Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN V MC, C: ĐỨC GIÊSU - ĐẤNG GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ THA THỨ

Chúa Giêsu đã đóng quá khứ tội lỗi của chị và mở ra cho chị một tương lai mới. Ngài không cứ tội ta mà xét xử, nhưng để nhờ Ngài mà thế gian được cứu độ. Chúa Giêsu đã phá bỏ lề luật cũ để thiết lập một lề luật mới được xây dựng trên nền tảng của lòng thương xót.

 

 

 

ĐỨC GIÊSU - ĐẤNG GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ THA THỨ

(Ga 8,1-11)

 

M. Lazaro Quyền

 

Phụng vụ càng đi vào những tuần cuối của Mùa Chay, Lời Chúa càng dẫn dắt chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm tình yêu của Chúa. Tuần trước chúng ta đã hưởng nếm tình yêu dịu dàng của Chúa qua hình ảnh người cha nhân hậu. Hôm nay, chúng ta được chìm đắm trong đại dương bao la của Lòng Chúa Thương Xót, qua việc Chúa Giêsu đã tha thứ cho người phụ nữ phạm tội ngoại tình.

 

Tin Mừng Gioan hôm nay thuật lại một phiên tòa. Các kinh sư và những người Pharisêu đóng vai trò “nguyên đơn”. Bị cáo là người phụ nữ với tội danh ngoại tình và họ đặt Chúa Giêsu vào vai trò “thẩm phán”. Tuy phiên tòa mới bắt đầu nhưng bản án chung thẩm họ đưa ra là phải bị ném đá người phụ nữ ngoại tình cho đến chết. Theo Luật Môsê thì ngoại tình là một trọng tội và phạm nhân phải bị ném đá như đã quy định rõ trong sách Lv 10,10 và Đnl 22,13-24. Vì vậy, các kinh sư và người Pharisêu theo Luật Môsê mà kết án người đàn bà này thì không sai. Thực ra, họ không cần đến Chúa Giêsu làm quan tòa. Họ đến hỏi ý kiến Chúa Giêsu là nhằm gài bẫy Người. Nếu Chúa Giêsu đồng ý cho họ thực hiện bản án thì Ngài sẽ đi ngược lại những lời giảng dạy về lòng nhân từ thương xót của mình. Còn nếu Chúa Giêsu bảo hãy tha thứ tức là Ngài đã công khai chống lại Luật Môsê.

 

Vì biết rõ mưu kế của họ nên Chúa Giêsu đã im lặng, cúi xuống viết trên đất. Ngài im lặng không phải vì dửng dưng và càng không phải vì đồng tình với họ, nhưng Ngài thinh lặng để họ có thời giờ nhìn lại bản thân với những dã tâm trong lòng. Nhưng vì họ vẫn cứ hỏi mãi nên Người đã lên tiếng, câu trả lời của Ngài làm cho họ bất ngờ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Họ không thể lường trước câu trả lời của Chúa Giêsu. Họ đem người phụ nữ đến với Chúa Giêsu để Ngài xét xử, không ngờ Chúa lại xét xử họ. Họ đang mong đợi Chúa kết án người phụ nữ, không ngờ Ngài lại kết án họ. Họ đang mong đợi câu trả lời của Chúa Giêsu sẽ là bằng chứng để họ tố cáo Ngài, nhưng không ngờ câu trả lời của Ngài làm cho họ xấu hổ bẽ bàng. Câu trả lời của Chúa Giêsu là viên đá ném vào lương tâm làm cho họ bừng tỉnh, họ nhận ra mình tội lỗi nên đã âm thầm bỏ đi hết.

 

Bây giờ chỉ còn lại Chúa Giêsu và người phụ nữ, chị vẫn đứng đó trong thinh lặng và sợ hãi chờ đợi lời kết án của Chúa Giêsu. Thế nhưng Chúa Giêsu là vị thẩm phán nhân từ và xót thương, thay vì nói lời kết án, Chúa Giêsu lại nói lên lời tha thứ: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Ở phiên tòa này Chúa Giêsu không phải là một thẩm phán nghiêm khắc, nhưng là một trạng sư bào chữa. Một tội trọng đúng ra phải chết nhưng Chúa Giêsu đã tha thứ một cách vô điều kiện, không phải vì Chúa xem nhẹ lỗi lầm của chị nhưng vì “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất” (Lc 19,10). Chúa Giêsu đã đóng quá khứ tội lỗi của chị và mở ra cho chị một tương lai mới. Ngài không cứ tội ta mà xét xử, nhưng để nhờ Ngài mà thế gian được cứu độ. Chúa Giêsu đã phá bỏ lề luật cũ để thiết lập một lề luật mới được xây dựng trên nền tảng của lòng thương xót.

 

So sánh với dụ ngôn người cha nhân hậu vào tuần trước, chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu và người cha cùng có lòng thương xót và tha thứ, nhưng Chúa Giêsu đã thể hiện điều đó ở tầm mức cao hơn. Vì giữa người cha và đứa con hoang đàng, dù cho đứa con có tội lỗi thế nào thì giữa họ còn có mối liên hệ cha con, và hành động quay trở về của người con ít nhiều đã nói lên lòng sám hối, cầu mong sự tha thứ. Còn ở người phụ nữ hôm nay, giữa chị và Chúa Giêsu không có sự ràng buộc nào, và chị cũng không nói lên một lời nào thể hiện sự tin tưởng cũng như lòng sám hối. Thế mà Chúa Giêsu vẫn tha thứ và Ngài chỉ đòi hỏi ở chị một điều “từ nay đừng phạm tội nữa”. Chúa Giêsu như một vị lương y nhân lành, trước tiên phải có lòng thương cảm đối với bệnh nhân cho dù họ đang mang căn bệnh đáng ghê tởm thế nào, Ngài vẫn tìm cách xoa dịu cơn đau và chữa lành vết thương.

 

Chúng ta cũng giống những kinh sư và Pharisêu, dễ dàng kết án người khác hơn là nói lời tha thứ, dễ dàng bắt lỗi người khác hơn là muốn họ sửa lỗi, dễ dàng nhìn thấy quá khứ tội lỗi của người khác hơn là nhìn thấy sự thay đổi của họ ở tương lai. Lời Chúa vẫn luôn mời gọi chúng ta: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (Mt 7,1). Trong nhiều hoàn cảnh thì sự tha thứ là rất khó nhưng không phải là điều bất khả thi. Nhiều vị thánh như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, thánh nữ Maria Goretti, Đấng đáng kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận và biết bao vị tử đạo, đã để lại cho chúng ta tấm gương về lòng bao dung tha thứ cho những ai gây ra đau khổ, thậm chí là gây ra cái chết cho mình. Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong thông điệp Fratelli tutti, số 250: “Đứng trước một thực tại không thể phủ nhận được, không thể giảm nhẹ hay che giấu được, thì sự tha thứ vẫn là điều có thể. Đứng trước một hành động không bao giờ có thể được chấp nhận, được biện minh hay bỏ qua, thì chúng ta vẫn có thể tha thứ. Đứng trước một điều gì đó không thể bị quên lãng vì bất cứ lý do nào, chúng ta vẫn có thể tha thứ. Nếu tha thứ là nhưng không thì nó có thể được thể hiện ngay cả cho một người không hối hận và không có khả năng xin sự tha thứ”.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến và ở lại để yêu thương chúng con, tình thương của Chúa được thể hiện qua sự tha thứ. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết nhìn vào cõi lòng và ý thức con người tội lỗi của mình, để chúng con luôn rộng lòng tha thứ cho nhau, nhờ đó chúng con sẽ xứng đáng đón nhận ơn tha thứ của Chúa: “Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung” (Tv 31,1). Amen.

 

 

 

                                                                                                                      

Thiết kế Web : Châu Á