Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN XVII TN, C: KINH LẠY CHA – LỜI KINH CỦA CHÚA

Kinh Lạy Cha là bản tóm trọn vẹn cả Tin Mừng, khoa thần học, một bản giáo lý về đời sống Kitô. Đây là trường dạy ta cầu nguyện, nên chúng ta hãy cầu nguyện với kinh Lạy Cha bằng một tâm trí chìm sâu trong chiêm niệm, để mỗi ngày chúng ta được hiểu thêm về mầu nhiệm Thiên Chúa trong cuộc đối thoại Cha con, trong thái độ tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa và với con tim rộng mở để đón nhận mọi người như anh chị em trong cùng một đại gia đình của Thiên Chúa.

 

 

 

KINH LẠY CHA – LỜI KINH CỦA CHÚA

(Lc 11,1-13)

 

Viết Trung

 

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật 17 TN năm C đề cập đến việc cầu nguyện và tầm quan trọng của cầu nguyện trong đời sống đức tin. Theo như các nhà tu đức và truyền thống Giáo hội thì cầu nguyện không chỉ là một nhu cầu cần thiết cho cuộc sống con người, mà cầu nguyện còn là hơi thở của linh hồn. Một linh hồn cầu nguyện là một linh hồn đang sống động.

 

Ông Abraham, tổ phụ của dân Do Thái, được gọi là cha của những người tin, ông luôn bày tỏ đức tin và lòng yêu mến của mình vào Thiên Chúa qua những việc làm cụ thể như: sẵn sàng rời bỏ quê hương để đi đến nơi Chúa muốn, ông đã phải trải qua muôn vàn thử thách trên hành trình theo Chúa và làm theo ý Chúa, nhưng vẫn luôn giữ vững đức tin. Sở dĩ Abraham có thể sống đức tin một cách sống động và mạnh mẽ như vậy là vì ông có mối tương quan thân mật với Chúa như người bạn. Ông thường xuyên đối thoại với Chúa một cách đơn sơ, chân thành trong cầu nguyện, nhờ đó ông có thể lắng nghe và sống theo Lời Chúa chỉ dạy.

 

Từ kinh nghiệm nài van của Abraham khi cầu xin cho thành Sodom và Gômôra, bài đọc một đã cho chúng ta thấy: cầu nguyện là sự sống còn, không phải chỉ cho cá nhân người cầu nguyện mà còn có sức mạnh chuyển cầu và cứu sống cả một dân tộc. Chúng ta được mời gọi phải cầu nguyện không ngừng trong tin tưởng phó thác, Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta hơn những gì ước mong.

 

Còn Tin Mừng thánh Luca thuật lại rằng “có một lần Chúa Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người. Thưa Thầy: xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy các môn đệ của ông cầu nguyện” (Lc 11,1).

 

Có lẽ khi sống với Chúa Giêsu, các môn đệ thường xuyên chứng kiến Thầy mình cầu nguyện cách thân mật với Chúa Cha, làm cho các môn đệ rung cảm mãnh liệt, khiến các ông đến tha thiết xin Thầy dạy cầu nguyện và Chúa Giêsu đã dạy các ông kinh Lạy Cha. Vì thế, lời kinh này cũng được gọi là lời kinh Chúa dạy. Điều này có ý nghĩa thật cao quý vì là lời kinh đến từ Thiên Chúa, là quà tặng của Thiên Chúa trao ban cho con người. Đàng khác, Chúa Giêsu vừa mang nhân tính vừa mang thần tính nên Người biết rõ nhu cầu của mỗi người chúng ta. Vì thế, Người bày tỏ những nhu cầu đó cho chúng ta lên trước tòa vinh hiển của Thiên Chúa. Hơn nữa, Người mang thần tính, nên sau khi dạy chúng ta những lời cầu nguyện thì đồng thời, Người cũng ban cho chúng ta Thần Khí để những lời ấy trở thành “Thần Khí ban sự sống” (Ga 6,6). Người đã hướng dẫn mỗi người chúng ta cùng sống mối tương quan đó với Người một cách tuyệt hảo hơn để chúng ta có thể thưa cùng Thiên Chúa “Abba”, Cha ơi.

 

Sau khi dạy môn đệ kinh này, Chúa Giêsu thêm: “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9) để khích lệ các ông luôn kiên trì và tin tưởng trong việc cầu nguyện.

 

Trong truyền thống phụng vụ của Hội thánh, Kinh Lạy Cha luôn có một vị trí rất quan trọng, là phần không thể thiếu của các giờ kinh phụng vụ chính, nhất là trong bí tích khai tâm: Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể. Trong bí tích Rửa tội, Kinh Lạy Cha nói lên ý nghĩa việc sinh hạ mới và sự sống thần linh. Trong phụng vụ Thánh Thể, lời kinh Chúa dạy rõ ràng là lời kinh của Hội thánh với đầy đủ ý nghĩa và hiệu năng. Vì thế, Kinh Lạy Cha được đặt giữa kinh nguyện Thánh Thể và phụng vụ hiệp lễ. Kinh Lạy Cha gồm thâu tóm mọi lời cầu xin và chuyển cầu đã được diễn tả sau kinh khẩn cầu Chúa Thánh Thần.

 

Kinh Lạy Cha là bản tóm trọn vẹn cả Tin Mừng, khoa thần học, một bản giáo lý về đời sống Kitô. Đây là trường dạy ta cầu nguyện, nên chúng ta hãy cầu nguyện với kinh Lạy Cha bằng một tâm trí chìm sâu trong chiêm niệm, để mỗi ngày chúng ta được hiểu thêm về mầu nhiệm Thiên Chúa trong cuộc đối thoại Cha con, trong thái độ tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa và với con tim rộng mở để đón nhận mọi người như anh chị em trong cùng một đại gia đình của Thiên Chúa.

 

Cuộc đời Chúa Giêsu phản ánh trọn vẹn tình yêu thương của Chúa Cha đối với nhân loại như lời ngôn sứ Isaia đã nói: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17). Ngài động lòng thương khi thấy người bị quỷ ám, bị bệnh, bị chết. Người chữa bệnh cho rất nhiều người, chữa người đàn bà bị băng huyết nhiều năm, làm cho anh Lazarô sống lại. Ngài đồng cảm với họ. Ngài sai nhóm mười hai đi chữa lành bệnh nhân và các môn đệ chữa lành được nhiều người.

 

Noi gương Chúa Giêsu, đáp lại tình Cha, chúng ta phải luôn sống trong sự cầu nguyện, bắt chước các môn đệ cầu xin Chúa Giêsu dạy cho chúng ta cầu nguyện. Chúng ta không thể nào sống mối tương quan với Chúa Cha nếu không biết cầu nguyện, không chịu cầu nguyện và không chân thành cầu nguyện. Sống cầu nguyện là luôn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa chí thánh trong sự hiệp thông với Ngài. Qua bí tích Rửa tội, người Kitô hữu đã được trở nên con Thiên Chúa, được thông phần sự sống vĩnh cửu với Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta còn ở trong thế gian, chúng ta phải có lòng khiêm tốn, xin ơn thanh tẩy để có thể nhận biết Thiên Chúa là Cha và sống xứng đáng hơn trong ơn gọi làm con mà Chúa đã ban cho ta.

 

Khi được trở nên con của Thiên Chúa và được gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta cũng được mời gọi trở nên anh chị em của nhau, chúng ta cũng được mời gọi luôn biết tha thứ cho nhau như lời kinh “xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha tội cho những người mắc lỗi với chúng con” (Lc 11,4). Như vậy, Thiên Chúa là Cha giúp chúng ta thoát khỏi được chủ nghĩa cá nhân, khỏi bốn bức tường của sự ích kỷ.

 

Cầu nguyện phải giúp chúng ta giang rộng cánh tay để ôm chặt lấy tất cả mọi người không phân biệt giai cấp, tôn giáo, màu da… xem tất cả mọi người là anh em con một Cha trên trời và phải có bổn phận yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta (x. Ga 15,12).

 

Để thực hiện được mệnh lệnh này, chúng ta phải sống phục vụ, và hy sinh trong tình bác ái yêu thương, để qua đó làm cho mọi người nhận biết Đức Giêsu Kitô và mọi người là con cùng một Cha trên trời, là anh em với nhau. Như vậy, chúng ta mới để cho Chúa liên kết chúng ta lại trong một gia đình đông đúc anh chị em và lời cầu nguyện “xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến” (Lc 11,2) trở thành hiện thực.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á