Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN VIII PS: CAN ĐẢM LÀM CHỨNG CHO CHÂN LÝ

Đã đến lúc người Kitô hữu phải nhìn lại sứ mạng làm chứng cho chân lý và bản chất ngôn sứ của mình. Muốn vậy, người Kitô hữu cần phải loại trừ nếp sống nhát hèn trong quá khứ, vươn mình về Thiên Chúa, sống trong chân lý và bảo vệ sự thật.

 

CAN ĐẢM LÀM CHỨNG CHO CHÂN LÝ

(Ga 20,19-23)

 

Viết Huy

 

Hôm nay Giáo hội long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Giáo hội cho con cái mình nghe đoạn Tin Mừng Gioan, chương 20,19-23, trường thật lại biến cố Đức Giêsu hiện đến, đứng giữa các Tông đồ và Người chúc bình an cho các ông, thổi hơi vào các ông rồi nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Chúa Thánh Thần là suối nguồn của sự hiệp nhất, sự bình an, ơn biến đổi, ơn can đảm, nhưng ở bài suy niệm này, người viết xin được dừng lại ở chiều kích “ơn can đảm làm chứng cho chân lý”.

 

Đức Giêsu xuống thế để làm chứng cho chân lý

 

Hơn hai ngàn năm trước, Đức Giêsu xuống thế để làm chứng cho sự thật, trong phiên tòa quan Philatô, Người xác nhân điều này: “Tôi đã sinh ra và đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37b). Chính vì tuyên xưng mình là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật mà Đức Giêsu bị dân chúng ném đá (x. Ga 10,29-34). Vì đối với niềm tin Do thái, họ tin chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, ngoài Người ra không có một Thiên Chúa nào khác nữa: “Nghe đây. Hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,4-5). Vì vậy, ai tự xưng mình là Con Thiên Chúa thì mang tội “phạm thượng”, và theo luật Do thái thì bị ném đá cho đến chết, hay bị kết án. Biết mình nói ra sự thật sẽ bị kết tội phạm thượng, nhưng Đức Giêsu vẫn nói. Vì chính Người đến trần gian để loan báo Tin Mừng cứu rỗi và làm chứng cho sự thật. Chân lý “Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật” là chân lý ngàn đời và là nền tảng đức tin Kitô giáo. Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa, như Chúa Cha đã xác nhận qua biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” ( Mt 3,17); và trong biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor Chúa Cha cũng làm chứng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,8).

 

Chính việc nói sự thật và làm chứng cho chân lý “là con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật” mà Chúa Giêsu bị kết án và phải chịu đóng đinh chiếu theo luật Do thái: “Chúng tôi có lề luật; và chiếu theo lề luật, thì nó phải chết, vì nó đã tự xưng mình là Con Thiên Chúa” (Ga 19,7). Có thể nói, trọn cuộc đời Chúa Giêsu đã sống và làm chứng cho chân lý, dù có phải bị khai trừ khỏi dân tộc và bị bà con thân thuộc của mình ghét bỏ, cũng như bị kết án trên thập giá. Người đã hoàn tất sứ vụ loan báo và làm chứng cho chân lý bằng cái chết và sự phục sinh. Trước khi về trời, Đức Giêsu muốn các Tông đồ tiếp nối sứ vụ loan báo chân lý đến với muôn dân, nên Người đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ và sai các ông: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Nói xong Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhấn lấy Thánh Thần” (c. 21b-22).

 

Thánh Thần giúp các tông đồ làm chứng cho chân lý

 

Sau khi Thầy bị giết chết, vì sợ hãi người Do thái, các Tông đồ phải tập trung lại một nơi, ẩn nấp trong một căn phòng các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đã hiện ra, chúc bình an và trao ban Thánh Thần cho các ông: “Bình an cho anh em!”“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Sau khi lãnh nhận bình an và Thánh Thần từ Đức Giêsu, các Tông đồ đã được biến đổi từ những con người sợ hãi, khiếp đảm thành những con người dũng cảm, dám công khai làm chứng cho chân lý trước mặt mọi người. Vậy, chân lý mà các tông đồ làm chứng đó là gì?

 

Đó là: “Đức Giêsu người Nazareth, đã chịu chết trên cây thập giá để cứu chuộc nhân loại và ngày thứ ba được Thiên Chúa cho sống lại”. Chính thánh Phêrô khi được đầy ơn Thánh Thần đã làm chứng cho chân lý này trước mặt toàn dân: “Quý vị biết rõ: Đức Giêsu xuất thân từ Nazareth, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại Giêrusalem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10,38-41).

 

Thánh Phaolô cũng làm chứng về một Đấng Kitô bị đóng đinh: “Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,22-24). Chân lý “Đức Giêsu chịu đóng đinh, chết và sống lại”, đối với ngưới Do thái, là ô nhục, còn đối với dân ngoại là điên rồ, không thể chấp nhận, nhưng đối với những ai tin nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, thì lại là nguồn ơn cứu độ. Vì chính Đức Giêsu đã phán: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16,16).

 

Để làm chứng “Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đã chịu chết và đã phục sinh”, các Tông đồ đã phải chịu bắt bớ, bị đánh đòn, tù đày và dùng cả cái chết để làm chứng. Chính vì thế, hầu hết các tông đồ đã bị giết thê thảm vì danh Đức Giêsu. Chính nhờ những giọt máu đào anh dũng của các tông đồ mà Tin Mừng Đức Kitô được đón nhận trong khắp Giêrusalem và toàn thể địa cầu. Chúng ta cũng là môn đệ của Đức Giêsu, vậy chúng ta phải làm chứng cho Người như thế nào?

 

Người Kitô hữu trong sứ mạng làm chứng cho chân lý 

 

Sống trong một thế giới lấy phương châm giả dối làm bản lề, sức bật để thăng tiến bản thân, giữ vững chức quyền, trục lợi cho mình. Còn sự thật dường như là điều gì đó quá xa xỉ và chỉ đem lại thua thiệt, mất mát cho con người mà thôi. Chính vì vậy, ngày nay trong các nước, xã hội, làng xóm..., nơi nào cũng xảy ra bất công, đàn áp; các nước giàu chèn ép các nước nghèo, người giàu bóc lột người nghèo, kẻ mạnh hà hiếp người yếu. Nhưng thử hỏi: Là người Kitô hữu, là môn đệ của Đức Kitô, là ngôn sứ mang trong mình sứ vụ rao giảng và làm chứng cho chân lý, chúng ta đã làm gì trước những bất công, thị phi đó? Khi đặt câu hỏi này cho chính mình và cũng là lúc nhìn lại suốt chặng đường theo Chúa, chúng ta phải hổ thẹn và đấm ngực, vì biết bao lần chúng ta chứng kiến những bất công xảy ra trong cuộc sống, nhưng chúng ta dửng dưng, mặc kệ, ai ra sao thì ra, miễn sao mình được bình an là được. Biết bao lần chúng ta không dám lên tiếng, không dám bảo vệ chân lý vì muốn an thân thủ thường, không muốn bị liên lụy. Dù biết rằng tiếng nói của mình ít ra cũng góp một phần loại trừ đi những bất công. Đáng trách hơn, biết bao lần chúng ta đã không lên tiếng, mà còn thỏa hiệp hay hùa theo sự ác, chỉ vì quyền lợi hay sự an nguy của mình.

 

Đã đến lúc người Kitô hữu phải nhìn lại sứ mạng làm chứng cho chân lý và bản chất ngôn sứ của mình. Muốn vậy, người Kitô hữu cần phải loại trừ nếp sống nhát hèn trong quá khứ, vươn mình về Thiên Chúa, sống trong chân lý và bảo vệ sự thật.

 

Để loan truyền và bảo vệ chân lý, người Kitô hữu không chỉ rao giảng bằng lý thuyết nhưng phải thể hiện bằng hành động, bằng cả đời sống của mình. Thánh Alberto Hurtadô đã nói rằng: “Trở nên tông đồ không có nghĩa là mang huy hiệu trên áo vét; không có nghĩa là nói về chân lý, nhưng sống chân lý, trở thành hiện thân của chân lý, được biến đổi trong Chúa Kitô” (Christus vivit, số 175).

 

Đúng vậy, những người nghèo, những người chịu bất công, những người đang chịu cảnh bóc lột, họ không mong chờ người Kitô hữu rao giảng một mớ lý thuyết về chân lý, nhưng họ chờ người Kitô hữu cùng đồng hành với họ để đòi lại công lý, cứu họ thoát khỏi bất công, khỏi cảnh nghèo khổ, áp bức... Người Kitô hữu phải biết rằng, nhân loại cần chúng ta rao giảng một Đức Kitô yêu thương và cứu độ họ ngay trong thực tế và trong cuộc sống hiện sinh của họ, bằng chính đời sống yêu thương và xả thân vì công lý, cho dù có phải đối diện với bao hiểm nguy và thiệt thòi về mình. Người Kitô hữu hãy sống yêu thương, thực hành công lý ngay trong đời sống mình trước đã, rồi toàn thể thế giới sẽ trở nên người Kitô hữu sau.

 

Qua những gì đã chia sẻ, chúng ta thấy, sống và làm chứng cho sự thật và chân lý là một thách đố qua mọi thời đại, đặc biệt trong xã hội đang bành trướng sự gian dối như hiện nay. Bởi vì, người sống cho chân lý phải đối diện với muôn vàn thử thách và hy sinh, nhất là có thể hy sinh cả mạng sống mình. Thế nhưng, là môn đệ Đức Kitô, những người bước theo Chúa, những người tìm kiếm, bảo vệ chân lý và sự thật, chúng ta phải xác tín rằng: “Chân lý sẽ giải thoát chúng ta” (x. Ga 8,32). Hơn nữa, chúng ta đã có Đức Giêsu là đường, là sự thật, là sự sống và là tấm gương cho chúng ta tiến bước trên con đường bảo vệ chân lý.

 

Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần cho chúng con, để Người giúp chúng con cảm nhận được trong lòng sự thúc bách rao giảng Tin Mừng không thể cưỡng lại được như thánh Phaolô xưa, để chúng con có thể thốt lên: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng chân lý”. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á