Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN XVI TN, C: “CHUYỆN CẦN THIẾT”

Lời Chúa vô cùng cần thiết, tác động tích cực trên cuộc đời của mỗi chúng ta; có sức biến đổi để cuộc đời chúng ta trở nên có ý nghĩa. Phần chúng ta hãy mở trái tim và tai lòng mình ra.

 

 

“CHUYỆN CẦN THIẾT”

(Lc 10,38-42)

 

 

Minh Triệu

 

Trong đời sống, có nhiều chuyện cần thiết: cơm, gạo, áo, tiền, thuốc men, nhà cửa... Không có những thứ đó, con người không thể tồn tại và phát triển được. Tuy nhiên lời giáo huấn của Thầy Giêsu trong Tin Mừng hôm nay lại đưa chúng ta đến với một cái nhìn hoàn toàn khác: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi” (c.42a). Vậy chuyện cần thiết đó là gì? Tác động đến đời sống chúng ta ra sao? Và làm thế nào để phát huy những giá trị đến từ thực tại ấy?

 

Bàn về vấn đề này, có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng thiết nghĩ “chuyện cần thiết” mà bản văn Tin Mừng hôm nay thánh sử Luca muốn nói đến trong giáo huấn của Chúa Giêsu đó là “Lời Người” (c. 39b). Quả vậy, mặc dù biết đón Chúa vào nhà và phục vụ với một tinh thần cao đẹp nơi Mácta và gương sáng trong cầu nguyện nơi Maria rất đáng tuyên dương, nhưng đây không phải là chủ đề chính của bản văn Tin Mừng hôm nay. Trái lại hình ảnh của Mácta và Maria giúp làm nền và tô đậm cho giáo huấn của Chúa Giêsu về vai trò quan trọng của Lời Chúa trên cuộc đời của mỗi chúng ta. Phải thấy rằng, phản ứng rất người của Mácta (c. 40) chỉ là duyên cớ để Đức Giêsu đưa ra lời giáo huấn, trong đó Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Lời Chúa. Vì Lời Chúa không chỉ là lời sáng tạo (x. St 1,3-26) mà còn là Lời mang lại ơn cứu độ cho muôn dân (x. Is 55,10-11). Ở nội dung này, Lời Chúa trở nên vô cùng cần thiết vì con người đang trong tình trạng cần được Thiên Chúa giải thoát do tội lỗi.

 

Vậy chuyện cần thiết đã rõ nhưng tác động của Lời Chúa đến đời sống chúng ta ra sao?

 

Nếu không có Lời Chúa, chúng ta không thể làm được gì. Điều này đã được Chúa Giêsu khẳng định trong Ga 15,5: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”. Quả vậy, lời khẳng định trên không dừng lại trên bình diện ngôn ngữ nhưng luôn hiện diện, tác động và làm thay đổi toàn diện con người của chúng ta, bất luận hoàn cảnh khó khăn tới mức nào. Thánh Augustino là một trong những dẫn chứng tiêu biểu cho điều đó. Với ngài, dù không còn gì hy vọng vì theo ngài một người tội lỗi làm sao có thể sống đời sống trong sạch. Nhưng dưới tác động của Lời Chúa, cụ thể trong Rm 13,14 đã làm thay đổi con người của ngài. Ngài đã trở thành một triết gia, một thần học gia lỗi lạc và cao hơn còn là một vị thánh. Thánh Phanxicô Assisi cũng thế, mặc dù xuất thân trong một gia đình giàu có và lẽ thường khó có ai thoát khỏi sự hấp dẫn của tiền bạc. Nhưng dưới ánh sáng Lời Chúa, cụ thể trong Mt 10,10 đã dẫn ngài đến với đời sống khó nghèo theo mẫu gương Thầy Giêsu chí thánh. Ngài trở thành một vị thánh và là nguồn cảm hứng để Đức Thánh Cha Phanxicô Assisi viết thông điệp “Fratelli tutti - Tất cả là anh em” (số 4). Gần chúng ta hơn, cả về không gian và thời gian, nhà thơ Sảng Đình sinh ra và lớn lên trong một gia đình đại quý tộc, có người cha làm quan tới chức thượng thư trong triều đình nhà Nguyễn. Nhưng vinh hoa phú quý, lợi lộc trần gian và cả những cản trở đến từ các giá trị đạo đức truyền thống cũng không cản bước người nho sinh dấn thân theo Chúa. Mưa dầm thấm dai, Lời Chúa đến từ ngôi trường Perllerin do các thầy dòng Lasan phụ trách đã nâng người nho sinh lên một tầm cao mới. Không dừng lại là một thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ đầy tài năng, một nhà báo công giáo nỗi tiếng thời kỳ đầu mà còn là một linh mục đức hạnh. Trên tờ tuần báo “Vì Chúa”, số 1, ngày 18 tháng 9 năm 1936, ở cố đố Huế, do ngài làm chủ bút đã truyền đi châm ngôn sống “Tất cả vì Chúa” với tôn chỉ: “Suy tư vì Chúa, Ngôn luận vì Chúa, Hành động vì Chúa, Vì Chúa, ta gắng công, Ta thẳng lên vì Chúa!”. Kết quả là người em gái đã gỡ bỏ tất cả đồ trang sức của một tiểu thư đài các, theo gương anh, can đảm bước vào dòng Carmel Huế và trở thành một nữ tu thánh thiện. Theo sau là ông bà cố. Cả hai đều được ơn trở lại.

 

Trên là những bằng chứng hùng hồn cho sự hiện diện cách sống động của Lời Chúa trên cuộc đời của các chứng nhân. Rộng ra, xưa cũng như nay và mãi mãi, bất luận là ai nếu khiêm tốn nhìn lại cuộc đời mình sẽ thấy nhiều điều thật thú vị không sao giải thích được. Những điều ấy như những dấu vết siêu hình minh chứng cho sự hiện hữu của Thiên Chúa. Muốn kể ra hết có lẽ phải mượn lời Gioan trong Tin Mừng Ga 21,25 để diễn đạt: “Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra”. Tầm quan trọng của Lời Chúa là thế, thật cao quý, đáng yêu và đáng say vô cùng. Thảo nào Maria “cứ ngồi bên chân Chúa mà lắng nghe lời Người dạy” (c.39b). Thế thì phải làm sao để phát huy sức mạnh của Lời Chúa?

 

Trong giới hạn của bản văn Tin Mừng hôm nay, theo gương Mácta, chúng ta đón Chúa vào nhà. Và theo gương Maria chúng ta say mến Lời Chúa. Đây là hai tấm gương như hai bài học vô cùng quý giá đối với mỗi chúng ta. Nếu như Mácta làm toát lên vẽ đẹp của tinh thần phục vụ sau khi mời Chúa vào nhà thì Maria lại tiêu biểu cho một tinh thần đơn sơ trong cầu nguyện. Cả hai bổ túc cho nhau.

 

Về phần Mácta có lẽ không cần bàn nhưng phần Maria quá tinh tế trong cách diễn đạt của thánh sử Luca nên thiết nghĩ cũng cần dừng lại để chiêm ngắm và suy gẫm. Lâu nay không ít người lầm tưởng cầu nguyện đơn thuần chỉ là những lời van xin với mong muốn được Chúa nhậm lời ban cho chúng ta những nhu cầu về vật chất; một số khác khá hơn nhận ra rằng cầu nguyện còn là những lời tạ ơn vì được Chúa nhậm lời nhưng ít ai thấy rằng cầu nguyện còn là sự thinh lặng. Quả vậy dưới ánh sáng Lời Chúa hôm nay đem lại cho chúng ta nhận thức một khía cạnh mới của cầu nguyện: sự thinh lặng. Maria không nói gì trái lại “cứ ngồi bên chân Chúa lắng nghe Lời Người dạy” (c.39b). Yếu tố này đem lại cho cầu nguyện giá trị của một cuộc đối thoại đúng nghĩa. Trong cuộc đối thoại ấy, sự thinh lặng giúp chúng ta mở ra khả năng lắng nghe và gặp gỡ. Nhờ gặp gỡ Chúa, chúng ta thay đổi chính mình và rộng hơn có khả năng làm thay đổi cả thế giới. Cầu nguyện có sức làm thay đổi cả thế giới là điều hiển nhiên không cần chứng minh. Thế mới rõ lời Chúa khen Maria biết “chọn phần tốt nhất” (c.42b) thật ý nghĩa và sâu sắc vô cùng.

 

Như vậy, qua những gì đã tìm hiểu, chúng ta nhận thấy rằng Lời Chúa là vô cùng cần thiết, tác động tích cực trên cuộc đời của mỗi chúng ta; có sức biến đổi để cuộc đời chúng ta trở nên có ý nghĩa. Phần chúng ta hãy mở trái tim và tai lòng mình ra. Tuy nhiên trong thực tế, chúng ta luôn cảm thấy nặng nề trong cầu nguyện, trong việc đọc và suy gẫm Lời Chúa mà nguyên nhân sâu xa đến từ sự bon chen trong cuộc sống. Vậy tất cả chúng ta nhất là những đan sĩ chiêm niệm trong đó có bản thân phải không ngừng gặp gỡ Chúa qua việc đọc Sách Thánh, chăm chỉ cầu nguyện, tham dự giờ Thần Vụ, Thánh Lễ và chầu Thánh Thể cách sốt sắng. Hãy nhớ rằng cơm, gạo, áo, tiền, thuốc men, nhà cửa…dù cần đến mấy cũng không phải là điều cần thiết nhất nhưng chính Lời Chúa mới là tất cả cho chúng ta. Vậy hãy gác tất cả những gì phù du qua một bên để lời của Vịnh gia trong Tv 15 như một ca khúc mãi ngân vang trong tâm hồn, trong cuộc đời của mỗi chúng ta về thực tại vĩnh hằng:“Chúa là gia nghiệp đời con”.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á