Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN XV TN, B: TRUYỀN BÁ ĐỨC TIN - TRÁCH NHIỆM KHÔNG CỦA RIÊNG AI

Sứ vụ loan giảng Tin Mừng là không của riêng ai. Mỗi người là con cái Chúa, con cái Giáo hội thì phải thi hành sứ vụ loan giảng Tin Mừng như Chúa Giêsu đã chỉ thị: “Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một….các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối”.

 

 

TRUYỀN BÁ ĐỨC TIN - TRÁCH NHIỆM KHÔNG CỦA RIÊNG AI

(Mc 6,7-13)

 

 

Minh An

 

Có thể nói được rằng, Tin Mừng Chúa Nhật XV hôm nay là tin vui vì không chỉ các môn đệ mà chúng ta cũng được tham dự vào sứ vụ truyền bá đức tin, hay là rao giảng Tin Mừng. Đúng vậy, bản văn Tin Mừng trích từ thánh sử Marcô cho chúng ta thấy rõ chỉ thị đó, thể hiện qua các Tông đồ của Chúa: “Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một….các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối”. Khi chỉ thị cho nhóm Mười Hai ra đi, Chúa Giêsu như muốn cho mọi người phải có trách nhiệm trong việc loan giảng Tin Mừng, để đem ơn cứu độ đến cho nhận loại, chứ không chỉ riêng ai.

 

Thật thế, Công đồng Vaticanô II, trong Hiến Chế Tín Lý Về Mầu Nhiệm Giáo Hội cũng đã khẳng định rằng: “Mỗi môn đệ Chúa Kitô đều có bổn phận truyền bá đức tin…” (GH, 17). Và trong Sắc Lệnh Về Hoạt Động Truyền Giáo, Công Đồng Vaticanô II còn nhấn mạnh thêm: “Dù mọi môn đệ Chúa Kitô đều có bổn phận góp phần vào công cuộc gieo vãi đức tin, nhưng Chúa Kitô luôn gọi trong số các môn đệ Người, những kẻ chính Người muốn, để họ ở với Người và để Người sai đi giảng dạy muôn dân…” (TG, 23).

 

Như thế, theo Công đồng Vaticanô II, thì mọi người trong Giáo hội phải có bổn phận và trách niệm trong công cuộc truyền bá đức tin, hay loan giảng Tin Mừng cho thế giới, chứ không phải chỉ dành riêng biệt cho ai cả. Mỗi người đều được mời gọi loan giảng Tin Mừng theo lối sống và sứ vụ của mình. Tất nhiên, những người được tuyển chọn riêng biệt cho sứ vụ truyền giáo thì phải chăm lo và có trách nhiệm nhiều hơn cho sứ vụ của mình.

 

Nhưng, cũng có người sẽ đặt ra câu hỏi để biện minh cho trách nhiệm “trốn tránh” sứ vụ loan giảng Tin Mừng của mình rằng: Tôi nghèo khổ, tôi không có khiếu ăn nói, tôi bị ốm đau bệnh tật, tôi phải lo sống chiêm niệm… thì làm sao tôi đi rao giảng Tin Mừng được?

 

Khi người ta đặt ra những câu hỏi như thế để “trốn tránh” trách nhiệm loan giảng Tin Mừng của mình thì có lẽ Chúa Giêsu sẽ tiếp tục chịu đau khổ, Giáo Hội đau buồn lắm! Những ai đặt ra những câu hỏi cho mình như thế thì đó là những người chưa yêu mến Chúa Giêsu, chưa yêu mến Giáo hội và càng chưa yêu thương các linh hồn. Người thật sự yêu mến Thiên Chúa và biết chăm lo phần rỗi cho các linh hồn, thì cho dù họ gặp khó khăn đến mức nào họ cũng tìm cách làm cho “sự khó khăn” đó trở thành điều kiện tốt nhất để ơn cứu độ của Chúa được đến với mình và các linh hồn nữa.

 

Nếu tôi bị ốm đau bệnh tật không thể đi truyền bá đức tin được ư? Hãy nhìn lên thập giá Chúa Kitô, kết hiệp sự đau khổ của mình với mầu nhiệm thập giá của Chúa trong hoan lạc và chấp nhận những đau khổ đó để vượt qua và tham gia cứu rỗi các linh hồn. Đó là tôi đã truyền bá đức tin cách tốt nhất rồi, tôi đã làm chứng tá về niềm tin sống động cho Chúa rồi.

 

Nếu tôi nghèo khó, không có điều kiện để đi loan truyên Tin Mừng tình yêu ư? Hãy nhìn vào gương mẫu của Thầy Giêsu. Thầy đã trở nên nghèo thật sự khi Thầy nói rõ cho biết: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Thế nhưng, Thầy đã rảo khắp mọi nẻo đường để đem Tin Mừng đến cho nhiều người đó thôi (x. Mt 5,23.tt). Chính thánh Phaolô đã chứng nhận điều này khi nói: “Đức Giêsu vốn giàu sang phú quý nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có giàu có” (2 Cr 8,9).

 

Chúng ta hãy nhìn vào thực tế của các Tông đồ xưa, khi Chúa Giêsu gọi và chọn họ, rồi sai họ ra đi, có mấy người đủ điều kiện, học thức uyên thâm, có tài ăn nói lưu loát… như các kinh sư, thông luật?

 

Hai anh em Anrê và Phêrô làm nghề ngư phủ, suốt ngày quanh quẩn bên mạn thuyền với tấm lưới, lênh đênh trên biển hồ Galilê (x. Mt 4,18-20), để đánh bắt mấy con cá thì làm sao có kiến thức siêu phàm, có tài ăn nói lưu loát để thu phục lòng người? Thế nhưng, ông đã trở thành kẻ thả lưới người (x. Lc 5,10) và trở thành thủ lãnh đầu tiên của Giáo Hội (x. Mt 16,18-19). Sau ngày Chúa Phục sinh, ông đã giảng rất hùng hồn và có trên ba ngàn người nghe và tin đạo (x Cv 2,37-41). Bởi đâu Phêrô được như vậy? Bởi ông đã yêu mến Chúa Giêsu, làm những điều Người truyền dạy, nên ông được Chúa gìn giữ, giúp sức và trao cho sứ vụ cao cả của Chúa.

 

Một Matthêu làm nghề thu thuế, được xem là phường tội lỗi, vì dám “cõng rắn cắn gà nhà” thế nhưng, Chúa vẫn kêu gọi ông làm tông đồ, trở thành khí cụ cho việc loan truyền Nước Chúa (x. Mt 9,9-13). Thánh Matthêu không những chỉ nhiệt thành trong việc rao giảng Tin Mừng, nhưng ngài còn dùng ngòi bút để ghi chép lại lời Chúa trong cuốn Tin Mừng thứ nhất. Đó là một kho tàng giá trị cho Giáo hội cũng như cho mọi người.

 

Hay như một Simon, biệt danh là quá khích, thế nhưng, Chúa Giêsu vẫn gọi và chọn ông làm tông đồ (x. Mt 10,4a). Khi đã được chọn làm tồng đồ, Simon đã rất nhiệt thành trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng và ông đã đón nhận cái chết cách đau đớn để thể hiện lòng trung thành và yêu mến Chúa Kitô trong sứ vụ của mình. Ông đã biến “sự quá khích” của mình thành sự nhiệt huyết trong sứ vụ. Đó mới là điều đáng quý, đáng được tôn vinh nơi ông.

 

Sau ngày Chúa Kitô phục sinh, một Phaolô hăng say lùng bắt các môn đệ Chúa, giết hại các Kitô hữu, nhưng được Chúa kêu gọi làm tông đồ sau cú ngã ngựa (x. Cv 9,1-6). Khi trở thành tông đồ rồi Phaolô đã yêu mến Chúa và rất nhiệt thành trong sứ vụ, đến nỗi ông đã phải thốt lên: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).

 

Và còn nhiều Tông đồ và môn đệ khác nữa, Chúa gọi và chọn họ để đi loan giảng Tin Mừng, không dựa trên những tiêu chuẩn, nhưng họ chỉ là những con người bình thường. Họ không phải là những người xuất chúng, giàu sang, có học thức, có chỗ đứng cao trong xã hội. Chúa Giêsu lựa chọn họ chỉ vì tình yêu. Khi chọn những người như thế, hẳn Chúa đã nhìn thấy ở nơi họ những phẩm chất cần thiết để trao cho họ một sứ vụ phải hoàn thành. Đó là sứ vụ loan giảng Tin Mừng. Và quả thật, các Đồng đồ đã hoàn thành sứ vụ của mình cách tốt nhất để đem ơn cứu độ đến cho muôn dân. Giáo hội và mỗi người con của Giáo hội vẫn tiếp tục sứ vụ truyền bá đức tin đó cho đến tận hôm nay.

 

Nhìn vào danh sách các Tông đồ được Chúa kêu gọi để loan báo Tin Mừng, chúng ta thấy các ngài không phải là những con người hoàn thiện, nhưng còn đó những con người khiếm khuyết, kém tài, bất toàn…Chúa đã bù vào và làm cho họ trở thành sứ giả Tin Mừng đầy lòng nhiệt huyết. Đó cũng là điều an ủi cho chúng ta rất nhiều trong sứ vụ làm tông đồ cho Chúa, vì chúng ta cũng không phải là những con người tài năng, hoàn thiện.

 

Nhìn vào những khiếm khuyết của các Tông đồ và môn đệ Chúa Giêsu, để chúng ta không đưa ra những lý do này - nọ mà trốn tránh trách nhiệm loan giảng Tin Mừng. Thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta: “Anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích” (1Cr 15,58).

 

Nói cho cùng, sứ vụ loan giảng Tin Mừng là không của riêng ai. Mỗi người là con cái Chúa, con cái Giáo hội thì phải thi hành sứ vụ loan giảng Tin Mừng như Chúa Giêsu đã chỉ thị: “Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một….các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối”.

 

Mỗi người được kêu gọi đi loan giảng Tin Mừng bằng chính tình yêu của Thiên Chúa. Loan giảng trong mọi nơi, mọi hoàn cảnh và bằng cách sống của mình, chứ không phải chỉ để dành cho riêng ai. Chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng đã xác định lại rõ ràng rằng: “Mọi người đã được Rửa Tội, bất kể chức năng của họ trong Giáo Hội và trình độ giáo dục đức tin của họ, đều là một chủ thể tích cực của việc rao giảng Tin Mừng, và thật là thiếu sót khi nghĩ về một chương trình truyền giáo được thực hiện bởi các chuyên viên có khả năng, trong khi phần còn lại của các tín hữu chỉ là những người tiếp nhận thụ động. Việc Tân Phúc Âm Hóa liên quan đến vai trò tiên phong mới của từng người đã được rửa tội…” (số 20).

 

Vậy nên, chúng ta hãy luôn ý thức về vai trò và trách nhiệm trong đời sống Kitô hữu của mình là rao giảng Lời Chúa và làm cho danh Chúa được rạng ngời, Nước Chúa được vinh quang, ơn cứu độ của Chúa được đến với mọi người.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á