Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN V MC, C: NHỮNG GƯƠNG MẶT

Chúa Giêsu thinh lặng, cúi xuống viết trên đất. Người thinh lặng để mọi người có thời gian lắng đọng tâm hồn.

 

 

 

NHỮNG GƯƠNG MẶT

(Ga 8,1-11)

 

Tùng Linh

 

Trong diễn tiến vụ án người phụ nữ bị bắt gặp phạm tội ngoại tình, tôi nhận thấy có bốn gương mặt gắn liền với bốn hành động cụ thể. Trước hết là gương mặt của những Kinh sư và Pharisêu gắn liền với hành động “giăng bẫy”; thứ hai là gương mặt của đám đông gắn liền với hành động “lên án”; thứ ba là gương mặt người phụ nữ gắn liền với hành động “im lặng”; thứ bốn là gương mặt Chúa Giêsu gắn liền với hành động “thinh lặng và tha thứ”.

 

Gương mặt Kinh sư và Pharisêu

 

Sáng sớm, những Kinh sư và Pharisêu dẫn một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình vào đền thờ, nơi Đức Giêsu đang giảng dạy. Họ dẫn người phụ nữ đến gặp Đức Giêsu để làm gì? Tin mừng trả lời “nhằm thử Chúa Giêsu”. Một cách kính cẩn nhưng cũng không thiếu phần nham hiểm, họ thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, người phụ nữ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, theo luật Môsê, chúng tôi phải ném đá cho đến chết, còn Thầy, Thầy xử như thế nào? Tin mừng cho biết “họ nói vậy nhằm thử Chúa Giêsu”. Theo lẽ thường, bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình thì cứ theo luật mà xử. Nhưng ở đây, họ muốn “giăng bẫy” Chúa Giêsu nên mới nói như vậy. Họ biết là, nếu Chúa Giêsu truyền giết người phụ nữ thì Ngài cũng “chết”; mà tha bổng người phụ nữ thì Ngài cũng chết. Theo như chú giải của Noel Quesson, nếu Người lên án tử hình người đàn bà này, Ngài sẽ xoá bỏ hình ảnh xót thương mà Người đã để lại trong tâm trí kẻ tội lỗi: nhờ đó, Người được quần chúng mến phục, vì tình yêu, vì sự tốt lành của Người. Nếu Người tha bổng người đàn bà tội lỗi này, Người sẽ vi phạm luật Chúa, và có thể bị tử hình vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng đã cấm phạm tội này. Như vậy, sẽ có “vụ xử án Chúa Giêsu” sau vụ xử án người đàn bà này.

 

Và ở đây kết cục của câu chuyện cho thấy câu Thánh vịnh xưa thật đúng: “Chúng mắc bẫy chính chúng bày ra.” Khi các Kinh sư và Pharisêu tố cáo người phụ nữ thì phản ứng đám đông thế nào?

 

Gương mặt đám đông

 

Hội chứng đám đông là việc một nhóm người thực hiện một hành động giống nhau nhưng chủ yếu là hành động theo vô thức, theo phong trào, không hiểu rõ và không nhận thức được ý nghĩa của hành động mình đang làm, thấy người ta làm thì mình cũng bắt chước làm theo, làm a dua theo người khác.

 

Đang đi đường, thấy một đám đông làm một việc gì đó, không ít người ban đầu dừng lại tò mò, sau bị tâm lý đám đông lôi cuốn, nhập cuộc luôn, khiến đám đông trở nên đông hơn!

 

Cũng vậy, trong vụ án người phụ nữ ngoại tình, đám đông lúc đầu chỉ là một nhóm nhỏ đứng chứng kiến sự việc. Sau khi nhóm Kinh sư và Pharisêu yêu cầu Chúa Giêsu xử án, họ bắt đầu cầm trong tay những hòn đá và lớn tiếng “ném nó đi, ném đá nó đi”. Những âm thanh ồn ào đã thu hút những người hiếu kỳ; những người này không biết chuyện gì cũng cầm đá và hô theo “ném đi, ném đá nó đi”. Thật là nguy hiểm.

 

Trước thái độ của đám đông, người phụ nữ ngoại tình đã làm gì?

 

Gương mặt người phụ nữ

 

Trước những lời tố cáo, người phụ nữ ngoại tình không dám nhìn lên mà gục đầu trong im lặng, trong tủi hổ như sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả xảy đến cho mình. Những ánh nhìn khinh bỉ, vừa xấu hổ vừa trách mắng của người thân yêu lẫn những người xa lạ. Những người trước đây yêu thương giờ trở nên lạnh nhạt xa tránh chị. Có lẽ dường như chị cũng gớm ghét chính bản thân mình vì lỗi lầm mình gây nên. Có thể, chị không mong tìm sự cảm thương nơi người khác, chỉ biết xót xa cho phận mình, cho việc mình đã làm. Trong sợ hãi, chị muốn bản án được kết thúc nhanh. Trước sự lớn tiếng của đám đông và sự im lặng sợ hãi của người phụ nữ, Chúa Giêsu đã làm gì?

 

Gương mặt Chúa Giêsu

 

Trong lúc mọi người rẫy bỏ, chỉ có Chúa Giêsu là người hiểu rõ sự tình. Hơn ai hết Ngài hiểu rõ tâm trạng của người phụ nữ ngoại tình. Ngài thấu suốt tâm tư của chị. Lúc đó Ngài thinh lặng. Theo như chú giải của Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Ngài thinh lặng vì không đồng tình với thái độ của những người kết án chị. Ngài phân biệt rõ ràng tội lỗi và tội nhân: tội lỗi đáng ghét nhưng tội nhân thì đáng thương.

 

Chúa Giêsu thinh lặng, cúi xuống viết trên đất. Người thinh lặng để mọi người có thời gian lắng đọng tâm hồn.

 

Chúa Giêsu thinh lặng để lương tâm con người được đánh thức. Nhưng không. Những âm thanh tố cáo càng lớn hơn, càng khủng khiếp hơn. Chúa Giêsu lại tiếp tục cho họ một cơ hội nữa để đánh thức lương tâm bằng việc Ngài cúi xuống và viết cái gì đó trên đất. Sau khi người ta hỏi mãi, Người đã ngẩng đầu lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội thì hãy ném người phụ nữ này trước đi”. Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Câu nói của Chúa Giêsu xoáy tận tâm can họ, lương tâm họ như bừng tỉnh. Từng người một, lớn trước nhỏ sau cúi đầu xuống mà đi.

 

Họ mời Chúa Giêsu làm quan toà xét xử người phụ nữ, không ngờ Chúa Giêsu lại trở thành quan tòa xét xử họ. Họ đợi chờ Chúa Giêsu kết án người phụ nữ, không ngờ Chúa Giêsu lại kết án họ. Họ mang đá đến để ném vào người phụ nữ, không ngờ Chúa Giêsu lại ném một hòn đá vào lương tâm họ.

 

Xét xử các Kinh sư và những người Pharisêu rồi, Chúa Giêsu mới xét xử người phụ nữ. Với ánh mắt dịu dàng, lời lẽ hiền từ, Người nói với người phụ nữ: “Tôi không kết án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Đức giám mục Ngô Quang Kiệt nhận xét: “Thật là một lời phán xét lạ lùng. Lời phán xét của Chúa không tàn nhẫn độc đoán nhưng dịu dàng nhân hậu. Lời phán xét của Chúa không soi mói xét nét nhưng đại lượng bao dung. Lời phán xét của Chúa không cay đắng trách móc nhưng ân cần vỗ về. Lời phán xét của Chúa không sỉ nhục con người tội lỗi nhưng phục hồi nhân phẩm cho ta. Lời phán xét của Chúa không giam cầm tội nhân trong quá khứ, nhưng mở ra cho ta một tương lai. Chúa đã dứt bỏ và quên hết quá khứ lầm lỗi của ta. Chúa không nghi ngờ ta vốn hay phản bội. Chúa hoàn toàn tin tưởng khi trao tương lai vào tay người phụ nữ: “Hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.  

 

Mùa Chay là mùa của canh tân và sống lòng thương xót. Tôi chọn gương mặt nào để sống Mùa chay cho có ý nghĩa? Tôi chọn gương mặt Kinh sư và Pharisêu? Không! Đó là gương mặt của những người ghen ghét đố kỵ, tìm mọi cách gài bẫy để hãm hại người khác. Tôi chọn gương mặt đám đông chăng? Không! Đó là gương mặt của những người không phân biệt được phải trái, trắng đen bằng chính cái nhìn của mình. Tôi chọn gương mặt người phụ nữ chăng? Đó là gương mặt của người biết chấp nhận tội lỗi của mình, và một khi được Chúa tha thứ, sẵn sàng từ bỏ tội lỗi và đổi mới hằng ngày. Tôi chọn gương mặt Chúa Giêsu chăng? Đúng, đó là gương mặt của lòng thương xót.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á