Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN XIX TN, C: HÃY TỈNH THỨC

Tỉnh thức giúp con người có khả năng chu toàn bổn phận, mới định hướng con đường cho tương lai, mới biết được việc nào nên làm, việc nào nên tránh, mới có thể sống thực tâm với Chúa, thực tình với mọi người và thích ứng được trước mọi hoàn cảnh.

 

 

 

HÃY TỈNH THỨC

(Lc 12,35-40)

 

 

M. Matthêu Lê Văn Viết

 

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại hình ảnh người gia nhân trung tín luôn trong tư thế sẵn sàng chờ đợi ông chủ về để phục vụ. Nói cách khác, chủ đích của bài Tin Mừng hôm nay mà thánh sử Luca nhắm đến liên quan đến tính cách bất ngờ của cuộc Quang Lâm và những hiệu quả của việc tỉnh thức sẵn sàng đón nhận biến cố đó.  Có thể nói điểm nhấn của bài Tin Mừng là thái độ tỉnh thức của người môn đệ. Vậy tỉnh thức có giá trị như thế nào?

 

Giá trị của tỉnh thức

 

Theo cách hiểu thông thường thì “tỉnh thức” là nhận ra hay biết được vấn đề. Tỉnh thức theo Phật giáo đồng nghĩa là giác ngộ, vì giác ngộ là tỉnh ra mà thấu rõ chân lý, không còn để mình sống trong sự lầm lạc và tối tăm. Còn hiểu theo Kitô giáo, tỉnh thức là luôn sẵn sàng đón chờ Đức Kitô trở lại trong ngày cánh chung. Tỉnh thức còn là thái độ cảnh giác trước những nguy hiểm cám dỗ và cạm bẫy trong cuộc sống hằng ngày (x. Từ Điển Công Giáo, 2019, tr. 894). Thánh Phaolô đã nhắc nhở các tín hữu “hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (1Tx 5,6), còn thánh Phêrô cũng khuyên: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8).

 

Chúa Giêsu đã dùng nhiều hình ảnh để diễn tả việc xảy ra đột ngột của ngày Quang Lâm. Ngày đó Con Người sẽ đến bất chợt như nạn hồng thủy, như kẻ trộm, hay như sự trở về bất ngờ trong đêm của ông chủ mà bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến. Tuy nhiên, sau mỗi hình ảnh, điểm chung mà chúng ta bắt gặp trong lời giáo huấn của Chúa Giêsu đó là lời mời gọi tỉnh thức. Bởi có tỉnh thức thì con người mới chu toàn bổn phận, mới định hướng con đường cho tương lai, mới biết được việc nào nên làm, việc nào nên tránh, mới có thể sống thực tâm với Chúa, thực tình với mọi người và thích ứng được trước mọi hoàn cảnh. Vì thế, lời mời gọi của Chúa Giêsu với các môn đệ phải tỉnh thức, nghĩa là phải chu toàn trách nhiệm của mình, sẵn sàng như người đầy tớ ban đêm chờ đợi chủ về. Vậy thái độ sẵn sàng của người đầy tớ này như thế nào?

 

Đó là thái độ “hãy thắt lưng cho cho gọn, thắp đèn cho sáng” (c.35). Theo cách chú giải của Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ thì đây là lối ăn vận của người làm việc (x. c.37 và 17,8) và của người lữ hành mà người Do Thái bắt chước để mừng lễ Vượt Qua (x. Xh 12,11), tỏ lòng mong đợi Đấng Mêsia. Cách chủ giải này giúp chúng ta hiểu việc thắt gọn đai lưng, nhất là trong trường hợp mặc y phục dài của dân Trung Cận Đông xưa, là cần thiết để người ta có thể dễ dàng đi lại và làm việc. Còn thắp đèn cho sáng là tượng trưng cho sự thức tỉnh suốt canh khuya, nghĩa là thức tỉnh suốt thời kỳ ngay trước cuộc Quang Lâm, hình ảnh năm cô trinh nữ khôn ngoan là một minh chứng cụ thể (x. Mt 25,1-13). Như vậy, các môn đệ được kêu gọi luôn thức tỉnh sẵng sàng, trong tư thế phục vụ, để đón chào cuộc trở lại của Chúa Kitô.

 

Hiệu quả của tỉnh thức

 

Phần thưởng dành cho các đầy tớ tỉnh thức là một thực tại chắc chắn, rất đặc biệt, và vượt quá sự tưởng tượng: “Thầy bảo thật anh em: Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lc 12,37). Đây là một phần thưởng ngoài sức tưởng tượng của người đầy tớ, thay vì sai bảo các đầy tớ phục vụ mình thì ông chủ lại đích thân mời các đầy tớ ấy vào bàn ăn và đến bên phục vụ từng người một.

 

Nếu xét hiệu quả của việc tỉnh thức theo phương diện bình thường của con người có thể không mang tính thiết thực, bởi bổn phận của người gia nhân tỉnh thức chờ đợi chủ về để phục vụ cũng là điều hợp tình hợp lý, ông chủ là người trả tiền lương cho gia nhân để gia nhân phục vụ mình, xem ra chi tiết này có vẻ không hợp logic. Tuy nhiên, xét về phương diện ý nghĩa ẩn dụ của câu chuyện, chi tiết này mang một ý nghĩa sâu xa hơn. Có lẽ thánh sử Luca có ý miêu tả bữa tiệc cánh chung của Đức Chúa cùng với các tôi tớ của Người. Trong bữa tiệc cánh chung ấy, Đức Giêsu, trong tư cách là Đấng Cao Cả của Nước Vĩnh Cửu, thi hành quyền Chủ Tể của Ngài trong việc phục vụ. Xét theo nghĩa này thì hiệu quả của việc tỉnh thức được nâng lên ở một mức độ cao hơn hoàn toàn khác xa với cách hiểu thông thường của con người. Vì thế, biến cố Quang Lâm chắc chắn sẽ xảy đến, nhưng người ta không biết trước được khi nào. Do đó, người tin phải luôn sẵn sàng trong một tâm thế hoàn toàn qui chiếu cuộc sống mình về biến cố ấy. Đó không phải là một thái độ sống bị động, càng không phải là một sự chạy trốn cuộc đời. Trái lại, cuộc sống hiện tại phải luôn là một cuộc sống hoàn toàn tích cực, sẵn sàng thực thi thánh ý Thiên Chúa, như người chủ nhà tích cực hành động khi biết thời điểm kẻ trộm xuất hiện.

 

Trong sâu thẳm nơi con người, ai cũng muốn khi cuộc đời qua đi, được kết hợp, được sống trong hay ở gần bên Đấng mà mỗi người tin. Ước muốn là vậy, nhưng khi nhìn vào thực tế, con người thường thích sống dễ dãi, hưởng thụ, tìm những những thú vui nhằm thỏa mãn bản năng. Đây cũng chính là những thách đố mà người môn đệ Chúa Kitô đang phải đối diện. Nói cách khác, một đời sống tỉnh thức, luôn trong tư thế sẵn sàng đòi hỏi người môn đệ Chúa Kitô phải từ bỏ nhiều thứ. Kết quả thì đã rõ, thái độ tỉnh thức, trong tư thế sẵn sàng, sẽ giúp con người đạt được những mong muốn nơi sâu thẳm. Trái lại, một lối sống chỉ lo vun vén, mưu cầu cho bản than, không tỉnh thức và thực thi thánh ý của Thiên Chúa thì khó mà đạt được hạnh phúc viên mãn trong Vương quốc của Ngài.

 

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết tỉnh thức và sẵn sàng trong mỗi phút giây của cuộc sống, để dẫu cho ngay hôm nay, giờ Chúa quang lâm tới, chúng ta cũng không sợ hãi và được Ngài đón vào hưởng hạnh phúc trong Nước Trời.  

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á