Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN XIV TN, C: ĐƯỢC SAI ĐI

Bình an cho nhà này, cho ngôn ngữ này, cho phong tục tập quán này, cho các truyền thống, các giá trị, các nghi thức phải là tâm niệm của những người đi rao giảng Tin mừng. Tin Mừng cần được hội nhập, được sống trong một nền văn hóa của một dân tộc cụ thể, cùng với những phong tục tập quán, truyền thống của dân tộc đó. Và Tin Mừng chỉ có thể được đón nhận trong tình yêu và tự do trong Chúa Kitô.

 

 

 

ĐƯỢC SAI ĐI

(Lc 10,1-12.17-20)

 

 

 M. Porres Toàn

 

Tin Mừng Chúa Nhật XIV Thường Niên C là trình thuật việc Đức Giêsu sai các môn đệ đi truyền giáo. Người sai họ đi như „chiên con đi vào giữa bầy sói…, đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép… nhưng nói bình an cho nhà này” (Lc 10,4). Ngài sai họ đi “cứ từng hai người”, vì theo luật Do Thái, chứng từ hợp pháp phải dựa trên hai hoặc ba nhân chứng (x. Đnl 19,15).

 

Trong suốt hành trình rao giảng Tin Mừng cách công khai, Chúa Giêsu đã rảo quanh nhiều làng mạc với các lộ trình khác nhau. Ngài đã gọi nhiều môn đệ nhưng chỉ chọn trong số đó 12 người làm nòng cốt và được gọi là tông đồ. Tất cả cùng Ngài sống, cùng rao giảng, cùng hành động, nhất là được chứng kiến các phép lạ cũng như gương sáng của Ngài trong đời sống thường nhật.  Rồi với thời gian “chín muồi”, các tông đồ được sai đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Đây là lần đầu tiên họ được sai đi, nên Ngài căn dặn họ nhiều điều và một cách kỹ lưỡng. Đây chính là lệnh truyền của Chúa dành cho các môn đệ.

 

Lệnh truyền này không chỉ dành cho các môn đệ mà cho mỗi chúng ta. Trong Hiến Chế về Giáo Hội, Công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh: “Vì được chịu phép Rửa tội và Thêm Sức, mỗi Kitô hữu đã được chính Chúa trao cho nhiệm vụ làm tông đồ”. Nên khi thi hành sứ mạng làm tông đồ là rao giảng Tin Mừng hay truyền giáo là nhu cầu cấp thiết của mỗi người trong Giáo Hội. Là một người con của Thầy Chí Ái với danh xưng là người Công Giáo, chúng ta phải có tinh thần truyền giáo, rao giảng Tin Mừng cho mọi người chung quanh. Chúng ta được Thiên Chúa gởi đến để đem lại bình an cho người khác. Những người chung quanh mình sẽ dễ dàng đón nhận sứ điệp của chúng ta, nếu sứ điệp đó được loan báo cách vô vị lợi, nhẹ nhàng, trong tinh thần phục vụ, yêu thương. Chứng từ “cứ từng hai người” là hình ảnh yêu thương lẫn nhau, cộng tác với người khác, không ghen tương hay thành kiến, là một chứng từ mạnh mẽ, có giá trị làm cho Tin Mừng dễ được đón nhận.

 

Hôm nay Chúa sai chúng ta làm chứng giữa đời, đôi khi ta thấy mình như những chú chiên non giữa bầy sói hoang. Chúng ta cứ phải trăn trở hoài để Tin Mừng chúng ta rao giảng cho bạn bè, thực sự đáp ứng những khát khao thầm kín của họ: khát khao an bình, tự do, niềm tin và hạnh phúc; khát khao tình huynh đệ, sự chia sẻ, thứ  tha và cảm thông, để những việc chúng ta làm cho họ xoa dịu được nỗi đau nhức nhối, và giải phóng họ khỏi xiềng xích của ác thần, khỏi những nô lệ hoá con người dưới muôn vàn hình thức. Chính Chúa đã dạy mỗi người chúng ta hãy là những ngọn đèn chiếu sáng, và ánh sáng đó cần phải tỏa chiếu trước người khác để mọi người thấy công việc chúng ta làm mà ngợi khen Thiên Chúa. Là một đệ Chúa, chúng ta mang trong mình hình ảnh của Đức Giêsu, yêu như Ngài đã yêu, và trao cho người khác sự bình an và hạnh phúc. Hành động và gương sáng của người Kitô hữu luôn luôn có sức lôi cuốn hơn cả những bài giảng hùng hồn và hấp dẫn nhất thế gian.

 

Chính “sự bình an của các con sẽ đến trên những ai đón nhận Tin mừng”. Bình an cho nhà này, cho ngôn ngữ này, cho phong tục tập quán này, cho các truyền thống, các giá trị, các nghi thức phải là tâm niệm của những người đi rao giảng Tin mừng. Tin Mừng cần được hội nhập, được sống trong một nền văn hóa của một dân tộc cụ thể, cùng với những phong tục tập quán, truyền thống của dân tộc đó. Và Tin Mừng chỉ có thể được đón nhận trong tình yêu và tự do trong Chúa Kitô.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á