghĩa là sống quảng đại, mở rộng quả tim, dang rộng bàn tay để chia sẻ và cảm thông với mọi người, như Lời Chúa truyền dạy: chia cơm sẻ áo cho người đói rách, tháo gở gông cùm cho người tù tội, thăm viếng cô nhi quả phụ…tức là có trái tim quảng đại: “Tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1).

 

Bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh nhà phú hộ ngu ngốc, ông sẵn sàng bỏ quên Chúa để thu tích của cải trần gian, không lo cho phần hồn của mình. Chúa Giêsu đã khiển trách ông: “Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai? Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy(Lc 12,20). Qua lời cảnh cáo đó, Chúa Giêsu tiên báo cho chúng ta biết rằng: sự sống sự chết là ở trong tay Chúa, Chúa cho rồi Chúa cũng lấy đi. Nên đừng như nhà phú hộ kia tích luỹ kho tàng ở đời này mà chẳng được hưởng bình an, hạnh phúc, nhưng hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa để được hưởng sự sống đời đời.

 

Hẳn thât, cuộc sống viên mãn chỉ hệ tại tình yêu. Chỉ khi sống nhắm đến tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân thì mới là cuộc sống thực sự. Chỉ một cuộc sống như thế mới có thể được Thiên Chúa chuẩn nhận và được Ngài đưa đến chỗ thành toàn với ân huệ là sự sống đời đời. Chúng ta đã nhận đời sống từ Đấng Tạo Hóa, thì chúng ta cũng phải nhận cả ý nghĩa của đời sống từ Ngài. Và đối với Ngài, ý nghĩa của đời sống không phải là tiện nghi, mà là tình yêu.  

  

Trong ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, “giàu có trước mặt Thiên Chúa” là biết nhìn của cải trong cái nhìn về nhu cầu của người khác để phục vụ. Tự bản chất con người sinh vốn là thiện: “Nhân chi sơ tính bản thiện”, sự thiện đó thúc giục chúng ta hướng đến điều thiện hảo, tức là giết chết những gì thuộc hạ giới và mặc lấy con người mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá. Chúa Giêsu muốn chúng ta sống một cách sống khôn ngoan biết đâu là giá trị thật và giả, cái gì trường tồn và nhất thời. Người khôn ngoan biết nhìn sự vật theo bậc thang giá trị: sẵn sàng hy sinh cái tạm bợ để theo đuổi cái vĩnh hằng. Cuộc đời Kitô hữu chúng ta là phải sống siêu thoát, nghĩa là của cải, danh vọng, địa vị, quyền lực, quyền lợi được sử dụng như phương tiện để đạt đến mục đích tối hậu. Kitô hữu chúng ta không miệt thị những thực tại trần thế nhưng hướng tất cả các thực tại trần thế vào việc xây dựng Nước Trời. Thực tại trần thế giúp thăng tiến con người trong xã hội và Giáo hội. Như thánh Phaolô đưa ra một xác tín cho chúng ta: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô thì chúng ta sẽ cùng sống lại với Người” (Rm 6,8).

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á